Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 13 tháng 9 năm 2019 | 14:27

Cần thận trọng khi mở rộng diện tích cây “tỷ đô”

Ra đời năm 2005, khi mọi người còn biết rất ít về cây “tỷ đô” mắc ca, HTX Mắc ca Tân Định (xã Dleya, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk) đã có sản phẩm cung cấp ra thị trường.

Song, phải từ năm 2013 trở đi, khi HTX hoạt động theo Luật HTX mới, công việc sản xuất - chế biến - kinh doanh mới ổn định và phát triển như ngày nay. 

 

1.JPG

Vợ chồng ông Toàn phát quang, tỉa bớt cành cho cây mắc ca.


Lợi ích kép

Ông Đinh Công Định, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Mắc ca Tân Định,  cho biết, HTX có 58 thành viên. Riêng gia đình ông có 20ha mắc ca, khoảng 11-12 năm tuổi, canh tác ổn định từ năm 2005 đến nay. Trong đó,  10ha cho quả loại 1, còn lại là cây 6-7 năm tuổi. Ông đã ươm ghép, tuyển chọn 3 bộ giống mắc ca tốt nhất, đặt tên là D1, D2, D3.

Năm 2018, được mùa mắc ca, gia đình ông Định thu hoạch được 20 tấn hạt loại 1, bán với giá bình quân 116 - 120 triệu đồng/tấn. Năm 2019, do thời tiết không thuận lợi, nắng nóng bất thường ở Tây Nguyên, nên chỉ đạt 18 tấn hạt/ha. Song, giá bán lại tăng, ở mức 120 - 126 triệu đồng/tấn; toàn HTX thu hoạch trên 100 tấn hạt. Sản phẩm chủ yếu được sấy và tách nứt, cung cấp cho thị trường trong nước.

Đặc biệt, năm 2018, HTX bắt đầu thí điểm ép dầu mắc ca, mẻ dầu đầu tiên được 33 lít, với giá bán 1,050 triệu đồng/lít. Năm 2019, ép được trên 100 lít, bán giá 1,2 triệu đồng/lít. Mắc ca hạt rang chín, loại đặc biệt (chiếm 30%), giá 240.000 đồng/kg; loại 1 chiếm 60%, giá 225.000 đồng/kg; loại 2, chiếm 10%, giá 210.000 đồng/kg. Đây là giá bán buôn cho đại lý cấp 1.

Được biết, thu nhập bình quân của  thành viên đạt 3 triệu đồng/người/tháng (gồm có 55 người). Song, cái được lớn nhất là, bà con được sử dụng các dịch vụ chung như: phân bón, thuốc BVTV, kỹ thuật canh tác, chăm sóc cây trồng, xúc tiến đầu ra cho sản phẩm; các thành viên chỉ chăm lo sản xuất. Hội đồng quản trị gồm 3 người, thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, HTX còn có cổ phiếu, với giá 200.000 đồng/cổ phiếu, người mua nhiều nhất là Giám đốc HTX, 90 cổ phiếu (180 triệu đồng); người mua thấp nhất 5 cổ phiếu (1 triệu đồng).

“Trong quá trình canh tác, sản xuất mắc ca, thực ra, không có gì khó. Vấn đề mấu chốt là khâu giống, phải tìm bằng được nguồn giống tốt mới an toàn. Do cây mắc ca 3 năm mới bắt đầu cho quả bói, thời gian này kéo dài 1-2 năm, vì vậy, nếu trồng giống không chuẩn, phải chặt bỏ, thiệt hại rất lớn. HTX sử dụng giống chuẩn của Hoàng gia Thái Lan, Quảng Tây (Trung Quốc) và giống của chương trình hợp tác giữa Úc và Bộ Nông nghiệp và PTNT”, ông Định cho biết.

Thành viên Ban quản trị, ông Lục Anh Toàn, cho biết, gia đình trồng 1ha mắc ca xen 800 cây cà phê, 20 cây sầu riêng; tham gia HTX Tân Định năm thứ 5. Bắt đầu trồng mắc ca năm 2012; năm 2016 thu được 5 tạ quả; năm 2017: 1 tấn quả; năm 2018: 1,2 tấn quả; năm 2019: 1,5 tấn quả (chưa kể, năm nay bị hái trộm khoảng 3 tạ quả). Từ năm 2017 đến nay, giá bán cho HTX ổn định 100.000 đồng/kg. Doanh thu từ các loại cây trong vườn khoảng 250 - 300 triệu đồng/năm.

“Mắc ca đã thu hoạch xong từ tháng 7- 8; tháng 9 -10 vặt lá già sát cành, tỉa bớt cành ở những nơi dày, để cây ra hoa nhiều. Nếu để rậm quá, cây hay bị rệp, ít hoa. Cách bón phân như bón cho cà phê, tưới cho cà phê cũng là tưới cho mắc ca luôn. Thực tế khẳng định, trồng xen mắc ca trong vườn cà phê khá tốt, đem lại lợi ích “kép” cho nhà vườn”, ông Toàn chia sẻ.

Hình thành chuỗi sản xuất, hướng đến xuất khẩu

Chủ tịch Liên minh HTX Đắk Lắk, ông Trần Tuấn Anh, cho biết: “HTX Tân Định được xếp vào tốp HTX kiểu mới hoạt động khá của Liên minh HTX Đắk Lắk. Là đơn vị tổ chức sản xuất tốt, làm ăn có lãi, có uy tín với các thành viên và nông dân; nhất là việc chấp hành quy định về báo cáo tình hình sản xuất và tài chính hàng năm. Đặc biệt, HTX Tân Định liên kết chuỗi sản xuất khá tốt, giúp ổn định đầu ra cho bà con, tránh bị tư thương lợi dụng, ép giá” 

Theo  ông Trần Tuấn Anh, năm 2019, ngân sách tỉnh giao cho Liên minh HTX 450 triệu đồng, để hỗ trợ xây dựng mô hình. Hiện, đang hỗ trợ cho 5 HTX, trong đó, có 3 HTX xây dựng mô hình điển hình tiên tiến, với tổng số tiền hỗ trợ 270 triệu đồng; 2 HTX xây dựng mô hình HTX sản xuất gắn với chuỗi nông sản chủ lực của tỉnh, tổng số tiền hỗ trợ là 180 triệu đồng.

Hy vọng, thời gian tới, khi cây mắc ca phát triển mạnh ở Đắk Lắk, sẽ hình thành nhiều mô hình HTX kiểu mới như Tân Định,  giúp các thành viên và địa phương làm giàu từ cây mắc ca và hướng tới xuất khẩu.

TS. Trần Vinh, Phó viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông - lâm nghiệp Tây Nguyên, cho rằng, mắc ca là loại cây mới du nhập khoảng 10 năm. Đối với loại cây công nghiệp, khoảng thời gian đó là chưa đủ để đánh giá tính hiệu quả. Hiện nay, nhà nước đã có quy hoạch về sản xuất cây mắc ca nhưng còn chung chung. Để tránh thiệt hại cho người dân, chính quyền địa phương phải có quy hoạch cụ thể khu vực nào, xã, thôn nào phù hợp với cây mắc ca vì loại cây này chỉ phù hợp khu vực có độ cao nhưng không gió, nhiệt độ không quá nóng cũng không quá lạnh, thời điểm ra hoa phải có ánh sáng nhưng không sương mù...

Bên cạnh đó, điều TS. Trần Vinh quan tâm nhất là đầu ra sản phẩm. Theo ông Vinh, phải có quy hoạch cụ thể chuỗi sản xuất từ khâu trồng, thu mua, chế biến và tiêu thụ. Quả mắc ca nếu để lâu sẽ giảm lượng dầu, giảm chất lượng.

TS. Trần Vinh không phủ nhận nếu làm tốt, hiệu quả kinh tế từ cây mắc ca sẽ rất cao nhưng cho rằng hiện nay loại cây này phát triển chưa thực sự bền vững, chưa có nhiều thông tin khoa học để định hướng, hướng dẫn. "Chúng tôi khuyến cáo người dân nên trồng xen canh mắc ca với cây cà phê vì 2 loại cây này bổ trợ rất tốt cho nhau. Nếu cây mắc ca không cho hiệu quả kinh tế thì vẫn còn cây cà phê. Việc ồ ạt chặt bỏ các loại cây trồng khác để trồng mắc ca sẽ gây ra nhiều hệ lụy như từng xảy ra với cây điều, cà phê. Thực tế, chúng tôi đã khảo sát rất nhiều vườn mắc ca của người dân nhưng tỉ lệ vườn thành công rất ít", TS. Trần Vinh nói.

Còn ông Đoàn Doãn Toản, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Pắk, cho hay: “Cần phải quy hoạch cụ thể chuỗi sản xuất từ khâu trồng, thu mua, chế biến và tiêu thụ, đảm bảo sản xuất có hiệu quả, giảm thiểu rủi ro cho người trồng.

Đặc biệt là sự song hành của HTX,  doanh nghiệp thu mua, chế biến với người nông dân để tìm đầu ra ổn định, bền vững cho hạt mắc ca”.

 

Dương An Như
Ý kiến bạn đọc
  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Nỗ lực Dần Thàng

    Nỗ lực Dần Thàng

    Chỉ vài ba năm trở về trước, xã Dần Thàng (Văn Bàn, Lào Cai) còn là một địa danh ẩn sâu trong những tán rừng, được bao bọc bởi nhiều dãy núi, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Dao. Quyết tâm XD NTM đã khiến Dần Thàng “chuyển động”, mạnh mẽ nhất là phong trào phát triển kinh tế.

  • Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu, bền vững, từng bước hiện đại đang được Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Quảng Trị triển khai có hiệu quả.

  • Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Để "đặt chân" sâu hơn vào thị trường quốc tế đòi hỏi sản phẩm OCOP cần phải khắc phục hạn chế và sản xuất cái thị trường cần thay vì cái mình có, định vị thị trường và mở kênh bán hàng…

Top