Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 12 tháng 8 năm 2021 | 21:43

Cần Thơ nỗ lực hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân

Hiện, nông sản tại TP. Cần Thơ cũng như khu vực ÐBSCL bị tồn đọng do vận chuyển khó khăn, doanh nghiệp hạn chế thu mua.

nhan-idol.jpg

Nhãn Ido được trồng tại xã Định Môn, huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ. Ảnh: Báo Cần Thơ

 

Nhãn khó tiêu thụ

Ông Phạm Văn Lơ, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) nhãn Nhơn Nghĩa ở ấp Nhơn Phú 1, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Ðiền, TP Cần Thơ, cho biết: “Hơn 1 tuần nay nhiều diện tích trồng nhãn Ido tại HTX trái đã chín rộ trên cây, ước sản lượng khoảng 20 tấn nhưng chưa thu hoạch được vì không có thương lái thu mua. Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội và nhiều chợ truyền thống phải tạm ngưng hoạt động nên nông dân cũng không thể cắt nhãn ra chợ bán. Nhãn đã chín không thể để lâu trên cây nên các xã viên HTX vô cùng lo lắng. Dự kiến trong 1-2 tuần nữa, HTX tiếp tục có thêm gần 10 tấn nhãn chín cần thu hoạch”.

Nhiều nông dân trồng nhãn Ido, nhãn xuồng cơm vàng và thanh nhãn tại phường Thới An, quận Ô Môn, TP Cần Thơ cũng gặp khó trong tiêu thụ dù giá giảm thấp. Gần đây, giá nhãn Ido được nông dân bán cho thương lái chỉ ở mức 6.000-7.000 đồng/kg, giảm hơn 10.000 đồng/kg so với những tháng trước. Nhãn xuồng cơm vàng hiện ở mức 8.000-12.000 đồng/kg, trong khi hồi đầu vụ cách nay hơn 1 tháng có giá 35.000-40.000 đồng/kg. Còn giá thanh nhãn khoảng 20.000 đồng/kg, mức giá này chưa bằng 1/3 so với giá bán thanh nhãn của các năm trước. Với mức giá này, nông dân chắc chắn thua lỗ do giá thành sản xuất năm nay khá cao, nhất là giá phân bón và nhiều loại vật tư phục vụ sản xuất liên tục tăng cao.

Ông Nguyễn Thành Nghi, Giám đốc HTX nông nghiệp Thới Trinh ở khu vực Thới Trinh, phường Thới An, quận Ô Môn, cho biết: “Dù giá nhãn xuồng cơm vàng và thanh nhãn giảm rất thấp nhưng vẫn khó tiêu thụ do có ít người thu mua, nhất là các tiểu thương và đầu mối thu mua với số lượng lớn để tiêu thụ tại thị trường TP Hồ Chí Minh. Vào thời điểm này (ngày 2-8), HTX ước có khoảng 30-35 tấn nhãn xuồng cơm vàng và hơn 40 tấn thanh nhãn đã chín nhưng chưa bán được, kéo dài thêm 5-10 ngày nữa là nhãn sẽ bị hư, rụng. HTX cũng rất lo khi đang có một lượng nhãn Ido lên đến hàng trăm tấn sắp chín chuẩn bị thu hoạch, cần tìm đầu ra”.

HTX nông nghiệp Thới Trinh có 60 xã viên, với diện tích canh tác nhãn gần 50ha, trong đó có gần 29ha đạt theo tiêu chuẩn VietGAP, với các loại nhãn Ido, xuồng cơm vàng và thanh nhãn. Theo ông Nguyễn Thành Nghi, nhờ ngành chức năng hỗ trợ kết nối cung - cầu và HTX kết nối được với hệ thống cửa hàng tiện ích Bách Hóa Xanh mà trong những tuần qua đã có 30 tấn nhãn Ido của HTX được tiêu thụ.

Tuy nhiên, lượng nhãn Ido sắp thu hoạch tại HTX trong một vài tuần tới còn rất lớn, khoảng 100-200 tấn nên chúng tôi rất cần có thêm nhiều đơn vị thu mua. Ðối với nhãn xuồng cơm vàng và thanh nhãn, do chưa kết nối được các đơn vị thu mua với số lượng lớn nên gần đây chủ yếu bán nhỏ lẻ cho một số tiểu thương tại địa phương. Thường mỗi tiểu thương chỉ thu mua từ vài chục ký đến khoảng 100 kg/ngày nên đầu ra rất chậm, nhãn tồn đọng rất lớn. Có một số siêu thị và khách hàng ở các tỉnh có nhu cầu mua hàng nhưng HTX không giao hàng được do không có phương tiện vận chuyển và khó đi lại giữa các địa phương trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Tồn đọng trên 455,1 tấn nông sản

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, trong những ngày giãn cách xã hội, phần nhiều nông sản được kết nối tiêu thụ. Nhưng thành phố vẫn còn một số loại nông sản đang tìm đầu mối tiêu thụ. Ðiển hình nhãn, cam, mít, rau các loại, thủy sản… đã đến kỳ thu hoạch, đang cần thương lái thu mua, tiêu thụ, hạn chế ứ đọng trong vườn, ao nuôi. Ở huyện Phong Ðiền có loại trái cây đặc thù là dâu Hạ Châu vào mùa thu hoạch, dự kiến có từ 4.000-5.000 tấn đang cần thương lái đến thu mua đưa đi tiêu thụ.

Chỉ tính từ ngày 21/7 đến nay, cây ăn trái trên địa bàn thành phố có tổng sản lượng cung ứng là 1.421 tấn, trong đó sản lượng được tiêu thụ là 967,8 tấn, sản lượng tồn đọng trên 455,1 tấn. Nhãn là cây trồng đang vào mùa thu hoạch, với sản lượng cung ứng là 910,9 tấn, trong đó tiêu thụ được trên 770 tấn, sản lượng tồn đọng là 140,1 tấn; mít có sản lượng cung ứng 62 tấn, trong đó tiêu thụ được 2 tấn, sản lượng tồn đọng, chờ tiêu thụ là 60 tấn…

Các mặt hàng rau các loại với sản phẩm cung ứng là 957,5 tấn, trong đó tiêu thụ được 592 tấn, sản phẩm tồn đọng là 365,5 tấn.

Thủy sản các loại có tổng sản lượng cung ứng là 3.697 tấn, trong đó sản lượng được tiêu thụ là 2.502 tấn, sản lượng tồn đọng 1.195 tấn.

Ðặc biệt, nguồn cung cá tra 2.404 tấn, chỉ tiêu thụ được 1.654 tấn, tồn đọng là 750 tấn; cá ao (mương vườn) có sản phẩm cung ứng là 999 tấn, tiêu thụ được chỉ 649 tấn, sản phẩm tồn đọng chờ tiêu thụ là 350 tấn; cá đồng nuôi chuyên canh là 280 tấn, trong đó tiêu thụ 195 tấn, sản phẩm tồn đọng là 85 tấn…

Ngoài ra, các sản phẩm chế biến từ thủy sản tồn đọng là 36,9 tấn và 21.700 gói (sản phẩm chế biến có nguyên liệu từ thủy sản); các sản phẩm chế biến từ bột, gạo, các loại hạt đều không tiêu thụ được và tồn kho với số lượng khá lớn.

Nguyên nhân, do ảnh hưởng dịch và giãn cách xã hội nên kênh xuất khẩu và các kênh bán hàng (nhà hàng, quán ăn, điểm bán lẻ, chợ…) đều ngưng hoạt động dẫn đến hàng tồn đọng.

Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho biết: Trong thời gian đầu thực hiện giãn cách xã hội do bị động trong khâu thu hoạch và vận chuyển nông sản nên nông dân, các hợp tác xã sản xuất gặp khó khăn trong tiêu thụ nông sản. Tuy nhiên, nhờ có Tổ công tác đặc biệt phía Nam của Bộ NN&PTNT (Tổ 970) phối hợp cùng địa phương tích cực vào cuộc, tìm đầu mối kết nối tiêu thụ nông sản, giúp tháo gỡ phần nào khó khăn cho nông dân. Trong đó nhãn đang vào mùa chín rộ, tiêu thụ khó khăn, nhất là ở một số hợp tác xã trồng nhãn ở huyện Cờ Ðỏ. Nhưng, nhờ sự hỗ trợ của Tổ 970, ngành chức năng thành phố, Công ty VINA T&T và một số siêu thị đến thu mua, tiêu thụ.

Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT TP Cần Thơ liên hệ với các lực lượng vũ trang, quân đội, siêu thị, cửa hàng tiện ích… để cung cấp mặt hàng rau, củ, quả của các hợp tác xã, nông dân. Mặt khác một số chợ bình ổn giá cũng góp phần tiêu thụ hàng nông sản cho nông dân…

Nỗ lực gỡ khó

UBND TP Cần Thơ đã chỉ đạo các ngành chức năng tạo thuận lợi cho phương tiện vận chuyển hàng hóa nông sản đi tiêu thụ, đảm bảo cung cấp đầy đủ và phục vụ cho người dân các mặt hàng thiết yếu trong những ngày tới. Việc vận chuyển, tiêu thụ nông sản phải đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19. Nông sản, sản phẩm hàng hóa được chế biến từ nông sản tiếp tục được thông xe, vận chuyển thông qua việc duy trì và nâng cao chất lượng phục vụ cho hệ thống các siêu thị, cửa hàng tiện ích, điểm bán hàng bình ổn giá, khu vực thực hiện mô hình đưa chợ ra phố... nhằm kịp thời cung cấp cho người dân tiêu dùng trong thời gian giãn cách xã hội.

Theo Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, thực hiện giãn cách xã hội từ ngày 19/7 đến nay, các mặt hàng thiết yếu, như thịt trâu, bò, heo, gia cầm hơi... đều được tiêu thụ hoàn toàn, không tồn đọng như các mặt hàng nông sản khác. Trong những ngày đầu tháng 8-2021, lượng hàng hóa thiết yếu đã nhập về thành phố trên 116 tấn, gồm: thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm...

Hiện nay, sức mua tại các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích tăng khoảng 5-10% so với cuối tháng 7, các hoạt động mua bán đều phải tuân thủ nghiêm các quy định “5K”, phòng, chống dịch COVID-19.

Ðối với sản phẩm cây ăn trái, hiện một số hợp tác xã, nông dân cũng đã tìm cách đưa sản phẩm đi tiêu thụ; người dân đã đưa nhãn ra một số điểm bán lẻ tại trung tâm TP Cần Thơ. Cụ thể, tại một điểm bán của nông dân ở đường Trần Hưng Ðạo (phường An Phú, quận Ninh Kiều), nhãn Ido vừa thu hoạch có giá 15.000 đồng/kg, mỗi bọc gồm 5kg.

Ông Lê Văn Suốt, Giám đốc Hợp tác xã trồng nhãn Thới Hưng (huyện Cờ Ðỏ, TP Cần Thơ), nhớ lại: 2 tuần trước, thành viên hợp tác xã lo lắng không tiêu thụ được vườn nhãn trên 85ha của các thành viên. Thế nhưng chỉ vài ngày sau khi có Tổ 970, “luồng xanh” vận chuyển được khơi thông, tìm được nhân công hái nhãn nên hơn 100 tấn nhãn bán được với giá 7.500 đồng/kg…

Ông Hà Vũ Sơn, Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, cho biết, nhờ các giải pháp quyết liệt của bộ, ngành Trung ương và thành phố nên nông sản được vận chuyển tiêu thụ được thuận lợi hơn. Ðặt biệt, hàng nông sản đã đến được với 8 siêu thị, 134 cửa hàng tiện ích đang hoạt động trên toàn thành phố, cung cấp hàng hóa dồi dào cho người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương phối hợp với các quận, huyện tổ chức hàng chục điểm bán hàng bình ổn, mô hình “mang chợ ra phố”, góp phần giải quyết nông sản tồn đọng cho nông dân. Sở Công Thương thành phố tiếp tục đề nghị cơ quan chức năng, UBND các quận, huyện tạo điều kiện thuận lợi cho tiểu thương, doanh nghiệp thu mua hàng hóa nông sản trên địa bàn, nhưng phải đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19…

Hiện, do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, một số chợ đầu mối tạm ngưng hoạt động, việc vận chuyển hàng hóa hạn chế; doanh nghiệp giảm thu mua hoặc có thu mua nhưng số lượng ít, thiếu lao động… nên tình hình tiêu thụ nông sản gặp khó khăn.

Trong khi đó tại các quận, huyện thuộc TP Cần Thơ vẫn còn tình trạng sản xuất nông sản ở các hộ dân nhỏ lẻ, chưa có đầu mối tổ chức thu gom... Do đó rất cần ngành chức năng, chính quyền địa phương hỗ trợ nông dân kết nối tiêu thụ với các doanh nghiệp, kênh bán lẻ, phân phối hàng hóa nông sản, nhất là sản phẩm rau màu, cây ăn trái…

 

Theo baocantho.com.vn

Ý kiến bạn đọc
  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Nỗ lực Dần Thàng

    Nỗ lực Dần Thàng

    Chỉ vài ba năm trở về trước, xã Dần Thàng (Văn Bàn, Lào Cai) còn là một địa danh ẩn sâu trong những tán rừng, được bao bọc bởi nhiều dãy núi, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Dao. Quyết tâm XD NTM đã khiến Dần Thàng “chuyển động”, mạnh mẽ nhất là phong trào phát triển kinh tế.

  • Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu, bền vững, từng bước hiện đại đang được Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Quảng Trị triển khai có hiệu quả.

  • Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Để "đặt chân" sâu hơn vào thị trường quốc tế đòi hỏi sản phẩm OCOP cần phải khắc phục hạn chế và sản xuất cái thị trường cần thay vì cái mình có, định vị thị trường và mở kênh bán hàng…

Top