Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 10 tháng 5 năm 2019 | 11:41

Cần xây dựng thương hiệu cho mật ong Hoá Trung

Hàng chục năm trước, người dân xã Hoá Trung (Đồng Hỷ - Thái Nguyên) đã nuôi ong mật. Khi sản phẩm trở thành hàng hoá, bà con thành lập Hợp tác xã (HTX) Nuôi ong Phúc Thành, quy mô 6.000 đàn ong.

img_5134.JPG
Ông An (phải) cùng cán bộ Phòng Nông nghiệp Đồng Hỷ, thăm mô hình nuôi ong hộ thành viên.

Để mật ong Hoá Trung thành sản phẩm OCOP (Mỗi xã một sản phẩm), có rất nhiều việc phải làm, nhưng trước hết phải xây dựng cho được thương hiệu.

Sản phẩm sạch, tự nhiên

Ông Phạm Trung An, Chủ tịch HĐQT HTX Phúc Thành, cho biết, hàng chục năm trước, người dân xã Hoá Trung đã nuôi ong mật, song, chủ yếu để dùng trong gia đình, làm quà biếu, mỗi nhà chỉ vài chục đàn ong. Riêng gia đình ông có 10 đàn, tương đương 10 thùng ong, thu hoạch 40- 50 lít mật/năm.

Từ năm 2010 đến nay, phong trào nuôi ong phát triển, các hộ nuôi ong lập thành nhóm, học tập nhau để phát triển nghề. Hiện, tổng đàn ong của các hộ lên đến 6.000 đàn, bình quân khoảng 10kg mật/đàn. Sản phẩm làm ra bao nhiêu tiêu thụ hết bấy nhiêu, thậm chí không đủ cung cấp cho thị trường.

Do đàn ong phát triển nhanh, nuôi nhóm hộ không phù hợp. Vì vậy, tháng 7/2018, bà con thành lập HTX Nuôi ong Phúc Thành, với 32 thành viên. Ông An, người có thâm niên làm chủ nhiệm HTX 33 năm nay, được bầu làm Giám đốc, kiêm Chủ tịch HĐQT. Hiện, các thành viên đã trang bị máy quay mật, trị giá 3,5 - 4 triệu đồng/máy (tuỳ theo số lượng đàn ong để mua máy). Mật ong quay máy vẫn đảm bảo chất lượng như vắt tay thủ công, song  tiện lợi và nhanh hơn nhiều.  

Khi mật ong Hoá Trung trở thành hàng hoá, bà con liên kết với Công ty Ong Trung ương, Công ty Ong miền núi, Trường Đại học Nông- Lâm Thái Nguyên nhằm tìm sự hỗ trợ về kỹ thuật và giúp người dân quản lý, phát triển đàn ong tốt hơn. Mặt khác, HTX cũng chủ động cử các thành viên đi tham quan mô hình, học tập quy trình nuôi ong mới để phổ biến kinh nghiệm cho bà con.

Thức ăn cho hàng ngàn đàn ong ở Đồng Hỷ khá phong phú, mặc dù có mùa đông  lạnh, nhưng khí hậu chủ yếu ôn hoà. Đặc biệt, Đồng Hỷ có diện tích cây ăn quả có hoa khá lớn như: vải, nhãn, bưởi; keo, bạch đàn; hoa rừng tự nhiên, rừng trồng nhiều. Hoa nào màu mật ấy, mùa nào mật ong ấy, đã làm hài lòng khách du lịch trên mọi miền đất nước, nhiều thập niên qua. 

“Cần đưa  nghề nuôi ong  mật vào chủ đề “Sản phẩm xanh, ứng phó biến đổi khí hậu”, vì phát triển cây ăn quả, trồng rừng, giữ rừng, chống xói mòn đất là những việc người nuôi ong đang đặc biệt quan tâm, vì đây là nguồn thức ăn vô tận cho đàn ong. Hiện, nhiều quốc gia trên thế giới đã có xà phòng mật ong; mỹ phẩm; nến sạch làm từ mật ong. Vì vậy, mong muốn của các hộ gia đình và HTX là sớm xây dựng thương hiệu, để mật ong Phúc Thành thành sản phẩm OCOP”, ông An đề xuất ý kiến.

Xây dựng thương hiệu

Bà Đào Thị Dung, Chủ tịch Hội Làm vườn Thái Nguyên, cho biết: “Công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, nhất là nghề nuôi ong mật, rất được Hội chú trọng. Năm 2018, Trung tâm Dạy nghề VAC đã tổ chức được 5 lớp, cho 150 học viên tham gia, trong đó có 3 lớp Sơ cấp nghề nuôi ong mật tại các xã La Bằng, Tân Thái (huyện Đại Từ), Tân Quang (TP. Sông Công).

Các lớp học đã giúp hội viên nắm bắt kỹ năng nghề, khoa học kỹ thuật, giúp bà con mở hướng đi và cách làm ăn hiệu quả để phát triển kinh tế VAC. Đồng thời, tìm đầu ra và bao tiêu sản phẩm cho nông dân như: mật ong, sữa ong chúa, phấn hoa, cần xây dựng thương hiệu để người dân yên tâm sản xuất.

Năm 2019, Hội tiếp tục tư vấn, chế biến và tiêu thụ sản phẩm kinh tế VAC cho hội viên và nông dân. Xây dựng mô hình VAC cho thu nhập cao, mở nhiều lớp đào tạo nghề cho học viên”.

Ông Vũ Văn Mác, Thường trực Văn phòng nông thôn mới huyện Đồng Hỷ, cho biết: “Sản phẩm mật ong của Đồng Hỷ tập trung ở các xã: Hoá Trung, Hợp Tiến, Minh Lập, Quang Sơn, quy mô 30.000 đàn, đạt sản lượng 300.000 lít mật/năm. Song, nổi bật nhất là mật ong của HTX xã Nuôi ong Phúc Thành. Hiện, Phúc Thành đã được trang bị máy tách thuỷ phần, mật ong sau khi xử lý, có chất lượng tốt hơn; do thực hiện quá trình bay hơi nước trong điều kiện chân không (không có không khí), nên không phát sinh các nấm mốc hữu khí, vi khuẩn không tồn tại. Mật ong không bị lên men chua, hay sùi bọt, trào ga khi đóng chai bán lẻ.

Hàng năm, HTX Phúc Thành sản xuất  22 tấn mật ong, doanh thu 1 tỷ đồng. Đáng ghi nhận là, năm 2018, mật ong Phúc Thành đã được chứng nhận sản phẩm đủ điều kiện an toàn thực phẩm và là một trong những mặt hàng thế mạnh của Đồng Hỷ, có thể phát triển thành sản phẩm OCOP”.

Tuy nhiên, để mật ong Phúc Thành thành sản phẩm OCOP, đến nhiều hơn với người tiêu dùng, còn nhiều việc phải làm như: xây dựng thương hiệu mật ong Phúc Thành; có bao bì, nhãn mác đẹp để giới thiệu, quảng bá cho khách du lịch, trước mắt tại các quầy hàng, siêu thị của địa phương.

Mặt khác, theo các hộ nuôi ong, việc phân tích, công bố sản phẩm đối với mật ong, nếu giao cho người dân và HTX chịu trách nhiệm thì rất khó. Bởi họ không có đủ tài chính và năng lực để thực hiện, rất mong sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành trong việc kết nối liên kết giữa HTX với doanh nghiệp. 

 

 

Dương An Như
Ý kiến bạn đọc
  • Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

  • Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Hai bên thống nhất sẽ cùng nghiên cứu, tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ngành ngân hàng nói riêng và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cuba nói chung.

  • Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.

Top