Nguyễn Thành Trung là một trong những tấm gương tiêu biểu cho thanh niên trẻ có chí hướng làm giàu ở xã biên giới Phú Lộc (Tân Châu - An Giang) với mô hình nuôi gà nòi (gà chọi) thả vườn.
Khó khăn ban đầu
Sinh ra và lớn lên trong gia đình thuần nông, năm 2015, sau khi tốt nghiệp Trung cấp Chăn nuôi - Thú y, Trung lên TP. Hồ Chí Minh tìm việc làm để trang trải cuộc sống. Tại đây, Trung làm việc cho một công ty với mức lương khá ổn định, tuy nhiên, anh vẫn luôn ấp ủ ước mơ trở về quê hương để phát triển kinh tế gia đình với hy vọng lập nghiệp nơi mình sinh ra.
Nhận thấy điều kiện tự nhiên ở quê có thể phát triển chăn nuôi, năm 2017, với số vốn của bản thân và gia đình (khoảng 100 triệu đồng), Trung mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi gà nòi thả vườn.
Dù có kiến thức về chăn nuôi, song chàng trai trẻ cũng không ít lần thất bại trong thời gian đầu khởi nghiệp. Ban đầu Trung tận dụng diện tích xung quanh nhà và bờ kênh chưa đến 1.000m2 thả khoảng 200 con gà giống; nhưng vì chưa nắm vững kỹ thuật và chưa chú trọng khâu lựa chọn con giống, gà lại dễ mắc bệnh vào những lúc thời tiết trở trời, Trung thất bại ngay lứa gà đầu tiên do dịch bệnh.
Không nản lòng, Trung tự tìm tòi và đến các địa phương lân cận tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm thực tế và trên internet. Trung tiếp tục đầu tư tái đàn, thất bại lần đầu cho anh thêm kinh nghiệm ở lần nuôi sau, giống gà được lựa chọn là gà nòi năng suất cao, khỏe, chống chọi tốt với dịch bệnh, nhất là chất lượng thịt.
Nhờ nắm vững kỹ thuật, ngay lứa gà thứ hai, 300 con gà đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trung bắt đầu mở rộng quy mô chuồng trại để nuôi gà với số lượng lớn hơn, đến nay khoảng 700 con, trên diện tích 4.600m2. Với số lượng gà trống, gà mái theo tỉ lệ 10 mái + 1 trống.
Theo anh Trung, gà là giống dễ nuôi nhưng cũng dễ mắc dịch bệnh nên cần xác định đúng bệnh để dùng kháng sinh. Định kỳ bổ sung các chất khoáng, vitamin để phòng bệnh. Ngoài ra, cần phun thuốc sát trùng chuồng trại, xung quanh khu vực chăn nuôi và phải cách ly con bệnh. Thường xuyên vệ sinh máng ăn, máng uống. Kiểm tra số lượng đảm bảo đủ để gà không tranh giành, cắn mổ lẫn nhau. Khâu lựa chọn con giống rất quan trọng, bởi ảnh hưởng lớn tới chất lượng và năng suất.
Để có nguồn thức ăn phong phú cho đàn vật nuôi, ngoài thức ăn là gạo, bắp (ngô), Trung còn tận dụng mảnh vườn của gia đình trồng cây chuối sim, vừa tạo bóng mát làm sân chơi cho gà, vừa có nguồn thức ăn cho gà. Nhờ vậy, gà của anh phát triển khá tốt, chất lượng thịt thơm ngon, được thị trường ưa chuộng.
Bình quân mỗi tháng anh xuất bán hơn 100 con gà thịt với giá khoảng 95 ngàn đồng/kg và trên 2.000 con gà giống, trừ chi phí, thu lãi trên 12 triệu đồng.
Ứng dụng công nghệ
Trung chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi: Chất lượng con giống và chất lượng thịt là yếu tố quan trọng nhất để người sản xuất và người tiêu dùng tin cậy.
Theo Trung, ban đầu anh sử dụng máy ấp tự chế và lối ấp truyền thống, nhưng chất lượng không đảm bảo, nên mạnh dạn đầu tư 2 máy ấp trứng tự động, xây dựng nhà cho gà đẻ trứng, hệ thống điện thắp sáng, góp phần giải quyết hiệu quả quá trình tạo ra con giống, trung bình anh ấp khoảng 5.000 trứng/tháng.
Trong giai đoạn úm gà con, Trung luôn theo dõi đàn gà cẩn thận; đảm bảo sử dụng đầy đủ các loại vắcxin để phòng các loại bệnh, như dịch tả, tụ huyết trùng và đặc biệt là cúm H5N1. Cùng với đó, vườn thả gà được khoanh lưới để đảm bảo gà không tiếp xúc với mầm bệnh bên ngoài. Ngoài mô hình nuôi gà nòi thả vườn, Trung còn tận dụng nguồn phân chuồng và trái cây trong vườn bán kiếm thêm thu nhập.
Với mô hình của mình, hàng tháng Trung tạo việc làm ổn định cho 3 lao động ở địa phương; mạnh dạn đứng ra cung cấp con giống cho bà con trong xã yên tâm chăn nuôi.
Xây dựng thương hiệu
Trung cho biết, thời gian tới, sẽ tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi gà, đồng thời tập trung và đẩy mạnh xây dựng thương hiệu gà nòi thịt năng suất cao đến bà con nông dân. Với sự cần mẫn, chịu khó trong công việc, luôn tiếp thu học hỏi những kiến thức mới trong chăn nuôi, đến nay gia đình anh đã vươn lên khá giả và luôn có nguồn thu nhập ổn định.
Ông Lê Văn Dũng, Phó chủ tịch UBND xã Phú Lộc, cho biết: “Qua theo dõi thấy mô hình của Trung đem lại hiệu quả kinh tế khá cao. Xã đã đề nghị thị xã hỗ trợ Trung mở rộng quy mô sản xuất. Đáng nói hơn, dù tuổi đời còn trẻ nhưng Trung đã dám nghĩ, dám làm và biết tận dụng cơ hội và điều kiện sẵn có của địa phương để đầu tư nuôi gà; mạnh dạn ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Bên cạnh đó, anh còn hỗ trợ cho nhiều gia đình có việc làm và học tập, áp dụng mô hình nuôi gà nòi”.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…