Hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế địa phương, không chỉ có ý nghĩa đơn thuần về mặt kinh tế mà còn có ý nghĩa chính trị, xã hội.
Vì vậy, tuyên truyền chính sách BHTG để người dân hiểu và tin tưởng gửi tiền vào các tổ chức tín dụng (TCTD) nói chung, QTDND nói riêng là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN).
Tăng giải pháp củng cố vững chắc hệ thống QTDND
Năm 2019, các QTDND trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận thực hiện cơ cấu lại theo hướng phát triển về quy mô gắn với xử lý nợ xấu, nâng cao năng lực tài chính, chất lượng điều hành, quản trị, tạo chuyển biến tích cực về chất lượng hoạt động.
Triển khai Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 12/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các giải pháp nhằm đảm bảo an toàn hoạt động, củng cố vững chắc hệ thống QTDND trên địa bàn, UBND tỉnh Ninh Thuận đã yêu cầu các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020” trên địa bàn tỉnh; củng cố và nâng cao mức độ an toàn, hiệu quả của QTDND hiện có. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước về hoạt động QTDND đến thành viên, đến cộng đồng dân cư trên địa bàn, qua đó tạo điều kiện để thành viên hiểu biết và tích cực tham gia quản lý, giám sát hoạt động của QTDND.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Chi nhánh tỉnh Ninh Thuận, trong 6 tháng đầu năm 2019, hoạt động tín dụng trên địa bàn tỉnh đạt tốc độ tăng trưởng khá, với tổng nguồn vốn huy động ước đạt 14.300 tỷ đồng, tăng hơn 2.000 tỷ đồng so với cùng kỳ (tỷ lệ tăng gần 18%), đạt 50,5% kế hoạch năm. Điều đó cho thấy, các giải pháp, chính sách tháo gỡ khó khăn, duy trì đà tăng trưởng cho nền kinh tế của tỉnh mà ngành ngân hàng triển khai đã phát huy hiệu quả.
Trong tổng nguồn vốn huy động kể trên, chủ lực vẫn là tiền gửi tiết kiệm từ dân cư, ước đạt 10.100 tỷ đồng, chiếm hơn 70% trong tổng nguồn vốn huy động, tăng gần 1.500 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Thời gian qua, nhìn chung, hệ thống QTDND trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận hoạt động ổn định, nợ quá hạn, nợ xấu thấp, hoạt động kinh doanh có lãi và đã có những đóng góp nhất định trong phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, nhất là phục vụ đắc lực cho chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn, xóa đói, giảm nghèo.
Ông Hồ Chu Vân - Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Ninh Thuận cho biết: Năm 2019, NHNN tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện các nhiệm vụ cơ cấu lại QTDND theo hướng “an toàn, hiệu quả và phát triển bền vững”. Kiện toàn bộ máy tổ chức, nâng cao vai trò tự kiểm tra, kiểm soát nội bộ, cân đối giữa huy động vốn và sử dụng vốn, kiểm soát chất lượng tín dụng.
Thực tiễn khẳng định sự đúng đắn của chính sách bảo hiểm tiền gửi
QTDND Nhơn Hải (huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận) được thành lập vào tháng 8/1996. Thời gian đầu việc huy động vốn hết sức khó khăn. Tuy nhiên, với quyết tâm của lãnh đạo Quỹ là tạo uy tín bằng chính hiệu quả hoạt động đã dần tạo được niềm tin, người dân ngày càng gắn bó với Quỹ. Nếu thời kỳ đầu QTDND Nhơn Hải chỉ có 15 thành viên, với số vốn điều lệ 120 triệu đồng thì đến nay, sau hơn 20 năm hoạt động, số vốn điều lệ của QTDND Nhơn Hải đã tăng lên đáng kể với gần 3,7 tỷ đồng và gần 4.000 thành viên tham gia. Tổng nguồn vốn của Quỹ tính đến hết tháng 8/2019 đạt gần 117 tỷ đồng, trong đó chủ yếu huy động từ tiền gửi dân cư.
Ông Chu Long – Chủ tịch Hội đồng quản trị QTDND Nhơn Hải, cho biết: QTDND hoạt động với mục tiêu chủ yếu là hướng đến sự tương trợ giữa các thành viên để góp phần xóa đói, giảm nghèo và phát triển nông nghiệp, nông thôn, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở địa phương. Địa bàn hoạt động của Quỹ nằm trên hai xã có dân số khá đông và đa ngành nghề là Thanh Hải và Nhơn Hải (Ninh Hải). Bên cạnh đó, hầu hết cán bộ của Quỹ đều là người địa phương, nên thuận lợi trong việc kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, đời sống của thành viên cũng như người dân địa phương. Mặc dù quy mô hoạt động nhỏ, nhưng Quỹ luôn quán triệt đến cán bộ, nhân viên cần nhiệt tình hướng dẫn tường tận cho người dân sử dụng vốn đầu tư đúng mục đích, góp phần tiết kiệm thời gian, công sức cũng như giảm rủi ro trong sử dụng vốn vay. Hầu hết các món vay của Quỹ ở mức vài chục triệu đồng và được sử dụng đúng mục đích, giúp nhiều nông hộ trên địa bàn vươn lên thoát nghèo, đời sống ngày càng được cải thiện, một số hộ vươn lên làm giàu.
“Có thể nói, chính sách BHTG đi vào cuộc sống đã thay đổi nhận thức của hầu hết dân cư trên địa bàn. Chính sách BHTG tác động tích cực đến lòng tin của dân chúng, người gửi tiền, cải thiện tâm lý e ngại, phân vân về QTDND, giúp cho việc huy động vốn tăng trưởng và phát triển bền vững” – ông Chu Long chia sẻ.
Chị Phạm Thị Huê (xã Nhơn Hải, Ninh Hải) - người gửi tiền tại QTDND Nhơn Hải, cho biết: Là giáo viên tiểu học, ngoài giờ lên lớp chị cùng chồng, con chăm sóc vườn táo đặc sản của gia đình. Nhờ chăm chỉ, ham học hỏi, vườn táo đã đem về cho gia đình chị khoản thu nhập không nhỏ. Ngoài chi tiêu cho gia đình, tiền học hành cho con nhỏ, số tiền còn lại chị gửi vào QTDND Nhơn Hải, vừa sinh lời vừa tạo điều kiện cho những hộ khó khăn hơn có vốn phát triển sản xuất.
Theo chị Huê, không chỉ gia đình chị, mà bố mẹ, anh chị em của chị, có tiền nhàn rỗi đều gửi vào QTDND Nhơn Hải, bởi Quỹ ở gần nhà tiện đi lại, lãi suất ổn định.
“Vì đây là tiền mồ hôi nước mắt của mình, tiền ăn, tiền học của các con nên tôi vô cùng băn khoăn, đắn đo trong việc lựa chọn nên gửi tiền ở đâu an toàn. Có lúc tính cất trong tủ cho yên tâm. Nhưng rồi được QTDND Nhơn Hải mời tham gia buổi tuyên truyền về chính sách bảo hiểm tiền gửi tôi đã hoàn toàn yên tâm” – chị Huê tâm sự.
Theo đó, tại buổi tuyên truyền này, chị Huê và rất nhiều thành viên các QTDND đã được lãnh đạo NHNN chi nhánh tỉnh, lãnh đạo BHTGVN giới thiệu, giải thích các quy định về BHTG cũng như cách gửi tiền an toàn.
Bà Lưu Thị Khánh Vân – Giám đốc Chi nhánh BHTGVN khu vực Nam Trung bộ và Tây nguyên nhấn mạnh, sự kiện tuyên truyền là dịp để các TCTD, đặc biệt là công chúng hiểu rõ hơn về chính sách BHTG, từ đó giúp người dân an tâm, tin tưởng vào hệ thống các TCTD; tỉ lệ tiết kiệm trong dân gửi vào ngân hàng sẽ ngày một tăng lên, thúc đẩy kênh dẫn vốn chính thức cho phát triển kinh tế.
Để có được những kết quả đáng ghi nhận trên địa bàn, ông Hồ Chu Vân - Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Ninh Thuận đánh giá cao sự phối hợp giữa BHTGVN với NHNN Chi nhánh tỉnh Ninh Thuận, sự đồng hành của BHTGVN với các tổ chức tín dụng, đặc biệt là vai trò quan trọng trong việc ổn định tâm lý người gửi tiền và nâng cao niềm tin công chúng vào hệ thống ngân hàng. Ông Hồ Chu Vân đề nghị trong thời gian tới, BHTGVN tiếp tục đẩy mạnh phối hợp, chia sẻ thông tin với NHNN chi nhánh tỉnh, đồng thời đề xuất các giải pháp giúp QTDND ngày càng phát triển.
Có thể nói, tuy còn không ít khó khăn, nhất là trong việc vận động khách hàng gửi tiền tham gia thành viên của Quỹ, huy động tiền gửi dân cư chưa hẳn như mong muốn, chất lượng tín dụng có lúc chưa như kỳ vọng… nhưng với những kết quả đạt được đáng ghi nhận, các QTDND ở Ninh Thuận đã thực hiện được mục tiêu chung là “cầu nối” giữa người có vốn nhàn rỗi và người cần vốn trên địa bàn, hỗ trợ vốn cho thành viên sản xuất, kinh doanh, đẩy lùi nạn cho vay nặng lãi và góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…