Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 16 tháng 12 năm 2020 | 14:41

Chính sách đặc thù tạo đổi thay mạnh mẽ vùng đồng bào DTTS

Xuyên suốt những năm qua, cùng với chính sách chung cho vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, Đảng, Nhà nước còn ưu tiên hàng loạt các chính sách đặc thù, hỗ trợ, tạo điều kiện tối ưu để vùng đồng bào DTTS.

t18.jpg
Chị Triệu Thị Hồng, xã Nam Cường, huyện Chợ Đồn vui mừng vì được hỗ trợ sản xuất ngô từ nguồn vốn CT135.

 

Xuyên suốt những năm qua, cùng với chính sách chung cho vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, Đảng, Nhà nước còn ưu tiên hàng loạt các chính sách đặc thù, hỗ trợ, tạo điều kiện tối ưu để vùng đồng bào DTTS phát triển kinh tế, thu hẹp dần khoảng cách chênh lệch giữa các dân tộc và không để ai bị bỏ lại phía sau.

Chính sách đi cùng sự quan tâm đặc biệt

Để tạo điều kiện tốt nhất cho vùng DTTS phát triển, từ năm 2010 đến nay, Chính phủ đã phê duyệt một loạt chính sách đặc thù, quan trọng, với kinh phí hàng ngàn tỷ đồng, tập trung vào hai lĩnh vực chính là hỗ trợ giáo dục (Quyết định số 2123/2010/QĐ-TTg và Nghị định số 57/2017/NĐ-CP) và hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội (Quyết định số 1627/2011/QĐ-TTg và Quyết định số 2086/2016/QĐ-TTg).

Những chính sách trên đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng DTTS phát triển. Hạ tầng cơ sở từng bước được cải thiện, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm. Các nhu cầu về y tế, thông tin được đáp ứng; trẻ em được đến trường, học tập, rèn luyện, giảm dần các tệ nạn xã hội…

Đơn cử, tại tỉnh Cao Bằng, việc triển khai Đề án hỗ trợ phát triển KT-XH các DTTS rất ít người giai đoạn 2016 - 2025 đã đem lại cơ hội phát triển rõ nét cho đồng bào Lô Lô sinh sống tại hai huyện Bảo Lâm, Bảo Lạc.

Ông Bế Văn Hùng, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng, cho biết: Với Quyết định 2086, Cao Bằng được phân bổ 8,4 tỷ đồng. Nguồn vốn được tỉnh xác định, tập trung đầu tư phát triển sản xuất, hỗ trợ làm đường giao thông và cấp nước sinh hoạt cho 11 xóm có đồng bào Lô Lô sinh sống tại hai huyện Bảo Lâm, Bảo Lạc. Đây là nguồn lực rất quan trọng giúp đồng bào dân tộc Lô Lô thay đổi dần tập quán sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống…

Tương tự, tại Hà Giang, thực hiện Quyết định 2086, trong 2 năm 2019 - 2020, từ nguồn vốn của Quyết định 2086, tỉnh đã bố trí trên 73 tỷ đồng để triển khai các hạng mục thiết yếu, như: Hỗ trợ sản xuất; hỗ trợ mua sắm nhạc cụ truyền thống; hỗ trợ duy trì hoạt động các đội văn nghệ thôn, bản; bảo tồn kiến trúc, văn hóa truyền thống và các hoạt động bình đẳng giới…

Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 về công tác dân số trong tình hình mới được ban hành cũng xác định mục tiêu: “Bảo vệ và phát triển dân số các dân tộc có dưới 10.000 người, đặc biệt là những dân tộc có rất ít người”.

Quán triệt quan điểm chỉ đạo trong Nghị quyết số 21-NQ/TW, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết chương trình hành động. Theo đó, Chính phủ giao Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án Bảo vệ và Phát triển các DTTS, đặc biệt dân tộc dưới 10.000 người theo hướng bảo đảm sự phát triển đồng đều, bình đẳng giữa các dân tộc...

Trên cơ sở chỉ đạo điều hành của Chính phủ, từ nỗ lực triển khai của Uỷ ban Dân tộc, ngày 10/4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 499/QĐ-TTg (QĐ 499) phê duyệt Chương trình “Bảo vệ và Phát triển các DTTS rất ít người giai đoạn 2021 - 2030”.

Theo chương trình này, 16 DTTS rất ít người sinh sống tập trung trên địa bàn 12 tỉnh (Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Kon Tum) sẽ được hỗ trợ để nâng cao chất lượng dân số. Mục tiêu của Chương trình là hỗ trợ cải thiện tình trạng dân số của các DTTS rất ít người cả về số lượng và chất lượng, giảm mạnh tỷ lệ tử vong mẹ và trẻ em, tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ dưới 5 tuổi, góp phần nâng cao chất lượng dân số, bảo đảm sự phát triển đồng đều và bình đẳng giữa các dân tộc… Có thể khẳng định, đây là chính sách chuyên sâu về hỗ trợ phát triển dân số, thể hiện sự quan tâm rất lớn đến chất lượng thể chất, giống nòi của các DTTS rất ít người…

Không chỉ là chính sách về dân số, càng vui mừng hơn, trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, Ủy ban Dân tộc cũng xây dựng Tiểu dự án số 9 dành riêng cho nhóm dân tộc rất ít người, nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn.

Với Tiểu dự án này, mục tiêu đặt ra là: xóa đói nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào; xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các thôn, bản, nơi sinh sống tập trung của đồng bào DTTS rất ít người. Thực hiện được mục tiêu này, cũng đồng nghĩa với việc bảo vệ môi trường, rừng đầu nguồn, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, giữ vững an ninh phên giậu Tổ quốc.

Theo đó, Tiểu dự án sẽ tập trung vào các nội dung: Hỗ trợ phát triển KT-XH các DTTS rất ít người giai đoạn 2021 - 2025; phát triển KT-XH các dân tộc Cống, Mảng, La Hủ, Cờ Lao; hỗ trợ phát triển KT-XH bền vững người Đan Lai; đầu tư phát triển chăn nuôi gia súc - gia cầm cho hộ DTTS rất ít người và DTTS còn nhiều khó khăn; giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi…

Những đổi thay rõ nét

Theo thống kê của Ủy ban Dân tộc, cả nước có 16 DTTS có dân số dưới 10.000 người, thuộc nhóm các DTTS rất ít người. Đó là những DTTS có điều kiện kinh tế - xã hội hết sức khó khăn, có nguy cơ ngày càng tụt hậu trong quá trình phát triển nếu như thiếu sự quan tâm chăm lo của các cấp, các ngành, chính quyền các địa phương.

 

t19.jpg
Diện mạo mới ở vùng DTTS và miền núi. (Trong ảnh: Làng nông thôn mới Kínonh, xã A Xan, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam).

 

Như cộng đồng dân tộc Rơ Măm, một trong những DTTS rất ít người của nước ta, sinh sống tập trung, duy nhất tại thôn Làng Le, xã Mo Rai, huyện Sa Thầy (Kon Tum). Trong trí nhớ của những người già ở thôn Làng Le, ngày trước, cuộc sống của người Rơ Măm hết sức đơn giản. Đồng bào chỉ mặc khố làm bằng sợi của vỏ cây loong ptô; chặt, đốt, chọc, tỉa là phương thức canh tác chủ yếu và “săn, bắt, hái, lượm” để duy trì cuộc sống.

Nhưng nay, cuộc sống của đồng bào dân tộc Rơ Măm đã khác. Chính quyền địa phương cũng đã vơi đi những lo lắng về sự “biến mất” của người Rơ Măm trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Với các chính sách đầu tư, hỗ trợ toàn diện của Đảng, Nhà nước, đồng bào Rơ Măm ở thôn Làng Le giờ đã có 186 hộ, với 685 nhân khẩu. Trong đó, nữ dân tộc Rơ Măm có 329 người, nam dân tộc Rơ Măm có 356 người - một sự hài hòa, đồng đều để phát triển bền vững ở góc độ dân số học.

Một thay đổi rõ nét là đời sống KTXH ở thôn Làng Le đã khác trước rất nhiều. Già làng, người có uy tín thôn Làng Le, ông Ablong (1 trong 25 đại biểu tỉnh Kon Tum dự Đại hội Đại biểu toàn quốc các DTTS Việt Nam lần thứ II năm 2020 tại Hà Nội) phấn khởi chia sẻ: Bà con mình giờ biết làm ruộng cấy lúa và trồng nhiều cây công nghiệp. Cao su là cây chủ lực ở vùng biên giới này, hộ ít trồng 1 - 2ha; hộ nhiều 9 - 10ha. Một số hộ sắm được máy cày, máy bừa, có ti vi, xe máy…; con em đều được đi học, văn hóa truyền thống đang từng bước được phục dựng, bảo tồn. Người Rơ Măm bớt nghèo rồi, đang vươn lên cùng các dân tộc anh em.

Những chuyển biến mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực của cộng đồng dân tộc Rơ Măm - một DTTS rất ít người từng đứng trước nguy cơ biến mất, là minh chứng rõ nét nhất cho sự phát triển toàn diện của vùng DTTS và miền núi của nước ta sau 75 năm nước nhà giành độc lập. Điều này cho thấy, thúc đẩy phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi luôn là chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước ta, vừa thể hiện sự công bằng trong chính sách phát triển giữa các vùng miền, vừa là sự tri ân, tạo điều kiện để đồng bào được thụ hưởng thành quả của công cuộc đổi mới, phát triển đất nước.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến khẳng định tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội chiều 4/11/2020 trong khuôn khổ kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV: “Trong lúc đất nước còn khó khăn, ngân sách hạn hẹp, đại dịch Covid-19 khiến nhiều chỉ tiêu thu không đạt, nhưng Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ vẫn dành gần 104.000 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương để đầu tư cho vùng đồng bào DTTS và miền núi trong giai đoạn này cho thấy đây là một sự quan tâm rất đặc biệt”

Quyết tâm vươn lên

Đại hội Đại biểu toàn quốc các DTTS Việt Nam lần thứ II vừa khép lại nhưng dư âm của Đại hội vẫn lắng đọng trong trái tim, tâm khảm của tất cả 1.592 đại biểu, những “bông hoa đẹp nhất của núi rừng” trong vườn hoa rực rỡ sắc màu của 54 dân tộc Việt Nam. Bà Lỳ Thị Phương Diện (dân tộc Hà Nhì), Phó Chánh văn phòng UBND tỉnh Điện Biên chia sẻ và kỳ vọng lớn vào Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.

 

t20.jpg

Mô hình trồng cây chanh leo tại xóm Lũng Mòn, xã Lê Lai, huyện Thạch An (Cao Bằng)

 

“Cùng với gần 1.600 đại biểu ưu tú của 54 dân tộc anh em hội tụ về Đại hội lần này, tôi vô cùng hạnh phúc vì được lan tỏa tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, truyền cảm hứng, kết nối đồng bào trên mọi miền Tổ quốc. Càng vui hơn khi được biết lần đầu tiên có một Chương trình mục tiêu quốc gia dành riêng cho vùng đồng bào DTTS và miền núi với tổng mức vốn bố trí cho giai đoạn 2021-2025 là hơn 130.000 tỷ đồng. Là người con của dân tộc Hà Nhì, tôi kỳ vọng, chương trình này sẽ mở ra cơ hội và góp phần thay đổi cuộc sống của đồng bào trên quê hương Điện Biên nói riêng và cả nước nói chung”, đại biểu Lỳ Thị Phương Diện nhấn mạnh.

Cùng với Chương trình mục tiêu quốc gia đang triển khai, thực hiện, tỉnh Điện Biên cũng đã đề ra mục tiêu “Quyết tâm đưa Điện Biên thành tỉnh phát triển nhanh và bền vững” với 9 nhiệm vụ chủ yếu, trọng tâm. Đây là nhiệm vụ lớn với không ít khó khăn thách thức. Tuy nhiên, đồng bào DTTS tỉnh Điện Biên sẽ quyết tâm vươn lên để địa phương mình không bị bỏ lại phía sau và có cuộc sống ngày càng no ấm.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Hạnh, Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) rất vui mừng khi đồng bào các DTTS trên địa bàn huyện được thụ hưởng nhiều chính sách dân tộc.

Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Hạnh, Bình Liêu là huyện miền núi với trên 96% là đồng bào DTTS. Trong những năm qua, nhiều chương trình dự án, chính sách dân tộc của Đảng và Chính phủ đã được triển khai trên địa bàn huyện và đã phát huy hiệu quả.

Đơn cử như các Chương trình 135; Quyết định 2085/QĐ-TTg về chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển KTXH vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017 - 2020... đã tập trung giải quyết những vấn đề khó khăn, bức xúc nhất về đời sống, sản xuất; từng bước cải thiện và nâng cao điều kiện sống cho hộ DTTS nghèo.

Từ huyện có tỷ lệ hộ nghèo gần 50%, nay giảm xuống còn 3,15%. Huyện đã đưa tất cả các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn theo Chương trình 135 từ năm 2019 (trước 1 năm so với lộ trình). Đời sống nhân dân vùng đồng bào DTTS được nâng lên; khoảng cách chênh lệch giữa các vùng, miền rút ngắn. Đồng bào ngày càng tin tưởng vào đường lối đổi mới, sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, tích cực thi đua lao động, sản xuất, giảm nghèo, tham gia xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Hiện nay huyện đang nỗ lực để đạt chuẩn nông thôn mới.

Nhấn mạnh tại Đại hội đại biểu toàn quốc các DTTS Việt Nam lần thứ II năm 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, đầu tư phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS và miền núi là đầu tư phát triển bền vững đất nước, đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội; là yếu tố có tính nền tảng để bảo đảm đại đoàn kết toàn dân tộc.

Trên tinh thần đó, thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị từ Trung ương đến cơ sở nỗ lực cao nhất để giải quyết căn bản những vấn đề bức thiết đặt ra trong thực tiễn, tạo sinh kế, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân, thực hiện phương châm hành động “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cần tập trung khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho đồng bào DTTS; thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập so với mặt bằng chung cả nước.

 

 

 

Thanh Tâm
Ý kiến bạn đọc
  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Nỗ lực Dần Thàng

    Nỗ lực Dần Thàng

    Chỉ vài ba năm trở về trước, xã Dần Thàng (Văn Bàn, Lào Cai) còn là một địa danh ẩn sâu trong những tán rừng, được bao bọc bởi nhiều dãy núi, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Dao. Quyết tâm XD NTM đã khiến Dần Thàng “chuyển động”, mạnh mẽ nhất là phong trào phát triển kinh tế.

  • Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu, bền vững, từng bước hiện đại đang được Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Quảng Trị triển khai có hiệu quả.

  • Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Để "đặt chân" sâu hơn vào thị trường quốc tế đòi hỏi sản phẩm OCOP cần phải khắc phục hạn chế và sản xuất cái thị trường cần thay vì cái mình có, định vị thị trường và mở kênh bán hàng…

Top