Ký kết các hiệp định FTA được đánh giá sẽ mở ra cơ hội to lớn cho thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam. Tuy nhiên, người nông dân và doanh nghiệp cần những thông tin định hướng rõ đường đi để sản xuất và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập quốc tế, độ mở của nền kinh tế ngày càng lớn, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang thực thi các hiệp định thương mại tự do – FTA. Tính đến nay, Việt Nam đã tham gia 16 hiệp định thương mại tự do, trong đó có 13 hiệp định đã ký và 3 hiệp định đang đàm phán.
Việc ký kết các hiệp định này được đánh giá sẽ mở ra cơ hội to lớn cho thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản có giá trị 43 tỷ USD của Việt Nam. Thông qua hai hiệp định CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) và EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU), các mặt hàng nông sản của Việt Nam sẽ có cơ hội được tiếp cận tới 37 thị trường lớn với dân số hơn 1 tỷ người.
Diễn đàn mở tháo gỡ khó khăn
Để tranh thủ cơ hội, đồng thời nhận diện thách thức, những bất cập trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, thương mại nông nghiệp, từ đó đề ra những giải pháp khắc phục, sáng nay (ngày 11/10), Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ 4 với chủ đề “Từ CPTPP tới EVFTA-Cùng Nông dân đi chợ thế giới”.
Phát biểu khai mạc tại diễn đàn, ông Nguyễn Xuân Định, Phó Chủ tịch Trung ương Hội nông dân Việt Nam, cho rằng, Việt Nam đã có nhiều chính sách hỗ trợ nông dân trong sản xuất, cũng như tiêu thụ nông sản. Song, trước tiến trình hội nhập quốc tế sâu, rộng; trước tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu và những khó khăn nội tại trong nước; nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, đó là: Sản xuất nhỏ - Thị trường lớn; đầu tư cho nông nghiệp thấp mà rủi ro trong nông nghiệp cao; tiếp cận vốn, khoa học kỹ thuật, công nghệ ứng dụng trong nông nghiệp; thị trường, thương hiệu nông sản và ô nhiễm môi trường; đất đai manh mún, chất lượng nguồn nhân lực, hạ tầng kỹ thuật, quy hoạch, liên kết vùng và doanh nghiệp trong nông thôn thấp.
Do đó, Phó Chủ tịch Trung ương Hội nông dân Việt Nam cho rằng, diễn đàn chính là không gian trao đổi cởi mở, thẳng thắn những vấn đề thời sự của hội nhập kinh tế quốc tế ở góc nhìn thương mại, xuất, nhập khẩu nông sản mà còn nhằm nâng cao nhận thức cho người nông dân hiểu thế nào là hiệp định thương mại tự do; những thuận lợi, khó khăn, những hàng rào kỹ thuật xuất khẩu nông sản sang một số thị trường trọng điểm... Để cùng với doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu nông sản thô, nông sản qua chế biến sang thị trường các nước tham gia 2 hiệp định CPTPP và EVFTA thì người nông dân cần có những thay đổi gì trong tư duy và hành động?
Diễn đàn cũng đồng thời cũng đặt ra những yêu cầu gì cho việc hoạch định và thực thi chính sách phát triển nông nghiệp, hỗ trợ nông dân tham gia chuỗi giá trị nông sản trong thời gian tới.
Cung cấp nền tảng kiến thức góp phần mở rộng thị trường
Tại phiên thảo luận thứ nhất do TS. Bùi Kim Thùy- Chuyên gia kinh tế quốc tế - thành viên Hội đồng cố vấn - Đại học HARVARD (Mỹ) điều hành, các diễn giả là những nhà quản lý, chuyên gia kinh tế hàng đầu, các doanh nghiệp cùng thảo luận, trao đổi với nông dân về: Thông tin của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam vừa ký kết như: Quy mô thị trường; những mặt hàng xuất khẩu có lợi thế; các cam kết của Việt Nam khi tham gia ký kết các FTA.
Và thực trạng xuất khẩu nông sản của Việt Nam đối với các thị trường thuộc 2 khối CPTPP, EVFTA; các rào cản và thách thức khi xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam vào các thị trường này (rào cản kỹ thuật về an toàn thực phẩm và kiểm địch động, thực vật; rào cản kỹ thuật về truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý; rào cản về trình độ quản trị, trình độ công nghệ ứng dụng trong sản phẩm nông sản- vốn đang là những điểm nghẽn khiến nông sản Việt chưa thể thâm nhập sâu vào các thị trường khó tính như EU, Nhật Bản,…)
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, CPTPP và EVFTA chắc chắn mở ra một giai đoạn hợp tác mới đầy triển vọng, kỳ vọng mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp và tạo ra sức bật lớn cho ngành nông nghiệp của cả Việt Nam và các đối tác.
CPTPP với 10 đối tác; trong đó, có những đối tác mà thông qua Hiệp định này, Việt Nam lần đầu thiết lập mối quan hệ thương mại tự do song phương như Canada, Chilê, Mêhicô và Pêru, sẽ mở ra các cơ hội hợp tác nông nghiệp giữa Việt Nam và các đối tác CPTPP.
Với CPTPP, phần lớn hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam được hưởng thuế suất 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực hoặc sau 3-5 năm. Chẳng hạn như một số loại thủy sản (cá, tôm), các loại rau quả tươi và rau quả chế biến, gạo, các loại hạt khô... Đây là cơ hội tiềm năng để các doanh nghiệp Việt Nam tăng trưởng xuất khẩu cũng như góp phần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng nông lâm thủy sản có thế mạnh của Việt Nam.
Việc tham gia EVFTA sẽ mang lại cơ hội lớn đối với nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam. Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sang EU của nhóm hàng nông sản như sau: gạo (tăng thêm 65% vào năm 2025); đường (8%), thịt lợn (4%), lâm sản (3%), thịt gia súc gia cầm (4%); đồ uống và thuốc lá (5%).
Đại diện Vụ hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cũng cho rằng, mở cửa thị trường nông – lâm - thủy sản EU sẽ xóa bỏ ngay 50% số dòng thuế đối với ngành thủy sản (trừ cá ngừ đóng hộp và cá viên), 50% số dòng thuế còn lại lộ trình cắt giảm từ 3-7 năm, với cá da trơn, mức thuế giảm từ 6,8% hiện nay về 0% vào năm thứ 3.
Khi Hiệp định có liệu lực các sản phẩm trồng trọt như rau quả 520/556 dòng thuế về 0%; rau quả chế biến 85,6% dòng sản phẩm về 0% ; cà phê, hạt tiêu 93% dòng sản phẩm về 0%, riêng sản phẩm điều hưởng thuế 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Gạo tấm cũng về thuế 0% sau 5 năm…
"Đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho ta trong các hiệp định FTA đã được ký kết. Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi EU liên tục là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của ta hiện nay với kim ngạch xuất khẩu là 42 tỷ USD, tổng kim ngạch thương mại song phương là gần 56 USD trong năm 2018", Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đánh giá.
Trong khuôn khổ Diễn đàn, các phiên thảo luận cũng được diễn ra với mục tiêu cung cấp thông tin, giúp doanh nghiệp hiểu rõ, hiểu đúng các cam kết quan trọng trong lĩnh vực nông nghiệp của Hiệp định CPTPP và EVFTA. Đồng thời, thảo luận về các giải pháp, con đường giúp nông dân Việt Nam tự tin vươn ra “chợ thế giới”...
“Do đó, việc cung cấp một cách đúng đắn, toàn diện các thông tin liên quan của hai Hiệp định CPTPP và EVFTA tới cho cộng đồng DN và nông dân đang sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp là rất cần thiết nhằm chuẩn bị nền tảng kiến thức cơ bản, toàn diện cho các DN và các bên quan tâm khác trong quá trình tìm hiểu để xây dựng, mở rộng thị trường trong chiến lược sản xuất kinh doanh hàng nông sản xuất khẩu của mình” - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh./.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.