Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 9 tháng 8 năm 2022 | 13:58

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng thu nhập cho người dân ở Lai Châu

Dịch Covid-19 bùng phát những tháng đầu năm tác động không nhỏ tới nền kinh tế của nông dân Lai Châu.

Nhưng, bằng những nỗ lực của cả chính quyền và người dân, tập trung thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ đã thu được nhiều kết quả quan trọng.

Thu nhập tăng từ cây khoai sọ

Thời điểm này, đến xã Nậm Xe (Phong Thổ), không khó để thấy trên những nương đồi, mảnh ruộng ven suối, hình ảnh những cây khoai sọ đang bắt đầu xuống lá, báo hiệu một mùa thu hoạch khoai bội thu của bà con. Đây là giống cây trồng mới được người đưa vào trồng trên đất ruộng sản xuất lúa, ngô kém hiệu quả. Nhờ phù hợp với chất đất, cây cho năng suất 10 tấn củ/ha, mang lại thu nhập từ 120 - 150 triệu đồng/ha.

 

ccct.jpg

Cán bộ xã Nậm Xe (huyện Phong Thổ) tuyên truyền, hướng dẫn người dân chăm sóc cây khoai sọ.

 

Bà Vàng Thị Ôn (ở bản Vàng Thẳm, xã Nậm Xe) cho biết: Gia đình tôi có thửa ruộng hơn 5.000m2, sau nhiều năm cấy lúa, trồng ngô dần kém hiệu quả, giá trị kinh tế thu về thấp. Tôi mạnh dạn chuyển đổi, đưa giống khoai sọ vào sản xuất. Sau 2 vụ trồng, cây khoai cho giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần cây lúa, ngô. Việc bán củ khoai cũng dễ, tiêu thụ chủ yếu ở chợ huyện”. Năm nay, nông dân xã Nậm Xe trồng hơn 127ha cây khoai sọ, tăng 97ha so với cùng kỳ năm trước. Với việc nhân giống dễ dàng, thuận lợi với đồng đất địa phương, đây hứa hẹn là giống cây mang lại nguồn thu nhập cao cho bà con trong xã, khi có đầu ra ổn định.

Đồng chí Hà Minh Đồng, Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Xe cho biết: Xã tập trung tuyên truyền khuyến khích bà con chuyển dịch từ tự cung tự cấp sang kinh tế hàng hóa, thâm canh tăng vụ, sản xuất, chăn nuôi những cây trồng, vật nuôi phù hợp, mang lại giá trị kinh tế cao. Phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên; giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đồng chí. Cử cán bộ chuyên môn, hộ dân đi học hỏi các mô hình kinh tế mới trong và ngoài huyện; liên hệ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vào khảo sát, đầu tư các dự án nông nghiệp trên địa bàn; phối hợp mở các lớp đào tạo nghề chăn nuôi, trồng trọt ngắn hạn cho nông dân tại trung tâm xã. Khuyến khích các hộ mạnh dạn vay vốn ưu đãi của ngân hàng phát triển kinh tế gia đình, với tổng dư nợ toàn xã hiện nay đạt hơn 42,3 tỷ đồng.

Với lợi thế đồng đất, 6 tháng đầu năm, bà con các bản sản xuất hiệu quả 151ha lúa đông xuân, sản lượng đạt 855,4 tấn (tăng 22,68 tấn so với cùng kỳ năm trước). Thực hiện gieo cấy 368ha lúa mùa, đạt 100% kế hoạch giao. Chăm sóc, sản xuất hiệu quả 416ha cây trồng hàng năm, 205ha cây công nghiệp dài ngày, 77ha cây dược liệu và 533,57ha cây ăn quả. Trong đó, người dân dần chuyển hướng sang sản xuất các loại cây trồng cho sản phẩm tiêu thụ nội địa, thu hẹp diện tích các cây trồng phụ thuộc vào việc thông thương qua của khẩu biên giới. Cùng với đó, bà con chăm sóc bảo vệ tốt hơn 10.000ha rừng (tỷ lệ che phủ rừng đạt 49,88%), đảm bảo rừng không bị tổn hại làm giảm diện tích, để hưởng lợi hơn 4,5 tỷ đồng từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng mỗi năm.

Cùng với đẩy mạnh trồng trọt, Nhân dân xã Nậm Xe đầu tư chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Trong đó, nổi bật là tăng trưởng đàn lợn sau thời gian bị ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi. Các hộ chú trọng khâu vệ sinh, thường xuyên tiêu độc, khử trùng khu vực chuồng nuôi, chọn mua giống tốt và tiêm phòng dịch bệnh. Hiện, toàn xã có tổng đàn gia súc 2.452 con; đàn gia cầm 7.766 con.

Tận dụng tốt các lợi thế có sẵn, linh hoạt trong chuyển đổi cây, con giống giúp bức tranh kinh tế xã Nậm Xe ngày thêm khởi sắc. Thu nhập bình quân đạt 22 triệu đồng/người/năm, đời sống người dân nâng lên, dần thu hẹp khoảng cách về phát triển kinh tế với các địa phương khác. Tin rằng với những bước đi hiệu quả, kết thúc năm 2022 các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của xã sẽ đạt và vượt so với kế hoạch đề ra.

Hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Khun Há

Những năm qua, nhờ tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã giúp cho bộ mặt nông thôn của xã Khun Há (Tam Đường) có nhiều khởi sắc. Những cây trồng mới khá phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của xã vùng cao, bước đầu đem lại “trái ngọt”, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Từ thành phố Lai Châu vượt chặng đường hơn 30km chúng tôi đến với xã Khun Há. Không còn là con đường gồ ghề, sỏi đá như trước đây mà thay vào đó là đường nhựa phẳng lỳ, giúp việc đi lại, vận chuyển nông sản của bà con nơi đây thuận tiện hơn. Dọc hai bên đường là những nương ngô, chè, ruộng chanh leo xanh mướt tô điểm cho bức tranh nơi đây mang vẻ đẹp bình yên, trù phú.

 

ccct1.jpg

Nhờ chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng chè đã giúp cho người dân bản Thèn Thầu (xã Khun Há, huyện Tam Đường) có nguồn thu ổn định.

 

Ông Cứ A Sở, Chủ tịch UBND xã Khun Há chia sẻ: Thực hiện Nghị quyết 13/2019/NQ-HĐND ngày 23/7/2019 quy định chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, xã Khun Há chuyển đổi những diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng chanh leo, mỗi hộ trồng sẽ được hỗ trợ 100% giống, 50% phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong 2 năm đầu. Từ năm 2020 đến nay, xã trồng 29ha chanh leo tại các bản: Sàn Phàng Cao, Chù Khèo, Thèn Thầu, Can Hồ, Nậm Pha… mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân.

Cùng với chanh leo, từ năm 2019, xã chú trọng phát triển cây chè, xác định đây là cây trồng mũi nhọn, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, xã có 196,8ha chè, diện tích chè trồng đầu tiên đến nay đã cho thu hoạch, bà con vui mừng, phấn khởi. Những năm gần đây, xã làm tốt công tác dân vận, người dân ủng hộ chủ trương trồng chè mới. Năm 2022, xã triển khai trồng 40ha chè, hiện đã trồng 24,7ha, còn 15,3ha đang ban tầng, chuẩn bị cấp giống. Ngoài ra, xã chỉ đạo người dân tiếp tục duy trì, chăm sóc diện tích sơn tra, thảo quả. Nhờ tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã đưa những cây mới, có giá trị kinh tế cao vào trồng thử nghiệm tại địa phương và đem lại hiệu quả bước đầu, Nhân dân tin tưởng vào các quyết sách của Đảng, địa phương.

Những năm trước đây, trên diện tích đất đồi 2.000m2 gia đình anh Lù A Giống ở bản Sàn Phàng Cao trồng ngô nhưng hiệu quả kinh tế không đáng là bao. Được xã tuyên truyền, vận động chuyển đổi sang trồng chanh leo, anh Giống mạnh dạn đăng kí. Trong 2 năm đầu, anh được hỗ trợ 100% giống, 50% phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời được hướng dẫn kĩ thuật làm đất, giàn, quy trình chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh.

Anh Giống chia sẻ: “Những năm trước tôi trồng ngô nhưng không đem lại hiệu quả kinh tế. Được xã định hướng chuyển đổi sang trồng chanh leo, năm 2020, tôi mạnh dạn đăng kí trồng 2.000m2. Chanh leo phát triển tốt, sai quả, cho thu hoạch đều đặn, mỗi năm gia đình tôi thu hơn 4 tấn, với giá trung bình từ 10.000 - 25.000 đồng/kg. Nhờ chuyển sang trồng chanh leo đã giúp gia đình tôi có nguồn thu ổn định, trừ chi phí lãi trên 40 triệu đồng/năm. Ngoài ra, tôi còn trồng 2.200m2 chè, hiện nay đang sinh trưởng, phát triển tốt, hứa hẹn sẽ đem lại thu nhập cao”.

Được xã tuyên truyền, vận động chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng chè, năm 2019, ông Vàng A Dơ ở bản Thèn Thầu mạnh dạn trồng 1,4ha chè. Các năm sau, ông tiếp tục mở rộng diện tích, đến nay, gia đình ông có 2,8ha chè. Ông Dơ tâm sự: “Theo định hướng phát triển kinh tế của xã, tôi mạnh dạn trồng chè; được cán bộ nông nghiệp xã hướng dẫn kĩ thuật làm đất, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh nên diện tích chè sinh trưởng và phát triển tốt, 1,4ha chè trồng năm 2019 đã cho thu hoạch, mỗi năm thu từ 8 - 9 lứa, mỗi lứa thu được 18 - 20 tạ, trừ chi phi thu được trên 15 triệu đồng/năm, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với trồng lúa, ngô".

Cách làm ở Mường Kim

Là xã thuần nông nên bao đời nay, cây ngô, cây lúa luôn là chủ lực trong cơ cấu sản xuất của Mường Kim (Than Uyên). Việc cây chè phủ xanh sườn đồi; cây màu vụ đông xuất hiện ngày càng nhiều trên chân ruộng 1 vụ cho thấy tư duy, phương thức sản xuất của người dân nơi đây đã thay đổi từ chính định hướng đúng của cấp ủy, chính quyền xã.

 

ccct2.jpg

Lãnh đạo huyện Than Uyên thăm mô hình khoai tây tại xã Mường Kim.

 

Trồng cây gì, quy hoạch vùng ra sao? Hình thức tuyên truyền, vận động sao cho hiệu quả đến tính toán lịch thời vụ, triển khai mô hình thí điểm để thâm canh, luân canh tăng vụ? Đặc biệt, phải giải quyết được vấn đề đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp. Trả lời những câu hỏi đó, Đảng ủy, UBND xã Mường Kim đã nhiều lần họp bàn, thống nhất và huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Theo đó, xã nhất quán quan điểm: quy hoạch vùng sản xuất; chuyển đổi đất ruộng 1 vụ thiếu nước, kém hiệu quả sang trồng cây màu; thực hiện thí điểm, hiệu quả mới nhân rộng; huy động nguồn lực từ Nhân dân; cử cán bộ chuyên trách “cầm tay chỉ việc” và lãnh đạo xã chịu trách nhiệm liên kết, tìm đầu ra.

Đó chính là lí do, ngay sau khi kết thúc vụ lúa mùa, tháng 11/2021, xã liên kết với Hợp tác xã Trường An (tỉnh Bắc Ninh) thực hiện dự án trồng tập trung 15ha khoai tây chất lượng cao tại 3 bản: Nà Dân, Chiềng Ban 1 và Nà Đình. Thực hiện nghiêm quy trình canh tác, nông dân các bản có vụ khoai tây thắng lợi. Đây là tiền đề để tháng 5/2022, Mường Kim tiếp tục triển khai trồng thí điểm 3ha bí đao xanh Nôva 209. So với cây khoai tây, đây là mô hình công nghệ cao (người dân tự đối ứng chi phí làm giàn, lưới, hệ thống tưới tự động). Do vậy, chỉ 10 hộ dân thuộc 3 bản: Nà Khương, Nà Dân, Nà Đình được lựa chọn tham gia thực hiện.

Chi phí đầu vào cao, quyết tâm thực hiện thành công ngay từ lứa đầu, vụ đầu, UBND xã giao 1 cán bộ nông nghiệp - địa chính xã phụ trách hướng dẫn bà con kỹ thuật làm đất, trồng, chăm sóc đến thành lập đoàn đi tham qua, học tập mô hình tại các địa phương trong và ngoài tỉnh. Tính đến thời điểm này, toàn xã xuất bán khoảng 200 tấn bí xanh cho các chợ đầu mối ở miền xuôi, thu về hơn 800 triệu đồng. Và, hiện nay, Mường Kim tiếp tục vận động Nhân dân mở rộng diện tích trồng thêm 5ha bí đao dưới chân ruộng 1 vụ.

Theo tính toán, sau khi trừ chi phí đầu vào, thu nhập từ trồng bí cao gấp 4 - 5 lần so với trồng lúa. Sau khi xã định hướng cơ cấu mùa vụ cũng như giống cây trồng mới, ngay trong vụ mùa năm nay, Nhân dân 2 bản: Nà Đình, Nà Dân đăng ký tham gia thí điểm mô hình trồng dưa chuột trên diện tích 1,4ha đất ruộng thiếu nước sản xuất vụ mùa. Hiện, các hộ dân đã hoàn thành xuống giống và đang tiến hành làm giàn cho dưa.

Khi được hỏi lí do quyết định chuyển đất ruộng sang trồng cây màu, ông Tòng Văn Dân ở bản Nà Đình cho chúng tôi biết: Gia đình chưa từng nghĩ sẽ có cây trồng nào phù hợp ngoài cây lúa trên đồng đất quê hương. Bởi, thực hiện sản xuất 2 vụ lúa đã đảm bảo nhu cầu lương thực của gia đình và còn 1 phần để bán. Tuy vậy, để có thu nhập cao hơn thì phải có cách làm khác. Nhiều hộ trong bản đã lựa chọn đi ra khỏi địa phương để làm thuê, nhất là thanh niên. Tôi thì không muốn bản thân và các con cũng vậy, vì không đâu bằng quê hương mình. Vậy nên, tôi quyết định chuyển đổi vì sản phẩm được xã trực tiếp tìm đầu ra; cán bộ nông nghiệp “cầm tay chỉ việc”, không lo thất bại. Từ mô hình bí xanh, gia đình tôi thu về vài chục triệu đồng, hy vọng cây dưa chuột cũng sẽ như vậy.

 

ccct3.jpg

Lãnh đạo xã Mường Kim, huyện Than Uyên hướng dẫn người dân bản Nà Đình làm giàn trồng dưa chuột.

 

Khắc phục tình trạng thiếu nước trên đất ruộng, gia đình ông Dân cũng như các hộ khác đều đầu tư hệ thống tưới nước tự động. Đồng thời, thuê thêm nhân công là người dân trong bản để thực hiện các khâu sản xuất nhằm đảm bảo cây dưa chuột phát triển theo đúng khung, lịch thời vụ, cho năng suất cao.

Tìm hiểu, chúng tôi được biết, sau khi thành công các mô hình trồng cây màu, nhiều hộ dân đã chủ động đến UBND xã đề xuất được tham gia ở các vụ tới. Tuy nhiên, hiện các mô hình mới đang thí điểm và có sự đối ứng hoàn toàn của người dân nên xã lựa chọn nhân rộng mô hình bí xanh. Còn với cây dưa chuột, sau khi kết thúc vụ sản xuất, đánh giá hiệu quả mới xác định lại vùng để thực hiện. Đồng thời, đăng ký thực hiện các chính sách hỗ trợ nông nghiệp để có thể thực hiện đại trà cây màu ra nhiều bản của xã.

Hiện, xã Mường Kim có 238ha chè; 301ha đất ruộng 2 vụ, trong đó hơn 50ha đất canh tác lúa hàng hóa; 335ha ngô, 100ha sắn, 60ha rau đậu, 30ha đậu tương, 18ha lạc. Ngoài ra, với hơn 2.000ha rừng, trong đó 1.884,76ha được chi trả dịch vụ môi trường rừng. 2.190 hộ chăn nuôi gia súc có chuồng trại, trồng 22,5ha cỏ với tổng đàn gia súc 13.545 con và trên 25.000 gia cầm các loại; có 24,6ha diện tích mặt nước nuôi cá các loại.

Đẩy mạnh sản xuất vụ đông; chuyển đổi đất ruộng kém hiệu quả sang luân canh cây màu; lựa chọn cây nông nghiệp có thời vụ ngắn, phù hợp nhu cầu thị trường để sản xuất… Mường Kim đã và đang tạo bước đột phá mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung. Từ đó, làm cơ sở thực hiện thắng lợi mục tiêu đến năm 2025, hình thành mô hình sản xuất, chăn nuôi theo hướng hàng hoá, phát triển thành các hợp tác xã, tổ liên kết, hình thành chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ nông sản, giúp bà con cải thiện thu nhập. Góp phần duy trì và nâng cao các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, phấn đấu trở thành xã nông thôn kiểu mẫu của huyện.

Với những định hướng đúng đắn của cấp ủy, chính quyền địa phương cùng với sự quyết tâm, nỗ lực vươn lên trong phát triển kinh tế của người dân, cuộc sống của bà con Lai Châu sẽ ngày một phát triển, ấm no, hạnh phúc.

 

 

V.N (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Nỗ lực Dần Thàng

    Nỗ lực Dần Thàng

    Chỉ vài ba năm trở về trước, xã Dần Thàng (Văn Bàn, Lào Cai) còn là một địa danh ẩn sâu trong những tán rừng, được bao bọc bởi nhiều dãy núi, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Dao. Quyết tâm XD NTM đã khiến Dần Thàng “chuyển động”, mạnh mẽ nhất là phong trào phát triển kinh tế.

  • Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu, bền vững, từng bước hiện đại đang được Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Quảng Trị triển khai có hiệu quả.

  • Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Để "đặt chân" sâu hơn vào thị trường quốc tế đòi hỏi sản phẩm OCOP cần phải khắc phục hạn chế và sản xuất cái thị trường cần thay vì cái mình có, định vị thị trường và mở kênh bán hàng…

Top