Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 19 tháng 3 năm 2024  
Thứ ba, ngày 27 tháng 7 năm 2021 | 16:8

Cơ cấu lại nền nông nghiệp với những mô hình nông nghiệp mới

Sau 10 năm xây dựng nông thôn mới (NTM), Chương trình đã đạt được những kết quả “to lớn, toàn diện và mang tính lịch sử”.

Cả nước có 64,6% số xã đạt chuẩn nông thôn mới

Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020 và một số điểm mới cho việc thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho biết, với sự chỉ đạo quyết liệt, sự vào cuộc mạnh mẽ, đồng bộ của cả hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực của cộng đồng dân cư, Chương trình đã trở thành một phong trào sôi nổi, rộng khắp trên cả nước. Sau 10 năm triển khai, Chương trình đã đạt được những kết quả quan trọng, theo như đánh giá của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước là “to lớn, toàn diện và mang tính lịch sử”.

 

le-minh-hoan.jpg
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan

Đến hết năm 2020, Chương trình đã hoàn thành vượt 12,4% số xã đạt chuẩn NTM so với mục tiêu; đến tháng 7/2021, cả nước đã có 64,6% số xã đạt chuẩn NTM; có 194 đơn vị cấp huyện (chiếm 29%) thuộc 51 tỉnh, thành phố đạt chuẩn NTM; có 12 tỉnh, thành phố đã có 100% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 04 tỉnh đã được công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2020 đạt 41,7 triệu đồng/người/năm, gấp 1,7 lần so với năm 2015 và gấp 3,25 lần so với năm 2010; tỉ lệ hộ nghèo đa chiều khu vực nông thôn năm 2020 còn khoảng 7,1%, giảm 4,7% so với năm 2016…

Bên cạnh kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện vẫn còn một số hạn chế, bất cập: Khoảng cách chênh lệch khá lớn về kết quả NTM giữa các địa phương, giữa các vùng, miền; tư duy ngành nông nghiệp và người dân còn chú trọng tăng quy mô, sản lượng trong sản xuất mà chưa quan tâm nhiều đến nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm; một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến tiêu chí môi trường, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, giữ gìn an ninh trật tự xã hội nông thôn…

Đề cập đến một số điểm mới của Chương trình giai đoạn 2021-2025, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết: Với nguyên tắc “Nông thôn mới là nền tảng, cơ cấu lại nông nghiệp là căn bản, nhân dân là chủ thể”. Ngoài việc cơ bản tiếp tục các nhóm nhiệm vụ của giai đoạn trước, Chương trình giai đoạn 2021-2025 tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau:

Tập trung ưu tiên hỗ trợ cho các xã, huyện để đạt chuẩn NTM và nâng cao chất lượng các tiêu chí sau đạt chuẩn theo hướng bền vững; phấn đấu đến năm 2025 cả nước không còn xã dưới 15 tiêu chí; khuyến khích các địa phương có điều kiện chủ động xây dựng NTM kiểu mẫu.

Chú trọng nâng cao hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn (nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX nông nghiệp gắn với liên kết theo chuỗi giá trị; hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp, sáng tạo trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn; triển khai mạnh mẽ Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, phát triển du lịch nông thôn…); thúc đẩy chuyển đổi số trong xây dựng NTM; nâng cao chất lượng công tác bảo vệ môi trường, chất lượng hoạt động văn hóa gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; thúc đẩy bình đẳng giới; cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho trẻ em và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân nông thôn…

Nâng cao năng lực của cộng đồng, chuyển đổi tư duy của người dân về phát triển kinh tế nông thôn.

Theo đó, đối tượng thụ hưởng là người dân, cộng đồng dân cư, hợp tác xã, doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế-xã hội trên địa bàn nông thôn. Phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó, có khoảng 40% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 10% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có ít nhất 50% huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM, trong đó, có ít nhất 20% số huyện đạt chuẩn được công nhận là huyện NTM nâng cao và huyện NTM kiểu mẫu. Mỗi tỉnh, thành phố có ít nhất 02 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM; cả nước có ít nhất 15 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; cấp thôn có ít nhất 60% số thôn, bản, ấp thuộc các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được công nhận đạt chuẩn NTM theo các tiêu chí NTM do cấp tỉnh quy định.

Phạm vi thực hiện trên địa bàn nông thôn của cả nước và quy mô là tất cả các huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

Khắc phục chạy theo thành tích

Thảo luận tại hội trường về xây dựng nông thôn mới sáng 27/7, các đại biểu đánh giá Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thời gian qua được triển khai quyết liệt, đồng bộ và đã tạo ra những kết quả toàn diện, tạo tiền đề vững chắc tiếp tục thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn tới đạt hiệu quả cao và bền vững hơn.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang (Vĩnh Long), để triển khai chương trình nông thôn mới đảm bảo tính liên tục, liền mạch, việc lãnh đạo xây dựng và triển khai các nội dung giải pháp trong giai đoạn mới phải vừa hướng đến tiêu chí cao hơn về chất lượng, hiệu quả và sức lan tỏa, vừa khắc phục những hạn chế, bất cập đã được đánh giá trong tổ chức thực hiện các tiêu chí của giai đoạn vừa qua, như xóa bỏ tình trạng nợ tiêu chí, nợ đọng xây dựng cơ bản, mà nguyên căn của nó là căn bệnh chạy theo thành tích ở một số địa phương.

“Song song đó, cần tiếp tục phát huy tính tự giác, tự nguyện của nhân dân trong quản lý và xây dựng nông thôn mới. Thực hiện tốt phương châm “lấy hoa thơm cỏ dại, lấy cái đẹp dẹp cái xấu” kịp thời khen thưởng, biểu dương, động viên, khích lệ người dân hăng hái chủ động hiến kế, hiến công, mạnh dạn góp ý và đồng hành cùng với chính quyền ngay từ khâu quy hoạch, xây dựng nông thôn mới đến việc lựa chọn các tiêu chí cần ưu tiên thực hiện trước mắt và dài hạn”, đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang nhấn mạnh.

Nữ đại biểu cũng đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần phân cấp, sử dụng nguồn lực phù hợp, không dàn trải cào bằng, thiếu tập trung, gây lãng phí nguồn lực.

“Trước mắt ưu tiên huy động và phân bổ nguồn lực kịp thời để các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đầu tư rà soát quy hoạch thủy lợi xây dựng kịch bản ứng phó thiên tai phù hợp; Có đủ nguồn vốn đầu tư xử lý ngay những đoạn sạt lở bờ sông, bờ biển nghiêm trọng; Thực hiện đồng bộ các giải pháp công trình phi công trình để chủ động lấy nước, trữ nước”, nữ đại biểu đoàn Vĩnh Long kiến nghị.

Nông dân bán được hàng, được giá nhờ công nghệ

Nhiều đại biểu đánh giá, thực hiện có hiệu quả mục tiêu xây dựng nông thôn mới ngoài sự đồng lòng nhất trí cao của các tầng lớp nhân dân, việc ứng dụng khoa học công nghệ đã làm thay đổi nhận thức, tập quán, sản xuất truyền thống của người dân.

Đại biểu Lưu Bá Mạc (Lạng Sơn) cho biết, nhiều sản phẩm nông lâm sản chủ lực của địa phương đã được phát triển thành tài sản trí tuệ, được quản lý, khai thác, phát triển thành hàng hóa và từ đó phát huy được danh tiếng uy tín, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị của sản phẩm hóa ở địa phương.

“Nhiều hộ dân đã bắt đầu tiếp cận và ứng dụng công nghệ cao, thương mại điện tử, chuyển đổi số trong các hoạt động kết nối cung cầu để tiêu thụ nông lâm sản và tham gia chuỗi giá trị sản phẩm”, đại biểu Lưu Bá Mạc cho hay.

 

ntm.jpg

Đại biểu Châu Quỳnh Dao (Kiên Giang) cũng cho rằng, chính nhờ công nghệ thông tin - truyền thông mà người nông dân của chúng ta có thể cập nhật được dự báo thời tiết, biết được nên trồng cây gì, nuôi con gì có giá trị kinh tế cao, biết được cách trồng, cách nuôi như thế nào để đạt được năng suất và bán vào thời điểm nào, ở đâu để được giá. Người nông dân có thể thông qua mạng internet để bán hàng đến tận tay người dân.

“Rõ ràng nhất là trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19 như thế này, chính nhờ công nghệ thông tin mà ở vùng sâu, vùng xa, người dân cập nhật được diễn biến tình hình để nâng cao tinh thần cảnh giác, không lơ là chủ quan và cũng nhờ đó trẻ em vùng sâu, vùng xa không đến trường nhưng không dừng học”, nữ đại biểu đoàn Kiên Giang cho hay.

Đại biểu Châu Quỳnh Dao cũng đề nghị Chính Phủ thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát triển hạ tầng công nghệ thông tin - truyền thông. Cùng với đó, ưu đãi cho các dự án đầu tư nghiên cứu, phát triển chuyển giao công nghệ…

Điều chỉnh tiêu chí phù hợp

Cho rằng cần tiếp tục mục tiêu xây dựng nông thôn mới mang tính bền vững, đại biểu Mai Văn Hải (Thanh Hóa) kiến nghị Chính phủ quan tâm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, phát huy bản sắc văn hóa, giữ gìn vẻ đẹp của nông thôn. Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ rà soát lại tiêu chí phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 60% số thôn, bản, ấp thuộc các xã đặc biệt khó khăn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

“Chúng ta chưa đánh giá kết quả xây dựng nông thôn mới tại thôn, bản, ấp trong thời gian qua nên căn cứ thực tiễn chưa thực sự sát thực. Chính phủ nên chăng cần quy định tiêu chí khung, còn tiêu chí đặc thù thì giao lại cho UBND cấp tỉnh để tạo thống nhất chung trong toàn quốc”, đại biểu Mai Văn Hải nói.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan (Hà Nội) cho rằng, cần tăng cường phân cấp có giám sát, hậu kiểm tốt hơn trong quá trình thực hiện chương trình. Cần điều chỉnh các tổ chức xây dựng nông thôn mới, điều chỉnh các tiêu chí nông thôn mới cho phù hợp quy hoạch nông thôn, quy hoạch môi trường, quy hoạch chung.

“Đặc biệt, cách tổ chức xây dựng nông thôn mới cần chú trọng vấn đề phát triển kinh tế nông thôn, quan tâm chất lượng cuộc sống thực sự cho người dân chứ không chỉ chú trọng để tăng quy mô và sản lượng sản xuất nông nghiệp thuần túy”, đại biểu Nguyễn Thị Lan nói.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan cũng cho rằng, chương trình cần chú trọng nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực nông thôn. Trong đó, xây dựng chương trình đào tạo linh hoạt hơn, thiết thực hơn, hiệu quả hơn, để cán bộ địa phương, người dân có các chuẩn yêu cầu về kiến thức, kinh nghiệm, học đi đôi với hành, học bằng các mô hình cụ thể để triển khai nông thôn mới tốt hơn.

 

ntm1.jpg
Cơ cấu lại nền nông nghiệp với những mô hình nông nghiệp mới như nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh gắn với chuỗi ngành hàng thì mới có thể thực sự phát triển bền vững.

Làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho biết, để phát triển bền vững, bên cạnh việc tiếp tục phát triển hạ tầng, cần chú trọng hơn những giá trị mới cần gắn kết được cơ cấu lại nền nông nghiệp với chương trình xây dựng nông thôn mới.

“Cơ cấu lại nền nông nghiệp là động lực để thực hiện nguyên tắc “Nông thôn mới là nền tảng, cơ cấu lại nông nghiệp là căn bản, nhân dân là chủ thể”. Cần chuyển tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, lấy kinh tế nông nghiệp là nền tảng để phát triển nông thôn”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định.

Bộ trưởng Hoan nhấn mạnh, cơ cấu lại nền nông nghiệp với những mô hình nông nghiệp mới như nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh gắn với chuỗi ngành hàng thì mới có thể thực sự phát triển bền vững.

 

Tổng nguồn lực huy động thực hiện dự kiến khoảng 2,45 triệu tỷ đồng

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, để nâng cao hiệu quả thực hiện các nội dung trên, sẽ triển khai 06 đề án/chương trình chuyên đề trọng tâm nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng đời sống của người dân nông thôn và giải quyết các vấn đề bức xúc, tồn tại trong xây dựng NTM nổi lên sau 10 năm thực hiện, gồm: Chương trình khoa học, công nghệ phục vụ xây dựng NTM; Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP); Đề án về phát triển du lịch nông thôn gắn với bảo tồn, phát huy văn hoá truyền thống trong xây dựng NTM; Đề án môi trường, vệ sinh, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn; Đề án chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh; Đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện tiêu chí an ninh, trật tự trong xây dựng NTM.

Nguồn vốn thực hiện gồm vốn ngân sách Trung ương và cơ cấu vốn huy động thực hiện chương trình giai đoạn 2021-2025.

Cụ thể, vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ trực tiếp để thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025 bố trí tối thiểu khoảng 39.632 tỷ đồng, bao gồm: Vốn đầu tư phát triển 30.000 tỷ đồng (trong đó: Vốn trong nước: 28.000 tỷ đồng; vốn vay và viện trợ không hoàn lại 88,6 triệu USD, khoảng 2.000 tỷ đồng); vốn sự nghiệp 9.632 tỷ đồng. Trong quá trình thực hiện, Chính phủ sẽ tiếp tục cân đối ngân sách Trung ương ưu tiên hỗ trợ thêm để bảo đảm tính bền vững và hiệu quả của Chương trình.

Dự kiến cơ cấu huy động nguồn lực thực hiện Chương trình: Tổng nguồn lực huy động thực hiện giai đoạn 2021-2025 dự kiến khoảng 2,45 triệu tỷ đồng, trong đó: Vốn ngân sách Trung ương: 39.632 tỷ đồng (chiếm 1,6%); vốn ngân sách địa phương: Khoảng 156.700 tỷ đồng (chiếm 6,4%); vốn lồng ghép từ 02 Chương trình MTQG còn lại và các Chương trình, dự án khác khoảng 224.000 tỷ đồng (chiếm 9%); vốn huy động ngoài ngân sách dự kiến hơn 2 triệu tỷ đồng (chiếm hơn 83%), gồm: Vốn tín dụng khoảng 1,79 triệu tỷ đồng (chiếm 73%); vốn doanh nghiệp khoảng 105.500 tỷ đồng (chiếm 4,3%); huy động đóng góp tự nguyện của người dân khoảng 139.300 tỷ đồng (chiếm 5,7%).

 

 

D.T
Ý kiến bạn đọc
  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

  • Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Năm 2023 để lại nhiều dấu ấn trong cả sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản, nhất là đối với hai mặt hàng lúa gạo và rau quả.

  • Chào năm mới 2024! Dấu ấn vị thế mới hướng đến thịnh vượng

    Chào năm mới 2024! Dấu ấn vị thế mới hướng đến thịnh vượng

    1. Năm 2023 đã qua đi trong niềm vui và sự tự tin.

Top