Hơn 10 năm trước, ông Trần Văn Cường ở xã Đắk Ru (Đắk R'lấp, Đắk Nông) nổi tiếng là người đầu tiên dụ được chim yến về trú ngụ, sinh sống. Giờ đây, nhiều người dân đã ví von ông Cường là “vua chim yến" trên vùng đất này.
Đổi đời nhờ chim yến
Khoảng 10 năm trước, người dân trong thôn Châu Thành bắt gặp cảnh tượng hàng ngàn con chim yến bỗng dưng xuất hiện kêu dáo dác, rồi trú ngụ trong căn nhà do ông Trần Văn Cường xây dựng. Khi đó, ông Cường nói rằng, ông dụ chim yến về nuôi và có thể mang lại nguồn thu nhập "khủng", nhưng nhiều người dân vẫn bán tín bán nghi. Bởi xưa nay, chim yến vốn chỉ sinh sống ở vùng biển, đảo xa xôi. Người dân cũng không hiểu sao ông Cường lại dụ về sinh sống, làm tổ ở vùng núi Tây Nguyên.
Theo ông Cường, câu chuyện dụ chim yến về bắt nguồn từ 10 năm trước. Thời điểm năm 2010, nhận thấy sức khỏe không còn bảo đảm để làm công nhân, hai vợ chồng ông quyết định rời tỉnh Bình Dương lên Tây Nguyên để sinh sống, lập nghiệp. Đến với vùng đất mới, ông Cường nhận thấy nơi đây có nhiều loại sâu bọ là những con mồi ưa thích của chim yến mà trước đây ông đã từng biết đến.
Lúc này, ông Cường đã lao vào nghiên cứu nhiều loại tài liệu để tìm hiểu cách thức "dụ" chim yến từ miền biển về sinh sống ở vùng đất Tây Nguyên. Để thực hiện được ý tưởng này, ông Cường cũng khăn gói đi khắp nơi, nhất là các tỉnh dọc bờ biển miền Trung để tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm nuôi yến. Ở đâu có mô hình nuôi chim yến thành công, ông đều xin phép chủ nhà lưu trú lại một thời gian để quan sát cách làm nhằm tích lũy kinh nghiệm.
Sau nhiều tháng trời bỏ "học phí" đi tham quan, học hỏi, ông Cường đã thuê người đưa máy về khu vườn của mình dò tìm chim yến. “Không phải chờ đợi lâu, khi máy phát kêu lên được vài phút thì tôi thấy có vài cặp chim yến từ xa bay về. Lúc này, tôi như phát điên bởi ấp ủ bấy lâu đã có thể trở thành hiện thực”, ông Cường kể lại.
Dù cơ hội mở ra, nhưng ông Cường chưa vội vàng đầu tư nuôi yến. Ông tập trung nghiên cứu thêm thị trường đầu ra về tổ yến rồi mới bắt tay vào thực hiện việc nuôi yến. Khi thời cơ chín muồi, ông Cường quyết định đầu tư khoảng 700 triệu đồng để xây nhà nuôi yến.
Ông Cường xây một căn nhà kiên cố rộng chừng 400 m2 để chim yến có thể sinh sống và làm tổ. Bên trong, ông dùng những tấm gỗ thiết kế mô phỏng tựa hang đá để chim yến trú ngụ. Bên ngoài, ông Cường sử dụng hệ thống loa treo trên mái nhà để phát âm thanh dụ yến về. Chỉ chưa đầy 3 tháng sau khi xây dựng, căn nhà bắt đầu có những con chim yến đầu tiên tìm đến sinh sống, làm tổ và dần dần số lượng đã tăng khoảng 10.000 con như hiện nay.
Khoảng 3 năm trở lại đây, năm nào gia đình ông Cường cũng thu về được khoảng trên 70 kg tổ yến. Trung bình mỗi kg có giá bán 25-30 triệu đồng, đem về nguồn thu nhập khoảng gần 2 tỷ đồng/năm. Cái hay của việc nuôi chim yến là chi phí bỏ ra hàng tháng không đáng bao nhiêu, chỉ vài triệu đồng tiền điện để phát loa kêu gọi chim yến cũng như máy phun sương điều hòa không khí trong nhà nuôi yến.
Sẵn sàng truyền nghề...
Thấy ông Cường giàu có nhờ nuôi chim yến, nhiều người dân khác đã bắt chước làm theo. Họ đã nhờ ông Cường tư vấn, chỉ dẫn cách xây dựng chuồng trại, cách dụ chim yến về nuôi và đều thành công mỹ mãn. Ông Cường rất “mát tay” trong việc dụ chim yến về sinh sống. Hầu như công trình nuôi chim yến nào mà ông Cường tư vấn đều có yến về sinh sống, làm tổ. Do đó, nhiều người dân trên địa bàn các tỉnh Đắk Nông, Bình Phước, Đắk Lắk... đã tin tưởng, đặt hàng ông Cường làm chủ thầu để xây dựng nhà nuôi chim yến.
Ông Cường chia sẻ: “Gia đình tôi nhờ “lộc trời” nên có của ăn, của để, con cái học hành, có công ăn việc làm đàng hoàng. Do đó, tôi không bao giờ có ý nghĩ giấu bí quyết làm ăn của gia đình. Tôi đã trở thành chủ thầu trong việc thiết kế, xây dựng nhà nuôi chim yến cho nhiều người. Chỉ cần có người nào có nhu cầu thì tôi sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ, xây dựng nhà đến khi có chim yến vào sinh sống thì mới bàn giao”.
Đến nay, ông Cường đã xây dựng được hơn 60 ngôi nhà nuôi yến cho người dân trong và ngoài tỉnh. Tất cả những ngôi nhà được ông Cường tư vấn, xây dựng đều có rất nhiều chim yến về sinh sống, làm tổ. Trong số đó có những người đã có nguồn thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi tháng nhờ nuôi yến.
Anh Nguyễn Văn Chiến, một người dân ở huyện Đắk Glong (Đắk Nông) chia sẻ: Cách đây 3 năm, nhờ được ông Cường giúp đỡ, chuyển giao công nghệ chăn nuôi yến nên hiện nay gia đình tôi đã có thêm nguồn thu nhập gần 100 triệu đồng/tháng. Dự kiến trong vài năm tới, đàn chim yến sinh sôi nảy nở thì nguồn thu nhập của gia đình tôi sẽ còn tăng cao. Ông Cường không "dấu bài" mà sẵn sàng chia sẻ cho mọi người dân có nhu cầu nuôi chim yến là điều rất đáng quý. Hiện nay, nhiều hộ gia đình được ông Cường giúp đỡ, xây dựng nhà nuôi yến đều nằm trong tổ hợp tác nhằm xây dựng chuỗi liên kết, cung ứng tổ yến ra thị trường, bảo đảm lợi ích lâu dài.
Chia sẻ về việc phát triển nhà yến ở Tây Nguyên, ông Cường cho biết: "Lâu nay chúng ta chỉ biết chim yến chỉ sống ở những tỉnh miền biển. Chúng thích ở những nơi có độ cao dưới 500m so với mực nước biển, với khí hậu nắng ấm. Qua nhiều năm nuôi chim yến ở Đắk Nông, tôi thấy chim yến vẫn có thể sống và sinh sản rất tốt ở vùng đất Tây Nguyên. Ngoài môi trường trong lành thì Tây Nguyên cũng là nơi có nhiều thức ăn mà loài chim này không phải lo cạnh tranh như ở vùng biển, hải đảo. Vì vậy, chỉ cần người nào nắm vững được kỹ thuật thì có thể thu hút được chim yến về chăn nuôi, cải thiện thu nhập, làm giàu".
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.