Phó Thủ tướng Lê Văn Thành từng nhấn mạnh, muốn phát triển vùng ĐBSCL thì việc đầu tiên mà các địa phương cần tập trung thực hiện là phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Điều này cũng giúp tăng cường liên kết vùng, phát huy vai trò, thế mạnh của vùng.
Gỡ nút thắt hạ tầng
Vùng ĐBSCL chiếm khoảng 20% dân số, 12% diện tích, 15,4% GDP của cả nước. Ở đây đã hình thành nhiều khu vực sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp và du lịch tập trung với quy mô lớn, là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất nước ta.
Tuy nhiên, hạ tầng giao thông ở đây đang được đánh giá là thiếu và yếu. Để gỡ nút thắt cho vấn đề này, giai đoạn 2021-2025, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã, đang triển khai và chuẩn bị đầu tư hàng loạt dự án đường bộ. Dự kiến trong 5 năm tới, hệ thống đường bộ đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) sẽ được bổ sung những tuyến quan trọng, tạo động lực phát triển của vùng.
Cụ thể, Bộ GTVT triển khai 15 dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ khu vực ĐBSCL, trong đó, có 6 dự án đang triển khai, 9 dự án đang chuẩn bị đầu tư. Theo ông Nguyễn Quang Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư (Bộ GTVT), trong giai đoạn 2021-2025, vùng ÐBSCL đang chuẩn bị đầu tư 9 dự án với tổng mức đầu tư trên 72.000 tỷ đồng. Trong đó có 1 dự án mang tầm quốc gia, 3 dự án nhóm A và 5 dự án nhóm B.
Ðơn cử, dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Ðốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đi qua TP. Cần Thơ, tỉnh An Giang, Hậu Giang và Sóc Trăng có tổng chiều dài là 188,2km, vốn đầu tư 45.024 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành hồ sơ trình Quốc hội xem xét vào ngày 15/3. Ðường bộ cao tốc An Hữu - Cao Lãnh đi qua tỉnh Ðồng Tháp và Tiền Giang có chiều dài là 27,4km, tổng mức đầu tư là 6.171 tỷ đồng, dự kiến trình Thủ tướng xem xét phê duyệt trước ngày 25/4.
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, giai đoạn 2021-2030, bộ kiến nghị Chính phủ ưu tiên đầu tư các dự án trong vùng ĐBSCL nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng và nâng tỷ trọng vốn đầu tư theo dân số từ 71,55% lên 129,21% so với bình quân chung cả nước. Nếu làm tốt, đến năm 2025 ĐBSCL sẽ có 300km đường cao tốc. Trung ương, Chính phủ xác định rất quan tâm, tập trung cho đầu tư xây dựng đường cao tốc cho khu vực này.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành (Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL giai đoạn 2021-2025), nhấn mạnh, muốn phát triển vùng ĐBSCL thì việc đầu tiên mà các địa phương cần tập trung thực hiện là phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Điều này cũng giúp tăng cường liên kết vùng, phát huy vai trò, thế mạnh của vùng. Các địa phương vùng ĐBSCL cần tập trung huy động nguồn vốn xã hội hóa cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Muốn huy động doanh nghiệp vào thì phải trên cơ sở đã có quy hoạch. Chúng ta mời họ vào khảo sát, thiết kế, lập dự án đầu tư các hình thức như PPP.
Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, với sự quan tâm của Trung ương trong việc đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng giao thông ĐBSCL, hy vọng thời gian tới, giao thông khu vực cải thiện tích cực hơn. Riêng tỉnh Sóc Trăng đang khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành để sớm triển khai các dự án giao thông trọng điểm đi qua địa bàn, trước mắt là dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Tỉnh đã kiến nghị phân bổ nguồn vốn từ gói hỗ trợ phục hồi kinh tế để ưu tiên đầu tư đoạn Sóc Trăng - Cần Thơ.
Ngoài ra, Sóc Trăng cũng đang tích cực triển khai lập quy hoạch đối với cảng biển Trần Đề nhằm sớm hoàn thành thủ tục để kêu gọi đầu tư. Việc hình thành cảng biển này sẽ góp phần giải quyết bài toán vận chuyển hàng hóa phục vụ xuất khẩu cho toàn vùng ĐBSCL.
Mới đây, Bộ GTVT có buổi khảo sát thực tế cảng biển Trần Đề và nhiều ý kiến khẳng định, cảng biển cần được đầu tư làm đầu mối trung chuyển hàng hóa của cả vùng ĐBSCL, chứ không riêng Sóc Trăng. Quá trình xây dựng quy hoạch cần tính đến yếu tố liên kết vùng, bao gồm cả kết nối đường bộ, hàng không và đường thủy, với quy mô tầm cỡ quốc tế, tạo đột phá cho cả khu vực ĐBSCL, ông Lâu nói.
Đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm
Hiện, ĐBSCL có nhiều dự án trọng điểm đã và đang được triển khai. Để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự nhiều địa phương đang khẩn trương vào cuộc ngay từ những tháng đầu năm 2022. Tại Cần Thơ thành phố đang tập trung các nguồn lực để giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các dự án giao thông trọng điểm.
Cuối tháng 1/2022, Ban Quản lý Dự án Ðầu tư Xây dựng TP. Cần Thơ đã tổ chức lễ thông xe kỹ thuật công trình đường tỉnh 922 (xây dựng và nâng cấp giai đoạn 1 từ quốc lộ 91B đến Cờ Ðỏ), gói thầu số 1 (tuyến chính). Dự án đường tỉnh 922 có chiều dài tuyến hơn 29,5 km, gồm 2 gói thầu đi qua 4 quận, huyện, tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng. Sau thông xe gói thầu số 1, Ban Quản lý và nhà thầu đang tập trung thi công hoàn thiện gói thầu số 2 sớm đưa vào sử dụng.
Ông Lê Minh Cường, Giám đốc Ban quản lý Dự án Đầu tư xâu dựng TP. Cần Thơ cho biết, đường tỉnh 922 hoàn thành sẽ tạo điều kiện cho các địa phương có dự án đi qua phát triển kinh tế - xã hội, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông của TP. Cần Thơ, mở ra triển vọng kết nối giao thông thuận lợi với cả khu vực ÐBSCL.
Tại trung tâm quận Ninh Kiều, dự án đang được trông đợi nhiều nhất là công trình cầu Trần Hoàng Na bắc qua sông Cần Thơ nối với quốc lộ 1. Theo Ban Quản lý Dự án ODA TP. Cần Thơ - chủ đầu tư dự án cho biết, đến nay tiến độ thi công xây dựng đạt hơn 45,83% khối lượng, giá trị thực hiện được ước đạt hơn 336/791 tỷ đồng giá trị hợp đồng. Nhà thầu đang tập trung thi công các trụ cầu trên bờ cầu phía bờ Cái Răng, Ninh Kiều và các trụ cầu dưới nước, thi công phần đường dẫn... Ban quản lý và nhà thầu đang đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Cầu Trần Hoàng Na dài 586,9 m, nối quận Ninh Kiều với quận Cái Răng, khi hoàn thành sẽ kết nối giao thông đô thị giữa quốc lộ 1A với các đường trung tâm, giảm tải lưu lượng xe và ùn tắc giao thông cho các tuyến đường chính thành phố. Ðây là mạch nối, đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế, thu hút nhà đầu tư đến với TP. Cần Thơ và các tỉnh phía Nam sông Hậu.
Hiện, nhà thầu đang tập trung thi công chặng nước rút để sớm đưa công trình vào vận hành nhằm tháo nút thắt và tạo thuận lợi cho người và phương tiện lưu thông vào cửa ngõ TP. Cần Thơ từ hướng cầu Cần Thơ, quốc lộ 1A, cũng như tạo vẻ mỹ quan cho diện mạo đô thị trung tâm của vùng ĐBSCL.
Quý I/2022 tỉnh Cà Mau đặt mục tiêu giải ngân 20% vốn đầu tư công.
Tại Cà Mau, năm 2022, tổng nguồn vốn đầu tư công của tỉnh này lên tới hơn 3.400 tỷ đồng. Hiện, tỉnh đang tập trung tháo gỡ khó khăn trong thực hiện các dự án để đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Với nguồn vốn trên, Cà Mau tập trung đầu tư vào 10 dự án trọng điểm. Trong đó, có 2 dự án do Trung ương đầu tư là Dự án Đầu tư xây dựng tuyến tránh QL1 đoạn qua TP Cà Mau và Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Còn lại 8 dự án do địa phương đầu tư, có nhiều dự án lớn của tỉnh Cà Mau như: Dự án Đầu tư xây dựng cầu sông Ông Đốc; Dự án Đầu tư xây dựng tuyến trục Đông - Tây và cầu Gành Hào; Dự án Nâng cấp, mở rộng tuyến đường Cà Mau - Đầm Dơi...
Theo Ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Kế hoạch đầu tư Cà Mau, mục tiêu của tỉnh hết quý I/2022 giải ngân ít nhất 20%, đến hết quý II là 50%. Chủ tịch UBND tỉnh mới chỉ đạo các chủ đầu tư làm sao phải đạt theo kế hoạch. Nhất là phải tập trung tháo gỡ khó khăn cho một số dự án còn vướng giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, phải tranh thủ thời tiết thuận lợi đẩy nhanh tiến độ. Chuẩn bị các hồ sơ, thủ tục đối với các dự án chuẩn bị khởi công mới.
Trong chuyến đi kiểm tra tại các dự án đầu tư trọng điểm trên địa bàn tỉnh mới đây, ông Nguyễn Tiến Hải, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau đã chỉ đạo phải đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, khi đền bù không được “thổi” giá đất lên cao hơn so với quy định.
Hi vọng, với sự quan tâm, chỉ đạo, kịp thời tháo gỡ khó khăn của Chính phủ, các bộ, ngành, và của chính các địa phương trong vùng những năm tới hệ thống hạ tầng giao thông ở ĐBSCL sẽ được khắc phục, không còn tình trạng yếu, thiếu, từ đó tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội không chỉ trong nước và còn vươn ra tầm khu vực.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa đề xuất Bộ Giao thông vận tải (GTVT) nâng cấp, cải tạo QL53, QL62, Nam Sông Hậu tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), sử dụng vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB). Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, dự án nâng cấp, cải tạo 3 tuyến quốc lộ trên có tổng mức đầu tư hơn 5.600 tỷ đồng, tương đương khoảng 243,16 triệu USD. Trong đó, tuyến QL62 có tổng mức đầu tư hơn 2.200 tỷ đồng. QL53 có tổng mức đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng. Tuyến Nam Sông Hậu có tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng. Nguồn vốn được đề xuất là vốn vay WB hơn 3.700 tỷ đồng, sử dụng cho các hạng mục chi phí xây dựng, thiết bị; chi phí dự phòng. Vốn đối ứng khoảng hơn 1.800 tỷ đồng, sử dụng cho các hạng mục: chi phí quản lý dự án, tư vấn đầu tư xây dựng, chi phí khác; chi phí giải phóng mặt bằng; dự phòng. Thời gian thực hiện dự án trong vòng 4 năm sau khi Hiệp định tài trợ có hiệu lực (dự kiến từ năm 2023 - 2026). |
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.