Trong Diễn đàn kết nối du lịch TP. Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long diễn ra mới đây, nhiều ý kiến cho rằng, cần đẩy mạnh kết nối và hợp tác sâu rộng hơn nữa để cùng nhau đưa ngành Du lịch phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Kết quả chưa tương xứng với tiềm năng
Những năm gần đây, du lịch nông nghiệp ngày càng trở nên phổ biến, đạt được nhiều kết quả nổi bật. Bên cạnh việc góp phần phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người lao động, du lịch nông nghiệp còn thúc đẩy hội nhập kinh tế, xuất khẩu tại chỗ và xây dựng nông thôn mới theo hướng văn minh, hiện đại.
Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho rằng, ĐBSCL sở hữu nhiều tiềm năng và nguồn lực để phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp gắn với cây lúa, cây ăn quả, thủy sản... Chương trình hợp tác liên kết phát triển du lịch với TP. Hồ Chí Minh đã mở ra cơ hội để thúc đẩy du lịch ĐBSCL nói chung và du lịch nông nghiệp nói riêng.
Nhận thức tầm quan trọng và những lợi thế của du lịch nông nghiệp, những năm qua, việc phát triển và nâng cao chuỗi giá trị của sản phẩm du lịch nông nghiệp giữa ĐBSCL và TP. Hồ Chí Minh được các địa phương chú trọng đầu tư gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Qua đó, nhiều sản phẩm du lịch nông nghiệp được hình thành, các hoạt động hợp tác, trao đổi kinh nghiệm trong phát triển sản phẩm du lịch và sản phẩm OCOP được tổ chức, góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của vùng BĐSCL và TP. Hồ Chí Minh.
Một góc Không gian văn hoá Sen tại trung tâm TP. Cao Lãnh (Đồng Tháp) thu hút khách đến tham quan .
Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, diễn đàn một lần nữa khẳng định quyết tâm của các địa phương trong nỗ lực thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch Covid-19, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như chủ trương của Chính phủ đã đề ra. Diễn đàn lần này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển du lịch địa phương. Vì vậy, Đồng Tháp mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm đầu tư, liên kết hợp tác trong lĩnh vực du lịch với các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp du lịch trong cả nước, nhất là của TP. Hồ Chí Minh và các địa phương bạn trong vùng ĐBSCL.
Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh đánh giá, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, xu hướng du lịch chung đã có sự thay đổi. Du lịch nhóm nhỏ gồm gia đình và bạn bè, du lịch kết hợp nghỉ dưỡng, du lịch phục hồi sức khỏe, du lịch trải nghiệm gắn với tìm hiểu thiên nhiên; du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng gắn với văn hóa địa phương là những xu hướng đang trở thành chủ đạo. Đây cũng là cơ hội để TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh ĐBSCL đẩy mạnh liên kết, hợp tác để phát triển du lịch nông nghiệp.
Tiềm năng du lịch là vậy, nhưng các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch thẳng thắn chỉ ra một số “điểm nghẽn” khiến ngành du lịch các tỉnh khu vực ĐBSCL chưa tạo được đột phá lớn. Cụ thể là hạ tầng giao thông của các tỉnh khu vực ĐBSCL chưa được đầu tư đồng bộ, thông suốt, thuận tiện cho khách du lịch. Bên cạnh đó, việc khai thác sản phẩm du lịch tương đồng, trùng lắp giữa các tỉnh...
Du lịch trên sông nước cũng là thế mạnh ở ĐBSCL.
Hiện, du lịch nông nghiệp đang có tiềm năng phát triển trong giai đoạn du lịch đang dần phục hồi sau dịch Covid-19. Tuy nhiên, sự tương đồng về điều kiện khí hậu và đời sống văn hóa của vùng đồng bằng sông nước dẫn đến các sản phẩm du lịch nông nghiệp tại các tỉnh ĐBSCL có nhiều điểm tương đồng. Do đó, các tỉnh, thành cần nghiên cứu, tìm ra sản phẩm du lịch đặc trưng, đặc thù tạo sự khác biệt, độc đáo của mỗi địa phương, để tạo hấp dẫn cho du khách và phát triển các sản phẩm du lịch cạnh tranh giữa các tỉnh, thành.
Đẩy mạnh liên kết trong thời gian tới
Để liên kết phát triển du lịch giữa TP. Hồ Chí Minh và ĐBSCL, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho rằng, các tỉnh cần nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy, đầu tư trạm dừng chân đủ tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, nhất là khách du lịch quốc tế nhằm tạo động lực để hình thành và phát triển sản phẩm du lịch liên kết vùng, kết hợp quảng bá sản phẩm và đặc sản nông nghiệp các địa phương. Cùng với đó, hỗ trợ, quảng bá sản phẩm du lịch của nhau; có chính sách kích cầu đầu tư, tăng cường xây dựng câu chuyện sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản địa phương; xây dựng sản phẩm du lịch nông nghiệp độc đáo, chất lượng.
Cùng quan điểm này, các chuyên gia cho rằng, ĐBSCL tập trung nâng cấp và phát triển hạ tầng giao thông cả đường thủy lẫn đường bộ để rút ngắn thời gian di chuyển giữa các địa phương; tập trung đào tạo nguồn nhân lực, chăm sóc tốt khách hàng, quan tâm đến vai trò của kinh tế tư nhân trong phát triển du lịch, chú trọng sản phẩm du lịch mang đặc trưng riêng từng địa phương và quảng bá sản phẩm tốt hơn nữa, cập nhật thường xuyên thông tin về điểm đến du lịch lên môi trường mạng... có chính sách kích cầu đầu tư, trong đó hỗ trợ lãi vay cho các cá nhân, tổ chức đầu tư phát triển du lịch sinh thái, phát triển sản phẩm OCOP đảm bảo chất lượng và nguồn cung ổn định…
Sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển du lịch ở Kiên Giang.
Bên cạnh đó, vùng ĐBSCL nên phối hợp xây dựng sản phẩm, chương trình du lịch nông nghiệp đa dạng, độc đáo, chất lượng cao với các nhóm sản phẩm trọng tâm như: du lịch giáo dục, du lịch phục hồi sức khỏe, du lịch cộng đồng. Việc phát triển du lịch nông nghiệp theo hướng du lịch có trách nhiệm gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, bảo vệ môi trường sinh thái, tăng tính cạnh tranh và xây dựng thương hiệu cho từng địa phương cũng như thương hiệu chung của cả vùng.
Hoàn thiện chương trình du lịch đặc trưng kết nối các tuyến, điểm du lịch của các địa phương. Đồng thời, giới thiệu, quảng bá sản phẩm, chương trình tour liên kết các tỉnh, thành ĐBSCL đến các tỉnh, thành trong cả nước và quốc tế, góp phần khởi động lại hoạt động du lịch. Các tỉnh cần xem phát triển du lịch là một chiến lược lâu dài để có những đầu tư đúng mức, xây dựng các chính sách khuyến khích chủ thể đầu tư phát triển du lịch để ngành công nghiệp không khói trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển khu vực nông thôn...
Thạc sĩ Phan Đình Huê, chuyên gia tư vấn phát triển du lịch ĐBSCL cho rằng, việc liên kết giữa TP. HCM là nơi có năng lực về chuyên môn, vốn và thị trường, với vùng ĐBSCL giàu tài nguyên thiên nhiên, là việc làm cần được thúc đẩy trong thời gian tới. Để việc liên kết này trở thành hiện thực, cần thiết phải có chính sách hỗ trợ về vốn, đất đai và thuế cho các nhà đầu tư. Trong đó, quan trọng nhất là cho phép xây dựng các cơ sở lưu trú nhỏ, thân thiện với môi trường ở các trang trại nông nghiệp để đón khách du lịch, cần được tính đến.
Để ngành du lịch bứt phá và trở thành nền kinh tế trọng yếu, ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đề xuất hình thành 3 trục phát triển giữa ĐBSCL, TP HCM và các tỉnh miền Đông. Đồng thời giữa TP. HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL cần đẩy mạnh kết nối và hợp tác sâu rộng hơn nữa để cùng nhau đưa ngành du lịch phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Đồng Tháp mong muốn thông qua hoạt động lần này, tỉnh sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm đầu tư, liên kết hợp tác trong lĩnh vực du lịch với các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp du lịch trong cả nước, nhất là TP. HCM và các địa phương vùng ĐBSCL. Đồng Tháp cam kết sẽ tiếp tục đóng góp tích cực cho cơ chế liên kết, hợp tác phát triển du lịch liên vùng ngày càng bền chặt, hiệu quả... ông Nghĩa cho biết thêm.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…