Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 1 tháng 9 năm 2018 | 0:35

Đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử hỗ trợ tiêu thụ nông sản

Ứng dụng thương mại điện tử (TMĐT) trong xây dựng chuỗi giá trị cho nông sản có vai trò hết sức quan trọng, tạo ra phương thức kinh doanh mới, hiện đại và hiệu quả.

Ninh Bình: Đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử hỗ trợ tiêu thụ nông sản

Trong lĩnh vực nông nghiệp, hiện nay các kênh thông tin từ nhà sản xuất đến kênh phân phối và người tiêu dùng còn thiếu và yếu, nhất là đối với các hộ sản xuất, các HTX là những đối tượng không có được các kiến thức cần thiết để tìm cho mình các kênh phân phối hiệu quả. Chính vì vậy, cần đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử để hỗ trợ nông sản.

Trong 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh ước đạt trên 612,6 triệu USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước, đạt 49% kế hoạch năm. Trong đó, nhóm hàng nông sản của tỉnh cũng đạt kim ngạch khá cao, ước trên 15,8 triệu USD, tăng 35%, bằng 62,7% kế hoạch năm. Hàng nông sản của tỉnh đã vào được các thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ, EU... Trong chuỗi giá trị sản phẩm này có sự đóng góp không nhỏ của TMĐT.

Theo báo cáo của Sở Công thương, hiện Sở đã triển khai hỗ trợ 51 doanh nghiệp xây dựng website TMĐT bán hàng, trong đó có 5 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản. 5 năm qua, Sở đã phối hợp với Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công thương) tổ chức 10 hội nghị, hội thảo phổ biến các quy định của pháp luật về kinh doanh trên môi trường mạng; triển khai hỗ trợ thực hiện giải pháp marketing online, thúc đẩy quảng bá sản phẩm và thương hiệu đối với các mặt hàng nông sản qua các mạng xã hội như Facebook, Zalo, Viber….

Những năm qua, Sở Công thương cũng đã triển khai hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến nông sản tham gia các trang bán hàng toàn cầu như amazon.com, alibaba.com; giới thiệu các sản phẩm rau quả chế biến của Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, Công ty cổ phần chế biến nông sản Việt Xanh, Công ty cổ phần thực phẩm á Châu; các sản phẩm như thịt dê, cơm cháy, nem Yên Mạc, mắm tép Gia Viễn, trên các website của chuyên ngành của ngành Công thương như: www.congthuong.ninhbinh.gov.vn; www.xnkninhbinh.com; vnex.com.vn...; tổng hợp xây dựng cơ sở dữ liệu trực tuyến về mặt hàng xuất khẩu của tỉnh, trong đó các mặt hàng nông sản phục vụ Đề án thúc đẩy xuất khẩu trực tiếp vào kênh phân phối nước ngoài của Bộ Công thương.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có gần 1.000 website thương mại điện tử đang hoạt động, trong đó có hàng trăm website của các doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông sản, các HTX, các nhà phân phối và cả các hộ nông dân. TMĐT trên địa bàn tỉnh đã bước đầu phát triển với cả hai hình thức bán lẻ trực tuyến B2C (Business – To – Customer) và bán qua các kênh phân phối B2B ( Business To Business), góp phần quan trọng trong xây dựng chuỗi giá trị cho nông sản Ninh Bình.

9.jpg
Giới thiệu hệ thống phần mềm quản lý sản xuất mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng tại Khu NNCNC (Chủ Chi - TP.HCM). (Ảnh: Mạnh Linh.)

 



Thông qua trang website TMĐT, các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất trên địa bàn tỉnh có thể tiến hành giao dịch điện tử, ký kết hợp đồng điện tử đồng thời với nhiều khách hàng mà không phải bỏ quá nhiều thời gian và chi phí đi đàm phán, cũng như giảm bớt các khâu phân phối trung gian. 

Bên cạnh đó, với việc thường xuyên có được thông tin cập nhật về thị hiếu của khách hàng, sản phẩm của đối thủ cạnh tranh… sẽ giúp các doanh nghiệp, HTX hộ sản xuất đổi mới công nghệ, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng của hàng hóa và dịch vụ.

Ứng dụng TMĐT để hỗ trợ, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản đang thực sự trở thành một xu thế kinh doanh tất yếu trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh việc ứng dụng TMĐT trong xây dựng chuỗi giá trị còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân chính là do các doanh nghiệp chế biến nông sản, các HTX có quy mô nhỏ và vừa, nguồn nhân lực chưa đủ mạnh để trang bị hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu TMĐT. 

Một giải pháp được xem là hữu hiệu nhằm đưa các sản phẩm an toàn đến tay người tiêu dùng giúp thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đó là cần triển khai kết nối chương trình mỗi xã một sản phẩm với TMĐT để xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Đồng thời đẩy mạnh hỗ trợ các đơn vị doanh nghiệp, HTX và các nông hộ sản xuất lớn thiết kế, ứng dụng bao bì, tem nhãn đảm bảo truy xuất nguồn gốc, chống hàng giả.

Vĩnh Phúc: Giải pháp quản lý, hỗ trợ để ngành TMĐT phát triển bền vững

Phát triển TMĐT là một trong những nhiệm vụ then chốt trong việc triển khai cuộc cách mạng 4.0. Những năm gần đây, ngành TMĐT của tỉnh đang có những bước tiến vượt bậc .

Năm 2013, Vĩnh Phúc còn chưa nằm trong danh sách được Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam đánh giá. Tuy nhiên, chỉ sau 1 năm, tỉnh không chỉ lọt vào danh sách đánh giá của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam mà còn có chỉ số TMĐT vươn lên đứng thứ 16/63 tỉnh, thành trên cả nước.

Đây là một thành công lớn, song, sự phát triển mạnh mẽ của TMĐT cũng đặt ra bài toán cho các cơ quan chuyên môn trong việc ban hành cơ chế, chính sách phù hợp để quản lý, hỗ trợ ngành TMĐT phát triển theo hướng bền vững.

Qua khảo sát cho thấy, hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp trong tỉnh đều trang bị máy tính kết nối internet, 100% sử dụng thư điện tử trong hoạt động SXKD với mục đích: Quảng bá sản phẩm, ký kết hợp đồng, chăm sóc khách hàng...

Để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp ứng dụng TMĐT trong SXKD, tính đến hết năm 2017, tỉnh hỗ trợ xây dựng gần 100 website cho các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực thương mại, nhập khẩu.

Để TMĐT phát triển, tỉnh chỉ đạo Sở Công thương phối hợp với đơn vị chuyên môn tăng cường mở lớp đào tạo chuyên sâu cho cán bộ chuyên trách về TMĐT, tập huấn ngắn hạn cho các doanh nghiệp về TMĐT theo chủ đề phù hợp với địa phương và lĩnh vực SXKD; tiếp tục đổi mới nội dung tuyên truyền dưới nhiều hình thức; xây dựng thêm nhiều sản phẩm TMĐT mới, có tính tiện ích cao, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường.

10.jpg
Siêu thị Lan Chi ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt, tiết kiệm thời gian cho khách hàng. Ảnh: Kim Ly

 

Hải Dương: Sản xuất vụ đông sớm gặp khó

Mưa lớn kéo dài đã làm ảnh hưởng lớn đến tiến độ gieo trồng cây vụ đông của bà con nông dân, gây ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình sinh trưởng của rau màu.

Mặc dù phải đối mặt với không ít khó khăn trong sản xuất đầu vụ đông vì thời tiết bất lợi nhưng đây là vụ mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất trong năm nên nông dân tại các địa phương có truyền thống trồng vụ đông sớm đang đẩy nhanh lịch thời vụ và bảo vệ rau màu đã trồng.

Theo ông Nguyễn Ngọc Khắc, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ), người dân trong xã thường trông mong vào vụ đông sớm nên đã có những chuẩn bị để không phụ thuộc nhiều vào thời tiết như trước.

Tranh thủ lúc nắng ráo giữa các đợt mưa, nông dân làm đất bằng máy công suất lớn để rút ngắn thời gian sản xuất. Để tránh việc nguồn giống khan hiếm, giá bị đẩy lên cao, đa số nông dân chủ động mua hạt giống để tự sản xuất cây giống.

Khi đã có sẵn giống, việc gieo trồng cũng diễn ra đồng loạt và nhanh gọn hơn. Cây đã trồng sẽ được bảo vệ bằng khum nilon nên hạn chế được ảnh hưởng của mưa, nhất là những đợt mưa kéo dài, tuy nhiên không phải hộ nào cũng đủ điều kiện đầu tư khum nilon.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã điều chỉnh thời vụ vụ đông năm nay muộn hơn 10 ngày so với mọi năm để bảo đảm cho cây trồng sinh trưởng và phát triển thuận lợi. Mặc dù vậy, trong thời gian sản xuất vụ đông vẫn có mưa làm cho việc gieo trồng bị gián đoạn, làm gia tăng áp lực thời vụ. Điều này không chỉ làm giảm năng suất, chất lượng của cây trồng mà còn ảnh hưởng tới tiến độ sản xuất của những vụ tiếp theo.

Để khắc phục, sở đề nghị các địa phương và cơ quan chuyên môn hướng dẫn nông dân các biện pháp gieo trồng trong điều kiện thời tiết bất lợi. Trong đó, kỹ thuật gieo trồng trên nền đất ướt đã được người dân áp dụng ở vụ đông năm ngoái. Các cây trồng vụ đông được chia làm cây ưa ấm và ưa lạnh. Khi đã quá lịch thời vụ, các địa phương có thể sắp xếp, bố trí lại cơ cấu giống, không cố gieo trồng trong thời gian không phù hợp vì sẽ làm giảm năng suất cây trồng.

11.jpg
Nông dân xã Thượng Đạt (TP Hải Dương) trồng cà chua chậm gần 1 tháng so với mọi năm. (Ảnh: B Hải Dương)

Thanh Hóa: Gần 3,3 triệu con gia súc, gia cầm được kiểm soát giết mổ

Thông tin từ Phòng Chăn nuôi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa, cho biết: Với 2 cơ sở giết mổ công nghiệp, 8 cơ sở giết mổ bán công nghiệp;394 cơ sở, điểm giết mổ được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, 139 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y và 876 cơ sở được kiểm soát trên địa bàn tỉnh, hàng năm toàn tỉnh có khoảng 3.256.000 con gia súc, gia cầm được kiểm soát giết mổ. Trong đó, lợn 680.000 con; trâu, bò 76.000 con; gia cầm hơn 2,5 triệu con.

Để tiếp tục siết chặt công tác quản lý hoạt động giết mổ, nâng số lượng vật nuôi được kiểm soát trên địa bàn tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp với chính quyền các địa phương đẩy mạnh thực hiện kế hoạch quản lý giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020; trong đó tập trung vào các giải pháp về công tác quản lý xóa bỏ các điểm giết mổ nhỏ, lẻ; đồng thời nâng cao năng lực các cơ sở giết mổ tập trung.

12.jpg
Sản phẩm thịt lợn được kiểm soát bán tại phường Ba Đình, thị xã Bỉm Sơn. (Ảnh: Hương Thơm)

Bắc Ninh: Tăng cường chỉ đạo phòng chống bệnh lùn sọc đen hại lúa mùa

Sở NN&PTNT vừa có công văn yêu cầu các địa phương tăng cường chỉ đạo phòng chống bệnh lùn sọc đen hại lúa mùa.

Theo kết quả giám định mẫu lúa rầy lưng trắng ngày 22/8/2018 của Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Bắc (Cục Bảo vệ thực vật) , trong số 227 mẫu thử nghiệm của Chi cục Trồng trọt & BVTV tỉnh Bắc Ninh gửi giám định thì có 33 mẫu phản ứng dương tính với vi rút gây bệnh lùn sọc đen; tỷ lệ rầy mang vi rút lùn sọc đen là 14,15%.

Để bảo vệ năng suất lúa mùa, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của bệnh lùn sọc đen, Sở NN&PTNT đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, nắm chắc diễn biến rầy lưng trắng, bệnh lùn sọc đen trên các trà lúa; đặc biệt là những diện tích cấy muộn, ảnh hưởng của ngập úng phải cấy lại.

Đối với những diện tích có kết quả giám định mẫu rầy lưng trắng và mẫu lúa dương tính với vi rút lùn sọc đen khẩn trương phun trừ rầy lưng trắng bằng một trong các thuốc như: Elsin 10EC, Chess 50 WG; Chatot 600 WG… nhổ vùi những khóm lúa nghi nhiễm bệnh lùn sọc đen để diệt trừ tận gốc (lá có màu xanh đậm, thấp lùn, một số lá bị xoắn).

Tăng cường tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn nông dân thăm đồng thường xuyên, phát hiện sớm diện tích nhiễm bệnh lùn sọc đen, thực hiện các biện pháp kỹ thuật phòng chống rầy lưng trắng, bệnh lùn sọc đen theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn; thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh buôn bán thuốc bảo vệ thực vật nhằm ổn định thị trường, giá cả, chất lượng thuốc bảo vệ thực vật.

13.jpgNông dân xã Bằng An (Quế Võ) chăm sóc lúa mùa. (Ảnh: Hoàng Mai).

 

Hà Nam: 3 thương hiệu sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP
Chuối ngự Đại Hoàng, cá kho Nhân Hậu (Hòa Hậu) và bánh đa nem làng Chều (Nguyên Lý) là những sản phẩm nổi tiếng ở các làng nghề, được đầu tư xây dựng thương hiệu sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGap.Hiện, công tác xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản đang tiếp tục được triển khai thực hiện. Nhiều cơ sở sản xuất các sản phẩm rau ăn lá, củ, quả, dưa lưới, chuối tiêu hồng đã đủ điều kiện được cấp chứng nhận VietGAP.Huyện Bình Lục đang tập trung chỉ đạo xây dựng thương hiệu lợn sạch. Dự kiến đến năm 2020, Hà Nam phát triển được thêm 2 thương hiệu sản phẩm nông nghiệp, đó là: Gà móng Tiên Phong và lợn sạch Ngọc Lũ.

14.jpg
Cá kho Nhân Hậu, xã Hoà Hậu, Lý Nhân. (Ảnh: Nguyễn Hiền)./.

 

Thanh Tâm
Ý kiến bạn đọc
Top