Mùa mưa xuất hiện muộn, cùng với lượng mưa thiếu hụt nên xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long sẽ diễn ra tương tự mùa khô năm 2019-2020 và có thể khốc liệt nhất trong vòng 10 năm qua.
Xâm nhập mặn đến sớm, gay gắt
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, mùa mưa năm 2020 trên lưu vực sông Mê Kông xuất hiện muộn so với trung bình nhiều năm (TBNN). Tổng lượng mưa trên toàn lưu vực ở mức thấp hơn so với TBNN. Dòng chảy về Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) từ đầu mùa lũ đến nay ở mức rất thấp so với TBNN và thấp hơn cùng kỳ năm 2015, 2019.
Theo ông Vũ Đức Long, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, sau đợt hạn mặn khốc liệt năm 2020, bước vào mùa lũ, lượng mưa trên toàn lưu vực sông Mê Kông vẫn tiếp tục bị sụt giảm. Từ đầu tháng 6 đến nay, tổng lượng mưa khu vực thượng nguồn Trung Quốc thấp hơn so với TBNN khoảng 25% và cao hơn cùng kỳ năm 2019 khoảng 10%.
Tổng lượng mưa ở vùng thượng lưu sông Mê Kông ở mức cao hơn TBNN và năm 2019 từ 10-25%, ở vùng trung, hạ lưu phổ biến thấp hơn TBNN và năm 2019 từ 25-45%.
Lượng dòng chảy qua trạm thủy văn Tân Châu, Châu Đốc từ tháng 6 đến tháng 8/2020 đều thấp hơn TBNN từ 31- 49%, thấp hơn cùng kỳ năm 2015 từ 6-20% và năm 2019 từ 10-36%. Mực nước đầu mùa lũ cũng ở mức thấp hơn TBNN từ 0,2- 1,6 m và thấp hơn mức lũ cấp 1 tới 1,7 m.
Theo đánh giá sơ bộ, tổng lượng dòng chảy qua hai trạm Tân Châu và Châu Đốc trong toàn bộ mùa lũ năm 2020 dự kiến chỉ đạt khoảng 55% TBNN (thiếu khoảng 130 tỷ m3) và thấp hơn cùng kỳ năm 2019 khoảng 15%.
Do thiếu nước, nên theo dự báo xa của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, những tháng mùa khô 2020-2021, tình trạng thiếu nước, xâm nhập mặn sẽ diễn ra sớm và gay gắt, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, thủy sản và diện tích trồng cây ăn trái ở ĐBSCL.
Chủ động ứng phó với hạn mặn
Trong mùa khô năm 2019-2020, toàn vùng ĐBSCL đã có khoảng 25.120ha cây ăn trái tại các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh và Sóc Trăng bị ảnh hưởng thiệt hại bởi khô hạn, xâm nhập mặn, trong đó, có 11.181ha bị thiệt hại trên 70% và 12.270ha bị thiệt hại từ 30-70%.
Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT, với 25.120ha vườn cây bị ảnh hưởng thiệt hại trong đợt hạn mặn kỷ lục mùa khô 2019-2020 vừa qua thấp hơn nhiều so với mức dự báo ban đầu là khoảng 80.000ha và thấp hơn nhiều so với diện tích bị thiệt hại trong đợt hạn mặn 2015-2016. Nhờ chủ động thực hiện nhiều giải pháp hiệu quả mà các địa phương vùng ĐBSCL đã giảm thiểu được thiệt hại cho vườn cây ăn trái.
Đặc biệt, nông dân đã chủ động trữ nước ngọt và sử dụng nước hợp lý, gắn với áp dụng nhiều giải pháp kỹ thuật được ngành chức năng khuyến cáo để chăm sóc, bảo vệ vườn cây. Đồng thời, các công trình phòng chống hạn, mặn do Trung ương và địa phương đầu tư cũng phát huy hiệu quả… Điều này cho thấy, chúng ta hoàn toàn có thể chủ động bảo vệ vườn cây ăn trái trong mùa khô sắp tới, dù cho có gay gắt như năm 2019-2020.
Để bảo vệ vườn cây, các địa phương đã và đang cập nhật thông tin liên tục tình hình diễn biến thời tiết và nguồn nước tại các vùng trồng cây ăn trái để người dân chủ động ứng phó. Đồng thời, rà soát, khoanh vùng cụ thể theo từng chủng loại cây, từng khu vực cụ thể; khảo sát hệ thống thủy lợi, cân đối nguồn nước, khả năng tích trữ nước của từng nhà vườn và của cộng đồng; áp dụng các kỹ thuật chăm sóc cây khỏe… ngay từ mùa mưa.
Ông Trần Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, cho biết, tỉnh có 14.500ha cây ăn trái bị ảnh hưởng thiệt hại do hạn mặn trong mùa khô 2019-2020, trong đó thiệt hại trên 70% là 8.800ha. Ngay sau khi hạn mặn chấm dứt, tỉnh đã phối hợp với các nhà khoa học và cơ quan chuyên môn thực hiện ngay các giải pháp rửa mặn, phục hồi vườn cây.
Đối với cây ăn trái bị ảnh hưởng nhẹ đang dần phục hồi, cây ảnh hưởng trên 70% được người dân trồng lại cây thay thế. Để chủ động công tác phòng chống hạn mặn trong mùa khô sắp tới và những năm tiếp theo, tỉnh đã xây dựng, ban hành phương án ứng phó chi tiết theo từng vùng và phân công trách nhiệm cụ thể từng sở, ngành và địa phương, ông Dũng cho biết thêm.
Theo bà Nguyễn Thị Giang, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, để bảo vệ hơn 42.000ha cây ăn trái địa phương tích cực tuyên truyền, vận động người dân theo dõi chặt chẽ thông tin thời tiết và tình hình hạn mặn, chủ động trữ nước trong mương vườn và áp dụng các giải pháp kỹ thuật và mô hình quản lý, sử dụng nước tưới tiết kiệm, hiệu quả cho vườn cây.
Mới đây làm việc tại tỉnh Tiền Giang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các tỉnh, thành ĐBSCL chủ động các biện pháp ứng phó tình hình nguy cơ hạn hán, xâm nhập mặn; bảo đảm đủ nước sinh hoạt, nước tưới tiêu cho người dân
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, năm 2020, hạn mặn ở khu vực ĐBSCL dự báo nặng nề hơn so với 2019. Do đó, cần những biện pháp phù hợp để hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người dân và nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp ở khu vực này. Đặc biệt phải chủ động ứng phó, xử lý tốt nguồn nước sinh hoạt, tưới tiêu ngay từ bây giờ.
Hiện nay đang vào mùa mưa nên chúng ta phải tích trữ nước ngọt nhằm bảo đảm đủ nước sinh hoạt, nước tưới tiêu cho dân, không để người dân thiếu nước trong năm sau. Các địa phương cần có kế hoạch chủ động, chuẩn bị trữ nước ngọt, dụng cụ chứa nước để bảo đảm cho người dân đủ nước. Ngoài ra, cần làm tốt công tác truyền thông cho dân chủ động ứng phó với hạn, mặn. Mỗi người cần chủ động trữ nước cho mình trước, Thủ tướng chỉ đạo.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.