Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 19 tháng 3 năm 2024  
Thứ năm, ngày 25 tháng 6 năm 2020 | 22:57

ĐBSCL: Vào vụ hè thu giá gạo xuất khẩu giảm

Đang vào vụ hè thu nguồn lúa ngày càng tăng do vậy giá xuất khẩu gạo 5% tấm của Việt Nam đã giảm xuống mức thấp chỉ đạt 450 USD/tấn. Trong khi trước đó khoảng 1 tháng giá gạo xuất khẩu đạt bình quân 485 USD/tấn.

gao-viet-nam-1434-1592665417.jpg
 Nhiều tỉnh ở ĐBSCL đang bước vào thu hoạch vụ lúa hè thu.
 

Giá lúa, gạo giảm

Do dịch Covid-19, buộc các nước tăng dự trữ lương thực nên nhu cầu gạo tăng đột biến, giá gạo xuất khẩu cũng tăng cao. Việt Nam đón những tác động đó, bằng kim ngạch xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2020 ước tính tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2019.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo tháng 6/2020 ước đạt 408.914 tấn, trị giá 206,705 triệu USD, so với tháng 5/2020 giảm 57,13% về lượng và giảm 58,03% về trị giá. So với tháng 6/2019 giảm 31,75% về lượng và giảm 22,12% về trị giá.

Cộng dồn 6 tháng đầu năm 2020, Việt Nam xuất khẩu ước đạt 3,49 triệu tấn gạo, với 1,7 tỷ USD, so với tháng 6/2019 chỉ tăng 1,54% về lượng nhưng tăng đến 17,12% về trị giá nhờ giá gạo xuất khẩu tăng. Ước giá gạo xuất khẩu tăng gần 13% so với cùng kỳ năm 2019, đạt bình quân 487 USD/tấn.

Trong 5 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu gạo sang đa số các thị trường tăng kim ngạch so với cùng kỳ năm trước; trong đó tăng cao ở một số thị trường như: Senegal mặc dù chỉ đạt 28.435 tấn, tương đương 9,73 triệu USD, nhưng so với cùng kỳ năm trước thì tăng đột biến gấp 26 lần về lượng và gấp 18,3 lần về kim ngạch.

Tuy nhiên, hiện nay khu vực ĐBSCL đang thu hoạch vụ lúa hè thu, nguồn cung ngày càng tăng đang gây sức ép lên giá gạo.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), ngày 4/6 giá gạo 5% tấm đã chạm mức 475 USD/tấn, nhưng đến ngày 22/6 đã giảm còn 458 - 462 USD/tấn. Gạo 25% tấm còn 446 - 450 USD/tấn.

Còn theo AgroMonitor, từ cuối tuần trước đến nay giá lúa trên thị trường giảm khoảng 400 - 500 đồng/kg, tùy loại. Cùng với đó, giá lúa giảm do thời tiết mưa nhiều khiến chất lượng lúa giảm. Do đó, một số thương lái đặt cọc lúa OM 5451 và IR 50404 giá 5.400 - 5.500 đồng/kg khoảng 2 tuần trước đó hiện đã bỏ cọc.

Đầu tuần này giá gạo nguyên liệu và gạo thành phẩm IR 50404 giảm so với cuối tuần qua. Cụ thể, tại An Giang giá gạo nguyên liệu IR 50404 hè thu 7.400 đồng/kg (giảm 250 đồng/kg so với ngày 20/6/2020), loại gạo thành phẩm IR 50404 hè thu 8.900 đồng/kg (giảm 200 đồng/kg).

niềm-vui-trúng-mùa-được-giá-lúa-vụ-hè-thu-của-nông-dân-đbscl.jpg
Vào vụ hè thu nguồn lúa tăng do vậy giá xuất khẩu gạo 5% tấm của Việt Nam đã giảm.

 

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), vụ hè thu ĐBSCL xuống giống hơn 1,53 triệu ha lúa, với sản lượng ước đạt hơn 8,7 triệu tấn, tăng 31.000 tấn so cùng kỳ. Những ngày qua, hầu hết diện tích lúa đã thu hoạch đều đạt năng suất cao, bà con lãi khá. Từ nay đến tháng 9 sẽ là cao điểm thu hoạch toàn bộ lúa hè thu ở vùng ĐBSCL. Sau khi trừ đi lượng lúa gạo tiêu thụ nội địa, sẽ dành từ 2,3 - 2,5 triệu tấn gạo hàng hóa phục vụ nhu cầu xuất khẩu.

Mở rộng lúa thu đông lên 800.000ha

Ngày 25/6, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cùng các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ đã khảo sát tình hình sản xuất lúa hè thu và chỉ đạo sản xuất vụ lúa thu đông 2020 tại ĐBSCL.

Tại cánh đồng lớn (CĐL) sản xuất lúa chất lượng cao tại khu vực Tân Phước, phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ, bà con nông dân đã xuống giống lúa thu đông được hơn 2 tuần tuổi. Lúa đang giai đoạn đẻ nhánh và vượt lên xanh tốt. Đây là một trong những mô hình CĐL lớn thành công ở TP Cần Thơ, hiện có 156 hộ dân tham gia, diện tích canh tác lúa gần 150 ha, sản xuất lúa chất lượng cao 3 vụ/năm.

Trực tiếp quan sát thực tế mô hình và thăm hỏi nông dân, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đánh giá cao những cách làm hiệu quả tại CĐL Tân Phước, khuyến khích bà con nông dân tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, sử dụng giống tốt, giảm lượng giống trong gieo cấy... nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng lúa gạo.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh thông tin thêm, đến nay ĐBSCL xuống giống vụ hè thu được hơn 1,4 triệu ha, đạt khoảng 95% kế hoạch, đồng thời nông dân đã thu hoạch được 400.000 ha, năng suất gần 6 tấn/ha, cao hơn 2 tạ/ha so với vụ hè thu 2019. Để đảm bảo đến cuối vụ hè thu thắng lợi, nông dân cần lưu ý thường xuyên thăm đồng, chăm sóc, kịp thời phát hiện và phòng trừ sâu bệnh hại lúa cho đến giai đoạn cuối vụ.

Còn theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), ĐBSCL đang triển khai vụ lúa thu đông xuống giống sớm tập trung ở các tỉnh phía bắc Quốc lộ 1 gồm: Long An, Đồng Tháp, An Giang và Kiên Giang, Vĩnh Long, TP Cần Thơ với tổng diện tích khoảng 400.000 ha. Đây là vùng lúa sẽ thu hoạch sớm trước khi nước lũ từ thượng nguồn đổ về. Theo kế hoạch của Bộ NN&PTNT vụ thu đông năm 2020, ĐBSCL sẽ sản xuất 800.000 ha, tăng hơn năm 2019 khoảng 50.000 ha.

Cơ sở để tăng diện tích lúa thu đông là do tình hình tiêu thụ lúa gạo hiện đang tốt, sản xuất lúa thu đông sẽ giúp nông dân có thêm thu nhập, sinh kế và yếu tố thuận lợi thứ hai là dự báo mực nước lũ năm nay sẽ không cao. Vì thế lúa thu đông có thể mở rộng diện tích trở lại ở những vùng ảnh hưởng lũ mà mấy năm trước đây không sản xuất lúa được.

Hoàng Văn (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top