Mặc dù các địa phương trong cả nước đồng loạt thực hiện nhiều biện pháp ngăn chặn lây lan bệnh dịch tả lợn châu Phi nhưng đến nay bệnh dịch này vẫn diễn biến phức tạp và lan rộng.
Bệnh dịch tả lợn châu Phi không có khả năng lây sang người, nên người dân cần quan tâm đến cách phòng, chống, cách ăn, cách chế biến để đảm bảo an toàn thực phẩm và dịch không lây lan.
Lo ngại sức ép nguồn cung
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT cho thấy, dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp và kéo dài, nguy cơ lây lan cao. Tính đến ngày 11/6, đã có 59 địa phương xuất hiện dịch tả lợn châu Phi, với số lượng buộc phải tiêu hủy là hơn 2,3 triệu con lợn.
Bộ Nông nghiệp và PTNT cho rằng, hầu hết các địa phương đã chủ động dập dịch, xử lý ngăn chặn đà lây lan. Các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Đồng bằng sông Hồng đã tiêu huỷ trung bình 30% tổng đàn lợn địa phương vì mắc dịch.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại nhiều tỉnh, thành phố gây lo ngại cho người chăn nuôi và người dân.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, 3 tháng tới là thời kỳ thấp điểm của việc tiêu dùng thịt lợn (thời tiết nắng nóng, lo ngại trước thông tin dịch bệnh) nên sức ép nguồn cung trong thời gian tới sẽ không quá lớn.
Tuy nhiên, nếu dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp như hiện nay, một số địa phương đã bị cấm tái đàn cho đến khi có chỉ đạo mới (Thái Bình, Hưng Yên…) thì nguồn cung cho dịp cuối năm và Tết Nguyên đán có thể gặp khó khăn.
Cấp đông, giải pháp cần thiết nhưng không đơn giản
Trước thực trạng lo ngại thiếu hụt nguồn cung, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, việc thu mua, giết mổ và cấp đông thịt lợn là một trong các giải pháp cần thiết để bảo đảm nguồn cung, ổn định thị trường dịp cuối năm và dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.
Nói về chủ trương hỗ trợ việc thu mua, giết mổ lợn và cấp đông thịt lợn, ông Nguyễn Xuân Dương, quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho rằng, đây là chủ trương “nhất cử tam tiện” (một mũi tên trúng ba đích). Vừa đảm bảo quyền lợi của người chăn nuôi, vừa giúp giảm ngân sách nhà nước và bảo vệ môi trường. Vì vậy, để phòng và ngăn chặn dịch bệnh, chỉ có 2 biện pháp là ăn ngay hoặc cấp đông dự trữ.
Tuy nhiên, nhìn nhận về tính khả thi khi thực hiện chủ trương giết mổ, cấp đông thịt lợn, ông Hoàng Anh Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, hiện nay, khả năng cấp đông của các doanh nghiệp thu mua, giết mổ và chế biến còn hạn chế, việc cấp đông, sản phẩm thịt lợn trong một thời gian dài với khối lượng lớn sẽ gặp khó khăn về nguồn lực cơ sở hạ tầng cũng như tài chính.
Ngoài ra, cơ sở vật chất của các cơ sở giết mổ tập trung còn hạn chế, nhiều nơi chưa đáp ứng được yêu cầu về giết mổ của cơ sở chế biến, cấp đông (cả nước chỉ có 387 cơ sở giết mổ tập trung trong khi có hơn 27.000 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, tập trung chủ yếu tại Đồng bằng sông Hồng).
Đặc biệt, nhu cầu thói quen tiêu dùng thịt lợn cấp đông của người dân còn hạn chế, gây lo ngại cho doanh nghiệp trong việc dự trữ, bán các sản phẩm này. Trong khi đó, một số doanh nghiệp chế biến thực phẩm sử dụng thịt lợn nhập khẩu từ nước ngoài nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm đầu ra phù hợp với yêu cầu của khách hàng.
Chia sẻ những khó khăn, ông Lê Văn Lộc, Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai, cho hay, khó khăn nhất hiện nay trên địa bàn tỉnh Đồng Nai là chưa có kho cấp đông chuẩn -40 độ C. Mặc dù, tỉnh đã làm việc với các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp nhưng do kho của họ không có chức năng cấp đông nên không cho thuê.
Hơn nữa, khi liên hệ tìm các kho cấp đông ở khu công nghiệp Sóng Thần thì hiện đã đầy và giá là 1USD/tấn/ngày, tính sơ bộ có hiệu quả hơn tiêu hủy, tuy nhiên, cấp đông trong 8 tháng thì chi phí cũng cao hơn, 1 yến tăng 6.000 đồng.
Không những thế, Đồng Nai chọn TP. Hồ Chí Minh là nơi cấp đông, Đồng Nai cung cấp thịt lợn nhưng vận chuyển từ Đồng Nai đến TP. Hồ Chí Minh khá xa nên đề nghị các địa phương cần phối hợp hỗ trợ doanh nghiệp kho cấp đông, tiền điện và vốn vay.
Cần tính đến phương án nhập khẩu
Theo bà Trần Thị Phương Lan, Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, kể từ khi có dịch tả lợn châu Phi, thành phố chỉ đạo rất quyết liệt nhưng đến nay đã có 24/24 quận huyện, thị xã chăn nuôi lợn bị nhiễm bệnh.
Thời gian đầu, sản lượng bán ở chợ dân sinh giảm do người dân lo ngại dịch bệnh nhưng do đẩy mạnh tuyên truyền nên nhu cầu tiêu thụ trở lại bình thường và người dân không còn e ngại.
Bà Lan cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh lây lan, điều quan trọng nhất hiện nay là phải có cơ chế, chính sách rõ ràng hỗ trợ cho các doanh nghiệp, đơn vị tham gia cấp đông.
Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và PTNT cần tính đến việc cấp đông hết thì sau bao lâu sẽ tiếp tục tái đàn để đáp ứng nhu cầu vào dịp Tết Nguyên đán.
Bộ Công Thương cần tính đến việc nhập khẩu sản phẩm an toàn nếu phương án tái đàn không khả thi; đồng thời, điều tiết thịt cấp đông về các địa phương. Hiện tại, Hà Nội đang lên phương án chuẩn bị nguồn cung thịt bò, thịt gà để bù đắp khi nguồn cung thịt lợn thiếu hụt.
Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là thói quen của người tiêu dùng sử dụng thịt lợn tươi hàng ngày, kho cấp đông và năng lực tài chính của doanh nghiệp còn hạn chế.
Vì vậy, lượng thịt lợn cấp đông chủ yếu dùng cho doanh nghiệp chế biến, trong khi một số doanh nghiệp trong lĩnh vực này lại có nguồn thịt đông nhập khẩu từ nước ngoài.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cam kết sẽ sớm có đề xuất với các cấp thẩm quyền để ban hành chính sách nhằm khuyến khích doanh nghiệp trong lĩnh vực thu mua thực phẩm, nhất là thịt lợn cấp đông.
Tuyên truyền thay đổi thói quen tiêu dùng
Đa phần người dân Việt Nam hiện nay có thói quen mua “thịt lợn nóng” giết mổ trong ngày chứ ít người lựa chọn mua thịt mát, thịt đông lạnh, mà không biết chính thịt lợn nóng lại có nguy cơ nhiễm Samonella (vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm) cao nhất.
Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, nếu bảo quản thịt lợn ở nhiệt độ -18 độ C (tương đương với nhiệt độ trung bình của ngăn đá tủ lạnh) thì hầu như không có một loại vi khuẩn nào có thể xâm nhập được và miếng thịt được giữ tươi ngon, an toàn trong một thời gian dài.
Liên quan đến tiêu chuẩn thịt mát, PGS.TS. Phan Thanh Tâm, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, chia sẻ: Hiện, trên thế giới, tất cả các nước phát triển, đang phát triển, chủ yếu tiêu thụ thịt mát. Tiêu chuẩn thịt mát được đánh giá là quy định rất tốt, từng bước làm thay đổi thói quen chế biến và tiêu dùng truyền thống và tiến tới sử dụng phổ biến hơn thịt cấp đông. Đồng thời, tạo hành trang chuẩn bị cho con đường xuất khẩu thịt tốt hơn. Đó chính là một trong những giải pháp để người tiêu dùng được tiếp cận thịt đảm bảo an toàn dịch bệnh. Vì vậy, cần đẩy mạnh tuyên truyền để thay đổi thói quen tiêu dùng của người Việt.
Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, thịt lợn sạch có các đặc điểm sau: - Màng ngoài thịt khô. - Thịt màu hồng tươi, mỡ màu trắng. - Bì không có chấm xuất huyết, màu đỏ tím, không bị những mảng bầm tím, tụ máu. - Có mùi thơm của thịt, không có mùi lạ, mùi ôi thiu, mùi thuốc kháng sinh. - Tủy xương có màu trong, bám chặt vào thành ống xương, đàn hồi và không có mùi ôi. - Phần thịt nạc và lưỡi không có ấu trùng sán màu trắng nhỏ bằng hạt gạo. - Cắt thịt không thấy có nước, thịt không hao, chỗ vết cắt có màu sáng, khô. - Khối thịt săn chắc, có độ dính, mềm và đàn hồi cao. |
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…