Trước những rủi ro xuất khẩu nông sản qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc, tỉnh Đồng Tháp khuyến cáo nông dân, DN hướng đến XK chính ngạch tại nhiều thị trường khác.
Xuất khẩu 3 tấn xoài đầu tiên sang châu Âu
Ngày 19/2, UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức lễ công bố xuất khẩu lô xoài đầu năm 2022 của tỉnh sang thị trường châu Âu.
Theo đó, Công ty cánh cổng vàng Việt Nam phối hợp Công ty TNHH Wester Farm (Cao Lãnh) xuất sang thị trường châu Âu 3 tấn xoài cát chu vàng và cát chu xanh, do Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Tịnh Thới (TP. Cao Lãnh) cung ứng.
Đồng Tháp xuất sang thị trường châu Âu 3 tấn xoài cát chu vàng và cát chu xanh.
Lãnh đạo Công ty cánh cổng vàng Việt Nam cho biết, đơn vị đã kết nối với Tập đoàn MCE tại Hà Lan, là đơn vị phân phối sản phẩm nông sản cho 24 nước tại châu Âu, để cung ứng nông sản từ Việt Nam. Đầu tháng 3/2022, công ty sẽ xuất 8 tấn xoài bằng đường biển cho đơn vị này. Đồng thời, sẽ xuất 8 tấn xoài mỗi tuần, sau đó sẽ tăng dần số lượng. Ngoài ra, sẽ triển khai xuất khẩu xoài cát chu và cát hòa lộc sang thị trường các nước khác.
Đại diện Sở Công thương tỉnh Đồng Tháp thông tin, diện tích trồng xoài của tỉnh khoảng 13.000 ha, sản lượng gần 113.000 tấn. Trong đó, diện tích xoài được sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP hơn 353 ha, GlobalGAP là 55 ha. Xoài được sản xuất rải vụ quanh năm và được bao trái để đảm bảo an toàn và mẫu mã đẹp.
Hiện, Đồng Tháp đã đăng ký 62 mã vùng trồng để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc với 3.927 ha và cấp 45 mã vùng trồng để xuất khẩu sang thị trường các nước phát triển khác với 988 ha.
Tiêu thụ nội địa còn ít
Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, thị trường TP.HCM chỉ tiêu thụ khoảng 10-12% sản lượng nông sản của địa phương, thậm chí thị trường này chỉ tiêu thụ khoảng 2-3% sản lượng trái cây tươi của tỉnh.
Ngược lại, 70% thị trường trái cây Đồng Tháp xuất vào Trung Quốc, trong đó chủ yếu xuất tươi qua tiểu ngạch với nhiều rủi ro. Do đó, tỉnh rất cần sự hỗ trợ, liên kết từ TP.HCM để tăng lượng nông sản tiêu thụ, đặc biệt những sản phẩm đang rớt giá.
"Đồng Tháp có nông nghiệp nhưng chưa có kho lạnh, bảo quản, chế biến và doanh nghiệp lớn để đảm bảo sự phân phối. Các doanh nghiệp cần gì cứ đặt hàng, chúng tôi cam kết đáp ứng", ông Nghĩa khẳng định.
Thời gian tới, Đồng Tháp và các tỉnh sẽ xây dựng thương hiệu trái cây, đặc biệt xoài cát Hòa Lộc. Các thị trường lớn như Mỹ, Nhật... có nhu cầu đối với trái cây Việt Nam rất nhiều, đây là cơ hội để các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long xuất khẩu nông sản.
Liên kết xây dựng vùng nguyên liệu xuất khẩu
Để xuất khẩu nông sản hiệu quả, tỉnh Đồng Tháp và Công ty Cổ phần Cánh Cổng Vàng và một số doanh nghiệp tìm hiểu đầu tư nông sản tại tỉnh đang xúc tiến liên kết để xây dựng vùng nguyên liệu.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Minh Tuấn cho biết, Đồng Tháp có nhiều lợi thế về sản xuất trái cây, rau màu và mong muốn các doanh nghiệp đến đầu tư, hợp tác để giúp nông dân thay đổi phương thức sản xuất, nhất là sản xuất nông sản sạch, hữu cơ để xuất khẩu.
Ông Huỳnh Minh Tuấn đề nghị các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh xây dựng mã vùng trồng đối với các loại cây ăn trái có tiềm năng xuất khẩu; phối hợp, hỗ trợ doanh nghiệp trong xây dựng vùng nguyên liệu, nghiên cứu đầu tư tại địa phương.
Theo đó, Công ty Cổ phần Cánh Cổng Vàng mong muốn địa phương giới thiệu, kết nối vùng nguyên liệu trái cây như: xoài, sầu riêng, mảng cầu, mít, ớt... liên kết với nông dân, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh trồng rau xanh đạt tiêu chuẩn để xuất khẩu sang thị trường châu Âu, Nhật, Hàn Quốc. Đồng thời, Công ty Cổ phần Cánh Cổng Vàng và một số doanh nghiệp đề xuất xây dựng nhà máy chế biến phân bón, sơ chế và đóng gói trái cây, chế biến trái cây và lúa gạo...
Hướng đến xuất khẩu nông sản chính ngạch
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, ông Huỳnh Minh Tuấn cho biết, từ nay đến Tết Nguyên đán năm 2022, dự kiến sản lượng nông sản thu hoạch của tỉnh khoảng 40.400 tấn; trong đó, nhu cầu kết nối tiêu thụ khoảng 31.400 tấn nông sản.
Giải pháp ngắn hạn được tỉnh thực hiện đó là kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh và các nhà phân phối lớn để tiêu thụ hàng hóa, nông sản của tỉnh trong dịp Tết. Về dài hạn, tỉnh đã ban hành kế hoạch sản xuất theo hướng an toàn, sạch, VietGAP, hữu cơ… đáp ứng tiêu chuẩn thị trường, có mã vùng trồng, truy xuất nguồn gốc.
Huyện Tháp Mười có hơn 2.100 ha mít Thái đang chịu nhiều ảnh hưởng từ ùn tắc xuất khẩu tiểu ngạch qua Trung Quốc. Hiện, giá bán mít chưa tới 10 nghìn đồng/kg, khiến người trồng mít thất thu từ 50-80 triệu đồng/ha so với trước đây.
Mặc dù, giá mít xuống thấp do ảnh hưởng ùn ứ tại cửa khẩu qua Trung Quốc nhưng anh Nguyễn Văn Hải ở xã Láng Biển, huyện Tháp Mười vẫn giữ vững diện tích trồng 1 ha mít Thái.
Đây là năm đầu tiên anh thu hoạch được hơn 20 tấn quả, với giá hiện tại tuy có lãi nhưng còn thấp, nhưng vẫn lãi hơn trồng lúa theo thời điểm hiện nay. Anh Hải cho biết, mít vừa thu hoạch xong, anh tiếp tục chăm sóc những lứa mít tiếp theo hoặc xử lý cho trái đúng thời kỳ thu hoạch để có giá cao.
Nếu dự báo giá mít trong vài tháng tới xuống quá thấp, anh sẽ cắt bỏ những quả mít non để xử lý cho trái đợt sau. Tuy giá mít xuống thấp nhưng hiện nay thương lái vẫn đến vườn mua để làm mít kem tiêu thụ nội địa.
Tại vùng trồng mít Thái ở huyện Thanh Bình, anh Nguyễn Thành Dũng ở xã Tân Mỹ cho biết đã trồng 8.000 m2 mít Thái, hiện cho trái đầu mùa, nhưng thương lái mua với giá quá thấp từ 3-5 nghìn đồng/kg mít loại 2 và loại 3 nên anh đành cắt bỏ làm thức ăn nuôi cá.
Bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty Chánh Thu cho biết, sản phẩm mít Thái của Đồng Tháp được đánh giá rất cao. Công ty sẽ xây dựng 3 điểm thu mua tại Đồng Tháp để phục vụ nhu cầu ngày càng lớn của thị trường.
Bà Vy kiến nghị chính quyền, ngành chức năng tỉnh Đồng Tháp hỗ trợ thành lập, phát triển các hợp tác xã sản xuất trái cây theo đúng tiêu chuẩn của các thị trường, Chánh Thu sẵn sàng tham gia với tư cách là một thành viên của hợp tác xã để hỗ trợ nông dân sản xuất đúng quy chuẩn.
Để xuất khẩu trái cây theo đường chính ngạch, bảo đảm chất lượng xuất khẩu, vừa qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp đã phổ biến thông tin “Sổ tay hướng dẫn xuất khẩu trái cây tươi sang thị trường Trung Quốc”.
Qua đó, cung cấp các thông tin tham khảo về tình hình sản xuất, nhu cầu tiêu thụ và thói quen tiêu dùng của người Trung Quốc. Cung cấp các thông tin về thủ tục pháp lý, tiêu chuẩn chất lượng cho 9 sản phẩm trái cây tươi được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc gồm dưa hấu, nhãn, vải thiều, thanh long, xoài, chuối, mít, chôm chôm, măng cụt nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam xúc tiến xuất khẩu một cách bài bản sang thị trường Trung Quốc.
Sở Nông nghiệp và PTNT cũng đã gửi UBND các huyện, thành phố bộ tài liệu về “Sổ tay hướng dẫn xuất khẩu trái cây tươi sang thị trường Trung Quốc” để phổ biến đến doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, hợp tác xã, tổ hợp tác nắm bắt thực hiện trong quá trình sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu trái cây tươi sang thị trường Trung Quốc.
Để xuất khẩu nông sản thuận lợi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Minh Tuấn kiến nghị Bộ Công Thương phối hợp với các cơ quan liên quan sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể về hình thức xuất khẩu tiểu ngạch, hình thức trao đổi cư dân biên giới ở cả hai chiều xuất khẩu và nhập khẩu, có chế tài cụ thể về những vi phạm.
Đồng thời đề nghị Bộ Công Thương phối hợp Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Ngoại giao tiếp tục đàm phán mở cửa cho hàng nông sản Việt Nam thâm nhập vào nhiều thị trường hơn nữa. Các cơ quan chức năng sớm ban hành khung pháp lý xử phạt nghiêm về hành vi mạo danh mã vùng trồng, mã xưởng của doanh nghiệp nhằm bảo vệ quyền lợi các bên liên quan.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.