Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 26 tháng 6 năm 2024  
Thứ tư, ngày 4 tháng 5 năm 2022 | 10:38

Du lịch miền Trung khởi sắc

Du lịch miền Trung đã khởi sắc khi có hàng vạn lượt người đổ về đây nhân kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, điều này chứng tỏ sự sự điều hành quyết liệt, đúng hướng của Thủ tướng Chính phủ khi quyết định cho mở cửa ngành du lịch từ ngày 15/3.

Hàng ngàn lượt khách du lịch đổ về các tỉnh miền Trung
 
Trong 4 ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5, Nghệ An đón khoảng 712.000 lượt khách du lịch, doanh thu từ dịch vụ du lịch ước đạt 855 tỷ đồng.
 
19762065_352022.jpg
Du khách về Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên (Nam Đàn) dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay. Ảnh tư liệu: Huy Thư

 

Theo thống kê của Sở Du lịch, dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay, Nghệ An dự ước đón 712.000 lượt khách, trong đó khách có lưu trú: 285.000 lượt; doanh thu từ các dịch vụ du lịch: 855 tỷ đồng. Các khách sạn từ 3-5 sao ở thị xã Cửa Lò và một số điểm du lịch ở Diễn Châu, Con Cuông đạt công suất 90-100%; nhiều khu, điểm du lịch trong tỉnh như hoạt động vượt công suất.
 
Các điểm có lượng khách du lịch đông là: Thị xã Cửa Lò (khoảng 80.000 lượt); Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên (hơn 48.500 lượt); huyện Con Cuông (hơn 25.000 lượt); huyện Nghĩa Đàn (21.000 lượt); đền Ông Hoàng Mười, huyện Hưng Nguyên (hơn 16.000 lượt); Khu Di tích Quốc gia Truông Bồn, huyện Đô Lương (khoảng 7.000 lượt);  Di tích lịch sử Quốc gia đền Nguyễn Xí, huyện Nghi Lộc (khoảng 5.000 lượt)…
 
Tính đến chiều 3/5, các hoạt động kinh doanh và tham quan, du lịch đều được kiểm soát, không có vi phạm gì đáng tiếc xảy ra.
 
Kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 diễn ra trong thời tiết không mấy thuận lợi nhưng trong 4 ngày vừa qua, các điểm đến ở Hà Tĩnh vẫn thu hút 96.700 lượt du khách khắp mọi miền đến tham quan, nghỉ dưỡng.
 
154d2095057t48620l0.jpg
Trong 4 ngày nghỉ lễ, biển Xuân Hải (Lộc Hà) đón 25.000 lượt khách. Ảnh chụp chiều 30/4.

 

Trong 96.700 lượt khách đến tham quan nghỉ dưỡng tại các điểm đến Hà Tĩnh, dịp này có 14.000 lượt khách lưu trú, trong đó có 348 lượt khách quốc tế.
 
Công suất phòng tại các cơ sở lưu trú trên toàn tỉnh đạt 69%, tăng 20% so với kỳ nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương trước đó và tăng 35% so với cùng kỳ năm 2021.
 
Thu hút đông du khách nhất là các khu, điểm du lịch biển. Tiêu biểu là các khu du lịch như: Thiên Cầm (Cẩm Xuyên) đón khoảng 30.000 lượt khách, biển Xuân Hải (Lộc Hà) đón 25.000 lượt, Xuân Thành (Nghi Xuân) đón trên 5.000 lượt... Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc đón trên 10.000 lượt khách, KDL sinh thái Hải Thượng (Hương Sơn) đón hơn 3.000 lượt khách...
 
Các khu, điểm du lịch đã chuẩn bị khá chu đáo công tác hậu cần, triển khai nhiều dịch vụ mới để thu hút du khách. Hoạt động du lịch trên toàn tỉnh trong kỳ nghỉ lễ diễn ra an toàn, đảm bảo an ninh trật tự.
 
Phó Giám đốc Trung tâm Du lịch Phong Nha-Kẻ Bàng, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (VQG PN-KB) cho biết, trong 4 ngày nghỉ lễ dịp 30/4 và 1/5, tổng lượng khách đến tham quan tại các điểm, tuyến du lịch thuộc đơn vị quản lý đạt hơn 14.000 lượt khách.
 
images731895_z3385799525614_8d4f14d163acce6630f7c405de704ea3.jpg
Du khách trải nghiệm ở tuyến du lịch sông Chày-hang Tối.
 
Trong đó, các tuyến, điểm du lịch đón và phục vụ lượng khách lớn, như: Động Phong Nha đón 10.304 lượt khách; suối Nước Moọc đón 2.958 lượt khách; sông Chày-hang Tối đón 1.154 lượt khách...
 
Ngoài ra, một số điểm, tuyến tham quan du lịch tại VQG PN-KB, như: Điểm du lịch sinh thái và diễn giải môi trường vườn thực vật, khu du lịch sinh thái động Thiên Đường, công viên Ozo Treetop Park… cũng đã thu hút hàng ngàn lượt khách đến tham quan trong những ngày nghỉ lễ.
 
Được biết, mặc dù điều kiện thời tiết trong 4 ngày nghỉ lễ không thật sự thuận lợi, nhưng lượng du khách đến các điểm, tuyến du lịch ở VQG PN-KB để tham quan khá lớn, đó là tín hiệu tích cực đối với du lịch ở PN-KB sau một thời gian dài ngưng trên.
 
Lãnh đạo Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết trong 4 ngày nghỉ lễ, có khoảng 45.000 lượt khách đến tham quan, du lịch tại địa phương. Trong ngày 30/4-1/5, các khách sạn 3-5 sao gần như khách đặt kín phòng.
 
ttxvn_khach_quoc_te_co_do_hue.jpg
Du khách đến tham quan các địa điểm trong Quần thể di tích Cố đô Huế. (Ảnh: Tường Vi/TTXVN)
Cụ thể, khách lưu trú ước đạt 28.000 lượt (trong đó có gần 650 khách quốc tế), công suất phòng khách sạn từ 3-5 sao trung bình đạt trên 55% (riêng trong 2 ngày 30/4 và 1/5 công suất phòng là trên 90%).
 
Tỉnh Thừa Thiên-Huế đã tổ chức nhiều hoạt động lễ hội văn hóa phục vụ du khách và người địa phương trong dịp nghỉ lễ này như: Festival Thuận An biển gọi, Ngày hội vùng cao A Lưới, Ngày hội Huế - kinh đô ẩm thực, Phố đêm Hoàng thành…
 
Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế Nguyễn Văn Phúc cho biết môi trường du lịch Thừa Thiên-Huế trong dịp nghỉ lễ nhìn chung được đảm bảo an toàn. Thông qua đường dây nóng và đội kiểm tra liên ngành, không ghi nhận phản ánh của du khách về tình trạng "chặt chém" giá cả hoặc than phiền về chất lượng dịch vụ. Đây cũng là yếu tố quan trọng tạo ấn tượng tốt đẹp để du khách quay trở lại với mảnh đất Cố đô trong thời gian tới.
 
Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, dịp lễ 30/4 - 1/5 năm nay, hoạt động du lịch TP rất sôi động với nhiều chương trình, sự kiện đặc sắc, hấp dẫn. Nhờ đó, khách du lịch đến tham quan Đà Nẵng dịp cao điểm nghỉ lễ tăng cao, chủ yếu đến từ các tỉnh, thành lân cận khu vực miền Trung, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
 
du-lich-da-nang-1.jpg
Du lịch Đà Nẵng sôi động trở lại thời hậu Covid-19. Ảnh: Q. Hải
 
Tổng lượng khách tham quan, du lịch TP. Đà Nẵng trong 4 ngày nghỉ lễ (30/4 - 3/5) ước đạt hơn 254.000 lượt, tăng hơn 3,4 lần so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, khách nội địa đạt khoảng 246,6 nghìn lượt, tăng hơn 3,3 lần so với cùng kỳ năm 2021; khách quốc tế đạt khoảng 7,4 nghìn lượt khách, tăng gần 16 lần so với cùng kỳ năm 2021, do năm ngoái chưa mở lại các đường bay quốc tế.
 
Một số khu điểm ước đạt lượng khách cao trong cả kỳ nghỉ lễ như Sun World Bà Nà Hills đón khoảng 50.000 khách, Công viên suối khoáng nóng Núi Thần Tài đón khoảng 25.000 khách, Di tích quốc gia đặc biệt danh thắng Ngũ Hành Sơn đón khoảng 13.000 khách, Mikazuki Water Park đón khoảng 15.000 khách… Khách đường thuỷ nội địa ước đạt 7.000 lượt khách.
 
Sự phục hồi mạnh mẽ của du lịch, nhưng thiếu hụt nguồn nhân lực
 
Có thể nói sau khi Chính phủ cho phép mở cửa lại ngành du lịch từ ngày 15/3, đặc biệt là tình hình dịch bệnh Covid-19 ở các tỉnh thành trên cả nước đã được kiểm soát, là điều kiện thuận lợi để người dân trên cả nước đổ về các khu du lịch, nghỉ dưỡng ở các tỉnh miền Trung tăng cao sau một thời gian dài không được đi du lịch, số lượng người đổ về đây ước tính hàng vạn người. Đây thực sự là một tín hiệu vui cho ngành du lịch nói riêng và kinh tế nói chung, đồng thời cũng thấy được sự chỉ đạo quyết liệt, đúng hướng của Chính phủ.
 
Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam cho biết: Thông tin tổng hợp từ các hiệp hội địa phương, các liên chi hội lữ hành, khách sạn cho thấy, dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 đánh dấu sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch, trong đó gần như khối khách sạn, dịch vụ cơ bản khởi động lại hoàn toàn do công suất phòng đều kín dịp này. Tuy nhiên, vấn đề lo ngại nhất với những người làm du lịch là chất lượng nhân lực ngành du lịch thiếu hụt nghiêm trọng sau 2 năm đại dịch COVID-19. Do tuyển gấp và một phần lấy từ dân địa phương chưa qua đào tạo nên chất lượng dịch vụ dịp cao điểm này vẫn được phản ánh nhiều trên truyền thông, mạng xã hội. Do đó, trong dịp này, Hiệp hội sẽ phối hợp với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch Việt Nam đẩy mạnh chương trình đào tạo lại, đào tạo mới nghiệp vụ du lịch, dịch vụ nhà hàng, buồng… để đáp ứng cho mùa du lịch hè và đón khách quốc tế vào dịp cuối năm.
 
Bà Ngữ Thị Ngần, Tổng giám đốc HanoiTourism, đánh giá, hiện nhân sự du lịch thiếu một cách toàn diện, ở tất cả các mảng. Các cơ sở lưu trú, nhà hàng thiếu nhân viên phục vụ, bar bếp, buồng phòng,... nên phục vụ chậm khi đông khách, khiến khách khó chịu. Với lữ hành, những vị trí như tư vấn, điều hành tour, marketing online,... các công ty cần rất nhiều nhưng tuyển vô cùng khó khăn.
 
Lý do, theo bà Ngần, là bởi các nhân sự cũ đã có việc làm khác với thu nhập ổn định, trong khi du lịch nội địa vẫn phập phù lúc đông lúc vắng thì du lịch quốc tế chưa thực sự hồi phục. Để người lao động trong ngành quay lại với nghề, cần có thời gian để thuyết phục họ. 
 
Để đáp ứng nhu cầu nhân lực ngày càng gay gắt, Trung tâm phát triển nguồn nhân lực du lịch tại HanoiTourism liên tục mở các lớp đào tạo, số lượng đông đảo. Học viên chủ yếu là sinh viên các trường, cử nhân vừa ra trường 1-2 năm nhưng không có kinh nghiệm thực tế, đơn đặt hàng đào tạo lại của các DN sau thời gian "ngủ đông" vì dịch bệnh và các DN cần tư vấn, cơ cấu lại tổ chức bộ máy nhân sự phù hợp với tình hình mới. 
 
Theo CEO của một DN lữ hành, nhân lực khan hiếm cộng với khả năng cung ứng dịch vụ không đáp ứng được nhu cầu bùng nổ của khách du lịch hiện là rào cản đối với hoạt động lữ hành. Vì thế ít nhất phải hết năm nay, khi lượng khách tồn, khách mua tour bảo lưu (cả nội địa và quốc tế) được giải quyết, thì du lịch mới vận hành ổn định trở lại như trước.           
 
Sự phục hồi du lịch là một điều đáng mừng, tuy nhiên các doanh nghiệp du lịch cũng cần phải có sự chuẩn bị nguồn nhân lực để bảo đảm hoạt động du lịch được thông suốt, không thiếu hụt khi nhu cầu đi du lịch ngày một tăng cao không chỉ du khách trong nước mà ngay cả khách du lịch nước ngoài vào Việt Nam. 
 
Ngọc Thủy (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Học Bác, người dân vùng cao vươn lên thoát nghèo

    Học Bác, người dân vùng cao vươn lên thoát nghèo

    Học tập và làm theo gương Bác Hồ cụ thể nhất là tìm cách phát triển kinh tế để thoát nghèo bền vững. Người dân vùng cao huyện Tây Giang (Quảng Nam) và tỉnh Đắk Nông luôn tâm niệm như thế trong hành trình vươn lên, nỗ lực xóa đói giảm nghèo, lan tỏa tinh thần dám nghĩ, dám làm trong cộng đồng.

  • Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Sát cánh cùng người dân phát triển kinh tế, đồng vốn từ NHCSXH huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã góp phần làm sống lại nghề trồng dâu nuôi tằm tưởng như đã “lụi” lại vươn mình phát triển mạnh mẽ, tạo phong trào thi đua làm kinh tế sôi nổi tại địa phương.

  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

Top