Để từng bước nâng cao nhận thức công chúng, tạo niềm tin cho người gửi tiền, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách bảo hiểm tiền gửi (BHTG) luôn được Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đặc biệt quan tâm.
BHTGVN mong muốn đưa chính sách tới gần hơn với đa dạng đối tượng công chúng, đặc biệt là sinh viên – thế hệ trẻ sau này sẽ góp phần quan trọng trong xây dựng nền kinh tế - xã hội của đất nước, và là những người gửi tiền tiềm năng.
Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền
Lan tỏa sâu, rộng chính sách BHTG tới công chúng, đặc biệt hướng tới sinh viên các trường đại học - những chủ nhân tương lai của đất nước, người gửi tiền tiềm năng, là một hình thức tuyên truyền tích cực, hiệu quả được BHTGVN triển khai thời gian qua. Nhằm đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, BHTGVN đã sử dụng những kênh truyền thông mới mẻ để xây dựng nên những sân chơi bổ ích, như tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về BHTG, lồng ghép giáo dục để tăng cường tiếp cận và nâng cao hiểu biết về lĩnh vực BHTG cho sinh viên.
Ông Ngô Quang Lương - Thành viên chuyên trách HĐQT BHTGVN cho biết, việc lựa chọn hình thức tổ chức thi tìm hiểu về BHTG nhằm cung cấp kiến thức cho sinh viên, để các em có cơ hội thực tập, nghiên cứu về tổ chức BHTG; đồng thời cũng để BHTGVN có cơ hội tuyển chọn những sinh viên tiềm năng cho các cơ hội nghề nghiệp trong tương lai. Hy vọng thông qua hình thức này, sinh viên có thêm hiểu biết về BHTG, từ đó giúp chính sách BHTG ngày càng đi vào cuộc sống một cách hiệu quả.
Theo TS. Phạm Lan Dung - Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao, tìm hiểu về chính sách BHTG giúp nâng cao nhận thức của giảng viên và sinh viên Học viện trong lĩnh vực kinh tế - tài chính ngân hàng - BHTG. Đây cũng là nội dung mà các sinh viên của trường hiện đang rất quan tâm. Bà Phạm Lan Dung mong muốn sẽ có thêm nhiều chương trình hợp tác nghiên cứu, phối hợp tổ chức chương trình giữa BHTGVN và Học viện Ngoại giao để cung cấp kiến thức về BHTG cho sinh viên.
Còn PGT.TS Nguyễn Thái Sơn - Trưởng khoa Kế toán - Tài chính, Đại học Hải Phòng nhận định, sinh viên – chủ nhân tương lai của đất nước - chính là những tuyên truyền viên tích cực để lan tỏa chính sách BHTG tới người thân, cộng đồng. Do đó, việc tổ chức thi tìm hiểu chính sách BHTG mang ý nghĩa thiết thực, giúp các em có thêm kiến thức thực tế phục vụ tốt hơn công việc sau khi tốt nghiệp.
Mong muốn được tiếp cận nhiều thông tin về BHTG
Là những người gửi tiền tiềm năng, các bạn sinh viên cũng bày tỏ nguyện vọng được tiếp cận với những kiến thức về BHTG. Nhiều câu hỏi thú vị về chính sách, hoạt động BHTG đã được đặt ra trong các cuộc thi tìm hiểu, giao lưu và đối thoại trực tiếp với sinh viên.
Bạn Nguyễn Thị Khánh Huyền - sinh viên Khoa Kế toán - Tài chính, Đại học Hải Phòng bày tỏ: "Cuộc thi Tìm hiểu chính sách BHTG tạo cho em và nhiều bạn sinh viên có thêm cơ hội tìm hiểu khá kỹ về Luật BHTG cũng như các vấn đề liên quan. Những kiến thức thu nhận sau cuộc thi có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với những sinh viên khối Tài chính như em. Qua đây em có thêm thông tin hữu ích để có thể chia sẻ với người thân và bạn bè biết thêm về pháp luật BHTG và hoạt động của BHTGVN”.
Theo thầy Đặng Hoàng Linh - Phó Trưởng khoa Kinh tế quốc tế , Học viện Ngoại giao, kiến thức về lĩnh vực BHTG là một cấu phần không thể thiếu của các chương trình phổ cập kiến thức tài chính trên thế giới. Do đó, sinh viên nói chung và sinh viên chuyên ngành kinh tế, tài chính nói riêng cần được tiếp cận với những kiến thức về BHTG trong những nội dung giảng dạy chuyên ngành tại trường đại học. “Các em cần đầu tư thêm thời gian để nghiên cứu, nắm rõ những quy định liên quan đến quyền và lợi ích của người gửi tiền và hoạt động ngân hàng an toàn, lành mạnh” - thầy Linh nhấn mạnh.
Được trực tiếp tham dự một cuộc thi tìm hiểu về chính sách BHTG, bạn Lưu Trí Dũng - sinh viên năm 2 Khoa Kinh tế quốc tế, Học viện Ngoại giao nhận thấy những kiến thức thu nhận được khá bổ ích, ý nghĩa và thực tiễn đối với những sinh viên học ngành kinh tế như mình. “Em mong BHTGVN sẽ tiếp tục có những sân chơi bổ ích như thế này cho chúng em, cách truyền tải thông tin như vậy rất gần gũi, dễ hiểu. Theo em, cần nhân rộng những chương trình lồng ghép giáo dục, chính sách như thế này cho sinh viên” - Trí Dũng bày tỏ.
Có thể nói, tuyên truyền chính sách tới sinh viên là một trong những hoạt động được BHTGVN tích cực triển khai thời gian qua nhằm đưa chính sách BHTG đến gần hơn với người trẻ tại các trường đại học trên cả nước. Thông qua việc lồng ghép kiến thức vào các phần thi và câu hỏi trắc nghiệm, giải đáp trực tiếp, BHTGVN có thể đón nhận các ý kiến đóng góp của các giảng viên, sinh viên về nội dung và hình thức thể hiện nhằm tiếp tục triển khai hoạt động tuyên truyền đến sinh viên một cách hiệu quả hơn.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…