Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 17 tháng 8 năm 2022 | 13:28

Đừng để chanh leo “chết yểu”

Đã từng có thời kỳ người trồng cây chanh leo ở Nghệ An vui mừng vì cây cho thu nhập cao, được kỳ vọng là cây “đổi đời” cho đồng bào. Nhưng thời gian gần đây người trồng chanh leo đang phải phá bỏ rất nhiều diện tích trồng chanh leo này.

Nguyên nhân do sâu bệnh và giá thu mua của doanh nghiệp thấp, nên người trồng “thu không đủ chi”.
 
Chanh leo từng là cây “siêu lợi nhuận”
 
Cách đây chừng 5 năm trước, nhiều hộ dân ở vùng miền núi của tỉnh Nghệ An đã chuyển đổi cây trồng, từ các cây công nghiệp sang trồng cây chanh leo. Những mô hình trồng chanh leo ở đây vào thời điểm đó trở thành những mô hình nông nghiệp siêu lợi nhuận.
 
 
106d3221859t938l4.jpg
Vườn chanh leo gia đình anh Nguyễn Huy Phúc chỉ với 42 gốc, mỗi năm cho thu nhập từ 15 - 17 triệu đồng.

 

Năm 2011, bà con nông dân Quế Phong, Quỳ Hợp (Nghệ An) trồng chanh leo thử nghiệm với diện tích ban đầu khoảng 2ha, đến vụ thu hoạch đã cho năng suất trên 50 tấn quả và doanh thu trên 400 triệu đồng. Từ đó, mô hình trồng chanh leo đã được nhân rộng trên những diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả, giúp đồng bào thoát nghèo. Từ Quế Phong, mô hình này đã lan sang các huyện Tam Hợp, Tương Dương và đang tiếp tục được nhân rộng.
 
Chị Hồ Thị Thủy xóm Tân Thành, Tam Hợp (Quỳ Hợp) ở thời điểm đó đã mạnh dạn chuyển đổi cây chanh leo thay thế cho cây keo trên diện tích đất đồi của gia đình. Đầu tư 100 triệu cho gần 1ha chanh leo, ngay từ vụ thu hoạch đầu tiên gia đình chị đã thu được 15 tấn quả, bán tại vườn 15.000 đồng/kg, tính ra được hơn 200 triệu đồng.
 
Ở Hà Tĩnh vào cuối năm 2014 cây chanh leo được đưa vào trồng thử nghiệm khoảng 5 ha trên địa bàn xã Tân Hương theo mô hình liên kết, Công ty Nafood cung cấp cây giống, hỗ trợ cọc trụ xi măng và sẽ bao tiêu toàn bộ sản phẩm với mức giá tối thiểu 8.000 đồng/kg.
 
Anh Nguyễn Huy Phúc - một người trồng chanh leo chia sẻ, chỉ với 42 gốc chanh leo, mỗi năm, cho thu nhập từ 15-17 triệu đồng. Dù không mất quá nhiều công chăm sóc nhưng cây chanh leo vẫn phát triển tốt. Trước đây, cũng trên diện tích này, gia đình anh Phúc đã trồng thử nhiều loại cây, song đều cho năng suất thấp, không được giá nên thu nhập không đáng kể.
 
Còn ông Phùng Xuân Công (thôn Tân Lộc) khẳng định, trên đất Tân Hương, chưa có loại cây nào có giá trị kinh tế bằng cây chanh leo. Ưu điểm lớn nhất của loại cây này là quá trình sinh trưởng nhanh, chỉ khoảng 6 tháng đã ra hoa, kết trái, đạt sản lượng cao ngay trong vụ đầu tiên, rất dễ trồng và chăm bón.
 
Với hơn 60 gốc chanh leo, mỗi năm, gia đình có thu nhập khoảng 25 triệu đồng. Thấy lợi nhuận cao nên đã trồng thêm 1 sào, chuẩn bị cho thu hoạch vụ đầu tiên.
 
Ông Nguyễn Viết Hùng cho rằng, theo lý thuyết, nếu cây chanh leo được chăm sóc đúng kỹ thuật, phát triển tốt, sản lượng sẽ đạt 30-40 tấn/ha. Theo hợp đồng liên kết, giá tối thiểu là 8.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận tối thiểu phải đạt trên 150 triệu đồng/ha/năm. Còn theo giá thị trường hiện tại phải đạt lợi nhuận hàng năm từ 200-250 triệu đồng/ha/năm.
 
Thủ phủ chanh leo đang “chết yểu”
 
Từng được cho là cây trồng đổi đời cho bà con nông dân, nhưng tại những vùng được cho là “thủ phủ” trồng chanh leo của tỉnh Nghệ An, người trồng chanh leo ở đây đang phải chặt bỏ loại cây trồng này.
 
Tại thủ phủ chanh leo ở xã Tri Lễ (Quế Phong) hàng trăm ha chanh leo được bà con nông dân trồng ở đây những năm trước đang bị chặt bỏ, diện tích còn lại chỉ khoảng 5ha.
 
 
bna-vuon-7920.jpg
Những vườn chanh leo phủ kín ngày nào giờ chỉ còn là các bãi đất trống tại xã Tri Lễ, huyện Quế Phong. Ảnh: Quang An

 

Chị Lữ Thị Tuyết ở bản Lam Hợp ở xã Tri Lễ cho biết, trước đây gia đình chị trồng hơn 400 gốc chanh leo, những năm cao điểm từ 2016 đến 2018, giá chanh leo tăng cao, mỗi năm thu về cả trăm triệu đồng. Nhờ đó vợ chồng chị tích góp xây dựng được ngôi nhà mới khang trang hơn.
 
Tuy nhiên, do chanh leo bị nhiễm bệnh, nấm, cây phát triển kém, quả nhỏ, năng suất và chất lượng giảm, nên thương lái không thu mua, gia đình chị buộc phải phá bỏ cả vườn, bỏ đất hoang không trồng chanh leo nữa.
 
Tương tự, anh Ngân Văn Vư cho biết, mảnh đất vườn 1 ha của gia đình anh trước đây trồng gần 1.000 cây chanh leo. Những năm đầu, cây phát triển tốt, cho năng suất cao, thu nhập khá. Nhưng do cây bị nhiễm bệnh, nên gia đình đã phá bỏ một phần, chỉ để lại 400 cây tiếp tục chăm sóc, còn lại chuyển sang trồng các loại cây ăn quả: mít, ổi, xoài… Khu vực trồng 400 cây chanh leo, cây nào cũng được làm cọc, giàn chu đáo, nhưng phần lớn có hiện tượng còi cọc, lá vàng.
 
Anh Vư cho hay, do giá phân bón tăng cao nên gia đình không có điều kiện để đầu tư phân đầy đủ, cây chanh leo phát triển không được như mong muốn. Thời điểm này chanh leo đã bước vào thu hoạch đầu vụ, nhưng do quả nhỏ, thương lái chỉ thu mua loại quả chọn đẹp với giá 20.000 đồng/kg. “Để người dân tiếp tục trồng chanh leo, thì nhà nước và doanh nghiệp cần phải đồng hành với bà con”, anh Ngân Văn Vư bày tỏ.
 
Ông Vi Văn Cường - Chủ tịch UBND xã Tri Lễ cho biết: Có thời điểm cao nhất vào năm 2016 - 2017 diện tích chanh leo của xã đạt hơn 212 ha, mang lại nguồn thu nhập đáng kể. Tuy nhiên, thống kê, hiện nay trên địa bàn xã chỉ còn khoảng 5 ha cây chanh leo.
 
bna-lam-dat-6057.jpg
Người dân xã Tri Lễ, huyện Quế Phong làm đất trồng loại cây mới sau khi phá bỏ chanh leo. Ảnh: Xuân Hoàng

 

Ông Cường cho rằng, nguyên nhân bà con phá bỏ cây chanh leo là vì giá chanh từ chỗ được Công ty Nafoods trước đây mua ổn định 10.000 - 12.000 đồng/kg, nhưng sau này giảm xuống thấp hơn; chưa kể vài năm lại nay trên cây chanh leo xuất hiện sâu bệnh nhiều, dẫn đến cây chanh leo không mang lại hiệu quả kinh tế.
 
Cây chanh leo bắt đầu được trồng ở vùng núi cao từ năm 2010. Để giúp bà con nông dân ở vùng trồng chanh leo nguyên liệu tại các huyện Quế Phong và Tương Dương, HĐND tỉnh Nghệ An đã ban hành Nghị quyết số 14/2017 về việc hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn để giúp bà con cây giống, phân bón, nước tưới…
 
Theo kế hoạch, vùng nguyên liệu chanh leo tại huyện Quế Phong là 1.500 ha, huyện Tương Dương là 300 ha. Ban Thường vụ Huyện ủy Quế Phong cũng đã ra Nghị quyết số 08-NQ/HU về phát triển cây chanh leo giai đoạn 2013 - 2020 và UBND huyện Quế Phong đã tổ chức lồng ghép các chương trình, dự án khác để hỗ trợ các hộ dân có trồng cây chanh leo trên địa bàn của huyện.
 
Chanh leo nhiễm bệnh, giá thấp là nguyên nhân dân phá bỏ khong trồng
 
Ông Bùi Văn Hiền – Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho biết: Năm 2016, Quế Phong quy hoạch diện tích trồng chanh leo 900 ha ở các xã Tri Lễ, Nậm Giải, Nậm Nhoóng. Đỉnh điểm diện tích cây chanh leo trên địa bàn huyện cao nhất vào năm 2017 – 2018 thực hiện được 283 ha.
 
Sau 2018, Quế Phong quy hoạch thêm vùng trồng chanh leo lên 1.500 ha. Tuy nhiên, đến năm 2020, xảy ra bệnh nấm trên diện rộng, dẫn đến cây phát triển kém, năng suất thấp… bà con phá bỏ, hiện nay chỉ còn khoảng 20 ha rải rác ở các thôn bản của đồng bào Mông.
 
Nguyên nhân diện tích cây chanh leo giảm mạnh, ông Bùi Văn Hiền cho rằng, chanh leo là cây “khó tính”, trồng trên một loại đất kéo dài nhiều năm sẽ bị nhiễm nấm, do vậy cơ quan chuyên môn khuyến cáo cần phải trồng luân canh; từ khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra, thị trường xuất khẩu gặp khó khăn nên giá chanh leo giảm sâu. Trong khi đó, không có chính sách hỗ trợ phát triển cây chanh leo, cùng đó phía doanh nghiệp là Công ty CP chanh leo Nafoods không trồng chanh leo thương phẩm nữa, mà chỉ sản xuất cây giống nên bà con từ bỏ dần.
 
bna-3-9262.jpg
Từ 400 gốc chanh leo, nay khu vườn của chị Lữ Thị Tuyết chỉ còn là bãi đất trống. Ảnh: Xuân Hoàng

 

Về giải pháp phát triển cây chanh leo ở Quế Phong, ông Bùi Văn Hiền cho rằng: Mặc dù diện tích chanh leo giảm mạnh, nhưng Nghị quyết của Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025 vẫn đưa vào duy trì sản xuất cây chanh leo từ 250 - 300 ha. Hiện nay, Viện Khoa học nông nghiệp (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) đang khảo sát dự án trồng cây chanh leo theo công nghệ mới, dự kiến sẽ triển khai trên diện tích 10 ha, với kinh phí ước 3 tỷ đồng.
 
Sau khi dự án được thực hiện, huyện sẽ đánh giá để mở rộng diện tích. Theo đó, huyện sẽ chỉ đạo các địa phương chọn những hộ có đủ điều kiện về lao động, đất đai, kinh tế và có tâm huyết… để phát triển dựa theo mô hình áp dụng công nghệ cao. Ngoài ra, huyện vận dụng nhiều nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và các nguồn khác để kích cầu phát triển diện tích chanh leo.
 
“Một giải pháp mang tính cốt lõi nhất mà Quế Phong quan tâm là phải có doanh nghiệp đồng hành cùng bà con để sản xuất theo chuỗi. Vì vậy huyện đã từng đề xuất phía doanh nghiệp là Công ty CP Nafoods tăng cường tìm kiếm thị trường tiêu thụ xuất khẩu ra nước ngoài. Khi đã có thị trường rồi, thì phía doanh nghiệp cần thực hiện mô hình trồng chanh leo để tạo sức lan tỏa cho người dân làm theo” – ông Bùi Văn Hiền cho hay.
 
Chanh leo thường nhiễm Bệnh đốm nâu trên chanh dây do nấm Alternaria passiflorae gây ra. Xuất hiện vào mùa xuân và đầu mùa hè; Bệnh phấn trắng do virus Passion Fruit Woodiness (viết tắt là PWV) gây ra. Virus tấn công lên lớp vỏ quả, đỉnh ngọn và dây còn non. Virus gây hại toàn bộ các nhóm tế bào vỏ quả làm cho vỏ quả không thể phục hồi và thường có màu trắng xanh bao phủ vỏ quả (nhìn giống da bưởi), quả khô cứng lại, lá vàng, biến dạng, chùn ngọn (lá xoăn thể khảm); Bệnh đốm dầu trên chanh dây bị gây ra bởi vi khuẩn Pseudomonas passiflorae; Bệnh xoăn lá trên cây chanh dây do Papaya leaf curl virus gây ra.
 
Ngoài ra, rầy phấn trắng còn là trung gian truyền bệnh nhanh và nguy hiểm; Bệnh thối rễ cây chanh dây do nấm Phytophthora gây ra. Phytophthora cinamomi thường gây hại vào mùa hè và mùa thu, Phytophthora megasperma thường gây hại vào mùa xuân; Bệnh héo xanh trên cây chanh dây do vi khuẩn Pseudomonas syringae gây ra. Do đó các cơ quan chức năng về trồng trọt cần hướng dẫn bà con cách phòng và chống những loại bệnh này trên cây chanh leo.
 
Đối với giá chanh leo xuống thấp cần phải đầu tư để xây dựng những doanh nghiệp chế biến chanh leo sau thu hoạch để nâng giá trị của trái chanh leo, đồng thời các doanh nghiệp cần phải mở rộng tìm kiếm thị trường để xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp này.
 
 
 
Ngọc Thủy (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    A Lưới - một trong 74 huyện nghèo của cả nước, một trong những nút thắt lớn nhất của Thừa Thiên - Huế trên chặng đường đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, đang chuyển mình mạnh mẽ.

  • Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sau gần 6 năm thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), những sản phẩm đặc trưng mang tính vùng miền của tỉnh Đắk Lắk đã dần xây dựng được thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường. Hành trình đưa nông sản địa phương từ “ao làng” vươn ra “biển lớn” vẫn đang được tỉnh Đắk Lắk tích cực thực hiện.

  • Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân tỉnh Thanh Hóa, sự đồng lòng hiến đất, đóng góp từ sức người, tài sản đã lan tỏa khắp từ thành thị đến các xã, huyện miền núi và những con em xa quê hương.

  • Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Từ ngày 26/4 đến ngày 1/5, tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh Quảng Ninh sẽ diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024.

Top