Ớt được xem là loại gia vị không thể thiếu trong gian bếp của mỗi gia đình người Huế. Loại gia vị này được người dân chế biến và sử dụng theo nhiều cách thức khác nhau, nhất là khi dịch Covid-19 đang bùng phát ở nhiều địa phương, ớt tươi khó tiêu thụ.
Người dân nhiều nơi tại tỉnh Thừa Thiên - Huế đang tiến hành thu hoạch ớt trái trong điều kiện dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Nhiều người dân cho biết, vụ ớt năm nay được mùa hơn so với năm trước. Thời gian thu hoạch ớt trong mỗi vụ thường kéo dài từ 1,5 – 2 tháng.
Đang thu hoạch ớt, chị Bé (45 tuổi, trú tại thôn Khánh Mỹ, xã Vinh Xuân, huyện Phú Vang) ước tính, mỗi sào ớt có thể mang lại thu nhập từ 5 – 6 triệu đồng. Điều này cho thấy việc trồng ớt có thể mang lại lợi nhuận cao hơn so với trồng lúa. Tuy nhiên, thay vì thu hoạch một lần như lúa thì ớt phải thu hoạch rải rác trong vòng 1,5 – 2 tháng.
Chị Đinh Thị Kiều (27 tuổi, trú tại xã Phú Xuân, huyện Phú Vang) chia sẻ, do đang có dịch Covid-19, chị dùng tài khoản mạng xã hội Facebook của mình để bán nhanh hơn các thành phẩm từ ớt mà gia đình, hàng xóm và người thân làm ra, đồng thời, quảng bá công việc trồng, thu hoạch ớt tại địa phương đến bạn bè khắp nơi.
Bà Hai (64 tuổi, trú tại làng Cổ Tháp, xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền) kể lại, không biết ớt được người Huế sử dụng trong nấu ăn từ khi nào chỉ thấy là truyền lại từ đời này qua đời khác. Theo bà Hai, ớt giúp khử mùi tanh của món ăn, tạo màu sắc đẹp mắt cho món ăn, kích thích vị giác khiến người ăn cảm thấy ngon miệng hơn.
Anh Định (36 tuổi, trú tại xã Quảng Công, huyện Quảng Điền) cho biết, sau khi thu hoạch ớt có thể được sử dụng trực tiếp khi còn tươi, có thể được ép để tạo thành nước ớt hoặc có thể được phơi khô để làm ớt bột. Thời điểm này đang là mùa thu hoạch ớt nhưng do dịch bệnh, một số nhà hàng, quán xá đều đóng cửa, một số địa phương bị giãn cách, việc tiêu thụ ớt gặp nhiều khó khăn. Vì thế, nhiều hộ tính phương án làm ớt bột hoặc nước ớt.
Theo đó, người trồng ớt ước tính rằng, 1kg ớt tươi có thể ép được khoảng 0,5 lít nước ớt. Đối với loại nước ớt này người dân thường bán khoảng 20.000 đồng/lít. Ngoài ra, người ta có thể ép nước ớt với mức độ cay đậm đà hơn tùy theo nhu cầu của người mua. Ông Lê Quang Mãn, 70 tuổi, trúc tại thôn Mai Vĩnh, xã Vinh Xuân chia sẻ, nếu bảo quản trong môi trường bình thường, nước ớt có thể dùng tới 1 năm.
Đối với thành phẩm ớt bột, theo ước tính mỗi sào 500m2 người dân thu được khoảng 140kg. Loại thành phẩm này có thể sử dụng được 2 – 3 năm trong điều kiện bình thường. Bà Hai cho biết, ớt bột được làm ra từ 2 luống ớt (khoảng 250m2) sau khi làm xong được bán hết chỉ trong ít ngày vì thương lái đến tận nhà để thu mua.
Đối với ớt tươi, người dân cho biết, do năm nay được mùa, sản lượng nhiều nên giá thành giảm hơn so với các năm trước. Cụ thể, khảo sát tại nhiều nơi, ớt trái đang được bán với giá khoảng 8.000 đồng/1kg.
Được biết, ớt thường được trồng trên các loại đất thoát nước tốt, có cơ cấu thoáng xốp như: đất cát pha, đất thịt pha sét, đất phù sa ven sông và đất canh tác lúa; ớt có thể trồng được ở cả 3 vụ: đông xuân, hè thu và thu đông.
Theo ông Lê Minh Trí, Trưởng phòng phòng Bảo vệ thực vật, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Thừa Thiên - Huế, mặc dù cây ớt được cho là phù hợp với nhiều nơi tại tỉnh Thừa Thiên - Huế và có thể sản xuất được trong nhiều mùa vụ khác nhau, tuy nhiên, để cây ớt mang lại hiệu quả cao nhất, bà con nông dân cần lưu ý phòng trừ các loại bệnh phổ biến xuất hiện trên loại cây này như: bệnh thán thư ớt (còn gọi là bệnh đốm trái - nổ trái), bệnh thối đọt non, bệnh đốm trắng lá… Đồng thời, chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ, đẩy mạnh chế biến các sản phẩm từ ớt, nhất là khi dịch Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp.
(Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQCP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…