Sau 10 năm kể từ khi khởi động đàm phán, Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) chính thức được thông qua đã mở ra cơ hội hợp tác rộng lớn, toàn diện và phát triển mạnh mẽ hơn của Việt Nam và EU, đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp hai bên.
Tuy nhiên, ngành nông sản muốn thênh thang trên "cao tốc" này cần nâng “tiêu chuẩn chất lượng”.
Mới là “Giấy phép đầu tiên”
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đánh giá, với dân số 500 triệu người, sức mua về nông sản của thị trường EU hết sức lớn. Đặc biệt, khi đưa được hàng vào EU, hàng hóa của Việt Nam sẽ có được tín nhiệm để đến với các thị trường khó tính khác. Không chỉ mang lại lợi thế về thương mại nông sản, mà EVFTA còn mở ra cơ hội thu hút đầu tư. Không nơi nào có công nghệ chế biến, công nghệ đầu vào tốt như EU. Nếu có thêm tiềm lực này, Việt Nam có thể liên kết với EU để làm ra sản phẩm tốt hơn, rẻ hơn để đi ra thị trường thế giới.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, EVFTA được thực thi ngay trong giai đoạn Việt Nam nỗ lực phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh sau dịch COVID-19 thực sự là cơ hội vàng, cú hích lớn cho xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, đặc biệt với các sản phẩm thế mạnh, có lợi thế cạnh tranh như thủy sản, rau quả, gạo, điều, cà phê, tiêu và các sản phẩm đồ gỗ. Một cơ hội khác là, hoạt động đầu tư từ EU vào Việt Nam đi kèm với chuyển giao công nghệ và nâng cao trình độ kỹ năng quản lý, lao động được mở rộng. Điều này sẽ giúp tăng trưởng sản lượng, chất lượng nông, lâm sản nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của EU.
Song Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, cơ hội thị trường mà EVFTA mang lại là rất lớn nhưng đây không phải là chìa khóa vạn năng giúp nông, lâm, thủy sản Việt Nam ồ ạt xuất khẩu vào EU mà chỉ tạo điều kiện để hàng hóa có đủ điều kiện, tiêu chuẩn nâng cao năng lực cạnh tranh nhờ giảm thuế, giảm giá thành so với trước khi có hiệp định. Muốn tận dụng được ưu đãi về thuế, hàng hóa, nông sản phải đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe về nguồn gốc sản phẩm, tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn phát triển bền vững về lao động, môi trường…
Vì vậy, nông dân và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản phải nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam chứ không đơn thuần là gia tăng sản lượng.
Để hỗ trợ ngành nông, lâm, thủy sản tận dụng cơ hội mà EVFTA mang lại, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tập trung tăng cường phổ biến quy định kỹ thuật trong thương mại nông, lâm, thủy sản để định hướng người dân, doanh nghiệp, địa phương kịp thời nắm bắt, điều chỉnh sản xuất, kinh doanh đáp ứng theo yêu cầu của thị trường. Đồng thời, tổ chức nâng cao chất lượng sản phẩm theo các quy định quốc tế, xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của thị trường EU.
Để có giấy phép tiếp theo: Nông nghiệp phải thay đổi
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho rằng, chúng ta không được xem ưu đãi về thuế quan là màu hồng vì đó chỉ là những thuận lợi trước mắt. Chúng ta cần tìm cách vượt qua hàng rào kỹ thuật của EU về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm và bảo hộ sở hữu trí tuệ.Trước tiên, đó là các tiêu chuẩn áp dụng cho sản phẩm không chỉ là VietGAP mà phải nâng lên GlobalGAP. Hay năng lực chế biến nông sản cũng cần được tăng lên để phù hợp hơn với EU, nơi có khoảng cách địa lý lớn với Việt Nam. Các doanh nghiệp sẽ phải phát triển các sản phẩm có sự chế biến tốt, có thể bảo quản dài ngày, kể cả trái cây lẫn thủy sản để có thể chính phục được thị trường này. Các doanh nghiệp sẽ nâng cao năng lực tiếp cận công nghệ, cải thiện năng lực quản lý, khả năng tự đổi mới…
Đơn cử, hiện EU là thị trường xuất khẩu (XK) thứ tư của rau, quả Việt Nam, sau Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản. Khi EVFTA có hiệu lực, việc miễn giảm thuế nhập khẩu vào thị trường EU sẽ giúp tăng khả năng cạnh tranh của trái cây Việt Nam so với các nước khác.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam vẫn e ngại thị trường EU. Bởi lẽ, hàng rào kỹ thuật, quy định về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất cấm… rất khắt khe nên EU được xếp vào loại thị trường khó tính nhất thế giới.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết, rau, quả nào cũng có thể xuất sang EU nhưng quan trọng là phải bảo đảm tiêu chuẩn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật rất thấp, thậm chí gần như không có. Nếu vi phạm, DN sẽ bị trả hàng, ảnh hưởng đến chính DN và cả ngành rau, quả Việt Nam. Đối với các nhà nhập khẩu rau, quả tươi, việc truy xuất nguồn gốc là bắt buộc, do đó DN EU sẽ yêu cầu cung cấp bằng chứng về nguồn gốc cho tất cả các loại trái cây.
Ông Filip Graovac - Phó Trưởng đại diện Quỹ châu Á tại Việt Nam, đánh giá, dù khá nhạy bén trong kinh doanh, song người Việt Nam áp dụng chưa tốt truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Tuy nhiên, ông cũng đã nhìn thấy những cơ hội lớn mở ra từ các hiệp định CPTPP và EVFTA, trong khi Việt Nam đang nổi lên là một điểm đến an toàn sau thành công của Chính phủ trong việc kiểm soát dịch Covid-19.
“Việt Nam có tiềm năng XK hàng nông sản, trái cây, có những sản phẩm tốt và nhà sản xuất có trách nhiệm. Vấn đề là làm sao để thể hiện được những yếu tố này với người mua ngoài biên giới”- ông Filip Graovac nói.
Truy xuất nguồn gốc đang thách thức tăng trưởng của toàn ngành rau, quả. Trên thực tế, để trang bị cho DN Việt Nam những nền tảng cơ bản theo yêu cầu của thị trường, Chính phủ Australia đã tài trợ Dự án “Hỗ trợ truy xuất hàng hóa và phát triển XK”. Theo kế hoạch, dự án được triển khai trong năm 2020 và 2021 với 5 loại hàng như cà phê, tiêu, xoài, hàng gốm sứ và hàng mây tre lá. Dự án cũng đề xuất triển khai đến 13 dòng hàng XK nông sản chủ lực của Việt Nam và đầy đủ các sản phẩm khác thuộc Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) trên cả nước.
Cùng với sự hỗ trợ của Chính phủ, các dự án đòi hỏi sự nỗ lực của chính các DN, hợp tác xã phải tuân thủ minh bạch thông tin và nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm. “Cùng với các tiêu chuẩn như GlobalGAP, HACCP… thì nhiều điều khoản có thể được coi là mới lạ đối với DN Việt như: Phúc lợi cho người lao động, bảo vệ môi trường,… đòi hỏi các DN cần phải chuẩn bị tâm thế sẵn sàng, xây dựng nền tảng tốt thì mới có thể XK tốt sang thị trường này” - ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Tập đoàn Vina T&T, khuyến nghị.
Với hơn 500 triệu người tiêu dùng, EU là thị trường lớn và ổn định, chiếm tới 45% giá trị thương mại toàn cầu của rau, quả tươi. Do đó, nếu làm tốt truy xuất nguồn gốc, trái cây và rau, quả của Việt Nam sẽ vào EU với lượng rất lớn vì có đủ giấy phép và thuế 0%..
Thủy sản cũng là mặt hàng Việt Nam có nhiều lợi thế khi EVFTA được thực thi. Chỉ tính riêng mặt hàng tôm, EU là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam, chiếm tỷ trọng trên 20% trong tổng giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam.
Về lợi thế cạnh tranh thuế nhập khẩu vào EU so với các nước sản xuất khác, tôm sú được giảm từ mức thuế quan ưu đãi phổ cập (GSP) 4,2% về 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực, tôm chân trắng đông lạnh sẽ giảm dần về 0% sau 5 năm, trong khi Thái Lan không được hưởng GSP, không ký FTA, bị mức thuế cơ bản 12%, Ấn Độ không có FTA chịu thuế GSP 4,2%, Indonesia hưởng thuế GSP 4,2%, Ecuador thuế cơ bản 12%.
Về mặt hàng trái cây, hiện rau quả nhập khẩu của EU từ Việt Nam là rất nhỏ, chỉ chiếm 0,08% lượng nhập khẩu của EU. Mặt hàng chủ lực hiện là dứa, thanh long, chôm chôm, xoài. Để tăng số mặt hàng và lượng nhập khẩu, cần đặc biệt lưu ý đến các mặt hàng trái cây nhiệt đới đặc trưng và rau quả ôn đới mà nhờ khí hậu và độ cao mà ta có thể sản xuất được ở miền Bắc và một số nơi khác trên cơ sở sản xuất theo chuỗi giá trị, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Riêng trong chăn nuôi, với một số ngành hàng chịu sự cạnh tranh mạnh như thịt bò, thịt gà, sữa… Tuy Việt Nam có lộ trình cắt giảm thuế từ 5-7 năm, nhưng đây là thời gian không dài, đòi hỏi lĩnh vực này phải nhanh chóng đổi mới, thích ứng.
Với thị trường trong nước, người tiêu dùng Việt Nam có cơ hội tiếp cận các sản phẩm chất lượng cao, giá cả hợp lý hơn từ những nước tiên tiến như thịt, sữa… Đặc biệt là một số sản phẩm trái cây ôn đới và thuỷ sản mà Việt Nam không có.
Thay đổi tư duy quản lý, sản xuất và tiêu dùng
Tiến sỹ Nguyễn Đăng Nghĩa, chuyên gia ngành nông nghiệp cho rằng, để hội nhập thành công, chúng ta cần nâng cao chất lượng để đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường “khó tính”. Việc này không chỉ riêng Bộ Nông nghiệp làm được mà rất cần sự tham gia của Bộ Y tế, Bộ Công Thương, các nhà khoa học. Muốn vươn ra biển lớn, chúng ta phải bắt tay vào thực hiện, cửa đã mở, nhưng muốn đi qua, chúng ta cần có đầy đủ giấy thông hành “tiêu chuẩn chất lượng”.
Trước tiên đó là việc cấp mã số vùng trồng nhằm giúp truy xuất nguồn gốc và quy trình sản xuất đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu. Cách làm này giúp nông dân ý thức được vấn đề sản xuất liên quan chặt chẽ đến chất lượng và giá thành sản phẩm. Đây cũng là nội dung của hồ sơ hàng hóa, thực hiện truy xuất nguồn gốc khi cần. Đây là điều kiện cần thiết và là bước tiến quan trọng cần phải làm để nông sản Việt Nam có thể bước chân vào các thị trường khó tính. Tuy nhiên, vấn đề cấp mã số trồng vẫn còn là một bài toán khó cho ngành chức năng lẫn nông dân.
Để tận dụng hiệu quả các lợi ích từ EVFTA, Bộ Công Thương chỉ rõ, trước tiên cần phải tạo nguồn hàng có chất lượng cho xuất khẩu, đáp ứng tiêu chí xuất xứ, thu hút đầu tư mở rộng sản xuất các mặt hàng mà Việt Nam có khả năng cạnh tranh nhưng thị phần ở thị trường đối tác EVFTA còn nhỏ.
Bên cạnh đó, Chính phủ và các bộ, ngành sẽ tiếp tục thúc đẩy hơn nữa việc phát triển lĩnh vực dịch vụ logistics phục vụ cho xuất khẩu, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, triển khai đồng bộ hoạt động xúc tiến thương mại cho nhóm hàng nông, lâm, thủy sản ở tất cả các cấp độ...
Ở góc độ doanh nghiệp, trong vòng 7 năm đầu tiên, hàng hóa Việt Nam khi xuất khẩu sang EU sẽ được lựa chọn thuế suất ưu đãi nhất trong số các cơ chế ưu đãi thuế quan mà EU dành cho Việt Nam (EVFTA, GSP, WTO). Tuy nhiên, doanh nghiệp cần lưu ý đến việc đáp ứng các quy định về quy tắc xuất xứ theo từng cơ chế.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), EVFTA như “đường cao tốc” để chúng ta hội nhập với châu Âu, hiện thực hóa các cơ hột bứt phá, tái khởi động sau đại dịch COVID-19, nhưng ông Lộc lưu ý, tham gia “đường “cao tốc” này không hề miễn phí. Chúng ta phải trả phí bằng cách đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, thể chế của nền kinh tế, chất lượng nhân lực. Doanh nghiệp phải đầu tư, nâng cấp quản trị, chiến lược kinh doanh để tận dụng những cơ hội từ hiệp định này.
Muốn tận dụng được những lợi thế từ EVFTA, Chủ tịch VCCI cho rằng, cần phải thiết kế những “đường gom, lối mở” để doanh nghiệp, nền kinh tế lên đường “cao tốc” này mà không gặp sự cố, cần soạn thảo thật nhanh, ban hành sớm các nghị định, thông tư, thể chế...
Ông Lộc cho biết, đến thời điểm này vẫn còn tình trạng “nợ” văn bản để thực hiện CPTPP và cần phải thay đổi để thực trạng này không xảy ra với Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định: “Ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu toàn diện, sâu sắc hơn theo hướng sản xuất tập trung, phát triển sản phẩm lợi thế, ứng dụng khoa học, tổ chức lại sản xuất. Đặc biệt là thúc đẩy liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp với hợp tác xã, nông dân để hoàn thiện chuỗi giá trị từ sản xuất, canh tác, chế biến, khi đó sản phẩm nông sản Việt sẽ có được giá cạnh tranh, chất lượng tốt nhất”.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…