Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 25 tháng 5 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 15 tháng 6 năm 2018 | 12:38

Giá dứa chạm đáy, người trồng lao đao!

Hàng nghìn heta dứa chín rộ và chuẩn bị thu hoạch nhưng cũng chỉ nằm ngổn ngang trong vườn vì giá quá thấp. Tiếc công chăm sóc, nhưng người dân cũng chỉ biết chặt phá đi để trồng hoa màu khác cho kịp thời vụ.

2-1.jpg
Nhiều hecta dứa chín phải để thối, đổ bỏ vì không có thương lái đến thu mua.

Dứa chín thối không có người mua

Tại Thanh Hóa, dứa gai được trồng tập trung  ở các huyện Hà Trung, Thạch Thành và Nông trường Thống Nhất (Yên Định). Hàng năm, khi dứa đang chuẩn bị thu hoạch đã xuất hiện nhiều thương lái đến đặt mua với giá khá cao nên nông dân phấn khởi mở rộng diện tích canh tác.

Chỉ tính riêng Nông trường Thống Nhất hiện có tới hơn 800ha dứa đến kì thu hoạch. Tuy nhiên, dứa vẫn nằm ngổn ngang trong vườn, chín thối vì không có thương lái đến thu mua. Nông trường đang mắc kẹt giữa việc “để không được, bán không ai mua”. Tiếc của, nhưng không còn cách nào khác, đành lấy máy chặt phá để trồng các loại hoa màu khác cho kịp thời vụ. Những quả dứa chín, chất thành đống to ở góc vườn hoặc chặt ra cho trâu bò ăn.

Bà Trương Thị Mai, trú tại Nông Trường Thống Nhất, cho biết: “Các năm trước, giá dứa khá ổn định, thấp nhất cũng từ 8.000 đồng/kg nên chúng tôi chủ động vay vốn ngân hàng mở rộng diện tích. Giờ thì tiền của, công sức  bỏ ra cũng chỉ... để cho trâu, bò ăn”.

Cách ruộng bà Mai không xa, chị Nguyễn Thị Ánh còn tồi tệ hơn. Gia đình chị vừa tách hộ ra ở riêng, thấy người ta trồng dứa thu lãi cao nên vợ chồng bàn nhau vay ngân hàng đầu tư mở rộng diện tích. Ngay cả đôi khuyên tai quà cưới của chị cũng phải gỡ ra để có thêm tiền mua giống.

Nhìn  vườn dứa đang chín rộ mà không bán được, chị Ánh nói như khóc: “Hết rồi chú ạ, bao nhiêu tiền của chúng tôi đầu tư vào đấy, giờ giá dứa không đủ cả tiền mua sữa cho con nói gì đến việc trả nợ”.

Theo tìm hiểu của phóng viên, đa phần các hộ dân trồng dứa trong vùng đều vay vốn ngân hàng, hay người quen. Người trồng ít thì vài hecta, người nhiều thì cả chục hecta. Trung bình chi phí cho 1ha dứa  khoảng 15 triệu đồng, thế nhưng hiện tại giá bán chỉ 7- 8 triệu đồng/ha, khiến nhiều hộ dân lao đao.

Ông Nguyễn Hữu Thành, Chủ tịch UBND xã Hà Long, cho biết: “Trên địa bàn xã có khoảng 650ha dứa, đã thu hoạch được khoảng 80%. Tuy nhiên, khoảng một tháng nay, giá dứa xuống thấp, thương lái không thu mua nữa nên nông dân bỏ dứa thối tại vườn”.

Thất thu tiền tỷ

Lâm vào cảnh tương tự, hiện giá dứa gai tại xã Bảo Sơn (Lục Nam  - Bắc Giang) cũng nằm ở mức chạm đáy, thấp nhất từ trước đến nay. Giá bán thấp khiến việc tiêu thụ càng trở nên khó khăn, còn người trồng thì thiệt hại về kinh tế.

Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Văn Xuân, ở thôn Huê Vận 2, cho biết: “Năm 2017, gia đình có hơn 1 mẫu (một mẫu Bắc Bộ = 3600m2) dứa cho thu hoạch, sản lượng đạt 20 tấn, bán với giá 6.000  - 12.000 đồng/kg, trừ chi phí, còn lãi 75 triệu đồng.

Năm nay, gia đình ông có hơn 1ha dứa cho thu hoạch, sản lượng ước đạt khoảng 70 tấn. Đầu mùa bán với giá 7.500 - 8.000 đồng/kg, sau đó giảm dần, khoảng hơn 10 ngày trở lại đây, giảm còn 3.000 - 3.500 đồng/kg”.

Cũng theo ông Xuân, mỗi khi vào vụ thu hoạch vải, giá dứa đều giảm nhưng vẫn dao động 5.000 - 7.000 đồng/kg. Năm nay, giá dứa giảm sâu và thấp nhất từ trước đến nay.

Theo ông Tạ Văn Sang, Trưởng thôn Huê Vận 2 (Bảo Sơn), thôn có 130 hộ trồng dứa, trong đó có 50 hộ có 1ha trở lên. Nhiều hộ có thu nhập từ 200 - 300 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, từ trung tuần tháng 5 đến nay, giá dứa chỉ ở mức 3.000 - 3.500 đồng/kg, có loại chỉ bán với giá 1.000 - 2.000 đồng/kg.

Cũng theo ông Sang, với giá dứa bán thấp như hiện nay, người trồng dứa thôn Huê Vận 2 thất thu nhiều tỷ đồng.

Tạo chuỗi liên kết, tránh được mùa rớt giá

Lý giải về việc người trồng dứa thất thu, ông Trịnh Quốc Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Bò sữa Thống Nhất Thanh Hóa, một trong những đơn vị chính thu mua dứa gai của bà con, cho biết: “Do năm nay diện tích trồng dứa tăng gấp nhiều lần so với mọi năm nên lượng dứa nhiều. Không những vậy, trên thị trường có nhiều mặt hàng hoa quả trùng với mùa thu hoạch dứa, dẫn tới việc tiêu thụ dứa khó khăn. Đơn vị cũng đang có những thống kê ban đầu để giúp đỡ, hỗ trợ một phần cho người dân trồng dứa trên địa bàn”.

Việc người dân trồng dứa tự phát, không kiểm soát được diện tích cũng như không dự báo trước được giá cả khiến bao gia đình lâm vào cảnh khốn đốn khi tiền đầu tư vào rất lớn nhưng thu về chẳng được bao nhiêu.

Theo ông Vũ Văn Sơn, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Lục Nam, nguyên nhân giá dứa thấp như hiện nay là do thị trường đầu ra chưa ổn định, chuỗi  liên kết sản xuất chưa có, hiện đầu ra vẫn thông qua thương lái, buôn bán nhỏ lẻ. Cùng với đó, người dân trồng chủ yếu là dứa Queen, giống dứa chỉ để sử dụng tươi  nên lượng tiêu thụ cũng có hạn.

“Thời gian tới, huyện tiếp tục chỉ đạo nâng cao chất lượng, quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm, đặc biệt là cấp nhãn mác, đẩy mạnh quảng bá xúc tiến thương mại, tạo thuận lợi cho việc tiêu thụ dứa cho người dân”, ông Sơn nói.

Còn theo ông Đặng Văn Tặng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Giang), dứa là cây truyền thống, không phải cây trồng chính của tỉnh. Năm nay, hầu hết các loại cây ăn quả được mùa đã tạo ra áp lực cho tiêu thụ cây dứa.

Ông Tặng cho biết, thời gian tới, Chi cục sẽ hướng dẫn người dân trồng rải vụ, giảm bớt sản lượng vào chính vụ. Cùng với đó, xúc tiến, mời các doanh ngiệp tham gia vào chuỗi sản xuất, tiêu thụ, từ đó nâng cao giá trị, tăng lợi nhuận cho người trồng dứa.

Được biết, thời vụ thu hoạch dứa tại Lục Nam sẽ kéo dài tới cuối tháng 6, đầu tháng 7, trùng với thời gian thu hoạch vải thiều. Do vậy, nhiều khả năng trong khoảng thời gian này giá dứa vẫn duy trì ở mức thấp.

Thiết nghĩ, các địa phương nên có  giải pháp tình thế giúp tiêu thụ dứa, nâng cao giá bán cho người dân. Về lâu dài, cần có giải pháp hữu hiệu tạo chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, tránh tình trạng được mùa mất giá như hiện nay.

 

 

 

 

H.Khải - X.Sơn - H. Văn
Ý kiến bạn đọc
  • Học Bác, người dân vùng cao vươn lên thoát nghèo

    Học Bác, người dân vùng cao vươn lên thoát nghèo

    Học tập và làm theo gương Bác Hồ cụ thể nhất là tìm cách phát triển kinh tế để thoát nghèo bền vững. Người dân vùng cao huyện Tây Giang (Quảng Nam) và tỉnh Đắk Nông luôn tâm niệm như thế trong hành trình vươn lên, nỗ lực xóa đói giảm nghèo, lan tỏa tinh thần dám nghĩ, dám làm trong cộng đồng.

  • Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Sát cánh cùng người dân phát triển kinh tế, đồng vốn từ NHCSXH huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã góp phần làm sống lại nghề trồng dâu nuôi tằm tưởng như đã “lụi” lại vươn mình phát triển mạnh mẽ, tạo phong trào thi đua làm kinh tế sôi nổi tại địa phương.

  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Sơn Dương nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP

    Sơn Dương nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP

    Huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) hiện có 61 sản phẩm được xây dựng nhãn hiệu, thiết kế bao bì nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc, trong đó có 49 sản phẩm đạt sản phẩm OCOP.

  • “Vùng khát” Tả Gia Khâu nỗ lực xây dựng NTM

    “Vùng khát” Tả Gia Khâu nỗ lực xây dựng NTM

    Từ trung tâm huyện Mường Khương (Lào Cai), chúng tôi ngược 30km đèo dốc về Tả Gia Khâu, xã biên giới đặc biệt khó khăn với bốn bề núi đá, nơi cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số đã có nhiều chuyển biến nhưng cũng còn lắm gian nan.

  • Thừa Thiên Huế đẩy mạnh quảng bá sản phẩm OCOP

    Thừa Thiên Huế đẩy mạnh quảng bá sản phẩm OCOP

    Tỉnh Thừa Thiên Huế dành nguồn lực và thực hiện các chương trình cho hoạt động giới thiệu, xúc tiến thương mại các sản phẩm OCOP, góp phần thúc đẩy kết nối và tiêu thụ sản phẩm OCOP.

Top