Không chỉ đến bây giờ việc “giải cứu” nông sản cho bà con nông dân mới được kêu gọi giúp đỡ, mà sau mỗi lần gặp thiên tai, dịch bệnh, dư thừa..., việc này lại được cư dân mạng phát động một cách rầm rộ.
Điều lạ là, các hoạt động kêu gọi “giải cứu” nông sản hoàn toàn tự phát, ít thấy cơ quan chức năng, tổ chức xã hội vào cuộc.
Kêu gọi “giải cứu” đều do các nhóm thiện nguyện
Khi dịch Covid-19 xuất hiện tại Hải Dương, do phải giãn cách xã hội nên sản phẩm nông sản đến ngày thu hoạch của nông dân không tiêu thụ được, các tỉnh, thành lân cận thì siết chặt đi lại, chính quyền thì lo chống dịch…, bà con chỉ còn biết kêu than...
Chị Hà Phúc Anh, đại diện một nhóm gom nông sản giải cứu ở Hà Nội chia sẻ, xuất phát từ tình cảm, sự xót xa với bà con nông dân nên chị cùng nhóm bạn tối muộn ngày 18/2 đã đăng bài kêu gọi “giải cứu” nông sản Hải Dương. Ngay sau đó, bài viết được sự hưởng ứng lớn từ cộng đồng mạng, một lượng lớn người share (chia sẻ) bài và ủng hộ đặt hàng qua Facebook, tin nhắn điện thoại..
Sau những lời kêu gọi trên Facebook được đăng tải là sự hưởng ứng của các nhóm thiện nguyện kết nối với nông dân tỉnh Hải Dương vận chuyển về các tỉnh, thành tiêu thụ giúp cho nông dân.
Chị Nguyễn Thị Thúy Hằng (25 tuổi, đang làm việc tại Công ty Đóng gói bao bì Ánh Sáng, ngụ đường Gò Dưa, TP.Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh), là trưởng nhóm bán hàng tại đường Lê Quang Định cho biết, nhóm đã bán được gần 60 tấn hàng nông sản giúp cho nông dân Hải Dương.
Những người con của quê Hải Dương cũng không đứng ngoài cuộc, khi thấy bà con quê hương đang phải gánh chịu nhiều thiệt thòi, thậm chí thiệt hại lớn về kinh tế, nông sản làm ra có nguy cơ bị mất trắng do dịch bệnh.
Chị Hoàng Thị Dung quê ở Chí Linh (Hải Dương), sinh sống tại Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết: Đọc được lời kêu cứu nông sản của bà con dưới quê, tôi đã kết nối với đầu cầu thiện nguyện thu mua nông sản, mở các điểm bán tại đường Giải Phóng và đường Trần Quốc Hoàn. Để nhiều người biết hơn, mình đã nhờ sự giúp đỡ của bạn bè kêu gọi cộng đồng mạng chia sẻ “giải cứu” giùm. Nhờ vậy, chỉ trong ngày 20/2, nhóm mình đã bán được gần 10 tấn nông sản.
Điểm giải cứu nông sản số 157 Lạc Nghiệp (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) tấp nập người mua từ sớm ngày 21/2. Trưởng nhóm thiện nguyện Mùa thu và những người bạn chia sẻ, nhóm đã tiêu thụ được gần 2,9 tấn ổi Thanh Hà, hơn 1 tấn su hào, gần 700kg cà chua, 600kg bắp cải, 5.000 quả trứng gà, thu về giúp bà con Hải Dương gần 25 triệu đồng.
Sự cứng nhắc của chính quyền địa phương
Mỗi tỉnh hay huyện đều có Sở hay Phòng Nông nghiệp và PTNT, là cơ quan chuyên môn có nhiệm vụ tham mưu giúp UBND thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: Nông nghiệp; thủy lợi; thủy sản; phát triển nông thôn; xây dựng nông thôn mới; phòng, chống thiên tai; chất lượng, an toàn thực phẩm đối với nông sản, thủy sản; phát triển kinh tế hộ, kinh tế trang trại nông thôn, kinh tế hợp tác xã nông nghiệp gắn với ngành nghề, làng nghề nông thôn; về các dịnh vụ công thuộc ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, cuộc “giải cứu nông sản” vừa qua tại Hải Dương, các cơ quan chức năng này chưa thể hiện được vai trò của mình trong việc lên kế hoạch tổ chức tiêu thụ hàng hóa cho nông dân.
Theo bà Nguyễn Thị Thành Thực, Uỷ viên Ban chấp hành Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam, việc để nông sản phải “giải cứu” thể hiện sự kém cỏi trong xây dựng kế hoạch. Nông nghiệp là ngành chủ lực, trụ đỡ cho nền kinh tế, tác động lớn nhất đến người dân. Nếu xây dựng phương án kinh doanh mà không tính được dự phòng, năng lực quản trị rủi ro thì sản xuất kinh doanh luôn bấp bênh, thiếu bền vững.
Còn theo chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú, lúc khó khăn nhất, chính những người dân bình thường, cả trong Nam ngoài Bắc, lao xe đến Hải Dương để mua nông sản, đưa về địa phương, bán từ giá rẻ nhất, không lợi nhuận cho đến 0 đồng. Thẳng thắn mà nói, người dân ở Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh... mua giải cứu nông sản các nơi rất hay, nhân văn lại xuất phát từ cách quản lý hành chính cứng nhắc, quan liêu của nhiều chính quyền địa phương và kể cả các bộ ngành”.
Ông Phú cũng cho biết, ngay sau khi bùng phát dịch Covid-19, chính quyền Hải Dương có thư kêu cứu thật, nhưng cứ thư đi thư lại hết sức bị động, không có một động thái quyết liệt phối hợp nào. Lẽ ra ngay từ rất sớm, hai bộ Công thương và Nông nghiệp và PTNT phải quyết ngay, có quy định sớm để không có chuyện Hải Phòng không cho xe chở nông sản từ Hải Dương đi qua một thời gian dài như vậy.
“Chúng ta có cả năm đối phó với dịch, nhưng cơ quan quản lý hàng nông sản chưa có quy định nào về hàng hóa từ vùng dịch đi các nơi thế nào. Thế nên mới có chuyện mạnh ai nấy làm. Đến nay, công cuộc “giải cứu” đã phần nào có hiệu quả, nhưng nông dân và doanh nghiệp Hải Dương đã mất 10 ngày vàng bán hàng và cả trăm tỉ đồng rồi”, ông Phú nói.
Việc giải cứu nông sản của bà con vùng dịch tại Hải Dương nói riêng và các địa phương khác trong thời gian vừa qua, cho ta thấy sự lúng túng của các cơ quan quản lý Nhà nước, đặc biệt là các hội đại diện cho nông dân, HTX chưa chủ động nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất, chưa có phương án tổ chức kịp thời để xử lý, tiêu thụ sản phẩm nông sản của nông dân.
Cần thay đổi tư duy
Dường như tư duy “giải cứu” đã thành “lệ” không chỉ đối với người nông dân trực tiếp sản xuất, khi giá trị “cung – cầu” mất cân bằng, mà ngay cả trong quá trình sản xuất, khi hiện tượng giá sản phẩm cao, người nông dân lại đổ xô đi trồng, để đến khi cầu xuống thấp, nguồn cung dư thừa thì lại phải “giải cứu”.
Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (IPS) cho biết, Covid-19 hiện không còn là thứ dịch bệnh đột xuất, sau hơn 1 năm, nền kinh tế đã đi vào giai đoạn “bình thường mới”. Điều này đặt các địa phương phải có phương án giống với Bộ Y tế khi đưa ra các kịch bản, nếu dịch bệnh xảy ra, kinh tế, hàng hoá trên địa bàn phải ứng phó như thế nào?
“Nông sản có mùa vụ hết cả rồi. Địa phương cần lên kế hoạch vào mùa cao điểm, dịch bùng phát thì quy trình thu hoạch, giãn cách, luân chuyển hàng hoá như thế nào? Covid-19 không còn là sự bất ngờ như thiên tai, lũ lụt, thay vào đó cần có sự chuẩn bị kỹ”, ông Đồng nói.
Theo ông Đồng, tư duy giải cứu cần phải loại bỏ, thay vào đó là tư duy mới: Xử lý, thông thương hàng hoá trong giai đoạn dịch như thế nào với các quy trình, quy định, cách làm mới. Giải cứu kiểu từ thiện sẽ không phù hợp cho nền kinh tế. Điều này cũng phản ánh các cơ quan chức năng làm kế hoạch kém.
Viện trưởng IPS cũng cho rằng, nên chia trách nhiệm lập kế hoạch cho địa phương lẫn cơ quan bộ, ngành. Đơn vị cấp bộ cần có sự đôn đốc và điều phối các vấn đề liên tỉnh như lưu thông hàng hoá, tiêu chuẩn kiểm dịch...; còn ở cấp cơ sở, đó là các kế hoạch cụ thể, bám sát tình hình thực tế. Câu chuyện của Hải Dương, theo đó, có thể là bài học tham khảo cho các tỉnh, địa phương khác trong việc lên kế hoạch phòng ngừa rủi ro trong Covid-19 khi dịch bệnh có thể bất ngờ bùng phát ở bất cứ đâu.
Một nghiên cứu của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) về bài học có thể rút ra từ cách thức Trung Quốc phản ứng với chuỗi cung ứng nông phẩm trong Covid-19 nhấn mạnh: Sự hợp tác, phối hợp của nhiều bên liên quan ở các cấp độ khác nhau là rất quan trọng để đạt được kết quả tức thì và hiệu quả. |
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.