ĐBSCL là vùng trọng điểm của cả nước về lúa gạo, thuỷ sản, trái cây. Những năm gần đây, do tác động nặng bởi biến đổi khí hậu, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Vấn đề đặt ra là, vùng cần có chiến lực, giải pháp dài hạn để phát triển một cách bền vững.
Nhiều thách thức lớn
ĐBSCL có dân số hơn 17 triệu người, là vùng đất sản xuất nông, thủy sản lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, trong tiến trình phát triển vùng ĐBSCL đang đứng trước nhiều thách thức. Năm 2017, Chính phủ ban hành Nghị quyết 120 để phát triển bền vững vùng ĐBSCL, đến nay nghị quyết đã tạo ra những chuyển biến tích cực.
Tại Diễn đàn Hợp tác và Phát triển Bền vững ĐBSCL do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức mới đây, các đại biểu đã đánh giá rất cao tinh thần mà Nghị quyết 120 hướng đến như: thuận thiên, thay đổi theo tự nhiên; lấy con người làm trung tâm, sản xuất để phục vụ con người; chuyển hướng nền nông nghiệp, không thuần túy là sản lượng mà hướng đến chất lượng; xoay trục ưu tiên, lấy thủy sản là số 1 thay cho cây lúa... Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ ra rằng, thực hiện Nghị quyết 120 chỉ xử lý được vấn đề nội tại của vùng ĐBSCL. Vẫn còn những vấn đề về các đập thủy điện làm thiếu phù sa, biến đổi dòng chảy, do đó Chính Phủ cần phải có thêm các giải pháp xoay quanh để đảm bảo phát triển bền vững.
ĐBSCL là vựa trái cây lớn nhất nước.
Theo PGS-TS Lê Anh Tuấn (Trường Đại học Cần Thơ), vấn đề đáng quan ngại của vùng ĐBSCL là cùng lúc phải chịu 3 thách thức lớn là biến đổi khí hậu, nước biển dâng; phát triển không bền vững, khai thác tài nguyên quá mức dẫn đến suy thoái; các đập thủy điện ở thượng nguồn chặn dòng chảy sông Mekong.
Ông Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho biết, biến đổi khí hậu đã và đang hiện hữu ở ĐBSCL với nhiều thách thức lớn như xâm nhập mặn, hạn hán, sụt lún, suy giảm hệ sinh thái và các nguồn lợi nông thủy sản, tác động trực tiếp đến đời sống của gần 21,5 triệu người dân. Dịch bệnh Covid-19 và những dịch chuyển biến động lớn về lao động việc làm trong thời gian qua cũng đặt ra vô vàn những thách thức cho Đồng bằng.
Theo ông Nguyễn Thành Phong, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương, vùng ĐBSCL chịu ảnh hưởng nặng nề của BĐKH. Kinh tế khu vực này chủ yếu phát triển theo chiều rộng, dựa vào khai thác các tiềm năng sẵn có là chính. Hệ thống kết cấu hạ tầng còn kém phát triển, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế. Công tác quy hoạch còn chậm, tính khả thi chưa cao. Việc sử dụng nguồn lực, nhất là nội lực cho đầu tư phát triển còn hạn chế; công tác thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) trong toàn vùng đạt thấp. vùng ĐBSCL hiện là “vùng trũng” về đô thị hóa ở Việt Nam.
Tôi tin tưởng rằng, dư địa của Nghị quyết 120 đối với sự phát triển của ĐBSCL còn rất lớn, nếu lựa chọn giải pháp sử dụng tri thức, khoa học công nghệ, hợp tác đa phương và phát huy yếu tố con người, yếu tố nội lực của vùng ĐBSCL nhất định sẽ hồi sinh và cất cánh, ông Dũng cho biết.
Ngài Giorgio Aliberti - Đại sứ Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cho biết, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy những sự tương đồng với Đồng bằng Sông Cửu Long của Việt Nam, nơi phải đối mặt với những thách thức to lớn như sụt lún đất, xói mòn bờ biển, nước biển dâng, nhiễm mặn, mất rừng ngập mặn và các vấn đề về quản lý chất lượng nước, cát dưới lòng sông và nước ngầm. Nền kinh tế và sinh kế của người dân cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Điều này kêu gọi cần có hành động tập thể mạnh mẽ của tất cả các bên liên quan để khắc phục và phục hồi bền vững hơn.
Triển khai những giải pháp mang tính chiến lược
Theo PGS-TS Lê Anh Tuấn, để vùng đất chiếm khoảng 54% sản lượng gạo, 80% thủy sản và 75% trái cây của cả nước phát triển, vấn đề quy hoạch cần hướng đến sự phát triển linh động; hình dung và ứng phó được các tình huống, xu hướng sẽ xảy ra. Bên cạnh đó, cần quy hoạch tích hợp phát triển các ngành, lĩnh vực có lợi thế, tiềm năng; bảo vệ môi trường, duy trì các hệ sinh thái tự nhiên; phát triển và bảo tồn các giá trị văn hóa xã hội.
ĐBSCL cũng không còn 2 vùng mặn ngọt nữa mà sẽ phân thành 3 vùng: ngọt, chuyển tiếp ngọt - lợ - mặn và vùng lợ - mặn. Trên cơ sở 3 vùng sinh thái nước sẽ tiếp tục quy hoạch thành 36 tiểu vùng sinh thái khác nhau. Trong từng tiểu vùng sẽ đề xuất và có những định hướng sinh kế, hoạt động kinh tế phù hợp với sự khác biệt của tiểu vùng đó. Trên cơ sở phát triển kinh tế nông nghiệp này của các vùng, tiểu vùng có thể điều chỉnh lại hướng sử dụng đất nông nghiệp phù hợp đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050.
Theo Bộ trưởng Bộ KH&CN, các hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển bền vững ĐBSCL, thích ứng với BĐKH trong thời gian tới cần thực hiện 6 định hướng cơ bản. Thứ nhất, hình thành các dự án, nhiệm vụ KH&CN lớn mang tính liên ngành, liên vùng để nghiên cứu, giải quyết những vấn đề lớn, bức thiết, có tính hệ thống của khu vực.
Thứ hai, xây dựng, lắp đặt hệ thống đo đạc, giám sát tự động các thông số về môi trường, thổ nhưỡng, khí hậu, thuỷ văn… để kịp thời thông tin, chủ động phục vụ công tác dự báo và triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp với từng giai đoạn, nhất là ứng phó với tác động của thời tiết cực đoan. Cùng với đó, đẩy mạnh đầu tư ứng dụng và nhân rộng các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đặc biệt vùng không chủ động nguồn nước, thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn sang phát triển nông nghiệp đa dạng (gồm thủy sản - cây ăn quả - lúa), đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.
Thứ ba, tập trung nghiên cứu đề xuất giải pháp KH&CN bảo đảm nguồn nước lâu dài, cấp nước ngọt chủ động cho các vùng khan hiếm nước ven biển ĐBSCL (như xây dựng các hồ trữ nước ngọt từ hệ thống sông, kênh và khai thác nước ngầm tại các khu vực nguồn nước ngầm bảo đảm về chất lượng, trữ lượng với quy mô khác nhau; hệ thống khử nước mặn sử dụng năng lượng tái tạo…).
Thứ tư, sớm đưa vào ứng dụng thực tiễn các kết quả thành công của các nhiệm vụ KH&CN về các giải pháp chống sạt lở bờ biển, bờ sông thuộc Chương trình KH&CN phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ. Chương trình cần tiếp tục nghiên cứu các giải pháp KH&CN có tính tổng thể (trong đó chú trọng bảo đảm an toàn hạ tầng thủy lợi vùng ĐBSCL trong điều kiện hạn mặn kéo dài).
Hạn hán làm một diện tích lớn sầu riêng bị chết, kém hiệu quả.
Thứ năm, đề nghị TP. Cần Thơ nghiên cứu việc thành lập Trung tâm nghiên cứu, tiếp nhận và chuyển giao công nghệ nhằm đẩy mạnh việc tiếp nhận, nghiên cứu phát triển, ứng dụng tiến bộ KH&CN và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của cả vùng ĐBSCL, trong đó, chú trọng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Thứ sáu, các tỉnh trong vùng ĐBSCL cần chú trọng đầu tư cho các trường đại học, viện nghiên cứu trong vùng để phát huy hiệu quả thế mạnh nghiên cứu, cùng đồng hành với các doanh nghiệp - được xem là trung tâm của các hoạt động ứng dụng KH&CN và đổi mới sáng tạo. Liên kết này dưới sự hỗ trợ của nhà nước qua những cơ chế, chính sách vượt trội, phù hợp sẽ tạo ra năng lượng cộng hưởng lớn, tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế-xã hội của vùng.
Một số ý kiến khác lại cho rằng, chuyển dịch năng lượng là yếu tố không thể thiếu để đạt được mục tiêu phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu của Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng. ĐBSCL có lợi thế rất lớn để thực hiện mục tiêu này với tiềm năng năng lượng tái tạo dồi dào.
Để biến lợi thế và tiềm năng thành hiện thực, bên cạnh những chính sách hỗ trợ ở cấp quốc gia, hành động của từng địa phương có vai trò quyết định. Với tinh thần sáng tạo, từng địa phương lựa chọn cho mình những hành động khác nhau để giải quyết vấn đề thực tế và phù hợp với bối cảnh của địa phương, từ đó đóng góp chung vào sự phát triển bền vững của vùng.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…