Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 16 tháng 6 năm 2022 | 16:28

Giải pháp ứng phó với tình trạng nguồn cung TĂCN thắt chặt và giá cả leo thang

Để ứng phó với tình trạng nguồn cung thắt chặt và giá cả leo thang, thời gian qua các doanh nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi (TĂCN) trong nước đã tăng mạnh nhập khẩu nguyên liệu từ các nước lân cận và tận dụng phụ phẩm trong nước để giảm chi phí đầu vào.

thuc-an-chan-nuoi.jpg
Một nhà máy sản xuất, chế biến thức ăn chăn nuôi tại tỉnh Nghệ An.

 

Nông dân lo lắng chuyện tái đàn

Chỉ trong hơn 5 tháng đầu năm 2022, các doanh nghiệp kinh doanh thức ăn chăn nuôi đã 4 lần điều chỉnh tăng giá bán khiến người nông dân gặp nhiều khó khăn.

Theo ghi nhận tại các đại lý kinh doanh thức ăn chăn nuôi một số các tỉnh miền Bắc, giá các loại sản phẩm này tiếp tục tăng từ 5.000-10.000 đồng/bao với tháng Tư. Cụ thể, giá thức ăn dành cho lợn thịt dao động từ 355.000-400.000 đồng/bao 25 kg, tăng 10.000 đồng; thức ăn dành cho gà thịt từ 350.000-370.000 đồng/bao 25 kg, tăng 5.000 đồng; bột cám, bột ngô lần lượt có giá 8.600 và 9.200 đồng/kg, tăng 400 đồng/kg…

Chị Hoàng Tuyết, chủ một đại lý kinh doanh thức ăn chăn nuôi tại Hưng Yên cho biết từ đầu năm đến giờ giá thức ăn chăn nuôi đã tăng tới 4 lần. “Tính từ đầu 2022 đến giờ, giá thức ăn chăn nuôi chỗ tôi đã tăng 30.000-40.000 đồng/bao. Ví dụ như đầu năm 1 bao 25kg tôi để giá 320.000 đồng/bao thì giờ tăng lên 360.000 đồng/bao,” chị Tuyết nói.

Theo chị Tuyết, nguyên nhân chính dẫn đến việc giá thức ăn chăn nuôi tăng “nóng” là do các nhà sản xuất báo nguồn nguyên liệu khan hiếm cộng thêm chi phí vận chuyển không ngừng đội lên nên giá thành phẩm tăng theo.

“Các công ty dự báo với chúng tôi giá thức ăn chăn nuôi sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới,” chị Tuyết nói thêm.

Việc giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng khiến người chăn nuôi gia súc, gia cầm đối diện với nhiều khó khăn. Anh Huyên, chủ trang trạng nuôi lợn tại Gia Viễn, Ninh Bình chia sẻ: “Trước đây đàn lợn của tôi trên 100 con, nhưng giờ giá thức ăn tăng cao quá nên tôi giảm đàn lại.”

Anh Huyên tính toán một lứa lợn xuất chuồng phải mất từ 3,5-4 tháng và tốn khoảng 9-10 bao thức ăn, với giá trung bình 350.000 đồng/bao 25kg thì tới khi bán đã tốn trên 3,5 triệu đồng tiền thức ăn, chưa kể tiền con giống, tiền thuốc…

“Với mức giá lợn hơi hiện tại khoảng 5,5 triệu đồng/tạ thì người nuôi cầm chắc lỗ. Chỉ có những hộ có lợn con sẵn từ việc nuôi lợn nái thì may ra còn lãi...”, anh Huyên than thở.

 

anh1.png
Người dân chăn nuôi lo lắng bởi giá nguyên liệu liên tục tăng cao.

 

Doanh nghiệp gom ngô, đậu tương từ Lào và Campuchia

Để ứng phó với tình trạng nguồn cung thắt chặt và giá cả leo thang, thời gian qua các doanh nghiệp chế biến TĂCN trong nước đã tăng mạnh nhập khẩu nguyên liệu từ các nước lân cận (Lào, Campuchia…) hay các nước có FTA với Việt Nam như Ấn Độ, nhằm tận dụng lợi thế về giá, chi phi vận chuyển, ưu đãi thuế quan…

Mặt khác, nhiều doanh nghiệp đã chuyển sang dùng các sản phẩm thay thế có giá rẻ hơn hoặc tận dụng các loại phụ phẩm trong nước để tiết giảm chi phí đầu vào.

Theo Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Campuchia, nước này đã xuất khẩu tổng cộng 64.660 tấn đậu tương và đậu xanh trong 4 tháng đầu năm nay, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, đậu tương là 53.960 tấn và đậu xanh đạt 10.700 tấn.

Đáng chú ý, có đến 100% đậu xanh và 96% đậu tương (51.710 tấn) của Campuchia được xuất khẩu sang Việt Nam.

Trước đó, năm 2021, Campuchia cũng đã xuất khẩu 105.655 tấn đậu tương, tăng 3,6 lần so với năm 2020. Trong đó, xuất khẩu sang Việt Nam chiếm 78%, đạt 82.705 tấn. Tương tự, xuất khẩu đậu xanh đạt 29.192 tấn, tăng 189,6% và được bán gần 100% cho Việt Nam (29.170 tấn), Phnom Penh Post đưa tin.

Còn theo số liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, 5 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp trong nước đã nhập khẩu 14.478 tấn ngô từ Lào, mức cao nhất từ trước đến nay. Giá ngô nhập khẩu từ thị trường Lào chỉ đạt trung bình 293 USD/tấn, thấp hơn 30 – 54 USD/tấn so với các nguồn nhập khẩu khác. 

Mặc dù nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Lào và Campuchia còn khá khiêm tốn so với các thị trường cung cấp khác nhưng phần nào cho thấy sự chuyển dịch về nguồn cung của các doanh nghiệp.

Tận dụng lợi thế FTA để nhập khẩu nguyên liệu

Đáng chú ý, Ấn Độ đang nổi lên là thị trường cung cấp ngô, gạo và lúa mì hàng đầu cho Việt Nam, trong khi Việt Nam cũng đang là đối tác nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp lớn của Ấn Độ.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2021 nhập khẩu ngô từ Ấn Độ vào Việt Nam tăng đột biến 198 lần so với năm 2020, lên mức 1,1 triệu tấn.

Trong 5 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp tiếp tục nhập khẩu 626.461 tấn ngô từ Ấn Độ, giảm nhẹ 3,3% so với cùng kỳ nhưng vẫn vượt qua Brazil (324.047 tấn) để trở thành nước cung cấp ngô lớn thứ 2 cho nước ta.

Thông thường giá ngô của Ấn Độ không cạnh tranh được với giá của các nhà xuất khẩu lớn trên thế giới. Tuy nhiên, từ năm 2021 khi giá ngô toàn cầu ở mức cao do sản lượng của Brazil giảm mạnh bởi hạn hán và lượng dự trữ ở Mỹ giảm, điều này đã khiến ngô Ấn Độ trở thành một lựa chọn tốt trên thị trường toàn cầu.

Ngoài mặt hàng ngô, các doanh nghiệp đã nhập khẩu kỷ lục 73.014 tấn lúa mì từ Ấn Độ trong 5 tháng đầu năm nay.

Trong khi đó, gạo cũng đang là mặt hàng được nhập khẩu nhiều từ thị trường này. Số liệu từ Bộ Thương Mại Ấn Độ cho biết, năm 2021 Ấn Độ đã xuất khẩu kỷ lục hơn 800.000 tấn gạo vào Việt Nam và tiếp tục cung cấp gần 215.000 tấn trong 4 tháng đầu năm nay.

Các chuyên gia cho rằng, nguồn cung dồi dào, giá cả cạnh tranh, vận chuyển thuận lợi và đặc biệt là các ưu đãi thuế quan từ Hiệp định thương mại hàng hóa giữa ASEAN và Ấn Độ (AIFTA) là những yếu tố khiến nguyên liệu TACN của Ấn Độ thu hút các doanh nghiệp nhập khẩu Việt Nam.

Theo cam kết từ Hiệp định AIFTA, nhập khẩu một số loại ngũ cốc từ Ấn Độ như ngô, gạo sẽ được hưởng mức thuế ưu đãi là 0%.

Đối với gạo, theo lý giải từ một số doanh nghiệp, Việt Nam đang hướng đến sản xuất những loại gạo thơm, chất lượng cao nên các loại gạo phục vụ chế biến các sản phẩm từ gạo, chế biến thức ăn chăn nuôi sẽ thiếu hụt, trong khi gạo Ấn Độ giá rẻ hơn nên các doanh nghiệp lựa chọn nhập khẩu.

Tăng sử dụng nguyên liệu và phụ phẩm trong nước

Cùng với sự chuyển dịch về nguồn cung nhập khẩu, thời gian gần đây các doanh nghiệp chế biến TACN đã tăng cường sử dụng các nguồn nguyên liệu và phụ phẩm ngành nông nghiệp trong nước, đặc biệt là mặt hàng cám gạo.

 

tr9-2.jpg
Cần chủ động tìm kiếm nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước để giảm phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu.

 

Điều này đã đẩy giá cám gạo trong nước lên mức kỷ lục 9.100 đồng/kg (tính đến ngày 15/6), tăng 20% so với đầu năm nay và thậm chí vượt qua mức giá 8.850 đồng/kg của gạo thành phẩm IR 504. Đây là mức giá chưa từng có trong lịch sử ngành gạo.

Giá nguyên liệu đầu vào tăng cao dẫn đến giá TACN trong nước đã tăng 5 lần kể từ đầu năm đến nay và tăng tới 15 lần trong 2 năm qua, gây ra nhiều khó khăn cho người chăn nuôi.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam (AHAV) cho biết: “Hiện nay, người chăn nuôi nông hộ đang sử dụng gần như 100% thức ăn chăn nuôi công nghiệp.

Bởi vậy, việc giá thức ăn chăn nuôi tăng cao đã trực tiếp ảnh hưởng tới chi phí sản xuất của những hộ chăn nuôi này. Theo nghiên cứu sơ bộ, chi phí sản xuất của chăn nuôi nông hộ luôn cao hơn so với chăn nuôi công nghiệp từ 10 – 15%”.

Trước thực trạng trên, đại diện AHAV cũng đưa ra một số giải pháp cho ngành chăn nuôi Việt Nam, bao gồm giảm nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi; tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có, phế phụ phẩm nông nghiệp, công nghiệp và chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, giảm tỷ lệ chăn nuôi lợn, gia cầm, tăng cơ cấu chăn nuôi gia súc.

Không để xảy ra tình trạng thiếu chủ động về giống và vật tư nông nghiệp

Chiều 16/6, tại phiên họp bế mạc, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.

Nghị quyết nêu rõ: Quốc hội cơ bản tán thành với các giải pháp, cam kết của Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Giao thông vận tải, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các thành viên Chính phủ khác tại phiên chất vấn.

Theo đó, Quốc hội yêu cầu đánh giá chính xác tình hình thế giới và nhu cầu trong nước, cân đối, điều tiết xuất nhập khẩu vật tư đầu vào. Không để xảy ra tình trạng thiếu chủ động về giống và vật tư nông nghiệp.

Tăng cường sử dụng sản phẩm nông nghiệp trong nước và phụ phẩm chế biến để sản xuất thức ăn chăn nuôi, thủy sản, giảm phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu; khuyến khích sản xuất, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật sinh học, nhất là tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long và các vùng có sản phẩm trọng điểm của sản xuất nông nghiệp. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát, minh bạch về giá, chất lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, thủy sản; xử lý nghiêm các vi phạm.

Rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; bố trí, cân đối nguồn lực để thực hiện các chính sách đã được ban hành. Triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách và giải pháp đồng bộ thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh nông - lâm - thủy sản phục hồi, phát triển sau dịch Covid-19 và tiếp cận xu thế chuyển đổi sang nền nông nghiệp xanh, tuần hoàn, sinh thái.

Tiếp tục rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa mạnh mẽ thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp; cắt giảm danh mục hàng hóa, sản phẩm phải kiểm tra chuyên ngành, rút ngắn thời gian kiểm tra, tăng cường quản lý rủi ro, không để xảy ra tình trạng nhũng nhiễu doanh nghiệp trong các khâu cấp phép, kiểm dịch thực vật và động vật; phấn đấu đến năm 2025, cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% thủ tục quy định, 20% chi phí tuân thủ.

Khẩn trương xây dựng hệ thống dữ liệu ngành nông nghiệp; khuyến khích số hóa, tích hợp, chuẩn hóa các quy trình sản xuất; nâng cao trình độ, năng lực của nông dân trong việc tiếp cận công nghệ số phục vụ sản xuất, kinh doanh nông sản…

 

 

 

Thanh Tâm (T/h)
Ý kiến bạn đọc
  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    A Lưới - một trong 74 huyện nghèo của cả nước, một trong những nút thắt lớn nhất của Thừa Thiên - Huế trên chặng đường đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, đang chuyển mình mạnh mẽ.

  • Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sau gần 6 năm thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), những sản phẩm đặc trưng mang tính vùng miền của tỉnh Đắk Lắk đã dần xây dựng được thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường. Hành trình đưa nông sản địa phương từ “ao làng” vươn ra “biển lớn” vẫn đang được tỉnh Đắk Lắk tích cực thực hiện.

  • Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân tỉnh Thanh Hóa, sự đồng lòng hiến đất, đóng góp từ sức người, tài sản đã lan tỏa khắp từ thành thị đến các xã, huyện miền núi và những con em xa quê hương.

  • Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Từ ngày 26/4 đến ngày 1/5, tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh Quảng Ninh sẽ diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024.

Top