Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 22 tháng 5 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 12 tháng 11 năm 2021 | 21:24

Gỡ khó cho xuất khẩu nông, thủy sản sang Trung Quốc

Tại buổi toạ đàm thúc đẩy xuất khẩu nông, thủy sản sang Trung Quốc, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã đề nghị, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ tìm hiểu thông tin, từ đó tham mưu về trong nước để có chiến lược xúc tiến thương mại nông sản hiệu quả.

Thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam

Hiện, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt trên 49 tỷ USD; trong 9 tháng đầu năm 2021, kim  ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này đạt 38,8 tỷ USD, tăng 19,64% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, nhóm mặt hàng nông, thủy sản xuất khẩu qua thị trường Trung Quốc trong năm 2020 chỉ đạt 6,85 tỷ USD, giảm 3,38% so với cùng kỳ năm trước.

Nguyên nhân là do phía Trung Quốc tăng cường thực thi chính sách pháp luật đối với hoạt động xuất nhập khẩu; áp dụng các tiêu chuẩn về truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, nhãn mác, đồng thời kiểm soát chặt về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với mặt hàng nông, thủy sản nhập khẩu từ Việt Nam…

 

 Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam.

 

Tại buổi Tọa đàm "Thúc đẩy xuất khẩu nông, thuỷ sản sang Trung Quốc" do Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức mới đây, đã thảo luận về những giải pháp thúc đẩy xuất khẩu nông, thủy sản sang Trung Quốc trong bối cảnh quan hệ hai nước ngày càng đi vào chiều sâu. Kịp thời thông tin, cảnh báo, hỗ trợ xử lý các vấn đề phát sinh; phổ biến các quy định hiện hành cũng như các quy định mới sẽ được phía Trung Quốc áp dụng đối với nông, thủy sản, thực phẩm nhập khẩu từ ngày 01/01/2022.

Các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp kiến nghị các bộ, ngành của Trung ương đẩy mạnh công tác dự báo thị trường nhập khẩu; hướng dẫn doanh nghiệp kiểm soát chất lượng và truy xuất nguồn gốc sản phẩm để đáp ứng yêu cầu từ phía Trung Quốc; cần có lộ trình chuyển đổi xuất khẩu từ tiểu ngạch sang chính ngạch để tránh rủi do; rà soát, quy hoạch vùng nguyên liệu để cân bằng cung và cầu; hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia hội chợ thương mại khu vực cửa khẩu và khảo sát thị trường của Trung Quốc...

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai, các Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Côn Minh, Nam Ninh, Tham tán thương mại Việt Nam tại Trung Quốc khẳng định quan hệ hai nước phát triển tốt, sự phục hồi mạnh mẽ của kinh tế Trung Quốc và chính sách của Trung Quốc tăng cường nhập khẩu nông sản… là những thuận lợi cơ bản để ta đẩy mạnh hơn nữa xuất khẩu trong thời gian tới.

 

 Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cần phải nghiên cứu và nắm bắt được thông tin về nhu cầu thị trường Trung Quốc (Ảnh: Nguyễn Hồng).

 

Các trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cũng chia sẻ và đưa ra nhiều đề xuất tham mưu cho các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong nước nhằm đẩy mạnh xuất khẩu nông, thuỷ sản sang thị trường Trung Quốc như thúc đẩy kết nối trực tiếp với hệ thống phân phối của Trung Quốc, đẩy nhanh đàm phán Nghị định thư mở cửa, tăng cường và đa dạng hoá các mặt hàng xuất khẩu chủ lực.

Xây dựng một chiến lược tổng thể

Một số địa phương, doanh nghiệp đã nêu rõ tình hình xuất khẩu nông, thủy sản sang Trung Quốc, một số khó khăn, thách thức lớn, đồng thời đưa ra các đề xuất, “đặt hàng” cụ thể đối với các bộ, ngành, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài như thúc đẩy Trung Quốc mở cửa thị trường, tạo thuận lợi thông quan, thiết lập cơ chế trao đổi thông tin thường xuyên giữa hai nước nhằm thường xuyên, kịp thời tháo gỡ khó khăn.

Phát biểu tại toạ đàm, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan nhận định điều quan trọng tiên quyết hiện nay là cần phải nghiên cứu và nắm bắt được thông tin về nhu cầu thị trường, văn hóa tiêu dùng, những nước có sản phẩm tương đồng xuất khẩu sang Trung Quốc. Đề nghị, Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ tìm hiểu thông tin, từ đó tham mưu về trong nước để có chiến lược xúc tiến thương mại nông sản hiệu quả.

Bộ trưởng Hoan nhấn mạnh, cần phối hợp xây dựng một chiến lược tổng thể và kế hoạch hành động để đẩy mạnh xuất khẩu nông, thuỷ sản sang thị trường Trung Quốc, đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp để khớp nối được dữ liệu về cung cầu, thúc đẩy mô hình trung tâm logistics theo đối tác công tư.

 

 Ông Nguyễn Minh Vũ, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nhấn mạnh, hiện nay là thời điểm thuận lợi nhất để tăng cường xuất khẩu đối với mặt hàng nông, thuỷ sản sang Trung Quốc (Ảnh: Nguyễn Hồng).

 

Ông Nguyễn Minh Vũ, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho rằng, thời điểm nay rất thuận lợi để tăng cường xuất khẩu mặt hàng nông, thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc. Đề nghị các trưởng cơ quan đại diện Việt Nam tại Trung Quốc tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và đồng hành cùng doanh nghiệp để thúc đẩy hơn nữa xuất khẩu nông, thuỷ sản Việt Nam sang thị trường này.

Theo Thứ trưởng Vũ, trước mắt cần triển khai ngay một số giải pháp như nghiên cứu cơ bản về thị trường, thị hiếu, quan tâm của Trung Quốc; cập nhật các thông tin về chủ trương, chính sách và những quy định mới, sự phản hồi của địa phương, doanh nghiệp Trung Quốc đối với sản phẩm của ta; vận động, tạo thuận lợi nâng cấp, mở mới các cửa khẩu, lối mở biên giới, nâng cao số lượng sản phẩm chính ngạch; tăng cường triển khai trên quy mô lớn hơn các hoạt động quảng bá sản phẩm, qua đó tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, địa phương xuất khẩu nông, thuỷ sản sang Trung Quốc.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, Trung Quốc là thị trường tiềm năng trong việc xuất khẩu các mặt hàng nông, thủy sản của Việt Nam. Do đó, để việc xuất khẩu được thuận lợi, các bộ, ngành Trung ương, chính quyền các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp cần tăng cường công tác phối hợp trong quá trình sản xuất, đóng gói, phân phối, logistics, quảng bá các mặt hàng nông, thủy sản nhằm đáp ứng được những yêu cầu từ phía Trung Quốc đặt ra trong thời gian tới; trong đó, đề nghị các doanh nghiệp tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm nông, thủy sản xuất khẩu…

 

 

 

Hoàng Văn (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Học Bác, người dân vùng cao vươn lên thoát nghèo

    Học Bác, người dân vùng cao vươn lên thoát nghèo

    Học tập và làm theo gương Bác Hồ cụ thể nhất là tìm cách phát triển kinh tế để thoát nghèo bền vững. Người dân vùng cao huyện Tây Giang (Quảng Nam) và tỉnh Đắk Nông luôn tâm niệm như thế trong hành trình vươn lên, nỗ lực xóa đói giảm nghèo, lan tỏa tinh thần dám nghĩ, dám làm trong cộng đồng.

  • Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Sát cánh cùng người dân phát triển kinh tế, đồng vốn từ NHCSXH huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã góp phần làm sống lại nghề trồng dâu nuôi tằm tưởng như đã “lụi” lại vươn mình phát triển mạnh mẽ, tạo phong trào thi đua làm kinh tế sôi nổi tại địa phương.

  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Thừa Thiên Huế đẩy mạnh quảng bá sản phẩm OCOP

    Thừa Thiên Huế đẩy mạnh quảng bá sản phẩm OCOP

    Tỉnh Thừa Thiên Huế dành nguồn lực và thực hiện các chương trình cho hoạt động giới thiệu, xúc tiến thương mại các sản phẩm OCOP, góp phần thúc đẩy kết nối và tiêu thụ sản phẩm OCOP.

  • Tân Yên quyết tâm về đích NTM nâng cao vào năm 2025

    Tân Yên quyết tâm về đích NTM nâng cao vào năm 2025

    Để đạt mục tiêu cán đích nông thôn mới (NTM) nâng cao vào năm 2025, huyện Tân Yên (Bắc Giang) đang tập trung khắc phục khó khăn, vướng mắc, đầu tư nguồn lực đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân, phát triển hạ tầng giao thông, đô thị, công nghiệp, dịch vụ, điện, nước sạch, chỉnh trang cảnh quan, môi trường…

  • Vận dụng Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM

    Vận dụng Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM

    Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng và nhấn mạnh vai trò quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn: “Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh” và khẳng định: “Phải phát triển nông nghiệp một cách toàn diện”.

Top