Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 19 tháng 3 năm 2024  
Thứ ba, ngày 20 tháng 11 năm 2018 | 22:59

Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh chuẩn bị hàng phục vụ Tết Nguyên đán 2019

Để tránh tình trạng khan hàng, sốt giá trong dịp Tết Nguyên đán 2019, TP. Hồ Chí Minh và TP. Hà Nội sẽ chi hơn 46.000 tỷ đồng chuẩn bị hàng hóa phục vụ người tiêu dùng.

2.jpg
Để tránh tình trạng khan hàng, sốt giá trong dịp Tết Nguyên đán 2019, TP. HCM và TP. Hà Nội đã có sự chuẩn bị đủ hàng hóa phục vụ người tiêu dùng.

Không để khan hàng

Theo lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội, chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2019, Sở đã chỉ đạo tăng cường các mặt hàng thiết yếu như gạo, các loại thịt, thủy hải sản, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ tươi, các mặt hàng nông, lâm sản khô, bánh mứt kẹo, rượu, bia nước giải khát, hoa quả tươi...

Tổng giá trị kế hoạch dự trữ hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết 2019 của TP. Hà Nội ước đạt 28.500 tỷ đồng.

Căn cứ vào dân số, tình hình sản xuất kinh doanh của các đơn vị, diễn biến thị trường, sức mua của 9 tháng đầu năm 2018 trên địa bàn thành phố, Hà Nội đã xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh, dự trữ hàng hoá tăng từ 10-15% so với các tháng trong năm để kịp thời đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, đứt hàng hoặc tồn kho sau Tết.

Dự kiến số lượng một số mặt hàng chuẩn bị gồm: 190.600 tấn gạo, 44.000 tấn thịt lợn, 14.600 tấn thịt gà, hơn 12 tấn thịt bò, 256 triệu quả trứng gà, vịt, 254 tấn rau, củ, 3.000 tấn bánh mứt kẹo, 200 triệu lít rượu bia, nước giải khát.

Để người tiêu dùng mua được hàng bảo đảm chất lượng, đúng giá, ngành Công Thương và các doanh nghiệp bán lẻ sẽ tổ chức bán hàng phục vụ Tết tại 22 trung tâm thương mại, 125 siêu thị, 454 chợ, hệ thống, trên 600 cửa hàng tiện ích, trên 50 chuỗi kinh doanh mặt hàng nông sản thực phẩm.

Sở Công Thương Hà Nội sẽ phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức 350 chuyến bán hàng lưu động, 10 phiên chợ Việt tại các quận, huyện, thị xã, khu công nghiệp, khu chế xuất phục vụ nhu cầu của người dân và người lao động.

Hiện, có 18 doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình bình ổn thị trường để đưa hàng hóa tới 10.428 điểm bán hàng phục vụ nhân dân. Đặc biệt, thay vì sử dụng nguồn vốn ngân sách hỗ trợ cho doanh nghiệp bình ổn giá dịp Tết, TP. Hà Nội sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay của 3 tổ chức tín dụng với tổng số vốn lên đến 2.700 tỷ đồng.

Trong khi đó, TP. Hồ Chí Minh chi 18.424,8 tỷ đồng (tăng 612,7 tỷ đồng so với năm 2018) chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết 2019. Dự kiến lượng hàng chuẩn bị cho mùa Tết Kỷ Hợi 2019 tăng 13,2 - 16,9% so với kế TP. Hồ Chí Minh giao và tăng 23 - 36% so với kết quả thực hiện Tết Mậu Tuất 2018.

Trong đó, trị giá hàng hóa chuẩn bị nguồn hàng bình ổn thị trường là 7.532,6 tỷ đồng. Riêng tháng cao điểm phục vụ Tết từ ngày 6/1 đến 4/2/2019, tổng trị giá hàng hóa của các doanh nghiệp chuẩn bị là 10.812,1 tỷ đồng (hàng bình ổn thị trường  4.211,8 tỷ đồng).

Đối với các mặt hàng bánh, mứt, kẹo, hạt, dự báo nhu cầu tiêu thụ trên địa bàn thành phố khoảng 18.500 tấn. Ngoài ra, thành phố dự kiến tiêu thụ khoảng 600.000 - 700.000 chậu mai, 250.000 - 300.000 chậu bonsai, 135 triệu cành các loại hoa cúc, hồng, cát tường, ly, cẩm chướng... Các mặt hàng bia phục vụ thị trường tết dự kiến có giá bán lẻ dao động 325.000-392.000 đồng/thùng tùy thương hiệu. Các mặt hàng nước ngọt, giá bán lẻ dao động 209.000 - 214.000 đồng/thùng, tùy thương hiệu.

1.jpg

 Nhiều mặt hàng đã chuẩn bị phục vụ Tết Nguyên đán 2019

 

Gấp rút chuẩn bị

Theo ông Vũ Thanh Sơn, Tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), thực hiện chỉ đạo của UBND TP.Hà Nội, Hapro đã lên kế hoạch dự trữ các mặt hàng thiết yếu như: thịt bò, thịt lợn, trứng, thủy sản… Riêng các doanh nghiệp tham gia chương trình dự trữ hàng hóa bình ổn giá sẽ dự trữ lượng gạo, bánh chưng, giò, thực phẩm chế biến, thịt lợn, hoa quả, đồ gia dụng...

Cùng với đó, sẽ tổ chức các điểm bán hàng bình ổn giá trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán để không xảy ra tình trạng thiếu hàng, bán đúng giá quy định, góp phần giữ vững sự ổn định của thị trường, ông Sơn cho biết.

Còn theo Giám đốc Vùng vận hành Vinmart miền Bắc Nguyễn Ngọc Dung, ngoài số hàng hóa đang dự trữ tại hệ thống siêu thị Vinmart, đơn vị còn dự trữ tại tổng kho hàng trăm tấn hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, đồng thời tổ chức điểm bán hàng bình ổn giá.

Được biết, các siêu thị lớn như Big C, Co.opmart cũng đã chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng đáp ứng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng, tránh khan hàng, sốt giá.

Ông Phan Văn Dũng, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) cho biết, vào quý IV hằng năm, đơn vị đã lên kế hoạch chuẩn bị hàng hóa cung ứng cho đợt mua sắm cao điểm Tết Nguyên đán. Tổng giá trị hàng hóa Vissan chuẩn bị phục vụ mùa Tết này là 800 tỷ đồng. Trong đó thực phẩm tươi sống đạt mức 3.200 tấn, thực phẩm công nghệ 2.800 tấn. Năm nay, đơn vị đã tăng sản lượng thực phẩm từ 15 - 20% so với cùng kỳ năm ngoái và giới thiệu 13 sản phẩm thực phẩm mới đến người tiêu dùng.

Bên cạnh sự chuẩn bị của các doanh nghiệp, Sở Công Thương Hà Nội phối hợp chặt chẽ với Sở Tài chính Hà Nội và các ban ngành liên quan theo dõi sát diễn biến cung - cầu hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Cùng với đó, Sở Công Thương sẽ mở thêm kênh để tiếp nhận thông tin, báo cáo khu vực nào có biến động về giá bất thường để chỉ đạo điều tiết hàng hóa hỗ trợ kịp thời, tránh gây ảnh hưởng xấu đến thị trường.

Ngoài việc đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, công tác quản lý thị trường, chống hàng giả, hàng kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cũng được TP. Hà Nội đẩy mạnh trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

Theo lãnh đạo Sở Công Thương TP.Hồ Chí Minh, nhằm ổn định giá cả hàng hóa cuối năm, các doanh nghiệp đã lên kế hoạch liên kết chặt chẽ với nhà vườn để đảm bảo nguồn cung hàng hóa và ổn định giá cả dịp cuối năm và Tết 2019. Các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn thành phố xây dựng kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng hóa tết với số lượng tăng 2 - 3 lần so với tháng thường. Hầu hết, các doanh nghiệp đều cam kết đảm bảo nguồn cung, không để thiếu hàng, tăng giá đột biến.

Trong thời gian qua, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh đã có nhiều chương trình hợp tác thương mại, và làm việc với các địa phương có nguồn cung lượng hàng lớn để nắm bắt tình hình hoạt động nuôi trồng, sản xuất hàng hóa.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh còn phối hợp các tỉnh, thành tổ chức Hội nghị Kết nối cung - cầu giữa thành phố với các tỉnh, thành lân cận nhằm tìm kiếm, bổ sung nguồn hàng đặc sản  phục vụ Tết Nguyên đán.

Để đảm bảo hàng hóa đến tay người tiêu dùng với mức giá tốt nhất, các doanh nghiệp sẽ tăng cường thực hiện bán hàng lưu động đến vùng sâu, xa, các khu công nghiệp - khu chế xuất, khu lưu trú công nhân, các công ty đông công nhân...

Từ nay đến Tết Nguyên đán, thành phố thực hiện bình quân 130 chuyến hàng lưu động/tháng; riêng 2 tháng cao điểm tết, thực hiện 344 chuyến...

 

 

 

 

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
Top