Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 26 tháng 5 năm 2022 | 15:41

Hoà Bình triển khai giải pháp nâng cao giá trị kinh tế rừng

Hoà Bình có nhiều lợi thế để phát triển lâm nghiệp, nhưng những năm qua, hiệu quả từ ngành này chưa cao. Để khai thác tiềm năng, nâng cao giá trị, góp phần xoá đói giảm nghèo, Hoà Bình đã ban hành Nghị quyết hỗ trợ phát triển bền vững rừng sản xuất.

Giá trị từ rừng chưa xứng với tiềm năng 

Hòa Bình có trên 459 nghìn hecta rừng tự nhiên, trong đó, diện tích quy hoạch cho lâm nghiệp 298 nghìn hecta, chiếm 64,66%. Diện tích quy hoạch rừng sản xuất trên 149 nghìn hecta, chiếm 51,70% tổng diện tích quy hoạch lâm nghiệp, bao gồm: rừng tự nhiên hơn 28 nghìn hecta, rừng trồng trên 69 nghìn hecta, đất trống gần 52 nghìn hecta.

Tuy nhiên, hầu hết diện tích rừng trồng áp dụng phương thức sản xuất kinh doanh gỗ nhỏ, khai thác rừng non với chu kỳ 5- 6 năm theo hình thức quảng canh; năng suất, chất lượng rừng còn thấp (khoảng 65m3/ha/chu kỳ); sản phẩm khai thác chủ yếu làm nguyên liệu giấy và dăm gỗ. Thu nhập cho một chu kỳ sản xuất chỉ đạt 10,4 triệu đồng/ha/năm, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh.

 

2-4.jpg
Đến năm 2025, Hoà Bình phấn đấu có 50% diện tích rừng sản xuất được cấp chứng chỉ FSC.

 

Hoà Bình hiện có 214 cơ sở chế biến lâm sản (52 tổ chức, doanh nghiệp và 162 cá nhân, hộ gia đình), sản phẩm chủ yếu là ván ép, ván bóc, dăm băm và sản xuất, kinh doanh đồ mộc gia dụng. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số liên kết giữa doanh nghiệp với chủ rừng. Tuy nhiên, chủ yếu vẫn là trồng rừng gỗ nhỏ; việc liên kết kinh doanh chưa chặt chẽ, chưa có tổ chức trung gian như: HTX tham gia vào chuỗi liên kết giúp doanh nghiệp tổ chức quản lý phát triển rừng sản xuất; diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC còn ít so với quy mô phát triển. Năm 2021, giá trị hàng hóa đạt 1.408 tỷ đồng, trong đó, xuất khẩu 716 tỷ đồng; tiêu thụ nội địa 692 tỷ đồng.

Cùng với đó, công tác xúc tiến thương mại, hỗ trợ, cung cấp thông tin thị trường đồ gỗ để nắm bắt nhu cầu và các biến động của thị trường chưa được quan tâm. Cơ sở chế biến chủ yếu quy mô vừa và nhỏ với công nghệ lạc hậu, thiếu vốn đầu tư, nguồn nhân lực chất lượng không cao, thiếu thông tin thị trường. Chưa thu hút được doanh nghiệp chế biến lớn, công nghệ hiện đại vào đầu tư, liên kết tạo vùng nguyên liệu tập trung; phát triển vùng nguyên liệu rừng trồng gỗ lớn gắn với quy hoạch chế biến. Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất của ngành chế biến, xuất khẩu gỗ. Nhiều nhà máy phải đóng cửa, dừng hoạt động.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT Hoà Bình, trong quý I/2022, tỉnh đã khai thác trên 385ha rừng trồng tập trung với khối lượng trên 32 nghìn m3 gỗ; khai thác cây phân tán được 3.578 m3 gỗ, trên 46 nghìn ster củi, hơn 738 nghìn cây tre, bương, luồng, giang, nứa, hơn 138 tấn dược liệu… Tổng thu nhập từ rừng của các tổ chức, hộ gia đình trên địa bàn tỉnh ước đạt trên 134 tỷ đồng. Hiện tỉnh có 214 cơ sở chế biến lâm sản với khối lượng sản xuất trong quý I đạt trên 3.200m3 đồ mộc, trên 36 nghìn tấn dăm băm, hơn 24 nghìn m3 ván ép, trên 1.000 tấn bột giấy…., giá trị hàng hóa ước đạt hơn 320 tỷ đồng, trong đó xuất khẩu   trên 126 tỷ đồng, tiêu thụ nội địa  gần 195 tỷ đồng.

Lộ trình với tầm nhìn dài hạn

Thực hiện Quyết định số 327/QĐ-TTg ngày 10/3/2022  của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ngành Công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả giai đoạn 2021 - 2030, tỉnh Hòa Bình đã xây dựng Đề án hỗ trợ phát triển bền vững rừng sản xuất tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2035.

Theo đó,  Hoà Bình phấn đấu đến năm 2025, hàng năm, trung bình có 3.000ha rừng trồng gỗ nhỏ được chuyển hóa sang kinh doanh gỗ lớn, 6.000ha rừng trồng mới thâm canh gỗ lớn bằng giống chất lượng cao; có 50% diện tích rừng sản xuất là rừng trồng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC. Năng xuất rừng trồng tăng lên 1,3 lần, sản lượng gỗ đạt trung bình 150 m3/ha/chu kỳ gỗ lớn, giá trị thu được bình quân mỗi năm trên 1 ha đất rừng trồng sản xuất tăng gấp 2,5 lần (25 triệu/ha/năm). Giá trị sản xuất lâm nghiệp đóng góp 16% vào tỷ trọng ngành nông, lâm, thủy sản.

Định hướng đến năm 2035 có trên 90% diện tích rừng sản xuất là rừng trồng kinh doanh gỗ lớn; trong quy hoạch rừng sản xuất diện tích đất trống còn dưới 10%; có trên 60% diện tích rừng trồng trong quy hoạch rừng sản xuất được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC; tỷ trọng ngành lâm nghiệp chiếm 20% tăng trưởng ngành; độ che phủ rừng trên 50%.

 

1-4.jpg
Phát triển kinh tế rừng góp phần tạo việc làm tại chỗ cho người dân địa phương.

 

Giai đoạn từ năm 2020 - 2025, Hoà Bình sẽ hỗ trợ trồng rừng thâm canh gỗ lớn bằng cây giống chất lượng cao và phân bón 36.000ha; chuyển hóa kinh doanh rừng trồng gỗ nhỏ sang kinh doanh rừng trồng gỗ lớn 18.000ha; xây dựng phương án quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng FSC 31.500ha; thực hiện hỗ trợ lãi suất vay vốn ngân hàng để đầu tư thâm canh rừng và kéo dài chu kỳ kinh doanh rừng gỗ lớn.

Giai đoạn 2026 - 2035, diện tích rừng trồng sản xuất gỗ lớn khoảng 82.000ha; xây dựng phương án quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng FSC trên 59.000ha; tiếp tục hỗ trợ lãi suất vay vốn ngân hàng để đầu tư thâm canh rừng và kéo dài chu kỳ kinh doanh rừng gỗ lớn. Tổng nhu cầu vốn để thực hiện đề án khoảng 2.600 tỷ đồng, bao gồm vốn ngân sách trung ương, ngân sách tỉnh, ngân sách huyện và các nguồn vốn lồng ghép khác.

Hướng phát triển bền vững

Để thực hiện hiệu quả Đề án, thời gian tới, Hoà Bình sẽ đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền các chính sách tạo chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động trong cán bộ và nhân dân. Tổ chức bình tuyển cây đầu dòng, hỗ trợ sản xuất cây giống nuôi cấy mô; hỗ trợ giống chất lượng cao và phân bón. Hỗ trợ lãi suất vay vốn ngân hàng để đầu tư thâm canh rừng và kéo dài chu kỳ sản xuất, kinh doanh rừng gỗ lớn. Chuyển hóa sản xuất, kinh doanh rừng trồng gỗ nhỏ sang sản xuất, kinh doanh rừng trồng gỗ lớn. Đào tạo, nâng cao năng lực cho người trồng rừng.

Khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào chế biến gỗ rừng trồng; thành lập các hợp tác xã lâm nghiệp. Khuyến khích liên doanh liên kết, trao đổi, chuyển nhượng, góp vốn bằng quyền sử dụng rừng, đất rừng nhằm thực hiện dồn điền đổi thửa, tích tụ đất lâm nghiệp, tạo ra các vùng sản xuất có quy mô lớn. Xây dựng, ban hành cơ chế chính sách của tỉnh để triển khai thực hiện Đề án.

Thu hút đầu tư liên kết trồng rừng, khai thác rừng, thu mua nguyên liệu, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp chế biến với hợp tác xã và chủ rừng; tạo vùng nguyên liệu ổn định gắn với quy hoạch chế biến gỗ. Thúc đẩy phát triển cơ sở chế biến gỗ ứng dụng công nghệ cao, sản xuất MDF, HDF, viên nén công nghiệp; sản xuất đồ mộc hướng đến xuất khẩu. Nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại thông qua hoạt động hội chợ triển lãm; tăng cường cải tiến về kiểu dáng và chất lượng sản phẩm tiêu thụ nội địa để cạnh tranh mạnh mẽ với hàng nhập khẩu.

Thực hiện các cam kết, hợp tác quốc tế; mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, chế biến, xuất khẩu lâm sản, quản lý rừng bền vững và chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC); tranh thủ các nguồn viện trợ quốc tế. Đẩy mạnh trồng rừng, phát triển rừng sản xuất gắn với phát triển cây dược liệu dưới tán rừng và các hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí khai thác du lịch sinh thái theo quy định.

 

 

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
Top