Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ năm, ngày 22 tháng 4 năm 2021 | 21:16

Hơn 50.000 tấn hành tím ở Sóc Trăng phải giải cứu, thêm bài học xương máu

Những năm gần đây, câu chuyện giải cứu nông sản không còn xa lạ với người tiêu dùng. Tuy nhiên, câu chuyện giải cứu, rồi giải cứu cứ tiếp diễn chưa bao giờ có hồi kết. Việc hơn 50.000 tấn hành tím ở TX. Vĩnh Châu (Sóc Trăng) là một bài học xương máu.

Hành tím tiêu thụ khó

Trong rất nhiều nguyên nhân dẫn tới việc hành tím ở Sóc Trăng phải tìm đến con đường giải cứu, có một nguyên nhân rất quan trọng đó là trồng vượt diện tích, kéo theo đó là chất lượng không đảm bảo, sản lượng lớn dẫn tới việc có hiện tượng ép giá, nông dân bán với giá thấp dẫn tới thu lỗ.

 

Hiện trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu còn tồn đọng hơn 50.000 tấn hành tím chưa tiêu thụ được.
 

Theo thống kê của ngành chức năng, ở TX. Vĩnh Châu còn hơn 50.000 tấn hành tím không kịp tiêu thụ do giá xuống thấp dưới 10.000 đồng/kg khiến nông dân lỗ nặng. Để hạn chế lỗ cả doanh nghiệp và nông dân trữ để chờ giá.

Theo ông Lý Vết, ở ấp Hòa Thành, xã Lạc Hòa (TX Vĩnh Châu), năm nay gia đình ông trồng 7 công hành tím đến nay đã thu hoạch được gần 20 tấn củ. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh khiến giá hành giảm mạnh nên buộc gia đình ông phải trữ lại để chờ giá lên. Hiện, thương lái đang mua hành loại 1 giá từ 8.000 - 10.000 đồng/kg trở xuống.

Cũng tại ngụ ấp Hòa Thành, xã Lạc Hòa, gia đình ông Triệu Thi trồng hơn 3 công hành cho năng suất khoảng 10 tấn củ hành tím. Tuy đã thu hoạch gần 2 tháng nhưng ông vẫn chưa bán vì giá rẻ, nếu bán bị lỗ. Hiện tại giá chỉ 7.000 đồng/kg  trong khi hành phải bán được 15.000/kg thì người trồng mới có lãi.

Không chỉ người nông dân mà doanh nghiệp thu mua hành cũng đang gặp khó khăn. Bà Lâm Thị Quang, một chủ doanh nghiệp thu mua hành ở phường 2, TX Vĩnh Châu, cho biết, công ty còn khoảng 500-600 tấn hanhg, bây giờ muốn bán cũng không được tại vì mình mua 13.000, 14.000, 15.000 cả 16.000 đồng/kg, giờ ra 7.000-8.000 đồng/kg thì không thể bán được. Hành có bị hỏng thì cũng kệ, hỏng tới đâu tính tới đó, bán bây giờ lỗ rất nhiều.

Ông Nguyễn Minh Chí, Phó trưởng Phòng Kinh tế TX. Vĩnh Châu, cho biết, địa phương trồng trên 5.400 ha hành tím thương phẩm, sản lượng khoảng 110.000 tấn tấn. Năm nay, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng đến việc ký hợp đồng xuất khẩu hành tím. Đây cũng là nguyên nhân làm hành giảm giá, khó tiêu thụ. Hiện nay, toàn thị xã còn hơn 50 ngàn tấn hành tím còn tồn trong dân và doanh nghiệp.

Còn theo ông Mã Chí Thọ, Trưởng phòng Kinh tế TX. Vĩnh Châu (Sóc Trăng), người nông dân thường trồng hành theo kiểu “dự báo thời tiết”. Khi giá hành xuống dốc, họ trồng ít nhưng có năm giá hành leo thang, người dân lại ồ ạt trồng để rơi vào cảnh rớt giá. Mỗi năm, nông dân Vĩnh Châu trồng khoảng 1.000 ha hành phục vụ thị trường Tết Nguyên đán, khoảng 1.500 ha hành giống và 5.000 ha hành thương phẩm chính vụ. Dịp Tết Nguyên đán vừa rồi, người dân trồng hành phục vụ nhu cầu tết bán được từ 30.000đ/kg. Thấy giá đó nhiều người mừng, trồng nhiều nhưng không ngờ vụ này lại rớt giá đến như vậy.

Trưởng phòng Kinh tế thị xã Vĩnh Châu cho hay, do hành tím có xuất xứ từ Trung Quốc, Thái Lan hiện nay bán trên thị trường chỉ có giá khoảng 3.000 đồng/kg, vì vậy, hành tím trong nước cũng giảm giá theo. Cạnh đó, hành tím Vĩnh Châu chủ yếu xuất qua thị trường Trung Quốc, nhưng do tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp nên thời gian gần không xuất khẩu được. 

Ngoài hành trồng trên đất ruộng, nhiều nông dân Vĩnh Châu trồng trên đất giồng cát ven biển. Nhưng loại hành trồng trên đất cát không dự trữ được lâu như hành trồng trên đất ruộng, mất màu rất nhanh và củ nhỏ hơn củ trên đất ruộng nên thường bị thương lái ép giá, mua chỉ khoảng 4.000đ - 5.000 đồng/kg.

Tìm cách tháo gỡ

Để tháo gỡ khó khăn này, ông Trần Hoàng Thắng, chủ tịch Ủy ban nhân dân TX. Vĩnh Châu cho biết, địa phương đã đề xuất phát động hỗ trợ bà con trong tiêu thụ hành tím với giá 15.000 đồng/kg cả trong cán bộ công chức và doanh nghiệp.

 

 Hành tím chất đống đầy đồng ở TX Vĩnh Châu, (Ảnh: Khắc Tâm).

 

Theo ông Thắng, lượng hành tím tồn đọng khá lớn nên rất khó để hỗ trợ hết cùng một lúc, do vậy, địa phương ưu tiên cho bà con nghèo, bà con người đồng bào dân tộc, hộ khó khăn được hỗ trợ trước. Về lâu dài, Vĩnh Châu cũng hướng đến cơ cấu lại mùa vụ, theo đó, đối với diện tích đất gò cao sẽ tranh thủ gieo trồng sớm, làm sao thu hoạch trước tết Nguyên đán, giá ổn định và cao hơn.

Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng cũng đã ban hành văn bản gửi và đề nghị sở Công thương, Trung tâm xúc tiến các tỉnh, thành phố trong cả nước hỗ trợ giới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm hành tím Sóc Trăng đến các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ truyền thống, trạm dừng chân, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP và các doanh nghiệp phân phối trên địa bàn các tỉnh, thành phố

Mới đây nhất, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đã phát đi công văn bản kêu gọi các sở, ngành, đơn vị sự nghiệp, cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh ủng hộ, hỗ trợ tiêu thụ hành tím còn tồn đọng trong dân. Việc làm này giúp người sản xuất bớt thua lỗ.

Ngày 21/4, ông Trần Hoàng Thắng, Chủ tịch UBND TX. Vĩnh Châu cho biết, sau 2 ngày có công văn của chủ tịch UBND tỉnh vận động ủng hộ tiêu thụ hành tím, đến nay đã có nhiều tổ chức, đơn vị, cá nhân đăng ký mua được khoảng 30 tấn. Chúng tôi cảm ơn sự chung tay của mọi người trong việc chia sẻ, tiêu thụ hành tím của nông dân. Tuy nhiên sản lượng hành tím còn tồn đọng khá lớn, khoảng 50.000 tấn. Nếu để càng lâu, tiêu thụ chậm, hao hụt sẽ không dưới 20%, bà con thiệt hại càng lớn. Trước mắt chúng tôi ưu tiên tiêu thụ hành tím của hộ nghèo, hộ khó khăn với giá mua khoảng 15.000 đồng/kg trở lên.

Có thể nói, để hơn 50.000 tấn hành tím ở TX Vĩnh Châu phải giải cứu, ngoài những nguyên nhân khách quan do dịch Covid-19, còn có nguyên nhân chủ quan đến từ người trồng. Nếu người dân không vì giá cao mà trồng đúng diện tích theo khuyến cáo của chính quyền địa phương thì có thể sản lượng cần giải cứu không phải lớn như vậy. Trên thực tế nhiều địa phương đã phải giải cứu nông sản cũng chỉ vì người trồng vượt diện tích, khiến điệp khúc được mùa mất giá, được giá mất mùa lại tiếp diễn.

Để hạn chế việc phải giải cứu nông sản, ngoài định hướng của chính quyền địa phương về thời gian, diện tích gieo trồng, định hướng thị trường, tạo chuỗi liên kết tiêu thụ, thì chính người trồng cũng cần thực hiện đúng theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, chủ động nâng cao kỹ thuật sản xuất, tìm hiểu, mở rộng thị trường, tránh phụ thuộc vào một thị trường.

 

 

Hoàng Văn (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top