Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 23 tháng 6 năm 2021 | 21:28

Hợp tác xã góp phần nâng cao giá trị sản phẩm

Với sự chủ động đổi mới trong hoạt động mà nhiều hợp tác xã (HTX) ở Tuyên Quang đã giải quyết được nhiều vấn đề lớn như: việc làm, nâng cao thu nhập, đặc biệt, tạo chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo hướng bền vững.

 Từ nuôi cá, trung bình mỗi thành viên ở HTX Sản xuất - Kinh doanh cá đặc sản Thái Hòa, (Thái Hòa, Hàm Yên) lãi từ 100-350 triệu đồng/năm. 

 

Hiện, Tuyên Quang có 998 tổ hợp tác và HTX, trong đó có 452 HTX với 32.318 thành viên, tổng số vốn điều lệ trên 1.330 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2017 - 2020, kinh tế tập thể, nòng cốt là các HTX đã góp phần vào tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới, đồng thời đã tạo thêm nhiều việc làm, thu nhập cho hàng trăm nghìn lao động trong tỉnh.

Những năm gầy đây, nhiều HTX đã mở rộng sản xuất kinh doanh, phát triển thêm các dịch vụ mới gắn với chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX 2012. Đặc biệt, các HTX đã củng cố bộ máy, xây dựng phương án sản xuất, đầu tư máy móc, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất, nhanh chóng thích nghi với cơ chế thị trường, tăng cường liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế trong hoạt động, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động, góp phần trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của địa phương.

Điển hình như Hợp tác xã Dược liệu Thuận Hằng, xã Thái Sơn (Hàm Yên) sau 3 năm thành lập, từ 7 thành viên, nhưng đến nay HTX đã phát triển với 15 thành viên và đang liên kết với Công ty cổ phần Nông nghiệp sạch công nghệ cao Quảng Bình (Quảng Bình) đầu tư trồng 4,1 ha cây dược liệu, trong đó 1 ha cây sâm bố chính, 3 ha cát sâm, 0,1 ha khôi nhung.

Ông Nguyễn Đức Thuận, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã cho biết, tham gia liên kết, HTX phải chịu sự giám sát chặt chẽ, thực hiện chăm sóc, phòng trừ sâu, bệnh hại cho cây theo đúng quy trình sản xuất hữu cơ, tuyệt đối không sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có hoạt chất hóa học. Hiện tại, giá doanh nghiệp niêm yết thu mua sâm bố chính là 140 nghìn/kg củ tươi, 170 nghìn/kg đối với củ cát sâm và 200 - 220 nghìn/kg khô đối với cây khôi nhung. Sản phẩm của các thành viên trong HTX đã được bao tiêu sản phẩm nên các thành viên rất phấn khởi. Dự kiến trong năm nay, HTX sẽ mở rộng phát triển thêm 10ha cây cát sâm, 2 ha cây khôi nhung, 2 ha sâm bố chính và 1 ha cây hà thủ ô đỏ.

Xã Hùng Mỹ là một trong những xã có số lượng gia súc lớn của huyện Chiêm Hóa, toàn xã hiện có trên 1.800 con trâu và gần 500 con bò. Để đảm bảo cho việc chăn nuôi hiệu quả, xã đã thành lập HTX Nông lâm nghiệp Thành Công với 7 thành viên thực hiện mô hình liên kết chăn nuôi trâu, bò vỗ béo. 

 

 Nhờ nuôi trâu, bò vỗ béo mà nhiều hộ nuôi ở Chiêm Hoá có thu nhập từ 8 đến 12 triệu đồng/tháng.

 

Ông Lương Hải Tuyên, Giám đốc HTX cho biết, chăn nuôi trâu, bò vỗ béo khá đơn giản, khi đàn trâu bò đã được tiêm đầy đủ các loại vắc xin, nguồn thức ăn được phối trộn, đủ dinh dưỡng thì trâu béo khá nhanh, thường thì 3 tháng được xuất chuồng. Hiện nay, số  lượng trâu, bò sau nuôi vỗ béo đang được HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Tiến Thành (Yên Sơn) nhận bao tiêu, nhờ đó mỗi thành viên trong HTX có thu nhập từ 8 đến 12 triệu đồng/tháng; một số thành viên vươn lên thoát nghèo trở thành hộ khá trong xã như gia đình ông Nguyễn Văn Nguyên, thôn Mũ; ông Ma Văn Va, thôn Nặm Kép…

Kết thúc năm 2020, Tuyên Quang tổ chức đánh giá xếp hạng 79 sản phẩm nông nghiệp đạt chuẩn OCOP. 17 trong số này đạt chứng nhận OCOP 4 sao. Các sản phẩm nông nghiệp Tuyên quang bước đầu đã khẳng định thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh và được người tiêu dùng trong nước. Trong 79 sản phẩm đạt chuẩn OCOP có nhiều sản phẩm là của HTX, doanh nghiệp tham gia. Qua đây cho thấy vai trò của HTX, THTX, doanh nghiệp là rất quan trọng.

Có thể thấy, việc xây dựng các mô hình kinh tế HTX đã và đang tạo động lực cho quá trình xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đặc biệt, tạo chuỗi liên kết bền vững kết nối khâu sản xuất đến tiêu thụ cho nhiều mặt hàng nông sản, từ đó nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, góp phần giữ vững ổn định chính trị xã hội, tạo thuận lợi cho các vùng quê phát triển.

 

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
  • Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

  • Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Hai bên thống nhất sẽ cùng nghiên cứu, tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ngành ngân hàng nói riêng và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cuba nói chung.

  • Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.

Top