Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 25 tháng 6 năm 2021 | 15:3

Khai thác tốt các FTA - rộng cửa tiêu thụ nông sản

Các FTA thế hệ mới mở ra cơ hội mới, đưa Việt Nam vào “sân chơi” mới với những thay đổi mang tính chiến lược nhằm nâng cao khả năng hợp tác kinh tế, gỡ bỏ những rào cản thuế quan trước đây từng cản trở quá trình giao thương giữa các quốc gia.

11.jpg

Đại diện cơ quan chức năng và đơn vị xuất khẩu với lô hàng xuất khẩu vải thiều đầu tiên sang thị trường châu Âu tại sân bay Nội Bài.

 

Các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới sẽ giúp Việt Nam được hưởng ưu đãi nhiều hơn về thuế quan, phi thuế quan, đồng thời có điều kiện cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu theo hướng cân bằng hơn, tránh phụ thuộc quá mức vào một số thị trường.

Chính bởi lẽ đó, FTA là cánh cửa mở giải pháp giảm áp lực tiêu thụ nông sản, đồng thời nâng cao giá trị cho các mặt hàng này.

Áp lực tiêu thụ nông sản

Theo thông tin từ Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT), hiện tại đang mùa thu hoạch rộ, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên việc tiêu thụ trái cây có bị ảnh hưởng.

Tại tỉnh Khánh Hòa, giá xoài hiện xuống thấp do khó khăn trong việc xuất khẩu. Tại Cần Thơ và một số tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, giá trái cây cũng giảm so với trước. Dâu, mãng cầu, chôm chôm, sầu riêng, măng cụt, cam xoàn, xoài, bơ, vải… giảm 5.000 - 30.000 đồng/kg so với hồi tháng 4/2021 do du lịch bị ngưng trệ và người dân cắt giảm chi tiêu trong điều kiện dịch bệnh.

Theo dự báo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, do ảnh hưởng của dịch bệnh, xuất khẩu mặt hàng rau quả trong tháng tới vẫn sẽ gặp một số thách thức liên quan đến dịch vụ vận chuyển, các quy định về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và gia tăng hàng rào kỹ thuật ở các thị trường nhập khẩu quan trọng như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Australia, Trung Quốc...

Nhiều loại trái cây đặc sản và cũng là các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như sầu riêng, vải, xoài, thanh long... đang vào chính vụ, nguồn cung dồi dào.

Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ trái cây của thị trường thế giới bắt đầu phục hồi sau đại dịch; cộng với hiệu quả của các FTA, chương trình xúc tiến thương mại và nỗ lực quảng bá, đẩy mạnh xuất khẩu rau quả của các bộ ngành, địa phương, nhất là các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương… việc tiêu thụ nông sản đang từng bước được tháo gỡ.

Cánh cửa mở các FTA

Sau khi chinh phục thị trường Nhật Bản và Australia, doanh nghiệp Pacific Foods vừa xuất khẩu chính ngạch vào EU lô vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) và vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) tới 27 quốc gia với hơn 430 triệu dân, để hưởng những ưu đãi từ Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), cho biết, EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ tư của nông sản Việt Nam, với nền tảng sẵn cùng việc miễn giảm thuế nhập khẩu theo cam kết trong EVFTA sẽ “tiếp sức” tăng khả năng cạnh tranh của trái cây Việt Nam so với các đối thủ chưa có FTA với EU như Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia, Indonesia.

“Bộ Công Thương đánh giá cao nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc tìm kiếm, kết nối và đưa trái vải sang thị trường EU thành công trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm, vẫn đang là rào cản lớn cho sự trở lại trạng thái “bình thường mới” giữa các quốc gia”, ông Phú đánh giá.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT), cho biết: Nông nghiệp Việt Nam đã tham gia rất sâu và trải dài 15 hiệp định thương mại tự do đã được kí kết với các đối tác liên quan như CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương), EVFTA, UKVFTA (Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland) và những hiệp định này đã có tín hiệu tích cực, các mặt hàng của Việt Nam đã và đang tận hưởng những ưu đãi thuế quan…

Cũng theo ông Toản, tính đến thời điểm này, xuất khẩu nông sản đạt khoảng 20 tỷ USD, đây là tín hiệu lạc quan. Bằng những nỗ lực của doanh nghiệp, vải thiều Việt Nam đã chinh phục nhiều thị trường quốc tế. Vải thiều Bắc Giang, Hải Dương - vùng vải trọng điểm, thương hiệu quốc gia, mang tinh thần nông sản Việt Nam vươn ra thị trường thế giới.

“Tháng 6 này, nhiều chuyến hàng qua đường hàng không, tàu thuỷ đã sang châu Âu. Đây là tín hiệu tốt khẳng định giá trị nông sản Việt Nam, mang tinh hoa của người nông dân vùng Bắc Giang, Hải Dương ra thế giới. Đây cũng là giá trị của doanh nhân Việt Nam luôn khao khát mang sản phẩm của quốc gia điền lên bản đồ thế giới”, ông Toản nhấn mạnh.

Cũng theo ông Toản, năm 2021, mặc dù bị tác động mạnh mẽ của đại dịch Covid-19, tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp và PTNT đánh giá cao sự tích cực vào cuộc của các doanh nghiệp, tập đoàn chung tay cùng địa phương tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ vải thiều. Đặc biệt là đàm phán để trái vải thiều được hưởng ưu đãi thuế quan và tiến sâu vào thị trường quốc tế.

Có thể thấy, việc Pacific Foods xuất khẩu thành công lô vải thiều từ 2 vùng nguyên liệu nổi tiếng là Thanh Hà (Hải Dương) và Lục Ngạn (Bắc Giang) theo tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP… vào EU theo  EVFTA một lần nữa chứng minh rằng, trái vải thiều Việt Nam luôn được khách hàng thế giới ưa chuộng và doanh nghiệp Việt Nam ngày càng nâng cao năng lực đáp ứng được nhiều yêu cầu khắt khe của các thị trường trên thế giới. Họ là những người mở các cánh cửa FTA, góp phần giảm áp lực cho tiêu thụ nông sản trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay.

Cú huých cho xuất khẩu

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, việc tận dụng các hiệp định thương mại tự do như EVFTA, UKVFTA đang mở đường ra cho các doanh nghiệp tăng kim ngạch xuất khẩu rau quả trong năm nay.

Từ đầu năm đến nay, giá trị xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt 1,35 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó có nhiều thị trường tiềm năng lớn như Ai Cập, Kuwait, Ukraine, Senegal... Đặc biệt, thị trường có giá trị xuất khẩu rau quả tăng mạnh nhất là Ukraine (tăng gấp gần 7 lần). Đây kỳ vọng là những thị trường giúp ngành hàng rau quả Việt Nam nâng cao giá trị xuất khẩu trong năm 2021 và những năm tiếp theo.

Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhận định, UKVFTA hứa hẹn tạo ra động lực mới cho hợp tác kinh tế, thương mại trong thời gian tới. Nhiều sản phẩm là thế mạnh của Việt Nam như vải, nhãn, chôm chôm, thanh long, dứa, dưa… sẽ có thêm lợi thế tiếp cận thị trường trong bối cảnh các loại hoa quả từ các quốc gia cạnh tranh như Brazil, Thái Lan, Malaysia… chưa có hiệp định thương mại tự do với thị trường này.

Với CPTPP, hàng loạt nông sản xuất khẩu của các nước thành viên, trong đó có Việt Nam, sẽ được giảm thuế như: Tại thị trường Canada, Việt Nam đạt thỏa thuận 100% kim ngạch xuất khẩu gỗ được xóa bỏ thuế quan; xóa bỏ thuế quan 78% kim ngạch xuất khẩu nông sản, 91% kim ngạch xuất khẩu thủy sản và 97% kim ngạch xuất khẩu gỗ tại thị trường Nhật Bản; Chile sẽ xóa bỏ thuế đối với hầu hết các mặt hàng nông sản, thủy sản có thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam…

 

t11a.jpg

Vietjet triển khai các chuyến bay đưa vải thiều Bắc Giang cùng các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao Việt Nam đến các thị trường quốc tế lớn.

 

Chỉ sau 5 tháng thực thi, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt khoảng 15,4 tỉ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ. Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam chinh phục được thị trường EU khó tính, điển hình như thủy sản, tôm, gạo… Riêng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU sử dụng chứng nhận xuất xứ (C/O) mẫu EUR.1 đạt tỷ lệ khá cao, chiếm trên 14% tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này.

Việc khai thác có hiệu quả thị trường EU ngay sau khi EVFTA có hiệu lực và thực thi đã góp phần đưa tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam cả năm 2020 đạt mức 281,47 tỷ USD, tăng 6,5% và là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao nhất trong khu vực và thế giới.

Đây sẽ là những cú huých rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh. Hiệp định cũng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu, tham gia vào chuỗi giá trị cũng như mạng lưới sản xuất toàn cầu.

Tập trung vào các thị trường có FTA

Theo phân tích của các chuyên gia, các hiệp định thương mại tự do (FTA) chính là nền tảng quan trọng để Việt Nam vượt qua tác động tiêu cực của dịch Covid-19, tác động của bảo hộ mậu dịch thương mại, chiến tranh thương mại và đóng góp vào thành công chung của xuất khẩu năm 2020.

Song, các chuyên gia cũng chỉ rõ việc doanh nghiệp có thể tận dụng tốt các FTA để đẩy mạnh xuất khẩu lại là việc không đơn giản khi cơ hội và thách thức đang đan xen. Ví dụ như, đối với thị trường Anh và EU, EVFTA và UKVFTA đang tạo ra thị trường lớn cho mảng tiêu thụ tôm chế biến của Việt Nam, nhưng các tiêu chuẩn của các quốc gia này quá khắt khe, trong khi chúng ta chưa có tâm thế chuẩn bị tốt để đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường. Đơn cử là việc cấp mã số vùng nuôi tôm hiện được triển khai rất chậm, nguyên nhân do các quy định, thủ tục đăng ký còn bất cập, trong khi ngành nuôi tôm Việt Nam còn khá nhỏ lẻ, manh mún.

Ông Jos Leeters, Giám đốc Công ty Bureau Leeters (Hà Lan), đánh giá, Liên minh châu Âu hiện là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam và tiềm năng của thị trường này vẫn còn rất lớn nhưng cũng hết sức cạnh tranh. Nông sản Việt Nam phải chủ động tiếp cận thị trường còn giàu tiềm năng này, nhất là sau khi EVFTA và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA) giữa EU và Việt Nam được ký kết.

Ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất - nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho biết, thống kê chỉ ra ở các thị trường mà Việt Nam có Hiệp định FTA, nông sản Việt vẫn chiếm thị phần thấp, dao động từ 3-10%.

“Điều này cho thấy dung lượng thị trường xuất khẩu còn rất lớn. Để tận dụng được dung lượng thị trường này, trong bối cảnh Covid-19 hiện nay thì đầu tiên bản thân doanh nghiệp cũng như các địa phương phải thay đổi cách cách thức sản xuất”, ông Chinh khuyến nghị.

Bên cạnh đó, cần phổ biến cho các doanh nghiệp, HTX nhận biết thêm các lợi thế cũng như các lợi ích mà các FTA mang lại để tiếp tục tận dụng, phát triển. Tuy vậy, ông Chinh cũng cho rằng, nông sản Việt Nam vẫn cần vượt qua các rào cản kỹ thuật, có các giấy chứng nhận thì mới tận dụng tốt các FTA.

Để củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa lợi thế từ các FTA mà Việt Nam đã tham gia ký kết, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo doanh nghiệp cần thực hiện đồng bộ và khai thác hiệu quả các FTA đã có hiệu lực, đồng thời tích cực chuẩn bị cho việc thực thi các FTA mới. Với mỗi doanh nghiệp, tận dụng FTA cũng là một phần quan trọng trong chiến lược sản xuất, kinh doanh.

Trước yêu cầu này, những doanh nghiệp - người làm chủ cuộc chơi, cần chủ động tìm hiểu những quy định mới từ các FTA về các lĩnh vực, ngành hàng mình hoạt động, tự chủ được những khó khăn có thể gặp phải.

Ông Hoàng Anh Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) dẫn ra Đề án Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hồi đầu năm 2021. Ông Tuấn cho biết, Đề án tập trung vào phát triển thị trường trong và ngoài nước. Do vậy, các sở ban, ngành cần tìm doanh nghiệp đủ lực, đủ mạnh, liên kết với nông dân, HTX xây dựng mô hình tiêu thụ nông sản trong nước cũng như XK. Từ đó đưa ra thông điệp với nông dân là sản xuất theo đúng tín hiệu, nhu cầu thị trường. Ngoài ra, doanh nghiệp cần liên kết chặt chẽ với nông dân, tìm thị trường để người nông dân sản xuất sản phẩm chất lượng, gia tăng giá trị.

Thực hiện Đề án, Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ thành lập các tổ liên bộ với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính để giải quyết kịp thời các vấn đề liên quan đến sản xuất cũng như xuất khẩu nông sản. Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ liên hệ với Bộ Ngoại giao để kết nối thông tin nhu cầu nông sản của mỗi nước thông qua các Đại sứ quán.

 

FTA tiếp sức cho kinh tế Việt Nam phục hồi sau đại dịch

Đến nay, Việt Nam đã hoàn thành ký kết 15 FTA ở cấp độ song phương và khu vực (trong đó đang thực thi 14 FTA, 1 FTA đã ký nhưng chưa có hiệu lực), đang đàm phán 2 FTA. Trong số đó, nổi bật nhất là 3 FTA thế hệ mới gồm CPTPP, EVFTA và UKVFTA; 1 FTA có quy mô lớn nhất thế giới trong khuôn khổ ASEAN là Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Có thể nói, các FTA đã và đang mở rộng cánh cửa thị trường cho hàng xuất khẩu của Việt Nam, là cơ hội để nước ta kết nối, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19, các FTA thế hệ mới đã trở thành “liều thuốc” tiếp sức cho kinh tế Việt Nam phục hồi sau đại dịch.

 

(Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

 

 

Thanh Tâm
Ý kiến bạn đọc
  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    A Lưới - một trong 74 huyện nghèo của cả nước, một trong những nút thắt lớn nhất của Thừa Thiên - Huế trên chặng đường đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, đang chuyển mình mạnh mẽ.

  • Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sau gần 6 năm thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), những sản phẩm đặc trưng mang tính vùng miền của tỉnh Đắk Lắk đã dần xây dựng được thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường. Hành trình đưa nông sản địa phương từ “ao làng” vươn ra “biển lớn” vẫn đang được tỉnh Đắk Lắk tích cực thực hiện.

  • Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân tỉnh Thanh Hóa, sự đồng lòng hiến đất, đóng góp từ sức người, tài sản đã lan tỏa khắp từ thành thị đến các xã, huyện miền núi và những con em xa quê hương.

  • Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Từ ngày 26/4 đến ngày 1/5, tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh Quảng Ninh sẽ diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024.

Top