Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 17 tháng 6 năm 2024  
Thứ tư, ngày 16 tháng 6 năm 2021 | 13:9

Kỳ tích nông thôn mới ở huyện biên giới “đệ nhất khó khăn”

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới(NTM), những năm qua, huyện Kỳ Sơn(Nghệ An) đã tạo nên sự thay đổi trong cuộc sống người dân và làm thay đổi diện mạo các bản làng.

Với huyện miền núi ‘‘đệ nhất khó khăn’’ và là một trong số các huyện nghèo nhất nước như Kỳ Sơn thì đây là kết quả của sự nỗ lực không ngừng của cả tập thể cán bộ và nhân dân.

 

tr15.jpg

Hữu Kiệm - xã đầu tiên của Kỳ Sơn đón Bằng công nhận xã về đích NTM.

 

Đổi thay nơi biên viễn

Vượt qua quãng đường gần 300km, chúng tôi trở lại với Kỳ Sơn - huyện cao nhất, xa nhất, nghèo nhất không chỉ của tỉnh Nghệ An mà cả nước, và không khỏi “ngỡ ngàng” trước sự “thay da đổi thịt” của huyện miền sơn cước nơi miền Tây xứ Nghệ. Sắc mới đã đổi thay trên khắp bản làng, thôn xóm. Những con đường “huyết mạch” vào các xã được rải nhựa phẳng lì, trường học, trạm y tế xây dựng khang trang…

Như nhiều địa phương khác của Kỳ Sơn, trước đây, nhắc đến Hữu Kiệm, chắc hẳn nhiều người sẽ liên tưởng đến vùng đất xa xôi với vô vàn cách trở và nghèo túng. Song bằng nỗ lực vận dụng các nguồn lực, đồng thuận của người dân, nơi đây đã tạo nên kỳ tích, là xã đầu tiên của huyện về đích NTM. Những con đường nằm lưng chừng núi đã được bê-tông hóa đến tận cửa nhà. Hệ thống trường học, trạm y tế, nhà văn hóa cộng đồng được xây dựng, tu sửa khang trang, sạch đẹp; 100% bản đạt chuẩn quốc gia về y tế, trên 85% người dân tham gia bảo hiểm y tế;  tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,66%...

Bắt tay xây dựng NTM (năm 2011), Hữu Kiệm là xã có xuất phát điểm thấp; có 9 bản thì nhiều bản 100% là người dân tộc thiểu số nên việc huy động nguồn lực gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo lên đến 72,8%, địa hình phức tạp, đồi núi dốc, cơ sở hạ tầng tuy được đầu tư nhưng thiếu và chưa đồng bộ, một bộ phận cán bộ và nhân dân còn có tư tưởng trông chờ ỷ lại và xem việc xây dựng NTM là do Trung ương, tỉnh thực hiện, chứ không phải do người dân là chủ thể…

Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Hữu Kiệm Nguyễn Hữu Lương cho biết: Đổi thay hôm nay là nhờ thực hiện Chương trình xây dựng NTM. Để triển khai hiệu quả, trước tiên, huyện và xã phải dày công tuyên truyền cho đội ngũ cán bộ, đảng viên hiểu về xây dựng NTM, sau đó mới truyên truyền cho người dân. Ban Chỉ đạo huyện thường xuyên xuống xã làm việc , kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho địa phương trong suốt quá trình thực hiện xây dựng NTM. Cũng như các xã miền núi khác, điều khó khăn nhất với cấp ủy, chính quyền cùng hệ thống chính trị ở Hữu Kiệm là việc xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại; chuyển sản xuất nông nghiệp từ tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa. Để làm việc này, ngoài hỗ trợ xây dựng mô hình từ các chương trình, dự án của tỉnh và Trung ương, từng cán bộ, đảng viên được phân công kèm, hỗ trợ các hộ nghèo phải thường xuyên xuống địa bàn, cầm tay chỉ việc, kiên trì hướng dẫn để bà con dần thạo việc làm ăn, từ cách chăm con gà, cây rau đến nuôi bò vỗ béo... Chính quá trình vận động xây dựng NTM một cách bền bỉ đã dần làm thay đổi nhận thức và nếp nghĩ của người dân đối với cộng đồng. 

Chị Vi Thị My, nhà nằm lưng chừng núi ở bản Na Chảo nhưng đường bê-tông đến tận nhà, chia sẻ: “Trước đây, gia đình thuộc diện hộ nghèo, được huyện hỗ trợ 15 triệu đồng mua bò giống. Hằng tuần, cán bộ xuống chỉ dẫn chăm bò, chăm gà, trồng rau, trồng cỏ voi đúng kỹ thuật. Nay gia đình có đàn bò ba con, đàn gà hàng chục con. Bên cạnh đó, tôi còn được dạy dệt thổ cẩm cho thu nhập khoảng 1,5 - 2 triệu đồng/tháng. Nhờ đó, gia đình đã thoát nghèo”.

Chia tay Hữu Kiệm, men theo sườn đồi, chúng tôi về với xã biên giới Mỹ Lý. Bí thư Đảng ủy xã Lô Văn Liệu vui mừng cho biết: “Hơn chục năm trước, tuy chỉ cách thị trấn khoảng 50km nhưng mỗi lần có việc ra huyện phải đi mất gần hai ngày đường. Nay ra Mường Xén chỉ hơn 1,5 giờ đồng hồ. Đi lại cũng như giao thương hàng hóa thuận lợi. Các sản phẩm nông nghiệp, chăn nuôi của bà con nhiều khi không đủ hàng cung cấp cho thương lái. Trước đây, hầu như nhà nào cũng có xuồng máy thì nay thay bằng xe máy; ở bản có điện lưới quốc gia, có đến 70 - 80% nhà có ti vi hay tủ lạnh. Đây là điều mà người dân từng mơ ước”.

Chia sẻ về những kết quả đạt được, Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn Vi Hòe không giấu nổi niềm vui: Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, Kỳ Sơn đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, an sinh xã hội đạt được nhiều thành tựu toàn diện, sản xuất nông, lâm nghiệp khá phát triển. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp. Đời sống tinh thần, vật chất của người dân được cải thiện, công tác xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm đạt được kết quả quan trọng, cảnh quan môi trường nông thôn được cải thiện. Năm 2010, toàn huyện không có xã đạt tiêu chí trong Bộ tiêu chí NTM, đến nay các xã ít nhất đều đạt từ 6 tiêu chí trở lên, có 1/20 xã đạt chuẩn NTM, 5 bản được công nhận là bản NTM; thu nhập bình quân đầu người năm 2011 đạt dưới 10 triệu đồng/người, nay tăng lên 23 triệu  đồng/người/năm; Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 45,80%.

 

t15a.jpg
Vẻ đẹp bản làng nơi miền biên viễn.

 

“Có thể khẳng định, những kết quả đạt được chính là quá trình phấn đấu và nỗ lực không ngừng của toàn Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân địa phương trong suốt 10 năm qua. Đây cũng là nền tảng để tiếp tục triển khai hiện thực hóa các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững hơn”, Bí thư Vi Hòe nhấn mạnh.

Tiếp tục tạo đà cho sự phát triển

Kỳ Sơn được mệnh danh là huyện miền núi “đệ nhất khó khăn”. Địa hình đồi núi dốc đứng và bị chia cắt bởi hệ thống khe suối dày đặc; khí hậu khắc nghiệt, hàng năm phải hứng chịu nhiều đợt hạn hán, lốc xoáy, lũ quét. Kinh tế chủ yếu sản xuất nương rẫy, tự cung, tự cấp, sản xuất hàng hoá chưa phát triển; tỷ lệ hộ nghèo rất cao, dân trí thấp. Do xuất phát điểm thấp, khi huyện triển khai xây dựng NTM, gặp nhiều khó khăn, nguồn lực huy động từ người dân rất ít.

Khó khăn là vậy, nhưng sau hơn 10 năm thực hiện, Kỳ Sơn đã có 1 xã đạt chuẩn NTM; 1 xã đạt 13 tiêu chí, 2 xã đạt 12 tiêu chí, 1 xã đạt 11 tiêu chí, 1 xã đạt 10 tiêu chí, 14 xã đạt dưới 10 tiêu chí, toàn huyện có 5 bản đạt chuẩn NTM.

Trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Kỳ Sơn lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020-2025, một trong những nhiệm vụ chính trị hàng đầu là xây dựng xã đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu xây dựng 6 xã đạt chuẩn NTM (Tà Cạ, Nậm Cắn, Hữu Lập, Chiêu Lưu, Mường Lống và Na Loi); giữ vững danh hiệu xã đạt chuẩn NTM và phấn đấu thực hiện tiêu chí NTM nâng cao tại xã Hữu Kiệm; tiếp tục chỉ đạo xây dựng NTM tại 13 xã còn lại.

Với việc xác định phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân là mục tiêu cốt lõi để xây dựng NTM. Ông Vi Hòe cho biết: Bằng việc định vị lại tiềm năng, lợi thế để tìm giải pháp phát triển kinh tế, Kỳ Sơn xác định những cây, con đặc sản của địa phương để có hướng đi phù hợp, khai thác tối đa tiềm năng sẵn có, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ngoài cơ cấu các mùa vụ nông nghiệp truyền thống, nổi bật là các mô hình trồng lúa nếp, dong riềng, chè Shan tuyết, chanh leo, chăn nuôi gà đen, lợn bản địa..., huyện đang tập trung chỉ đạo quy hoạch tổng thể và chi tiết về việc phát triển cây dược liệu dưới tán rừng gắn với trồng rừng trên địa bàn.

Bên cạnh đó, huyện  triển khai thực hiện đề án phát triển du lịch cộng đồng với phương châm “Chú trọng phát triển sản xuất gắn với du lịch cộng đồng, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc”. Đây thực sự là hướng đi mới đầy tiềm năng, là đòn bẩy có ý nghĩa quan trọng cả về kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh trên địa bàn biên giới còn nhiều khó khăn như Kỳ Sơn.

Mặc dù gặt hái được những thành tựu quan trọng nhưng Kỳ Sơn vẫn còn phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Song, với định hướng, giải pháp đúng đắn cùng tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, nỗ lực không ngừng, tin tưởng rằng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Kỳ Sơn sẽ hoàn thành tốt “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, tạo đà cho sự phát triển trên những chặng đường tiếp theo.

 

 

Ngọc Lan
Ý kiến bạn đọc
  • Phú Yên khai mạc Ngày chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2024

    Phú Yên khai mạc Ngày chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2024

    "Thường xuyên cảnh báo, cập nhật kiến thức cần biết cho khách hàng, có các chính sách hỗ trợ khách hàng trong trường hợp gặp sự cố hoặc lỗi khi sử dụng các phương thức thanh toán”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Đào Mỹ phát biểu như vậy tại buổi khai mạc Ngày chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2024 với chủ đề “Trải nghiệm thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) cùng ngành Ngân hàng Phú Yên” được Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên tổ chức tại công viên Hồ điều hòa Hồ Sơn, TP. Tuy Hòa(Phú Yên), vào tối 7/6.

  • Khai mạc Giải thi đấu Teqball thế giới năm 2024 tại Bình Định

    Khai mạc Giải thi đấu Teqball thế giới năm 2024 tại Bình Định

    Ngày 6/6, tại bãi biển Tượng đài Chiến Thắng TP. Quy Nhơn, UBND tỉnh Bình Định phối hợp với Liên đoàn Thể thao quốc tế FITEQ tổ chức khai mạc giải thi đấu Teqball thế giới năm 2024, với sự tham gia của 115 vận động viên đến từ 52 quốc gia.

  • Nhà báo Nguyễn Văn Hoài được bổ nhiệm làm Tổng Biên tập Báo Nông thôn Ngày nay

    Nhà báo Nguyễn Văn Hoài được bổ nhiệm làm Tổng Biên tập Báo Nông thôn Ngày nay

    Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vừa trao Quyết định bổ nhiệm Nhà báo Nguyễn Văn Hoài - Ủy viên BCH Trung ương Hội Nông dân, Phó Tổng Biên tập Báo Nông thôn Ngày nay giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Nông thôn Ngày nay/điện tử Dân Việt.

  • Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Theo vòng quay của thời gian, lại một tháng Tư nữa lại về! Tháng Tư về, nhiều khoảnh khắc thiên nhiên tươi đẹp đọng lại trong mỗi người khi mùa Xuân sắp qua đi, nhường chỗ cho mùa Hè tràn ngập ánh vàng lấp lánh của nắng, sắc trắng mong manh của hoa loa kèn có mặt ở mọi nẻo đường, nhiều góc phố Thủ đô yêu dấu.

  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

Top