Trong tháng Tám và tháng Chín vừa qua, giá gạo Viêt Nam có thời điểm thấp nhất là khoảng 325 USD/tấn, tại thời điểm đó, giá gạo Thái Lan khoảng 350-360 USD/tấn.
Bốc xếp gạo xuất khẩu tại cảng Cửa Lò (Nghệ An). (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)
Trước tình hình giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã giảm thấp nhất trong 12 năm qua, tại cuộc họp báo thường kỳ quý 3/2019 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức chiều 14/10, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết ngay từ cuối năm 2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xác định năm nay xuất khẩu gạo sẽ gặp nhiều khó khăn về thị trường.
Nhận thức rõ khó khăn là các thị trường lớn, truyền thống của Việt Nam, nhất là Trung Quốc, Indonesia, Bangladesh đều giảm nhập khẩu; trong đó, thị trường Trung Quốc giảm mạnh cả về sản lượng lẫn kim ngạch.
Với thị trường Trung Quốc, hiện nay có thêm các nước tham gia cung cấp gạo cho Trung Quốc nên Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt với các đối thủ khác. Chưa kể có những thời điểm Trung Quốc tiến hành xả kho gạo dự trữ.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Trung Quốc chưa đạt được các yêu cầu kiểm tra của họ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tích cực tháo gỡ khó khăn cho hai doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam sang thị trường này.
Làm rõ thêm nguyên nhân khiến giá gạo xuất khẩu “chạm đáy” trong 12 năm, ông Trần Công Thắng, Phó Viện trưởng, phụ trách Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, cho biết trong tháng Tám và tháng Chín vừa qua, giá gạo có thời điểm thấp nhất là khoảng 325 USD/tấn. Tại thời điểm đó, giá gạo Thái Lan khoảng 350-360 USD/tấn.
Theo ông Thắng, khó khăn trong xuất khẩu lúa gạo chủ yếu là sang Trung Quốc. Năm nay, lượng gạo tồn kho của Trung Quốc khá cao và họ liên tục xả kho. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng tiến hành kiểm soát chặt vấn đề chất lượng, đa dạng hóa thị trường cung cấp gạo cho mình.
Trung Quốc cấp hạn ngạch cho các thị trường khác như Myanmar, Campuchia... nên xuất khẩu gạo Việt Nam sang Trung Quốc càng gặp nhiều khó khăn.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, năm nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn thế giới chậm lại nên nhu cầu tiêu thụ lúa gạo cũng giảm đi; đồng thời các quốc gia cũng cố gắng chủ động một phần lương thực. Bên cạnh đó, các hàng rào kỹ thuật, các tiêu chí về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc cũng là yếu tố gây khó khăn cho nông sản Việt.
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, gạo là mặt hàng xuất khẩu truyền thống, phải cạnh tranh để thay đổi, phát triển.
Giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu gạo trong thời gian tới là phải thúc đẩy gỡ khó trong xuất khẩu sang Trung Quốc. Bên cạnh đó, một số thị trường xuất khẩu khác cần đẩy mạnh là Philippines, châu Phi...
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, khối lượng gạo xuất khẩu 9 tháng năm 2019 đạt 5,2 triệu tấn với 2,24 tỷ USD, tăng 5,9% về khối lượng nhưng giảm 9,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Philippines hiện đang đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam với hơn 36% thị phần.
Trong tháng Chín, trên thị trường thế giới, giá gạo xuất khẩu Ấn Độ tăng nhờ đồng Rupee hồi phục. Đồng baht tăng trở lại giúp giá gạo Thái Lan ổn định ở mức cao trong gần 1 năm qua và đắt hơn so với các đối thủ cạnh tranh khác ở châu Á. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ ảm đạm giữ giá gạo Việt Nam ở mức thấp gần 12 năm.
Trong tháng Chín, giá gạo đồ 5% tấm Ấn Độ tăng từ 366-374 USD/tấn lên 373-379 USD/tấn. Gạo 5% tấm của Thái Lan giảm từ 410-422 USD/tấn xuống 400-418 USD/tấn.
Đáng chú ý, gạo 5% tấm của Việt Nam giá giảm từ 325-330 USD/tấn xuống 325 USD/tấn.
Hiện, giá gạo 5% tấm xuất khẩu đang ở mức 330 USD/tấn./.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…