HTX Tổng hợp Quang Minh huyện Tiên Du (Bắc Ninh) cùng các thành viên, đã liên kết chuỗi sản xuất thành công, từ vùng trồng đến tiêu thụ sản phẩm ổn định, mang lại thu nhập cao cho các thành viên và HTX.
Sau 3 năm vừa thử nghiệm, vừa canh tác măng tây và các loại rau củ quả khác, Giám đốc HTX Tổng hợp Quang Minh huyện Tiên Du (Bắc Ninh) cùng các thành viên, đã liên kết chuỗi sản xuất thành công, từ vùng trồng đến tiêu thụ sản phẩm ổn định, mang lại thu nhập cao cho các thành viên và HTX.
Nhờ có “đầu tàu” khoẻ
Chị Trần Thị Trang, Giám đốc HTX Tổng hợp Quang Minh (thôn Thượng, xã Cảnh Hưng, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh), cho biết: Tuy mới thành lập, song, tôi đã cùng các thành viên đưa sản phẩm của Quang Minh đứng vững trên thị trường và làm giàu cho HTX.
Theo chị Trang, năm 2018, khi bắt tay vào sản xuất, thấy cây măng tây còn lạ và mới mẻ, chị đã đi tìm hiểu và gặp được Công ty Dũng Hà ở Hà Nội. Sau khi trao đổi, hai bên thống nhất Công ty sẽ thu mua sản phẩm, và cho người hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc măng tây sạch để đưa vào tiêu thụ ổn định trong các siêu thị.
Sau đó, chị đã mua 1.000 hạt giống măng tây (giống của Mỹ) về trồng thử, với giá 2.000 đồng/hạt. Nhưng do ban đầu chưa nắm vững kỹ thuật nên lứa măng trên hỏng 80%. Không nản chí, chị tiếp tục tìm hiểu và được biết giống măng tây Mỹ năng suất không cao. Do vậy, tháng 10/2019, chị chuyển hướng, mua tiếp 4.000 hạt nữa, giống của Hà Lan, với giá 4.000 đồng/hạt (có loại 6.000 đồng/hạt). Và chị đã thành công từ bấy đến nay.
Thấy hướng đi của mình đúng, chị Trang thành lập HTX kiểu mới với 7 thành viên, do chị làm Giám đốc. Từ sự năng nổ, nhiệt tình của nữ giám đốc, các thành viên chung tay góp sức, nỗ lực để cây măng tây đứng vững trên thị trường. Đồng thời, đáp ứng nhu cầu đầu ra của đối tác, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho từng thành viên.
Hiện, HTX có khoảng 10 sào măng tây Mỹ, 17 sào măng tây Hà Lan, thành viên nhiều nhất là Giám đốc HTX 1,7 mẫu (1 mẫu Bắc Bộ = 3.600m2), hộ ít nhất 6 sào (1 sào Bắc Bộ = 360m2). Một vòng đời cây măng tây 15 - 16 năm, cứ 2 tháng thu hoạch 1 lần, sau đó nghỉ dưỡng sức cho cây 1 tháng, rồi thu tiếp. Mùa đông không có măng, như vậy, bình quân măng tây thu hoạch 4-5 lần/năm. Giá măng tây tại vườn 70.000 - 80.000 đồng/kg, siêu thị bán giá 150.000 - 160.000 đồng/kg.
“Măng tây của Quang Minh có tem truy xuất nguồn gốc, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và đang hướng tới sản xuất hữu cơ. Hiện, HTX có 6 sào măng tây trong nhà kính (khoảng 2.500m2), và một số diện tích trong nhà màng, còn lại đang trồng ngoài trời. Ngoài măng tây, HTX còn phát triển các loại rau, củ, quả khác như: Dưa chuột, chuối tiêu, chuối lá và đang trồng thêm đu đủ”, chị Trang cho biết.
Bà Lê Thị Định, thành viên HTX Quang Minh, cho biết thêm, gia đình có 6 mẫu ruộng, trong đó có 2 mẫu măng tây, 1 mẫu chuối, 2 mẫu đu đủ (giá chuối 5.000 -6.000 đồng/kg, đu đủ 10.000 đồng/kg tại vườn), 1 mẫu còn lại trồng các lại rau màu, ngô ngọt, cà chua, cải bắp, dưa chuột.
Thu hoạch măng tây trong nhà kính của HTX Quang Minh.
“Đầu ra của sản phẩm, ngoài việc thương lái đến lấy tại vườn, hàng ngày, gia đình phải đem ra chợ đầu mối Hoà Đình, thị trấn Tiên Du, bán cho khách các địa phương trong huyện và các vùng lân cận đến thu mua. Riêng măng tây, một lượng nhỏ trong nhà màng có giá cao; loại trồng ngoài vườn giá bán thấp hơn. Muốn làm nhà màng để có giá bán sản phẩm cao, phải đầu tư khá lớn, bình quân khoảng 1 tỷ đồng/mẫu. Hiện, doanh thu của gia đình đạt 400 - 500 triệu đồng/năm”, bà Định nói.
Chung tay cùng HTX
Ông Đặng Đức Thính, Chủ tịch Liên minh HTX Bắc Ninh, cho biết: Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về việc tiếp tục nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (KTTT), từ năm 2018 – 2020, khu vực kinh tế hợp tác, HTX ở Bắc Ninh có nhiều chuyển biến cả về quy mô và chất lượng. Nhất là, đã cơ bản khắc phục được tình trạng yếu kém kéo dài, vì vậy, đã có nhiều mô hình kinh tế hợp tác, HTX hoạt động hiệu quả. Góp phần phát triển kinh tế bền vững, XDNTM và tạo việc làm, xoá đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội. Vai trò, vị thế của Liên minh HTX tỉnh đối với sự phát triển HTX ngày càng cao, được tỉnh Bắc Ninh ghi nhận.
Đặc biệt, trong 2 năm qua, khu vực kinh tế tập thể, HTX của tỉnh tiếp tục nâng cao về số lượng và chất lượng
Đáng ghi nhận là, tính đến tháng 9/2020, toàn tỉnh có 659 HTX và 1 Liên hiệp HTX, có 65 HTX ngừng hoạt động, chờ giải thể hoặc chuyển đổi sang mô hình kinh tế khác. Đã có 210 tổ hợp tác thu hút 93.102 thành viên, chủ yếu là đại diện hộ cá thể, cá nhân tham gia, tăng so với năm 2017 là 834 thành viên.
Đặc biệt, các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp thu hút được sự tham gia mạnh của các thành viên, đến nay, đã có 70.598 thành viên; Quỹ tín dụng nhân dân có 21.559 thành viên, các HTX phi nông nghiệp hiện có 926 thành viên. Đáng ghi nhận là, trong nhiệm kỳ qua, Liên minh HTX tỉnh đã phối hợp với địa phương thành lập mới được 89 HTX. 8 tháng đầu năm 2020, mặc dù có dịch Covid – 19 song vẫn thành lập được 17 HTX.
Nhìn chung, các HTX được thành lập đều xuất phát từ nguyện vọng của thành viên và thị trường. Đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, thành viên có đóng góp vốn, hợp tác trong hoạt động sản xuất kinh doanh, bước đầu đã phát huy được vai trò hỗ trợ cho thành viên phát triển. ‘
“Mặt khác, Liên hiệp HTX còn là cầu nối, cung cấp dịch vụ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho các thành viên, đồng thời tiêu thụ sản phẩm cho họ. Năm 2019, Liên hiệp đã tổ chức cho 3 HTX nông nghiệp tham gia Hội chợ xúc tiến thương mại tại Bắc Giang. 02 HTX tiểu thủ công nghiệp, đồ gỗ mỹ nghệ tham gia Hội chợ TP. Hồ Chí Minh. Cuối năm 2019, đầu năm 2020, mặc dù có dịch Covid- 19, song Liên hiệp HTX Bắc Ninh vẫn có doanh nghiệp hợp đồng bao tiêu sản phẩm, đem lại nguồn thu đáng kể cho các thành viên”, ông Thính cho biết thêm.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.