Năm 2019 sẽ là năm đầu tiên huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) có sản phẩm vải thiều hữu cơ, đây là hướng xây dựng sản phẩm nông sản chất lượng cao.
Quy trình chăm sóc vải thiều sẽ được giám sát chặt
Chuẩn bị cho mùa vải mới, huyện Lục Ngạn sẽ đưa vào mô hình khoảng 20 ha vải hữu cơ. Sản phẩm vải hữu cơ với sự ưu việt: an toàn cho người phun, không gây độc hại cho môi trường, không tồn dư hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật trên sản phẩm, giúp cây sinh trưởng tốt hơn… sẽ là sản phẩm chất lượng đưa đến người tiêu dùng.
Theo đó, vải thiều hữu cơ sẽ là sự liên kết giữa nông dân trồng vải Lục Ngạn và doanh nghiệp tiêu thụ. Các gia đình tham gia trồng vải sẽ ký hợp đồng tiêu thụ với doanh nghiệp và người dân được tập huấn áp dụng quy trình chăm sóc vải hữu cơ không dùng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hoá học. Các vườn vải tham gia mô hình vải thiều hữu cơ sẽ được lắp camera giám sát, nhật ký chăm sóc sẽ là nhật ký điện tử.
Việc bắt đầu thử nghiệm mô hình vải hữu cơ được người dân huyện Lục Ngạn hưởng ứng, gần 20 hộ dân sẽ tham gia. Tuy nhiên, người dân vẫn còn băn khoăn về việc ký kết hợp đồng tiêu thụ bao tiêu sản phẩm, giá vải thiều hữu cơ sẽ được xác định như thế nào?
“Người dân không ngại việc chăm sóc cây vải theo quy trình, tiêu chuẩn vải hữu cơ nhưng giá vải được ký hợp đồng mua bán trước sẽ được định giá như thế nào? Việc trồng và chăm sóc vải hữu cơ có mang lại lợi nhuận cho người dân hơn so với cách canh tác truyền thống không?” - ông Nguyễn Văn Toàn ở xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn băn khoăn.
Bà Nguyễn Thị Hoa, ở xã Quý Sơn, cũng là một trong những hộ tham gia thí điểm vải thiều hữu cơ năm 2019 thì lo sản lượng vải thiều sẽ giảm nếu chăm sóc mà không phun thuốc trừ sâu bệnh. Sản lượng giảm sẽ làm ảnh hưởng đến thu nhập của người dân.
Theo mô hình sản xuất tiêu thụ vải hữu cơ được thí điểm vào mùa vải năm 2019, đơn vị bao tiêu sản phẩm sẽ phải thoả thuận giá mua ký hợp đồng với người dân trước. Quy trình chăm sóc đến khi thu hoạch đều là sự đồng hành giữa người dân và doanh nghiệp, rủi ro cũng được chia sẻ với người dân.
Vườn vải thiều sẽ được chăm sóc theo quy trình sản xuất hữu cơ.
Hướng đi bền vững của nông sản Việt
Ông Lê Bá Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết, huyện là vùng sản xuất vải thiều lớn nhất cả nước. Mùa vải 2018, tổng sản lượng hơn 90.000 tấn, tăng hơn 35.000 tấn so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, việc tiêu thụ vải vẫn tốt, dù là mùa vải kỷ lục về sản lượng từ trước tới nay. Vải thiều Lục Ngạn đã có được thương hiệu cả trong nước và quốc tế, đến được với các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, châu Âu…
“Để nông sản có được hướng đi bền vững, tránh tình trạng được mùa mất giá, thì việc sản xuất tiêu thụ phải là quy trình khép kín, hướng tới các sản phẩm chất lượng cao. Bên cạnh vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP thì vải thiều hữu cơ đang là định hướng của Lục Ngạn để sản xuất nông sản chất lượng cao, đảm bảo được đầu ra cho nông sản” - ông Lê Bá Thành nói.
Theo ông Nguyễn Văn Cường - Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng nông nghiệp hữu cơ, sản xuất cây ăn quả, cây bản địa đặc sản là hướng đi đúng của sản phẩm nông nghiệp sạch, chất lượng. Vải thiều Lục Ngạn đã là một cây đặc sản có thương hiệu lâu nay, việc hướng tới sản xuất hữu cơ sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn nữa cho vùng cây ăn quả này.
“Canh tác theo phương pháp hữu cơ với cây ăn quả lâu năm sẽ có nhiều thuận lợi hơn các cây ngắn ngày khi sức đề kháng khoẻ hơn, việc chăm sóc phương pháp hữu cơ sẽ dễ hơn. Sản lượng cây ăn quả hữu cơ sẽ giảm trong những vụ mùa đầu nhưng sẽ tăng lên trong những vụ tiếp theo. Nếu đúng là sản phẩm hữu thì giá bán sẽ cao gấp đôi so với sản phẩm bình thường” - ông Nguyễn Văn Cường cho biết.
Nhu cầu về sản phẩm nông sản hữu cơ hiện nay đang rất lớn và ngày một tăng, với sản phẩm vải thiều hữu cơ chuẩn sẽ không đủ để đáp ứng được nhu cầu trong nước chưa nói đến xuất khẩu. Điều quan trọng là quy trình sản xuất vải thiều hữu cơ phải được giám sát chặt chẽ đúng tiêu chuẩn, ông Nguyễn Văn Cường phân tích thêm./.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.