Với lợi thế về điều kiện khí hậu, đất đai, những năm qua, nhiều tỉnh miền núi phía Bắc đẩy mạnh phát triển các vùng cây ăn quả thành vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, giúp gia tăng giá trị sản xuất.
Hiện nay, nhiều địa phương xác định cây ăn quả là cây trồng chủ lực nhằm nâng cao thu nhập cho nhân dân trên địa bàn.
Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ cho những sản phẩm này chỉ quanh quẩn tại địa phương hoặc những tỉnh lân cận.
Điện Biên: Phát triển cây ăn quả theo hướng tập trung
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, năm 2020, Điện Biên có 3.036ha cây ăn quả, diện tích cho thu hoạch là 1.945ha, sản lượng ước đạt 19.905 tấn. Trước năm 2018, cây ăn quả trên địa bàn tỉnh chủ yếu trồng phân tán, nhỏ lẻ, manh mún, chủ yếu để đáp ứng nhu cầu của gia đình và bán quả tươi cho thị trường tiêu dùng trong tỉnh. Từ năm 2018 đến nay, tại các địa phương đã bắt đầu hình thành một số vùng trồng cây ăn quả tập trung như: Dứa, chanh leo, cam, bưởi, xoài.
Đến nay, tỉnh có khoảng 976ha cây ăn quả trồng tập trung, chiếm 34,5% tổng diện tích cây ăn quả toàn tỉnh. Những diện tích này có sự liên kết giữa người dân với hợp tác xã, người dân với doanh nghiệp hoặc do doanh nghiệp, chủ trang trại tự đầu tư sản xuất nên đã quan tâm nhiều hơn về giống, phân bón, kỹ thuật canh tác.
Người dân xã Noong Luống (huyện Điện Biên) chăm sóc vườn cây ăn quả.
Ông Phạm Đình Lai, Trưởng phòng Trồng trọt (Sở Nông nghiệp và PTNT) đánh giá: Việc phát triển cây ăn quả trong thời gian qua đã có bước phát triển tích cực. Một số huyện, xã đã và đang chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang phát triển cây ăn quả, bước đầu thu được kết quả khả quan. Tại các địa phương đã hình thành một số vùng cây ăn quả tập trung cho năng suất cao, bước đầu hình thành một số liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả. Nhiều giống chất lượng tốt được đưa vào, gieo trồng giá trị sản xuất trên diện tích đất canh tác được nâng lên kéo theo đó thu nhập, đời sống nông dân cũng tăng so với trước đây.
Thuộc quy hoạch phát triển cây ăn quả chất lượng cao của tỉnh, từ năm 2018 đến nay, huyện Tuần Giáo đã phát huy tiềm năng, lợi thế về đất đai, khí hậu để phát triển cây ăn quả. Chính quyền tích cực hỗ trợ, khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thay thế các loại cây trồng truyền thống, kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả chất lượng cao. Hiện nay, huyện Tuần Giáo đã có gần 500ha cây ăn quả, trong đó có khoảng 200ha trồng tập trung theo hướng liên kết sản xuất.
Bà Phạm Thị Tuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo cho biết, UBND huyện chủ trương triển khai chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trồng cây ăn quả tại một số xã có điều kiện đất đai, khí hậu thuận lợi như: Quài Nưa, Quài Cang, Quài Tở, Pú Nhung, Rạng Đông. Từ đó hình thành vùng cây ăn quả tập trung, hàng hóa, từng bước thay đổi tư duy canh tác, nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích, tăng thu nhập cho người dân. Đơn cử như tại 2 xã: Rạng Đông, Pú Nhung, nếu như trước đây người dân 2 xã này chỉ trung thành với cây ngô, thì nay, một phần diện tích ngô kém hiệu quả đã được chuyển đổi trồng các loại cây ăn qua như xoài và bưởi da xanh. Đến nay, 2 xã đã có 50ha cây ăn quả tập trung, một số diện tích đã cho thu hoạch bói, hiệu quả kinh tế cao gấp 4 - 5 lần trồng ngô. Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Tuần Giáo nhiệm kỳ 2020 - 2025, giai đoạn 2021 - 2025, toàn huyện tiếp tục vận động, khuyến khích người dân; thu hút đầu tư từ doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển thêm 500ha cây ăn quả tập trung, nâng tổng diện tích cây ăn quả toàn huyện lên khoảng 1.000ha.
Giai đoạn 2018 - 2020, bên cạnh sự nỗ lực của các địa phương thì sự quan tâm của tỉnh, các ngành cũng đã hỗ trợ rất lớn cho người dân, doanh nghiệp triển khai các mô hình, dự án trồng cây ăn quả. Tỉnh đã sử dụng linh hoạt các nguồn vốn, chính sách của Trung ương và địa phương để thực hiện hỗ trợ phát triển 1.244ha cây ăn quả, với tổng kinh phí 78,567 tỷ đồng. Trong đó có nhiều dự án, mô hình cây ăn quả phát triển tốt, phù hợp với điều kiện sinh thái của địa phương, bước đầu cho năng suất, hiệu quả cao, nâng cao thu nhập cho người sản xuất. Điển hình như, mô hình trồng xoài Đài Loan thực hiện tại huyện 9 huyện, thị xã với tổng diện tích 399ha, kinh phí hỗ trợ 26 tỷ đồng. Đến nay, một số diện tích đã cho thu hoạch, năng suất ước đạt 68 tạ/ha, lợi nhuận ban đầu ước đạt 37 triệu đồng/ha. Hoặc như mô hình trồng bưởi da xanh tại 7 huyện (trừ huyện Điện Biên Đông, Nậm Pồ, Tủa Chùa) với tổng diện tích 251ha, kinh phí hỗ trợ 28,298 tỷ đồng. Một số diện tích đã cho thu hoạch, năng suất ước đạt 100 tạ/ha, lợi nhuận ước đạt 213 triệu đồng/ha.
Hòa Bình đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả
Toàn tỉnh hiện có 11.000 ha cây ăn quả có múi (CAQCM), trong đó có 7,4 nghìn ha đang trong thời kỳ thu hoạch, sản lượng đạt khoảng trên 24 vạn tấn/năm.
Tuy nhiên, do dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến việc tiêu thụ nông sản nói chung, cũng như sản phẩm cam quả trên địa bàn tỉnh thời điểm chính vụ nói riêng. Do đó, các ngành, đơn vị, địa phương, HTX… đã chủ động vào cuộc để hạn chế thấp nhất tác động tiêu cực tới hoạt động tiêu thụ sản phẩm CAQCM do ảnh hưởng của đại dịch.
Hợp tác xã Mường Động, xã Tú Sơn (Kim Bôi) kiểm tra chất lượng cam trước khi bước vào vụ thu hoạch.
Thời gian qua, mặc dù gặp khó khăn do diễn biến dịch Covid-19 phức tạp, kéo dài nhưng tình hình sản xuất, tiêu thụ nông sản (TTNS) trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định. Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp các sở, ngành cung cấp danh sách cơ sở sản xuất, kinh doanh có khả năng cung cấp sản phẩm nhằm quảng bá, hỗ trợ TTNS; các đơn vị đã hỗ trợ, hướng dẫn và đăng ký luồng xanh quốc gia cho xe vận chuyển nông sản của doanh nghiệp/HTX trên địa bàn tỉnh thông qua trang http:// luongxanh.drvn.gov.vn; triển khai bán hàng qua hệ thống sàn thương mại điện tử (TMĐT) đối với các sản phẩm như: Nhãn Sơn Thuỷ, na Đồng Bong, thanh long ruột đỏ (Lạc Thuỷ), bưởi da xanh (Tân Lạc); trứng gà (Lạc Thuỷ, Lạc Sơn). Phát huy những kết quả đó, để đảm bảo ổn định sản xuất trồng trọt, tiêu thụ sản phẩm CAQCM trên địa bàn tỉnh, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc; nhiều đơn vị chủ động, linh hoạt kết nối, hỗ trợ nhằm đảm bảo lưu thông sản phẩm, tránh ùn ứ và đảm bảo về giá cả cho nông dân.
Tại địa bàn huyện Cao Phong - thủ phủ của cây cam, dự kiến sản lượng trong niên vụ này khoảng 22.000 tấn, thời gian thu hoạch tập trung từ tháng 10/2021 - 5/2022. Lường trước được sự ảnh hưởng của dịch bệnh, một số HTX sản xuất nông nghiệp đã hoạt động cầm chừng, thu hẹp quy mô sản xuất hoặc tạm dừng hoạt động do lượng tiêu thụ sản phẩm thấp, chi phí sản xuất cao. UBND huyện cũng chỉ đạo các xã, thị trấn, doanh nghiệp chủ động, sáng tạo, linh hoạt điều chỉnh sản xuất, phương thức kinh doanh để vừa thúc đẩy TTNS, vừa bảo đảm phòng tránh dịch bệnh theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.
Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Phong Bùi Hoài Nhi cho biết: Để có phương án tiêu thụ sản phẩm CAQCM phù hợp, huyện đã xây dựng 3 kịch bản tình hình Covid-19 từ thấp đến cao, thị trường tiêu thụ chủ yếu vẫn là nội địa. Bên cạnh đó, huyện phối hợp Bưu điện tỉnh tổ chức hội thảo tiêu thụ cam Cao Phong. Tại hội thảo, Bưu điện tỉnh đã ký cam kết cung ứng và tiêu thụ 2.000 tấn cam, quýt Cao Phong lên sàn TMĐT Postmart.vn cho Công ty TNHH MTV Cao Phong; cam kết vận chuyển cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện nếu có nhu cầu. Ngoài ra, huyện phân công lãnh đạo, cán bộ trực tiếp phụ trách từng xã trong việc chỉ đạo, hỗ trợ thúc đẩy sản xuất, thu hoạch, chế biến và tiêu thụ sản phẩm CAQCM… Nhờ đó, thời điểm đầu vụ, các loại quả chín sớm như cam CT36, cam Marrs, cam Caracara, quýt Ôn Châu… được tiêu thụ hết với tổng sản lượng trên 530 tấn.
Trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và sự bất ổn của thị trường nông sản. Để giúp nông dân vượt qua khó khăn trong việc giải quyết đầu ra cho nông sản, một số ngành, đơn vị đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ. Trong đó, tập trung ký kết thỏa thuận hợp tác để đưa nông sản, bao gồm cả CAQCM lên các sàn TMĐT, tiêu thụ qua các kênh bán lẻ.
Ông Nguyễn Huy Nhuận, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Để thúc đẩy việc tiêu thụ sản phẩm CAQCM, các địa phương cần thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh nhằm giữ vững vùng xanh an toàn; dựa trên điều kiện, tình hình thực tế tại địa phương để có kịch bản tiêu thụ sản phẩm CAQCM phù hợp với nhiều tình huống; tạo điều kiện thuận lợi cho các sàn TMĐT hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả TTNS. Các nhà vườn phải bám sát thông tin thị trường; chú trọng nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, chủ động tiếp cận tiến bộ KHCN, ứng dụng trong chuyển đổi số nông nghiệp...
Bên cạnh đó, các địa phương tiếp tục rà soát vùng sản xuất CAQCM theo định hướng phát triển tập trung tại các vùng có điều kiện đầu tư thâm canh, tăng cường quản lý tốt quy hoạch bằng cách tuyên truyền, hướng dẫn nông dân chuyển đổi sang cây trồng khác. Phải xử lý ngay những trường hợp phá rừng, chuyển đổi đất rừng để trồng CAQCM ở những nơi không có trong quy hoạch, tuyệt đối không được phá vỡ quy hoạch làm ảnh hưởng bất lợi đến sự phát triển bền vững của vùng CAQCM.
Diện tích CAQCM tăng nhanh
Với hơn 7 ha cây cam, quýt, trung bình mỗi vụ, ông Đinh Duy Lý, thôn Khuổi Nằn 2, thị trấn Yến Lạc Lý (Na Rì, Bắc Kạn) thu hoạch hơn 30 tấn quả, tương đương hơn 700 triệu đồng. Sản phẩm cam đường canh của gia đình ông được chứng nhận đạt sản phẩm OCOP ba sao cấp tỉnh. Năm 2020, được hỗ trợ gần 300 triệu đồng từ Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, ông Lý đã đầu tư hoàn thiện và đưa vào sử dụng hệ thống tưới nước tự động theo mô hình tưới nước công nghệ cao giúp tăng năng suất.
Phó Chủ tịch UBND huyện Na Rì Lương Thanh Lộc cho biết: “Việc chuyển đổi các diện tích không chủ động được nước tưới, đất đồi kém hiệu quả sang trồng cam đang cho thấy hướng đi đúng. Thời gian tới, huyện tiếp tục mở rộng diện tích và tìm hướng sản xuất đáp ứng kênh tiêu thụ qua hệ thống các siêu thị trên cả nước”.
Năm 2011, tỉnh Bắc Kạn chỉ có hơn 1.200 ha cây cam, quýt thì đến nay diện tích đã tăng lên hơn 3.500 ha, trong đó diện tích cho thu hoạch hơn 2.000 ha. Bắc Kạn triển khai nhiều đề tài, dự án để phục tráng và bảo tồn nguồn gen quý của quýt Bắc Kạn, đồng thời, chuyển giao khoa học kỹ thuật, giúp người dân chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, bảo quản quả sau thu hoạch; nhân rộng mô hình “quy trình kỹ thuật chuẩn” trong trồng quýt...
Tỉnh Tuyên Quang hiện có hơn 8.600 ha cây cam; trong đó, có hơn 6.700 ha đã cho thu hoạch. Vùng cam tập trung của tỉnh nằm chủ yếu ở huyện Hàm Yên với gần 7.000 ha và huyện Chiêm Hóa có hơn 1.000 ha. Vụ cam năm nay, dự kiến sản lượng cam của huyện Hàm Yên đạt khoảng 80.000 tấn, trong đó hơn 60.000 tấn là cam sành và khoảng 20.000 tấn là các loại cam Vinh, cam V2.
Người dân xã Vĩnh Phúc, huyện Bắc Quang (Hà Giang) đóng gói cam đưa đi tiêu thụ. Ảnh: KHÁNH TOÀN
Hà Giang là “vựa” cam lớn nhất khu vực miền núi phía bắc với hơn 8.500 ha. Cây cam là cây trồng chủ lực, cây xóa đói, giảm nghèo cho người dân ở một số huyện như Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên. Giá trị từ cây cam đem lại cho tỉnh khoảng 700 tỷ đồng/năm, chiếm gần 10% tổng giá trị của ngành nông nghiệp. 10 năm trở lại đây, tỉnh đã định hướng cho người dân đa dạng giống cam, vừa đáp ứng nhu cầu thị trường lại kéo dài niên vụ thu hoạch.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hà Giang Hoàng Hải Lý cho biết: Hiện nay, cam Hà Giang phải cạnh tranh với nhiều vùng trồng cam trong nước như Tuyên Quang, Hòa Bình, Bắc Giang... Do đó, tỉnh xác định phải nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm.
Chính cam, quýt đã đưa Hòa Bình trở thành tỉnh trọng điểm của toàn quốc về phát triển trồng và tiêu thụ sản phẩm. Cây cam Hòa Bình nhiều năm liền có năng suất cao nhất toàn quốc (22-24 tấn/ha/năm). Đã có nhiều mô hình sản xuất cam, quýt có hiệu quả kinh tế cao như: Hợp tác xã 3T Farm (Cao Phong); có những sản phẩm chế biến sâu từ cam như nước ép cam, mứt cam của Hợp tác xã Quang Hà (Cao Phong)...
Ông Nguyễn Hồng Yến, Chi Cục trưởng Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hòa Bình cho biết: Diện tích cây có múi toàn tỉnh có hơn 10.000 ha, trong đó có gần 8.000 ha đang cho thu hoạch quả với sản lượng ước đạt 155.000 tấn; trong đó, diện tích cam, quýt đạt hơn 6.000 ha.
Các tỉnh nỗ lực xây dựng thương hiệu cho cam, quýt. Đã từ lâu, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) nổi tiếng với thương hiệu Cam sành Hàm Yên, được người tiêu dùng bình chọn là một trong 50 trái cây đặc sản Việt Nam; lọt tốp 10 thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng; được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chỉ dẫn địa lý sản phẩm “Cam sành Hàm Yên”.
Nổi danh trên thị trường từ nhiều năm nay, cam, quýt đã trở thành hàng hóa chủ lực của tỉnh Bắc Kạn. Năm 2012, Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận Chỉ dẫn địa lý Bắc Kạn cho sản phẩm quýt Bắc Kạn.
Đến thời điểm này, tỉnh Hà Giang đã có hơn 70 cơ sở sản xuất với khoảng 3.500 hộ trồng cam được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP trên diện tích hơn 4.200 ha...
Các tỉnh nỗ lực mở rộng thị trường tiêu thụ
Đã vào cao điểm thời vụ thu hoạch cam, quýt năm nay tại các tỉnh miền núi phía bắc, tuy nhiên, thị trường tiêu thụ cho các loại cây ăn quả này đang gặp nhiều khó khăn. Do cung vượt cầu, cho nên trong khoảng 10 năm qua, việc tiêu thụ cam, quýt ở Bắc Kạn luôn khá bấp bênh, chưa vươn được tới các thị trường lớn. Theo Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Kạn, do giá quýt liên tục giảm nên hiện nay, mỗi hecta trồng quýt, nông dân chỉ thu nhập được từ 60-90 triệu đồng/năm, là quá thấp so công lao động bỏ ra…
Trước thực trạng trên, các địa phương triển khai nhiều giải pháp để tìm kiếm thị trường tiêu thụ quả cam, quýt. Giám đốc Sở Công Thương Bắc Kạn Hoàng Hà Bắc cho biết: Sở đã cung cấp các thông tin về sản phẩm, chất lượng, thời vụ sản phẩm nông sản đến mùa vụ, trong đó có sản phẩm cam, quýt và đề nghị các đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Công Thương, UBND các tỉnh, thành phố; Sở Công Thương các tỉnh, thành phố nghiên cứu, kết nối tiêu thụ sản phẩm.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Đỗ Thị Minh Hoa cho biết, hiện tại tỉnh đã làm việc với các sàn giao dịch thương mại điện tử đề nghị hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, chỉ đạo các ngành, địa phương liên hệ với các hợp tác xã có đủ điều kiện, năng lực làm đơn vị đầu mối thu mua, vận chuyển, cung cấp hàng hóa, hoàn thiện thủ tục giấy tờ để đưa cam, quýt lên các sàn giao dịch thương mại điện tử và vào hệ thống các siêu thị.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) Đỗ Văn Hòa, trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, ngay từ tháng 9, UBND huyện đã chủ động mở hội nghị khách hàng tiêu thụ cam với những đại lý, đầu mối lớn; Hội Cam sành Hàm Yên đã ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm Cam sành Hàm Yên với Bưu điện tỉnh Tuyên Quang, Công ty cổ phần tập đoàn Masan, Công ty TNHH xuất nhập khẩu và Thương mại thực phẩm Nutifood.
Theo đó, Bưu điện tỉnh tiêu thụ 10.000 tấn; Công ty cổ phần tập đoàn Masan, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Thương mại thực phẩm Nutifood tiêu thụ trên 6.000 tấn. Huyện đã tổ chức hai chợ đầu mối là Tân Thành và Bình Xa. Tại đây, đã bố trí khu vực bãi đỗ đậu xe đủ sức chứa tới 30 xe container và hàng chục xe tải nhỏ; có khu vực nghỉ ngơi, ăn uống và xét nghiệm nhanh Covid-19 cho lái xe và các đơn vị thu mua,... hiện nay, mỗi ngày tại các chợ đầu mối này đang xuất bán được trên 100 tấn cam đi các tỉnh miền trung, miền nam và Tây Nguyên.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Văn Việt chia sẻ: Tỉnh đã chủ động, linh hoạt kết nối tiêu thụ nông sản mùa dịch giúp người dân tiêu thụ được sản phẩm với mức giá bán phù hợp, mục tiêu cao nhất là tiêu thụ 100% sản lượng cam cho nông dân…
Bên cạnh xúc tiến quảng bá, tiêu thụ sản phẩm theo hình thức truyền thống thông qua các chợ đầu mối, tư thương, các tập đoàn phân phối, tỉnh Hà Giang quảng bá, bán hàng trên các sàn thương mại điện tử như Sendo;voso; postmart… Đầu tháng 10 vừa qua, siêu thị trực tuyến PostMart thuộc Bưu điện Việt Nam đã ký kết và mua 10 tấn cam vàng Hà Giang của Hợp tác xã Nông dân trồng cam sạch xã Vĩnh Phúc, huyện Bắc Quang. Hà Giang đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử để giảm bớt những hạn chế về vị trí địa lý, giao thông và các khâu trung gian, đưa sản phẩm nông nghiệp đặc hữu của tỉnh đến tận tay người tiêu dùng.
Năm nay, để tránh tác động tiêu cực của dịch Covid-19, tỉnh Hòa Bình đã có nhiều giải pháp như: Mời gọi sự tham gia của các sàn thương mại điện tử; hình thức bán hàng online được phổ cập; thành lập tổ công tác về tiêu thụ nông sản… giúp cho chuỗi tiêu thụ sản phẩm cam, quýt không bị đứt gãy.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Đinh Công Sứ cho biết, đến nay, tỉnh đã có quyết định ban hành đề án tái canh cam, quýt của tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đề án đã nêu rõ quan điểm là tái canh không chỉ là trồng lại mà là tổ chức lại sản xuất một cách hiệu quả và bền vững; khép kín thành một chuỗi từ vùng trồng, cơ cấu giống và tiêu chuẩn chất lượng giống, kỹ thuật canh tác, thu hái, sơ chế, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm.
Theo báo cáo của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT), đến nay tại nhiều địa phương đã hình thành các vùng sản xuất cây có múi hàng hóa tập trung như cam Hà Giang, Hòa Bình, Bắc Giang, quýt Bắc Kạn và Lạng Sơn. Tổng diện tích cây có múi của các tỉnh miền núi phía bắc hơn 121.000 ha (chiếm hơn 47,5% diện tích của cả nước).
Cùng với sự tăng trưởng diện tích, sản lượng, sản xuất cây có múi ở các tỉnh miền núi phía bắc còn nhiều hạn chế và gặp nhiều khó khăn về khâu tiêu thụ sản phẩm, dịch bệnh. Vì vậy, vấn đề thị trường tiêu thụ cam, quýt rất cần được các bộ, ngành Trung ương và địa phương quan tâm giải quyết để giúp người dân yên tâm đầu tư phát triển các loại cây ăn quả đặc sản này.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.