Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 22 tháng 7 năm 2019 | 15:45

Ngành Dầu khí tiếp tục khẳng định vị thế đầu tàu của nền kinh tế

Ngay sau chuyến thăm Bacu, Đảng và Bác Hồ đã có những quyết sách đúng đắn, sáng suốt mở đầu cho sự hình thành và phát triển nhanh chóng của ngành Dầu khí.

Chuyến thăm Khu Công nghiệp dầu lửa Bacu (ngày 23/7/1959) của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với lời đề nghị Liên Xô nói chung và Azerbaijan nói riêng giúp đỡ Việt Nam khai thác, chế biến dầu khí là cột mốc quan trọng trong suốt quá trình xây dựng và phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam 60 năm qua.

anh-1.JPG
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm KCN dầu lửa Bacu năm 1959- là sự kiện đánh dấu cột mốc cho ngành Dầu khí hình thành và phát triển 60 năm qua.

Vươn lên từ gian khó

Ngày 27/11/1961, Đoàn thăm dò Dầu lửa chính thức được thành lập. Trải qua nhiều khó khăn thiếu thốn, hiểm nguy do mưa bom, bão đạn, nhưng công tác tìm kiếm và khoan thăm dò dầu khí vẫn được triển khai ở Đồng bằng Bắc Bộ. Phải sau 15 năm chúng ta mới phát hiện dòng khí thiên nhiên và condensate (hỗn hợp hydrocarbon lỏng được tách từ khí đồng hành hoặc khí thiên nhiên) có giá trị thương mại tại giếng khoan 61 Tiền Hải (Thái Bình) với trữ lượng xác minh đến 1,3 tỷ m3, cung cấp nhiều thông tin quý giá về cấu trúc địa chất và tiềm năng dầu khí ở miền võng Hà Nội và vùng trũng An Châu.

Thực hiện nguyện vọng của Bác Hồ, ngày 9/8/1975, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 244-NQ/TW về việc triển khai thăm dò dầu khí trên cả nước. Đây là văn bản đầu tiên về dầu khí của Đảng, thể hiện sự sáng suốt, tầm nhìn chiến lược, là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt quá trình xây dựng và phát triển toàn diện của ngành Dầu khí Việt Nam.

Ngày 3/9/1975, Hội đồng Chính phủ (nay là Chính phủ) ban hành Nghị định thành lập Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam (tiền thân của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ngày nay, tên gọi tắt là  Petrovietnam, viết tắt PVN) với nhiệm vụ xây dựng nền công nghiệp dầu khí từ thăm dò, khai thác đến chế biến dầu khí, mở rộng hợp tác quốc tế…

Nhưng do cấm vận và đặc biệt là cuộc chiến tranh biên giới đã làm gián đoạn hoạt động tìm kiếm, thăm dò, các công ty tư bản đã chấm dứt hợp đồng thăm dò dầu khí ở thềm lục địa Việt Nam.

Với quyết tâm kiên trì xây dựng ngành Dầu khí làm động lực để công nghiệp hóa và phát triển nền kinh tế, Bộ Chính trị đã ký hiệp định hợp tác chiến lược với Liên Xô, trong đó có việc liên doanh hợp tác thăm dò và khai thác dầu khí trên một số lô ở thềm lục địa phía Nam Việt Nam. Những thành quả đầu tiên của chính sách đó là sự ra đời của Xí nghiệp Liên doanh dầu khí Vietsovpetro; là các hoạt động thăm dò dầu khí ở bể Cửu Long, bể Nam Côn Sơn. Và đặc biệt, tháng 6/1986, tấn dầu đầu tiên khai thác từ mỏ Bạch Hổ ghi tên Việt Nam vào danh sách các nước khai thác và sản xuất dầu thô thế giới.

 Năm 1988, việc phát hiện và tổ chức khai thác hiệu quả với sản lượng cao tầng dầu trữ lượng lớn trong đá móng nứt nẻ mỏ Bạch Hổ đã đi vào lịch sử khai thác dầu khí thế giới.

Ngày 7/7/1988, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW về Phương hướng phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2000, khẳng định quan điểm đổi mới trong hoạt động dầu khí, tạo ra một chân trời rộng mở cho ngành Dầu khí Việt Nam lớn mạnh.

Trong giai đoạn từ năm 1990 đến 2005, ngành Dầu khí Việt Nam đã đẩy mạnh hợp tác sâu rộng, đưa sản lượng và trữ lượng dầu khí tăng nhanh, đặt nền móng cho công nghiệp hóa dầu với các hệ thống đường ống dẫn khí, nhà máy chế biến đạm, giúp Việt Nam chủ động các nguyên liệu đầu vào cơ bản của nền kinh tế.

2.jpg
Giàn khoan mỏ Đại Hùng.

 

Khẳng định vị thế chủ lực của nền kinh tế

Chính thức hoạt động theo mô hình Tập đoàn kinh tế từ năm 2006, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) từng bước hoàn chỉnh và hiện đại hóa chuỗi công nghệ dầu khí, đồng bộ từ tìm kiếm, thăm dò, khai thác đến phát triển công nghiệp khí – công nghiệp điện, chế biến và dịch vụ dầu khí.

Nhờ có sự đầu tư đồng bộ, liên tiếp các trung tâm sản xuất điện được ra đời, như: Nhơn Trạch, cụm công nghiệp Khí – Điện – Đạm Cà Mau, Nhà máy lọc dầu Dung Quất, hệ thống căn cứ cảng dịch vụ dầu khí tại Vũng Tàu…

Ngày 23/7/2015, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035, với trọng tâm là: Tìm kiếm, thăm dò, khai thác; vận chuyển; chế biến; tồn trữ; phân phối; dịch vụ và xuất - nhập khẩu.

Trong đó tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí là lĩnh vực cốt lõi, cần phải được quan tâm chú trọng, cần phải tăng cường đầu tư phát triển không chỉ ở trong nước mà vươn ra nước ngoài; xây dựng Petrovietnam giữ vai trò chủ đạo trong của kinh tế nhà nước, có vị thế trong khu vực và trên thế giới.

Nhìn lại chặng đường đã qua của ngành Dầu khí trong các bước ngoặt lịch sử đều có dấu ấn và sự chỉ đạo thành công của Đảng, Chính phủ, thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh.

anh-3.JPG
Nhà máy Lọc hóa dầu Dung Quất.

 

Ngay khi Cuộc kháng chiến chống Mỹ còn cực kỳ ác liệt, Đảng đã cho phép lựa chọn những học sinh giỏi, có phẩm chất tốt đưa đi đào tạo ở những nước có nên công nghiệp dầu khí phát triển như Liên Xô, Rumani, Algeri…và trở thành lớp cán bộ đầu tiên, nòng cốt cho ngành Dầu khí.

Sau khi Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, trước yêu cầu cấp bách về phát triển ngành Dầu khí, Đảng đã điều các đơn vị quân đội ưu tú nhất, các tướng lĩnh giỏi về xây dựng ngành Dầu khí.

Cho tới nay, nhiều lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí không thể nào quên vào thời điểm những năm từ 1986 đến 1988, Liên doanh Vietsovpetro lâm vào khủng hoảng trầm trọng vì mọi kế hoạch thăm dò, khai thác bị phá sản do vấp phải các vấn đề kỹ thuật…

Một loạt chuyên gia Liên Xô bị kỷ luật, bị điều chuyển; Liên doanh đứng trước nguy cơ bị giải thể. Nhưng lãnh đạo Đảng, Chính phủ mà trực tiếp là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) Đỗ Mười, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ân cần động viên, khích lệ cán bộ kỹ sư dầu khí, là tiền đề để đưa tới thành công của Liên doanh Vietsovpetro.

Giai đoạn 2015 đến nay, ngành Dầu khí đã đối mặt với nhiều khó khăn do giá dầu biến động rất khó lường, các yếu kém trong công tác quản trị, điều hành sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển, trong công tác cán bộ; công tác kiểm tra giám sát chưa hiệu quả … Trong bối cảnh đó, người lao động Dầu khí vẫn luôn nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, với niềm tin: “Quyết chí, quyết tâm vượt qua thách thức, khó khăn, xứng đáng là đơn vị anh hùng trong thời kỳ đổi mới”.

Xứng đáng với những sự quan tâm của Đảng, Chính phủ và Nhân dân, nhiều thế hệ người Dầu khí đã nỗ lực với tinh thần vượt khó cao nhất: “Tìm dầu để làm giàu cho tổ quốc”. Chỉ tính riêng từ khi bắt đầu hoạt động theo mô hình Tập đoàn kinh tế năm 2006, tổng tài sản của Tập đoàn ước gần 147.000 tỷ đồng, thì đến ngày 30/6/2019, con số này tăng 5,6 lần, đạt trên 829.200 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu từ hơn 98.000 tỷ đồng năm 2006, đã đạt hơn 466.000 tỷ đồng năm 2019, tăng 4,75 lần. Những con số về tài sản, doanh thu và nộp ngân sách nhà nước đã minh chứng nói lên tất cả.

Từng giai đoạn, PVN luôn đóng góp trung bình từ 10 - 20% ngân sách nhà nước; khai thác trên 391 triệu tấn dầu thô, trên 143 tỷ m3 khí. Tập đoàn đã tích cực phát huy và thực hiện hiệu quả vai trò là “đầu tàu” kinh tế của đất nước, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần quan trọng vào giữ gìn, bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông. Tập đoàn đã trở thành nòng cốt, là hạt nhân trong việc hình thành các khu công nghiệp tập trung tại: Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai - Hiệp Phước, Cà Mau, Dung Quất - Quảng Ngãi, Vũng Áng - Hà Tĩnh, Nghi Sơn – Thanh Hóa...

Với những đóng góp to lớn đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và một số tập thể đã vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng những phần thưởng cao quý nhất: Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Anh hùng Lao động cùng hàng chục ngàn lượt tập thể và cá nhân được tặng thưởng các huân – huy chương, bằng khen và danh hiệu thi đua các cấp.

Kỷ niệm 60 năm ngành Dầu khí thực hiện ý nguyện của Bác Hồ là dịp để người lao động dầu khí cùng ôn lại chặng đường lịch sử vinh quang, nhằm cùng nhau phát huy truyền thống của các thế hệ những người đi tìm lửa, đồng thời nêu cao ý thức: thương hiệu Petrovietnam gắn với thương hiệu quốc gia, lợi ích của Petrovietnam gắn với lợi ích của đất nước; vậy nên trong bất luận hoàn cảnh nào, người lao động Dầu khí cũng không ngừng nỗ lực phấn đấu, lao động và sáng tạo tiếp tục tiến bước vững chắc về phía trước, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

Hoạt động dầu khí hiện nay phải đối mặt với nhiều rủi ro, thuận lợi ít đi, khó khăn và thách thức nhiều hơn. Hơn bao giờ hết, ngành Dầu khí cần sự tạo điều kiện để tháo gỡ những vướng mắc, rào cản về cơ chế và các quy định lạc hậu nhằm đưa ngành Dầu khí phát triển nhanh và bền vững.


 

Lê Nguyễn
Ý kiến bạn đọc
  • Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

  • Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Hai bên thống nhất sẽ cùng nghiên cứu, tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ngành ngân hàng nói riêng và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cuba nói chung.

  • Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.

Top