Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 19 tháng 11 năm 2021 | 15:50

Ngành gỗ gia tăng nhịp độ sản xuất, tự tin cán đích

Tốc độ phục hồi của các doanh nghiệp ngành gỗ đã nhanh hơn dự đoán so với 3 tháng trước và đây là tín hiệu rất tích cực để ngành lấy lại đà tăng trưởng.

nn-1.jpg
Doanh nghiệp xuất khẩu gỗ mong sản xuất phục hồi, để đủ nguồn nguyên liệu.

 

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, đến thời điểm này, dịch Covid-19 cơ bản dần được kiểm soát, nhiều địa phương đã từng bước mở cửa và cho phép mở lại các hoạt động sản xuất kinh doanh. 

Nguồn nguyên liệu đang là mối quan tâm

Thời điểm này là giai đoạn quan trọng để các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu ngành gỗ thực hiện các đơn hàng cuối năm xuất khẩu đi những thị trường Mỹ hoặc Liên minh châu Âu nhưng nguồn nguyên liệu đang là vấn đề được quan tâm.

Xác định thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh Covid-19, nhiều doanh nghiệp đã và đang triển khai phương án phục hồi để tận dụng cơ hội từ thị trường.

Ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản tỉnh Bình Định cho biết, một số doanh nghiệp đầu tư thêm về máy móc để không bỏ lỡ và đáp ứng tốt các đơn hàng của Liên minh châu Âu, nhờ đó kim ngạch đồ gỗ xuất khẩu đã tăng gần 30% so với thời điểm trước dịch bệnh. Tuy nhiên, theo lộ trình phục hồi hiệu quả doanh nghiệp gỗ vẫn rất cần sự tiếp sức.

“Các doanh nghiệp ở phía Nam, đặc biệt là tại TP.HCM là phải khôi phục sản xuất ít nhất 40%, mới đáp ứng được cơ bản cung ứng vật tư nguyên liệu cho cả nước trong đó có doanh nghiệp ở Bình Định. Lộ trình đến tháng 11 - 12, nếu Bình Dương, Đồng Nai và TP.HCM chấp nhận sống chung với dịch thì lực lượng lao động ở cả các công ty đi làm trở lại sẽ đạt khoảng 50 - 60%” - ông Lê Minh Thiện nói.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản TP.HCM vẫn băn khoăn, từ nay cuối năm dịch bệnh còn tiếp tục diễn biến khó lường, mục tiêu xuất khẩu lâm sản khó đạt được giá trị 14,5 tỷ USD trong năm nay. Ngăn chặn đà suy giảm này trong những tháng tới cần có những giải pháp để tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp.

“Giảm chi phí, bảo hiểm xã hội, thuế và lãi suất ngân hàng đặc biệt là nguồn tài chính hỗ trợ mới với những doanh nghiệp nỗ lực vượt qua những khó khăn của đại dịch làm sao có đủ nguồn vốn để có thể phát triển và nắm bắt cơ hội tiếp tục hướng đến mục tiêu là nguồn cung ứng mặt hàng gỗ là nội thất lớn của thế giới” - ông Nguyễn Quốc Khanh nêu ý kiến.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các thị trường có nhu cầu lớn đối với đồ gỗ Việt Nam đã kiểm soát và phục hồi sản xuất như: Mỹ và các nước trong Liên minh châu Âu. Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh, đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp đổi mới lại cách quản lý, quản trị thích ứng với dịch Covid-19.

“Sống chung với dịch Covid-19 phải có những mô hình sản xuất thích ứng với dịch. Theo đó kiến nghị với UBND các tỉnh, thành phố là các doanh nghiệp tham gia tự mua xét nghiệm vừa giảm chi phí cho ngân sách Nhà nước nhưng vừa chủ động trong các doanh nghiệp, bởi vì ở đây là doanh nghiệp có quy mô lớn theo chuỗi qua đó giảm được sự lây nhiễm trong cộng đồng. Tiếp nữa là quản trị sản xuất “3 tại chỗ” làm sao mà tiết kiệm chi phí ở mức hợp lý nhất. Hiệp hội cũng sẽ cùng với Bộ họp bàn với các Hiệp hội, các doanh nghiệp logistic giải quyết về giá tàu biển vận chuyển. Đây là vấn đề cốt lõi trong đảm bảo lưu thông để tránh bị gián đoạn trong bối cảnh này.

Trong Công văn gửi Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan, Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam cho rằng, điều quan trọng nhất đối với doanh nghiệp là sớm tổ chức tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người lao động. Đây là giải pháp bền vững giúp ngành gỗ lấy lại nhịp độ sản xuất bình thường. Hiệp hội cũng đề nghị các địa phương cần linh hoạt cho phép doanh nghiệp tự động lựa chọn phương thức sản xuất “2 tại chỗ” hay “3 tại chỗ”. Trong 1 hay 2 năm tới, bên cạnh việc giảm lãi suất ngân hàng, giảm thuế thì cũng cần có lộ trình giảm cước phí vận tải biển và khuyến khích hình thức vận tải để doanh nghiệp liên kết sản xuất tốt hơn.

Cơ hội XK vào thị trường Mỹ

Theo thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), 9 tháng năm 2021, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng đạt 11,14 tỷ USD, tăng 30,9% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, Mỹ hiện đang là thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ lớn nhất của Việt Nam. Trong 9 tháng, Việt Nam xuất khẩu 6,7 tỷ USD giá trị gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Mỹ, tăng 40,6% so với cùng kỳ năm trước.

 

go.jpg
Mỹ hiện đang là thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ lớn nhất của Việt Nam.

 

Mới đây, ngành gỗ Việt Nam còn đón nhận tin vui từ thị trường Mỹ. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã thay mặt Chính phủ Việt Nam đã ký thỏa thuận với Trưởng đại diện thương mại (USTR) của Chính phủ Mỹ về kiểm soát khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp. Thỏa thuận này chính thức khép lại vụ Điều tra 301 của Mỹ về khai thác và thương mại gỗ của Việt Nam.

Đây là cơ sở để Mỹ khép lại vụ điều tra theo hướng không gây bất lợi cho việc xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam vào thị trường này, góp phần nâng cao uy tín của ngành gỗ Việt, làm nền tảng cho phát triển lâm nghiệp bền vững, phục vụ lợi ích cho người dân và DN hai nước.

Thỏa thuận này cũng thể hiện cam kết của Việt Nam nhằm tăng cường kiểm soát nguồn gốc và chuỗi cung ứng gỗ, mở rộng thị trường xuất khẩu, cải thiện thể chế quản lý rừng, giải quyết tình trạng khai thác và thương mại gỗ trái phép. Việc ký thỏa thuận sẽ thúc đẩy thương mại gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam tới thị trường Mỹ.

Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đánh giá, sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ đang thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ đồ gỗ tại thị trường này, đặc biệt là trong dịp cuối năm. Tổng nhu cầu có thể lên tới 100 tỷ USD trong năm 2021 trong bối cảnh nền kinh tế nước này được dự báo tăng trưởng 6 - 7%. Như vậy, cơ hội xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Mỹ sẽ là rất khả quan nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát.

Tự tin XK đạt 14-14,5 tỷ USD

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh gỗ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhất là tại khu vực phía Nam. Trong 3 tháng 8, 9, 10, kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam là 2,55 tỷ USD, giảm trên 30% so với cùng kỳ.

 

nn22.jpg
Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu tại Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang. Ảnh: VĂN SINH

 

Bất chấp khó khăn, ngành gỗ vẫn từng bước thích ứng với tình hình mới. Bắt đầu từ tháng 9, ngành có dấu hiệu phục hồi. Sau 10 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ đạt 12,8 tỷ USD, tăng 24% so với năm 2020.

"Chúng tôi đánh giá cao nỗ lực của các hiệp hội, doanh nghiệp, nhất là sự chủ động, giải quyết khó khăn trong thời gian giãn cách. Tôi hy vọng ngành sản xuất, chế biến và xuất khẩu gỗ sẽ có những giải pháp hay, thiết thực để khơi thông dòng chảy, đảm bảo các chuỗi giá trị ngành gỗ không bị đứt gãy", Thứ trưởng nói.

Theo lãnh đạo ngành nông nghiệp, xuyên suốt các tháng đầu năm 2021, đặc biệt là trong quý III, nhiều giải pháp đồng bộ đã được Chính phủ, Bộ NN-PTNT đưa ra để hỗ trợ ngành gỗ. Bộ NN-PTNT luôn cam kết, sẽ đồng hành cùng các hiệp hội gỗ, lâm sản, nhằm nâng tầm giá trị, thương hiệu của ngành trên trường quốc tế, khu vực.

"Chúng ta cần tập trung vào các sáng kiến phục hồi sản xuất, cơ cấu lại hoạt động của doanh nghiệp ngành gỗ. Làm sao, để mọi thành viên trong đó đều nhận diện được cả thách thức lẫn cơ hội trong tình hình bình thường mới", Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh.

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ & Lâm sản Việt Nam (Viforest) đánh giá, Chính phủ đã có chủ trương chuyển hình thái phòng chống dịch từ “Zero Covid” sang “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19". Đây là tiền đề để doanh nghiệp gỗ lấy lại đà tăng trưởng, nhằm đạt mục tiêu xuất khẩu 14,5 tỷ USD.

"Chúng tôi hy vọng, các bộ, ban, ngành sẽ đảm bảo thống nhất thực hiện theo quy định, hướng dẫn của Chính phủ, đồng thời phát huy tính chủ động, sáng tạo của địa phương trong kiểm soát tình hình dịch bệnh, tạo điều kiện khôi phục sản xuất kinh doanh", ông Lập nói.

Ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp Hội chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA) đề xuất ý kiến, cho doanh nghiệp được chủ động chống dịch và hậu kiểm. Hiện Bình Dương đạt tỷ lệ tiêm vacxin Covid-19 mũi 1 gần như 100%, mũi 2 gần đạt 70%. Do đó, ông Hiệp muốn doanh nghiệp được phép chịu trách nhiệm về nguồn lực lao động an toàn dịch bệnh, giúp khơi thông ách tắc.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Bùi Chính Nghĩa cho rằng sự chủ động trong nhóm doanh nghiệp chế biến gỗ đã giúp ngành lâm nghiệp chuyển biến tích cực trong tháng 10. "Với cam kết mạnh mẽ từ các hiệp hội, tôi tin chắc mục tiêu 14,5 tỷ USD sẽ đạt được", ông nói.

Ông Nghĩa cũng đề nghị khối doanh nghiệp chủ động hơn nữa trong việc tận dụng các cơ chế, chính sách từ nhà nước, trong đó có Nghị quyết số 128/NQ-CP vừa được Chính phủ ban hành ngày 11/10. Không chỉ hoàn thành mục tiêu năm 2021, ông Nghĩa hy vọng, cú hích sau đại dịch sẽ còn tạo tiền đề tăng trưởng cho ngành chế biến gỗ trong năm 2022.

Đến nay, dịch Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát ở các tỉnh, thành phố. Nhiều địa phương từng bước mở cửa, và cho phép mở lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong trạng thái bình thường mới. Đó là tiền đề để ngành gỗ tận dụng các thời cơ.

"Hiện, Bộ NN-PTNT đã có chính sách hỗ trợ địa phương phát triển vùng nguyên liệu, đặc biệt là đã tạo được hơn 200.000 ha rừng gỗ lớn, đáp ứng được cho cả chế biến sản xuất đồ gỗ nội thất có giá trị kinh tế cao, xuất khẩu sang các thị trường lớn. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng đề án phát triển công nghiệp chế biến gỗ, và sẽ trình Thủ tướng trong quý IV/2021", ông Nghĩa chia sẻ.

 

 

Thanh Tâm (T/h)
Ý kiến bạn đọc
  • Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

  • Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Hai bên thống nhất sẽ cùng nghiên cứu, tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ngành ngân hàng nói riêng và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cuba nói chung.

  • Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.

  • Phát triển kinh tế hợp tác gắn với chuỗi giá trị

    Phát triển kinh tế hợp tác gắn với chuỗi giá trị

    Từ những cây trồng áp dụng quy trình VietGAP mang hiệu quả kinh tế cao, người dân Thừa Thiên - Huế đã tích cực tham gia hợp tác xã (HTX) để sản xuất theo chuỗi giá trị.

  • Năm 2023 – 2024, Hải Phòng huy động 45.000 tỷ xây dựng NTM kiểu mẫu

    Năm 2023 – 2024, Hải Phòng huy động 45.000 tỷ xây dựng NTM kiểu mẫu

    Ngày 22/11, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hải Phòng giám sát chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu tại Văn phòng Điều phối nông thôn mới.

  • HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi “Ăn nên làm ra”

    HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi “Ăn nên làm ra”

    Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…

Top