Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 16 tháng 8 năm 2021 | 14:7

Ngành Nông nghiệp Thừa Thiên - Huế: Sẵn sàng phương án đảm bảo sản xuất không bị “đứt gãy”

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, ngành Nông nghiệp tỉnh Thừa Thiên - Huế nói chung, các địa phương nói riêng, đã và đang có những phương án để đảm bảo việc sản xuất, kinh doanh không bị “đứt gãy”.

3-hov-9217-1557314838-copy.JPG
Nhiều địa phương tại Thừa Thiên - Huế đã triển khai hiệu quả các biện pháp để đảm bảo vừa phòng chống dịch bệnh vừa không để kinh doanh, sản xuất bị “đứt gãy”.

 Kinh nghiệm từ những đợt dịch bệnh trước

Vào thời điểm thu hoạch vụ đông xuân 2020 – 2021 và tiến hành gieo cấy vụ hè thu năm 2021, nhiều địa phương tại tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phải thực hiện biện pháp giãn cách xã hội hoặc áp dụng biện pháp khoanh vùng, phong tỏa cách ly tạm thời. Trước tình hình này, để đảm bảo sản xuất, kinh doanh trong ngành nông nghiệp không bị “đứt gãy”, các địa phương đã áp dụng nhiều biện pháp.

Trao đổi với phóng viên Kinh tế nông thôn, Chủ tịch UBND xã Lộc Tiến (huyện Phú Lộc) Phan Văn Cường cho biết, vụ hè thu năm 2021, địa phương sản xuất 115ha lúa. Trong đó, có khoảng 40 ha lúa hè thu sớm đến nay đang bắt đầu thu hoạch, còn lại bắt đầu trổ đòng và dự kiến thu hoạch vào cuối tháng 8/2021.

Ông Cường nhớ lại, vào thời điểm tháng 5/2021, khi các thôn Phước Lộc và Phước An phải áp dụng biện pháp phong tỏa cách ly tạm thời, UBND xã đã chỉ đạo hợp tác xã tiến hành thu hoạch lúa cho người dân với giá 130.000 đồng/sào (1sào Trung Bộ = 500m2). Đối với những gia đình không có đủ lao động thì hợp tác xã sau khi thu hoạch còn chở về tận nhà cho họ.

Chủ tịch UBND xã Lộc Thủy (huyện Phú Lộc) Nguyễn Văn Hoàng cho biết, trong thời điểm các thôn Thủy Yên Hạ, Thủy Yên Thượng, Thủy Yên Thôn, An Bàng và Thủy Cam áp dụng biện pháp khoanh vùng, phong tỏa cách ly tạm thời thì các hoạt động sản xuất mùa vụ vẫn được diễn ra.

Cụ thể, thời điểm ấy, người dân khi cần đi thăm đồng, phun thuốc trừ sâu bệnh… thì sẽ được tổ chức đi theo từng tốp khoảng 10 người và có cán bộ dân quân tự vệ đi cùng.

Cũng vào khoảng tháng 5/2021, xã Phong Hiền (huyện Phong Điền)  phải áp dụng biện pháp khoanh vùng, phong tỏa cách ly tạm thời. Tuy nhiên, thời điểm ấy, địa phương này chỉ còn khoảng 10ha sản xuất lúa giống và cũng đã được tiến hành thu hoạch một cách an toàn. Những người và phương tiện được huy động tham gia thu hoạch thời điểm ấy đều được đảm bảo về các phương pháp phòng chống dịch như khoảng cách, khử khuẩn…

Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, trong thời điểm nhiều địa phương phải thực hiện Chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng Chính phủ, để đảm bảo cho sản xuất nông nghiệp không bị đình trệ, nhiều biện pháp đã được triển khai.

Cụ thể, các địa phương đã xây dựng kế hoạch thu hoạch riêng cho từng thôn, từng xứ đồng cụ thể nhằm đảm bảo vừa thu hoạch lúa, vừa đảm bảo quy định phòng, chống dịch Covid-19. Đồng thời, yêu cầu người dân khi ra đồng thu hoạch phải tuân thủ tuyệt đối biện pháp phòng chống dịch theo nguyên tắc “5K” của Bộ Y tế. Bên cạnh đó, đối với các địa phương đang thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg, yêu cầu số lượng nông dân ra đồng sản xuất cũng được hạn chế (mỗi hộ từ 1-2 người).

Máy móc, phương tiện phục vụ việc thu hoạch mùa vụ được huy động tối đa. Cùng với đó, các lực lượng đoàn thể được huy động để hỗ trợ, giúp đỡ những gia đình khó khăn về nhân lực. Đồng thời, việc thu gom, tiêu thụ lúa sau khi thu hoạch cũng được các địa phương xây dựng phương án cụ thể để đảm bảo công tác phòng, chống dịch.

 

a5.jpg
Các biện pháp phòng, chống dịch được thực hiện nghiêm túc khi bà con tham gia thu hoạch, sản xuất mùa vụ.

Đảm bảo không “đứt gãy” chuỗi kinh doanh, sản xuất

Thừa Thiên - Huế đã chủ động nhiều biện pháp để đảm bảo hoạt động  sản xuất, kinh doanh không bị “đứt gãy”.

Theo  ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Hiền (huyện Phong Điền), sản xuất nông nghiệp cơ bản đã được cơ giới hóa nên không cần quá nhiều nhân lực tham gia cùng một lúc, do đó, việc đảm bảo giữ khoảng cách khi thu hoạch, sản xuất mùa vụ luôn được đảm bảo.

Ông Nguyễn Văn Hoàng, Chủ tịch xã Lộc Thủy (huyện Phú Lộc), nhận định, khi ra đồng canh tác, sản xuất, khoảng cách giữa các đồng, ruộng cũng đã đảm bảo cho người dân không tiếp xúc gần nên cơ bản đáp ứng về biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Tìm hiểu từ nhiều địa phương của tỉnh Thừa Thiên - Huế được biết, UBND các xã đã giao cho hợp tác xã liên hệ phương tiện, máy móc để phục vụ nhu cầu thu hoạch, sản xuất mùa vụ của người dân trên địa bàn.

Chia sẻ với phóng viên Kinh tế nông thôn, ông Nguyễn Long An, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết, việc thu hoạch, sản xuất mùa vụ, đặc biệt là vụ hè thu thường hay bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Cùng với đó, để đảm bảo cho hoạt động này không bị “đứt gãy” trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp thì đơn vị đã chủ động nhiều tình huống.

Ngành Nông nghiệp tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, các địa phương chủ động liên hệ phương tiện, máy móc để phục vụ nhu cầu thu hoạch, sản xuất mùa vụ của người dân toàn tỉnh. Toàn tỉnh hiện có 1.129 máy thu hoạch (máy tuốt, thổi có 328 cái; máy gặt rải hàng có 324 cái và 477 cái máy gặt đập liên hợp), cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân khi thu hoạch mùa vụ.

 

a4.jpg

Lúa hè thu 2021 tại Thừa Thiên - Huế đang phát triển tốt.

 

Cùng với đó, Sở Nông nghiệp và PTNT Thừa Thiên - Huế đã liên hệ với các lực lượng như Quân đội, Công an… để sẵn sàng hỗ trợ nguồn nhân lực giúp bà con nông dân thu hoạch mùa vụ nếu cần thiết.

Ông An cho biết thêm, trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ tiếp tục yêu cầu các đơn vị trực thuộc, các địa phương tiếp tục thực hiện tốt việc hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hình thành các chuỗi cung ứng nông sản an toàn phù hợp với tình hình.

“Việc kinh doanh, sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung và thu hoạch, gieo cấy mùa vụ nói riêng trên địa bàn toàn tỉnh thời gian qua nhìn chung được đảm bảo. Qua các đợt dịch bệnh bùng phát, chúng tôi cũng đã rút ra được nhiều kinh nghiệm để chủ động hơn. Đến thời điểm hiện tại, có thể khẳng định, sự phát triển của ngành nông nghiệp và vấn đề an ninh lương thực trên địa bàn vẫn đảm bảo”, ông An cho hay. 

 


Văn Nghĩa
Ý kiến bạn đọc
  • Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

  • Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Hai bên thống nhất sẽ cùng nghiên cứu, tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ngành ngân hàng nói riêng và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cuba nói chung.

  • Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.

Top