Mặc dù gặp nhiều khó khăn, song với sự sáng tạo trong công tác chỉ đạo, điều hành, sự đồng thuận của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, năm 2020, ngành Nông nghiệp và PTNT Tuyên Quang tiếp tục đạt nhiều thành tựu.
Giá trị sản xuất tăng 4,18%
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT Tuyên Quang, năm 2020, nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt mức tăng trưởng khá, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực. Tổng giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 9.213,1 tỷ đồng, tăng 4,18% so năm 2019, đứng thứ 3/11 tỉnh miền núi phía Bắc.
Trồng trọt tiếp tục phát triển, nhất là các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh. Chăn nuôi phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, chăn nuôi tập trung quy mô trang trại, gia trại; tập trung thực hiện mô hình chuỗi liên kết nuôi vỗ béo trâu, bò thịt gắn với tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo cải tạo giống, nâng cao tầm vóc đàn trâu.
Thủy sản tiếp tục duy trì, phát huy lợi thế nuôi cá hàng hóa bằng lồng trên sông, hồ thủy điện; tập trung hướng dẫn doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản trên hồ thủy điện, áp dụng kỹ thuật nuôi cá đặc sản bằng lồng theo quy trình VietGAP gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Đẩy mạnh sản xuất giống cá đặc sản bằng phương pháp sinh sản nhân tạo, tăng cường sản xuất và cung cấp dịch vụ giống cá cho các hộ nuôi lồng trên địa bàn. Giá trị sản xuất thủy sản năm 2020 (theo giá so sánh năm 2010) tăng 7,9% so với năm 2019. Cơ cấu giá trị sản xuất chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng giá trị ngành lâm nghiệp, thủy sản.
Kinh tế lâm nghiệp phát huy hiệu quả
Lâm nghiệp tiếp tục phát huy thế mạnh và đạt mức tăng trưởng cao. Xác định phát triển lâm nghiệp là yếu tố quan trọng thúc đẩy công nghiệp chế biến lâm sản, góp phần tạo việc làm và phát triển kinh tế của địa phương. Năm 2020, Tuyên Quang trồng rừng tập trung được 10.388ha, vượt 3,9% kế hoạch; sản lượng khai thác gỗ rừng trồng trên 930.130m3, vượt 5,7% kế hoạch; diện tích rừng đã được cấp chứng chỉ FSC là 35.843ha (tăng 10.477 ha so với năm 2019). Duy trì độ che phủ rừng trên 65%, đứng trong top đầu cả nước. Giá trị sản xuất lâm nghiệp (theo giá so sánh năm 2010) tăng bình quân 7,8%/năm.
Nâng cao chất lượng và giá trị cho nông sản
Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đạt kết quả tích cực, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh các nông sản, đặc sản địa phương, tập trung chỉ đạo đánh giá, phân hạng và công nhận cho 79 sản phẩm OCOP (trong đó có 17 sản phẩm hạng 4 sao và 62 sản phẩm hạng 3 sao).
Duy trì và nhân rộng các mô hình sản xuất an toàn, thực hành nông nghiệp tốt, tạo ra nhiều sản phẩm sạch, có chất lượng; thực hiện tốt truy xuất nguồn gốc; có trên 1.600ha chè, cam, bưởi sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Tuyên Quang là tỉnh đầu tiên trong cả nước thành lập Hội Nông nghiệp hữu cơ, cùng với đó sớm triển khai các mô hình về nông nghiệp hữu cơ trên cây chè, cây cam, cây bưởi, cây lúa, đến nay có gần 100ha được chứng nhận sản xuất hữu cơ.
Sản phẩm hữu cơ của Tuyên Quang nổi bật là cam, chè và bưởi, đã khẳng định được chất lượng hơn hẳn so với các sản phẩm được sản xuất theo phương pháp truyền thống, giá bán cao hơn 2-3 lần, được người tiêu dùng tin tưởng sử dụng. Ngày 15/12/2020, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 06 về chính sách phát triển nông nghiệp hữu cơ.
Toàn tỉnh có 24 đơn vị được chứng nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, truy xuất được nguồn gốc. Các sản phẩm chủ lực không ngừng nâng cao thương hiệu, từng bước chiếm lĩnh thị trường và có mặt ở hầu hết hệ thống các siêu thị tại các thành phố lớn. Tiếp tục duy trì sản phẩm chè, gỗ xuất ra thị trường thế giới.
Chương trình xây dựng nông thôn mới vượt kế hoạch
Phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới tiếp tục được lan tỏa và nhận được sự đồng thuận của nhân dân. Cơ sở hạ tầng nông thôn ngày một khang trang, cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn. Phong trào thi đua “Tuyên Quang chung sức xây dựng nông thôn mới” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” tiếp tục được đẩy mạnh thực hiện, với tinh thần chủ động, quyết tâm, sáng tạo, quyết liệt và hiệu quả.
Năm 2020, có thêm 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới (vượt 01 xã so với kế hoạch), 03 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới của Tuyên Quang lên 47/124 xã, tiêu chí nông thôn mới bình quân toàn tỉnh đạt 15 tiêu chí/xã. Hoàn thành hồ sơ đề nghị Trung ương công nhận thành phố Tuyên Quang hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Chương trình kiên cố hóa kênh mương thực hiện với phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ” nên được nhân dân đồng tình hưởng ứng, năm 2020 hoàn thành và đưa vào sử dụng 160km kênh bằng cấu kiện đúc sẵn, lũy kế đến nay hoàn thành 944,8 km kênh bằng cấu kiện bê tông đúc sẵn, vượt mục tiêu Nghị quyết số 15-NQ/TU 7,36%, về đích sớm hơn một năm so với kế hoạch.
Đạt được những kết quả trên là nhờ có sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, UBND các huyện, thành phố; sự chung sức, vượt khó, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, bà con nông dân và sự đồng hành của các cơ quan truyền thông trong việc tạo sự đồng thuận vượt qua khó khăn, thách thức để ngành Nông nghiệp và PTNT Tuyên Quang thực hiện tốt mục tiêu vừa phát triển sản xuất, vừa phòng, chống tốt dịch bệnh trong năm 2020.
Năm 2021, phấn đấu giá trị sản xuất tăng trên 4%
Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm. Do vậy, ngành Nông nghiệp Tuyên Quang xác định một số mục tiêu trọng tâm:
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với phát triển nông, lâm nghiệp hàng hóa, tập trung các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng, giá trị gia tăng cao và xây dựng nông thôn mới, để nâng cao thu nhập và đời sống cho nhân dân. Phấn đấu giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng trên 4%.
Xây dựng, hoàn thiện các chương trình đề án, dự án, nghị quyết, các cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất. Đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất. Tăng cường xúc tiến thương mại, quản lý chất lượng, nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm gắn với phát triển, nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất.
Làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi và thiên tai đối với sản xuất. Quản lý, khai thác có hiệu quả các công trình thủy lợi, công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX; hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; giám sát nâng cao tiêu chuẩn, chất lượng các sản phẩm OCOP.
Đẩy mạnh thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới đảm bảo các tiêu chí vững chắc, trọng tâm là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân sống ở nông thôn, duy trì, giữ vững 47 xã đạt chuẩn nông thôn mới và có thêm 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2021.
Trong 5 năm qua, toàn tỉnh Tuyên Quang đã hoàn thành đưa vào sử dụng 944,87 km kênh bằng cấu kiện bê tông đúc sẵn; hoàn thành đưa vào sử dụng 470,62 km đường nội đồng và vùng sản xuất hàng hóa; đưa vào sử dụng 550 nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố gắn với sân thể thao và khuôn viên.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…