Liên kết trong sản xuất và tiêu thụ khoai tây ở huyện Diễn Châu cho thấy đó là giải pháp mang tính căn bản, đảm bảo phát triển bền vững, giúp bà con nông dân không lâm vào tình cảnh “được mùa mất giá”.
Những ngày này, nông dân Nghệ An đang bước vào thu hoạch đại trà khoai tây. Trong khi giá nhiều mặt hàng nông sản khác trên địa bàn tỉnh rớt giá thê thảm khiến nông dân điêu đứng, nhổ bỏ cho bò ăn hoặc mang ra sông đổ thì khoai tây năm nay lại được mùa, được giá, thương lái về tận ruộng thu mua nên bà con nông dân vô cùng phấn khởi, vui mừng.
Vụ đông 2020 huyện Diễn Châu trồng khoảng 200ha khoai tây.
Bà Phạm Thị Hoa (trú xóm Hướng Dương, xã Diễn Phong) cho biết: “Năm nay, gia đình tôi trồng 5 sào khoai tây, sau hơn 3 tháng trồng và được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, đạt năng suất khoảng 1,2 tấn/sào. Khoai tây sau khi thu hoạch xong đã được đơn vị bao tiêu đưa xe về thu mua tận ruộng với giá từ 7.000 – 8.000 đồng/kg, thu nhập khoảng 35 triệu đồng. Khoai tây năm nay được giá nên gia đình cũng rất phấn khởi”.
Vụ đông năm 2020, toàn huyện Diễn Châu có khoảng 200ha trồng khoai tây, chủ yếu tập trung ở các xã Diễn Phong, Diễn Hoàng, Diễn Kỷ, Diễn Thịnh, Diễn Tân, Diễn Trung. Khoai tây là cây trồng gối vụ, được lựa chọn để trồng vào vụ đông nhưng thu hoạch rải đều từ vụ đông sang vụ xuân. Mùa thu hoạch này, khoai tây đạt năng suất cao từ 20 - 24 tấn/ha, lợi nhuận gần 70 triệu đồng/ha. So với các loại rau màu khác thì khoai tây cho thu nhập cao hơn.
Trao đổi với phóng viên, ông Tạ Quang Sáng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Nghệ An cho biết: “Để có được mùa vụ khoai tây được mùa được giá như năm nay, Trung tâm đã liên kết với huyện Diễn Châu triển khai thực hiện mô hình liên kết phát triển sản xuất khoai tây gắn với liên kết tiêu thụ từ nguồn giống khoai tây sạch bệnh bằng công nghệ khí canh. Dưới sự hỗ trợ của Viện sinh học nông nghiệp, Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN trong quá trình triển khai mô hình được các chuyên gia theo dõi và đánh giá sát sao từ khâu chọn giống cho đến quá trình chăm sóc nên khoai tây cho năng suất rất cao. Mặt khác, việc ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với công ty lớn như Công ty TNHH thực phẩm Orion Vina khi bà con thu hoạch đã giúp bình ổn được giá cả không bị rớt giá như những mặt hàng nông sản khác".
Từ kết quả đạt được, có thể thấy mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm ngày càng chứng minh được hiệu quả và là hướng đi đúng hướng trong sản xuất nông nghiệp, mang lại lợi ích cho cả người dân và doanh nghiệp. Bởi việc liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ không chỉ giúp nông dân gia tăng chất lượng sản phẩm và năng suất sản xuất, mà còn góp phần bảo đảm tiêu thụ sản phẩm với giá ổn định cho người nông dân. Cùng với đó, các doanh nghiệp khi tham gia liên kết sản xuất với nông dân cũng chủ động được nguồn cung sản phẩm nông nghiệp với giá cả ổn định. Ngoài ra, người dân còn có cơ hội tiếp cận với tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới trong sản xuất nông nghiệp, từ đó nâng cao trình độ canh tác.
Ông Sáng cho biết thêm: “Trong thời gian tới, được sự hỗ trợ của Viện Sinh học nông nghiệp, Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN sẽ tiếp tục sản xuất giống khoai tây sạch, tiến tới sản xuất giống khoai tây đại trà để cung ứng cho người dân trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục liên kết với chính quyền địa phương để nhân rộng mô hình hướng đến vùng sản xuất chuyên canh hàng hóa trên địa bàn tỉnh và ký kết các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các công ty lớn như Công ty TNHH thực phẩm Orion Vina. Đồng thời, sẽ xây dựng mô hình này đối với các mặt hàng nông sản khác nhằm hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho bà con nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm”.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.