Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 1 tháng 5 năm 2024  
Thứ ba, ngày 5 tháng 7 năm 2022 | 10:58

Nghị quyết 13: Kỳ vọng đất Chín Rồng “cất cánh”

Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030 vừa qua nhằm thúc đẩy nhanh các chủ trương, chính sách đã đề ra với kỳ vọng đưa đất Chín Rồng “cất cánh”.

Ngày 18/06/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký Nghị quyết số 78/NQ-CP của Chính phủ, chính thức ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02/04/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Để hiện thực hóa các chủ trương, chính sách về phát triển vùng ĐBSCL, ngày 21/6/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, với chủ đề “Đồng bằng sông Cửu Long: Tư duy mới - Tầm nhìn mới - Cơ hội mới - Giá trị mới”.

Đây là Hội nghị triển khai quy hoạch phát triển vùng đầu tiên trong cả nước nhằm thúc đẩy nhanh các chủ trương, chính sách đã đề ra với kỳ vọng đưa đất Chín Rồng “cất cánh”.

Cần có dự án sản xuất lúa gạo chất lượng cao

Vùng ĐBSCL là một trong 6 vùng kinh tế-xã hội của cả nước, gồm 13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, với diện tích tự nhiên 40,6 nghìn km2, chiếm 12% diện tích tự nhiên của cả nước, dân số trên 17,2 triệu người (18% dân số cả nước). Tuy diện tích và số dân chỉ chiếm tỷ lệ “khiêm tốn”, nhưng vùng châu thổ này là trung tâm sản xuất lớn nhất cả nước về nông nghiệp và kinh tế biển, đóng góp gần 50% sản lượng thóc, 95% lượng gạo xuất khẩu, gần 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản, 60% lượng cá xuất khẩu và 70% trái cây các loại của cả nước.

 

01ss.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi khảo sát hướng tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau và cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

 

Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời Huỳnh Văn Thòn cho rằng, trong quy hoạch ĐBSCL, cần có dự án sản xuất lúa gạo chất lượng cao, nếu làm tốt theo quy hoạch, xây dựng và vận hành dự án theo tư duy kinh tế ngành thì chắc chắn sẽ tạo ra sự đột phá có tính bước ngoặt cho nền kinh tế lúa gạo. Từ đó góp phần quan trọng vào an ninh lương thực, đời sống người trồng lúa ngày càng được nâng cao, nông thôn ngày càng văn minh và ngày càng đáng sống hơn.

Ông Thòn cũng cho rằng, dự án lúa gạo chất lượng cao còn góp phần đáng kể vào chương trình trung hoà khí thải mà Thủ tướng Chính phủ đã cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp quốc về biến đổi khí hậu (COP26).

“Với sự chỉ đạo của Chính phủ, ĐBSCL sẽ trở thành nguồn cung cấp lúa gạo chất lượng cao, bền vững và tạo ra lợi nhuận ổn định cho bà con nông dân thông qua tăng năng suất lao động, giải phóng lao động nông nghiệp, ổn định kinh tế, xã hội và an ninh nông thôn, đặc biệt là không chỉ đảm bảo an ninh lương thực và còn đưa ĐBSCL trở thành ruộng lúa của thế giới”, ông Thòn nhấn mạnh.

Tầm nhìn mới, cơ hội mới

Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ Nông nghiệp và PTNT), đánh giá: “Mục tiêu của quy hoạch vùng ĐBSCL là phát triển công nghiệp xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo gắn với bảo vệ rừng và bờ biển; chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, sinh thái, bền vững. Để thực hiện thành công, cần tổ chức tốt liên kết vùng, tăng thu hút đầu tư”.

Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trần Việt Trường chia sẻ, công tác quy hoạch và phát triển đô thị được Cần Thơ thực hiện tốt, trở thành đô thị loại I trực thuộc Trung ương với tiêu chí “sáng, xanh, sạch, đẹp”; hướng tới là đô thị hạt nhân của vùng ĐBSCL. Hợp tác quốc tế và liên kết vùng, đặc biệt là hợp tác phát triển vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL được thúc đẩy, bước đầu đạt được kết quả tích cực.

Tuy nhiên, TP. Cần Thơ vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: Phát triển kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; chưa xây dựng các trung tâm liên kết sản xuất của vùng; công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, nhất là quy hoạch đô thị thiếu bền vững; kết cấu hạ tầng giao thông chưa đồng bộ…

Với “vai trò, vị trí của Cần Thơ là trung tâm của vùng ĐBSCL trong liên kết phát triển vùng”, thời gian tới, Cần Thơ xác định “Ba trụ cột” quan trọng, đó là: Bám sát sự chỉ đạo của Trung ương; Phát huy nội lực của Cần Thơ; Tăng cường liên kết để phát triển.

Còn Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt kiến nghị: “Với những mục tiêu được Nghị quyết số 78/NQ-CP và Quy hoạch vùng của Chính phủ đặt ra, đề nghị Trung ương cho phép các tỉnh trong vùng thí điểm thực hiện các cơ chế thu hút đầu tư, từ đó tổng hợp, đề xuất, ban hành chính sách phù hợp cho cả vùng ĐBSCL phát triển nhanh và bền vững”.

Về hướng đi cho toàn vùng, bà Nienke Trooster, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam, khuyến nghị: “Cần một cách tiếp cận tổng hợp thúc đẩy sản xuất nông nghiệp bền vững và có giá trị cao theo hướng “thuận thiên”; không quá phụ thuộc vào cây lúa”.

Còn bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WTO) tại Việt Nam, cho rằng, Quy hoạch vùng cần đi kèm với một chương trình hành động khả thi, linh hoạt và thích ứng trong từng giai đoạn.

 

b6c_xpqg.jpg
Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa lớn nhất cả nước.

 

Tập trung nguồn lực phát triển

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, tổng số vốn ngân sách Nhà nước đầu tư dự kiến giai đoạn 2021- 2025 của vùng ĐBSCL là khoảng 460.000 tỷ đồng. Với số vốn được bố trí như vậy, sẽ hoàn thành một số công trình trọng điểm như các tuyến đường bộ cao tốc: Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, Cần Thơ - Cà Mau, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, các quốc lộ; toàn bộ tuyến đường ven biển; một số trục động lực quan trọng kết nối với TP. Hồ Chí Minh, vùng Đông Nam Bộ; cảng hàng không; các công trình thủy lợi cấp nước, trữ nước, kiểm soát mặn…

Thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Giao thông vận tải và 13 tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSCL làm việc với nhóm 6 ngân hàng phát triển gồm: Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (KEXIM), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng Thế giới (WB) thống nhất tài trợ khoảng 2,2 tỷ USD để triển khai 20 dự án liên kết vùng trong giai đoạn 2021 - 2025.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, quy hoạch vùng ĐBSCL xác định các đột phá mang tính chiến lược; trong đó, ĐBSCL sẽ phát triển theo hướng bền vững, tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, dựa trên ba trụ cột: kinh tế - xã hội - môi trường; chú trọng bảo vệ, tôn tạo và phát triển hệ sinh thái tự nhiên hướng tới một mô hình kinh tế xanh, lấy con người làm trung tâm. Đến năm 2030, vùng sẽ đầu tư xây dựng mới và nâng cấp khoảng 830 km đường bộ cao tốc; khoảng 4.000 km đường quốc lộ; 4 cảng hàng không; 13 cảng biển, 11 cụm cảng hành khách và 13 cụm cảng hàng hóa đường thủy nội địa.

Về hạ tầng giao thông, theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, ĐBSCL vẫn còn “điểm nghẽn” rất lớn. Dù Đảng và Nhà nước đã tập trung đầu tư nhưng hệ thống giao thông hiện nay vẫn chưa đạt yêu cầu. Để chuẩn bị cho nhiệm kỳ 2021- 2025, thời gian qua, Bộ đã tập trung điều chỉnh giao thông; trong đó, xác định giao thông vận tải đã đóng góp những gì cho khu vực ĐBSCL, nhất là việc thu hút các nhà đầu tư đến với khu vực này. Có một số điểm đột phá như đảm bảo cho tàu tải trọng 10.000 tấn đến với cảng Cần Thơ, đồng thời bổ sung cảng nước sâu Trần Đề. Đây được xem là cửa ngõ chính miền Tây, nơi tàu 80.000 - 100.000 tấn có thể hoạt động.

Về đường bộ, theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, đây là lĩnh vực hết sức cần thiết và cần phải kết nối với các cảng biển với trung tâm TP. Cần Thơ. Trong nhiệm kỳ này, Đảng và Nhà nước, đặc biệt là Chính phủ, đã tập trung cho ĐBSCL rất lớn.

Còn theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan, biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, suy giảm tài nguyên nước, một số cửa sông bị bồi lắng, rồi biến mất, dòng chảy ít nhiều bị tác động bởi các công trình đập nước, hồ chứa ở thượng nguồn gây hệ luỵ sụt lún, sạt lở… là những thách thức của vùng ĐBSCL.

Xác định tính cấp thiết của thách thức trên, Nghị quyết 13-NQ/TW của Bộ Chính trị nhấn mạnh quan điểm phát triển vùng là “Lấy tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi”. Tài nguyên nước không chỉ giới hạn ở nước ngọt mà còn cả nước lợ, nước mặn. Tài nguyên nước gắn kết chặt chẽ, mật thiết với các vùng sinh thái nông nghiệp đa dạng, dựa vào nguồn nước, bao gồm vùng sinh thái nước ngọt, vùng sinh thái mặn - lợ, vùng chuyển tiếp ngọt lợ, ngọt - lợ luân phiên. Với tinh thần “chủ động, linh hoạt” thích ứng với sự thay đổi, sẽ tiếp tục mở ra dư địa phát triển mới.

Về đầu tư xử lý sạt lở bờ sông và củng cố đê biển, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, nhu cầu đầu tư cho vùng khoảng 41.257 tỷ đồng; trong đó, rà soát những nội dung ưu tiên thì nhu cầu khoảng 30.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2021- 2025.

Dự kiến danh mục một số dự án trọng điểm cần đầu tư gồm: hoàn thiện hệ thống thủy lợi Tứ giác Long Xuyên; dự án hệ thống thủy lợi liên tỉnh giữa sông Tiền - sông Hậu và bán đảo Cà Mau; cụm công trình kiểm soát mặn, củng cố, nâng cấp đê biển Tây; hệ thống công trình điều tiết, bổ sung nước phục vụ nuôi trồng thủy sản vùng phía Nam Quốc lộ 1A; công trình trữ nước và hệ thống cung cấp nước sinh hoạt tại các vùng khan hiếm nước, vùng bị ảnh hưởng xâm nhập mặn…

“Cả nước vì vùng và vùng vì cả nước”

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, để hiện thực hóa những mục tiêu đề ra, chúng ta cần có cách tiếp cận tổng thể; triển khai với những biện pháp, giải pháp cụ thể, thiết thực, hiệu lực, hiệu quả. Với tinh thần “Cả nước vì vùng và vùng vì cả nước” như chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng đề nghị các cấp, ngành, địa phương quán triệt nghiêm túc, thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra nhằm phát triển nhanh và bền vững vùng ĐBSCL theo tinh thần các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ.

 

Theo chương trình hành động của Chính phủ, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân toàn vùng ĐBSCL trong giai đoạn 2021 - 2030 đạt khoảng 6,5 - 7%/năm, xấp xỉ tốc độ tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm của cả nước trong giai đoạn này. Quy mô nền kinh tế đến năm 2030 gấp 2 - 2,5 lần so với năm 2021.

Tỷ trọng nông, lâm, ngư nghiệp trong tổng thu nhập vùng (GRDP) khoảng 20%; công nghiệp - xây dựng khoảng 32%; dịch vụ khoảng 46%; thuê và trợ cấp khoảng 2%.

GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 146 triệu đồng/năm.

Tỷ lệ đô thị hóa đạt 42 - 48%; có 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 30% số xã đạt chuẩn nâng cao.

Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 65%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 25%; tỷ trọng lao động khu vực phi nông nghiệp đạt 75 - 80%; tỷ lệ nghèo giảm 1,5 - 2%/năm.

Cơ sở giáo dục đạt chuẩn: 75% mầm non, 70% tiểu học, 80% trung học cơ sở, 90% trung học phổ thông.

Đạt 30 giường bệnh viện, 10 bác sĩ, 2,8 dược sĩ đại học, 25 điều dưỡng viên trên 10.000 dân.

Tỷ lệ che phủ rừng đạt 7,5%. Tỷ lệ sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh của dân cư đô thị đạt 98 - 100%, ở nông thôn đạt 70%.

Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn thông thường và chất thải nguy hại từ đô thị và công nghiệp đạt 100%.

 

Theo đó, cần phải có tầm nhìn chiến lược, tư duy đột phát để phát triển vùng ĐBSCL trong giai đoạn tới, đó là: Phát triển nền nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, hiệu quả cao, giá trị gia tăng cao, kết hợp với dịch vụ, du lịch sinh thái, công nghiệp, trọng tâm là công nghiệp chế biến…; phát triển kinh tế biển, công nghiệp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; phát triển kết cấu hạ tầng thiết yếu, hạ tầng hỗ trợ việc chuyển đổi mô hình phát triển của vùng như hạ tầng giao thông, thủy lợi, cấp nước, giáo dục, y tế, chuyển đổi số; tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng.

Thủ tướng  Phạm Minh Chính tin tưởng, với sự quyết tâm và vào cuộc quyết liệt của toàn bộ hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và sự ủng hộ của các bạn bè quốc tế, thời gian tới, vùng ĐBSCL sẽ có sự phát triển mạnh mẽ và đột phá; trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước, có trình độ tổ chức xã hội tiên tiến. Thu nhập của người dân ngày một nâng cao, người dân có thể làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

 

Dương Thanh
Ý kiến bạn đọc
  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Tự hào về truyền thống cách mạng, Hà Tĩnh vững bước vươn xa

    Tự hào về truyền thống cách mạng, Hà Tĩnh vững bước vươn xa

    Tổng Bí thư Trần Phú - người con ưu tú của quê hương Hà Tĩnh và dân tộc Việt Nam đã cống hiến trọn cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc; để lại cho Đảng, cho các thế hệ cán bộ, đảng viên và Nhân dân những di sản quý báu.

  • Khai mạc phiên chợ quảng bá sản phẩm OCOP Hà Tĩnh

    Khai mạc phiên chợ quảng bá sản phẩm OCOP Hà Tĩnh

    Sở Công Thương tỉnh Hà Tĩnh phối hợp UBND TP Hà Tĩnh vừa tổ chức khai mạc “Phiên chợ quảng bá sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP Hà Tĩnh năm 2024 và kỷ niệm 1 năm xây dựng phố chuyên doanh ẩm thực Nguyễn Du” tại khu vực đường Nguyễn Huy Oánh (phường Nguyễn Du).

  • Trao văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu tập thể Đệm bàng Phò Trạch

    Trao văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu tập thể Đệm bàng Phò Trạch

    Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Thừa Thiên Huế vừa phối hợp UBND huyện Phong Điền tổ chức hội nghị Công bố và trao văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu chứng nhận Hương xưa Làng Cổ Phước Tích và Nhãn hiệu tập thể Đệm bàng Phò Trạch.

Top