Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Lê Minh Hoan, cách đây 3,4 năm, cũng có tình trạng ùn ứ tại cửa khẩu. Nhưng chúng ta "hay quên" vì khi giải phóng ùn tắc thì những câu chuyện đó lại trôi đi mà không kiên trì tìm các giải pháp đối phó việc đứt gãy.
Đó là thông tin được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT trao đổi tại cuộc tọa đàm trực tuyến "Để nông sản không ùn tắc ở cửa khẩu: Đâu là giải pháp căn cơ?" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều ngày 4/3.
Cả Trung ương và địa phương cùng vào cuộc tháo gỡ
Trao đổi về tình trạng ùn tắc nông sản ở cửa khẩu, ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, trước đây đã có tình trạng ùn ứ hàng hoá tại cửa khẩu, tuy nhiên tình hình lần này có điểm khác so với trước đây, đó là Trung Quốc thực hiện chính sách "Zero COVID". Việc kiểm tra chặt chẽ dịch bệnh theo chính sách này khiến thông quan bị hạn chế rất nhiều.
Từ khi xảy ra ùn tắc, liên bộ ngành đã đưa ra nhiều giải pháp để tháo gỡ, những giải pháp này đều xuất phát từ thực tiễn. Từ Trung ương đến địa phương đều vào cuộc để tháo gỡ. Như chúng ta thấy, Thủ tướng đã có điện đàm với phía bạn, Bộ Công thương, Nông nghiệp và PTNT cũng liên tục có điện đàm, các địa phương sát biên giới cũng tăng cường giao thiệp.
Toàn cảnh buổi toạ đàm.
Có thể thấy việc thông quan chưa triệt để nhưng những nỗ lực này cũng đã có hiệu quả, cụ thể, từ ngày 25/1 đến nay, với những nỗ lực ngoại giao và việc điều tiết trong nước đã có 15 ngàn xe thông quan. Trước đây chỉ 7/13 cửa khẩu mở và thông quan hạn chế nhưng đến nay đã mở 13/13 cửa khẩu.
Cùng bàn về vấn đề này, bà Đoàn Thu Hà, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, trước tình hình ùn tắc nông sản ở cửa khẩu biên giới đường bộ ở thời điểm cuối năm 2021, với sự tích cực vào cuộc của các cơ quan trung ương, địa phương và sự trao đổi tích cực với phía Trung Quốc, cơ bản hàng hóa nông sản của chúng ta bị ùn ứ tại các cửa khẩu đã được giải quyết trước Tết. Tuy nhiên, sau Tết Nguyên đán, đến nay, việc ùn ứ trở lại, xuất hiện ở các cửa khẩu biên giới phía bắc.
Đến sáng nay (ngày 4/3), tại Lạng Sơn, lượng xe đang chờ xuất khẩu tại các cửa khẩu là 1.400 xe, trong đó có 800 xe chở nông sản. Trong khoảng thời gian này, chúng tôi đang tạm dừng tiếp nhận hoa quả tươi đến các cửa khẩu Lạng Sơn đến thời điểm 15/3.
Chúng tôi dự kiến từ 15/3 đến 20/4, lượng xe hoa quả nông sản qua cửa khẩu Lạng Sơn lên tới 2.000 xe, bởi xung quanh địa bàn cửa khẩu có 500 xe lên và chờ hết thời gian tạm dừng tiếp nhận nông sản để vào các cửa khẩu Lạng Sơn. Lượng xe vẫn có tiếp tục tăng trong thời gian tới khi nông sản đang vào chính vụ.
Để đảm bảo quy trình hoạt động thông quan, đặc biệt là hàng nông sản, các cơ quan chức năng tại cửa khẩu Lạng Sơn phải thực hiện các phương thức giao nhận hàng hóa chưa có tiền lệ. Chúng tôi cố gắng trao đổi hàng ngày, hàng giờ với các cơ quan chức năng của phía bạn để đảm bảo quy trình thông quan, đặc biệt đối với hàng nông sản đang vào chính vụ.
Với lượng nông sản đang vào chính vụ như vậy mà tiêu thụ nội địa chưa được nhiều, cơ bản vẫn chuyển lên cửa khẩu, cho nên hiện tượng ùn ứ hàng hóa tại cửa khẩu vẫn tiếp diễn.
Chúng ta hay quên
Giải thích về việc ùn ứ hàng hóa nông sản ở các cửa khẩu, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho biết, cách đây 3,4 năm, cũng có tình trạng ùn ứ tại cửa khẩu dù không nặng nề như thời điểm trước và sau Tết do dịch COVID-19. Đến khi xảy ra câu chuyện, lại nháo nhào tìm nguyên nhân, đặt ra câu hỏi: tại sao lại lệ thuộc 1 thị trường lớn, không đa dạng, không phát triển thị trường 100 triệu dân, sao không tăng chế biến hàng hoá mà lại xuất khẩu thô, sao không chuẩn hoá chất lượng, làm ăn chính ngạch, sao không đầu tư phát triển logistic?...
Đó là những câu hỏi 3-5 năm trước, nhưng chúng ta "hay quên" vì khi giải phóng ùn tắc tại cửa khẩu thì những câu chuyện đó lại trôi đi mà không kiên trì tìm các giải pháp đối phó việc đứt gãy. Bà con làm ra sản phẩm cứ đưa lên cửa khẩu còn hơn để chín rục tại chỗ. Một số địa phương thông báo bà con không đưa hàng lên cửa khẩu là làm phần ngọn, không phải gốc.
Cách làm kinh tế của chúng ta vẫn "mù mờ" đầu cung và cầu, không đi vào quỹ đạo, đôi khi giống như đi buôn chuyến nhiều hơn là hợp tác bài bản, kết nối cung cầu.
Ở các địa phương, hoạt động nuôi trồng hầu hết là thả nổi người nông dân tự làm. Hầu hết địa phương cũng chỉ biết trồng bao nhiêu ha, các câu chuyện cụ thể hơn về mùa vụ sản lượng chất lượng, thị trường còn chưa chắc chắn. Tư duy sản xuất nông nghiệp mới chú ý tạo ra sản lượng, chưa có tư duy kinh tế, tìm kiếm thị trường, vênh nhau giữa sản xuất và thị trường
Quan hệ thương nhân 2 bên vừa qua cũng là vấn đề, hoàn toàn phụ thuộc vào biến động thị trường… Chúng ta cần có giải pháp căn cơ, từ gốc, làm chủ được câu chuyện thị trường, hạn chế thấp nhất rủi ro…
Bộ trưởng Hoan nhấn mạnh, chúng ta say sưa nhất định với thành tích xuất khẩu và thật sự nhờ đó mà bà con Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, những vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm, những nông sản thường xuyên có mặt tại thị trường Trung Quốc thấy bản báo cáo kết quả xuất khẩu hằng năm và hồ hởi với kết quả đó.
Chúng ta không nghĩ tới rủi ro và rủi ro luôn luôn hiện hữu trước mắt, có thể "gãy" bất kỳ giờ nào. Đây là dịp cả Bộ Nông nghiệp và PTNT với trách nhiệm quản lý Nhà nước ngành nông sản, Bộ Công thương và Hiệp hội ngành hàng rau củ quả tuần sau cùng ngồi lại để giải mã, đặt từng câu hỏi, đưa ra giải pháp và tiến độ theo yêu cầu Thủ tướng là chuyển từ tiểu ngạch sang chính ngạch. Đồng thời phải có tiến độ rõ ràng, hành động nhất quán từ cơ quan quản lý Nhà nước, địa phương và có sự tham gia của các Hiệp hội ngành hàng cũng như các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản qua thị trường Trung Quốc.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Tôi phát hiện, mọi vướng mắc của chúng ta nằm ở 3 chỗ: nông dân tư duy mùa vụ, mùa nào tính mùa đó, doanh nghiệp tư duy thương vụ, thương vụ nào tính thương vụ đó, còn chính quyền tư duy nhiệm kỳ. Chúng ta nghĩ ngắn quá, cho nên cứ thấp thỏm từng mùa vụ, như đánh bài may rủi, rồi khi gặp vấn đề lại trách thị trường khó tính, để ùn ứ; "tiên trách kỷ, hậu trách nhân", nhiều khi chính chúng ta phải xem lại mình trước. |
Chuyển từ tiểu ngạch sang chính ngạch
Trao đổi về giải pháp để chấm dứt tình trạng ùn ứ nông sản, ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết, về vấn đề chuyển đổi thị trường, chúng ta có 15 FTA, nhưng vấn đề ở chỗ các DN làm sao tiếp cận, làm sao hàng hoá đáp ứng yêu cầu của các nước. Để giải quyết vấn đề đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật một loại hàng hoá là cả quá trình, đôi khi cần có thời gian, chưa chắc đạt ngay được.
Vấn đề chuyển từ tiểu ngạch sang chính ngạch ở một thị trường nào đó cần thời gian. Ví dụ, về quan hệ thương mại Việt Nam và Trung Quốc, xưa nay bà con, DN vẫn còn giữ tư duy cũ, coi thị trường này như chợ huyện, cứ làm, thu hoạch rồi mang lên đó mới bán, rất bị động.
Về ngoại thương với Trung Quốc, có 2 hình thức buôn bán: thứ nhất là chính ngạch theo thông lệ quốc tế và tiểu ngạch, thứ hai trao đổi cư dân, chợ biên giới. Ta có Nghị định 14/NĐ-CP quy định chi tiết về hoạt động thương mại biên giới, có những điểm ưu tiên, nhưng bộc lộ ra điểm yếu, đó là xuất khẩu không ổn định.
Ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương.
Khi Trung Quốc gần đây áp các quy định tiêu chuẩn chất lượng thì DN gặp khó ngay. Do đó chính sách không đơn thuần là buôn bán lối đi cửa khẩu chính, phụ mà nằm ở 3 công đoạn.
Thứ nhất là, phát triển sản phẩm xuất khẩu phù hợp tiêu chuẩn, quy định thị trường. Ví dụ như một số loại trái cây Thái Lan quá cảnh qua Việt Nam đã quen với tiêu chuẩn chất lượng nên vẫn xuất khẩu bình thường, không phải lo giải toả.
Thứ hai là vấn đề tổ chức xuất khẩu, vai trò các tỉnh, hải quan, biên phòng, công thương, nông nghiệp, kiểm dịch động thực vật làm thế nào cho triển khai thủ tục nhanh hơn.
Về kho bãi trung chuyển ở các địa phương giờ đã cải thiện so với 5 năm trước. Các tỉnh quan tâm, mở ra nhiều khu vực trung chuyển chứa hàng, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu.
Bên cạnh đó sự phát triển logistics cảng biển không tương xứng tăng trưởng, xuất khẩu tăng 15-17%, logistics chỉ tăng khoảng 4-5 %... Vận tải cũng cần đa dạng hoá, như hiện nay, vận tải hàng hoá đường sắt vẫn còn ít.
Thứ ba là vấn đề thị trường. Trung Quốc đã gia nhập WTO, tham các hiệp định định RCEP, FTA ASEAN-Trung Quốc nên cần tuân thủ các nguyên tắc hiệp định.
Hiện nay, việc xuất nhập khẩu qua cửa khẩu phụ, lối mở vẫn là thói quen. Nếu không phối hợp trao đổi giữa các bên để chuyển sang chính ngạch thì giải quyết vấn đề không đơn giản.
Theo ông Mai Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, về lâu dài, DN cần tổ chức chặt chẽ, bảo đảm chất lượng, uy tín mới ký hợp đồng cung ứng đều đặn, hướng tới làm ăn lớn hơn. Cần thúc đẩy xu hướng này. Hiện nay vẫn chủ yếu tập trung ở các địa phương giáp biên, muốn duy trì kim ngạch lớn hơn, cần đẩy mạnh đẩy mạnh khuyến khích mậu dịch, để hàng nông sản vào sâu hơn nội địa Trung Quốc. Tôi cho rằng, tiềm năng nông sản Việt nam còn nhiều, các cơ quan, hiệp hội DN cần có thêm các giải pháp.
Trong khi đó, ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho rằng, lập các khu trung chuyển cho khách hàng Trung Quốc xem hàng (nếu cần), sau đó giao hàng. Các điểm trung chuyển không chỉ làm thủ tục hải quan, mà có thể tập trung cả tuyển chọn phân loại đóng gói theo tiêu chuẩn của bạn…
Cách làm như hiện nay đưa hàng sang tuyển chọn phân loại, hàng tốt lấy, không đạt trả về thì tốn kém, mất chủ động giao hàng. Nên cần có các khu trung chuyển đa năng là giải pháp hỗ trợ xử lý được tồn tại hiện nay.
Thành lập Trung tâm kết nối nông sản
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, như tôi nói phải tổ chức lại ngành hàng, tổ chức lại từ khâu sản xuất đến thị trường thông qua hệ thống hạ tầng logistics. Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ký trình Thủ tướng về chủ trương đồng ý cho tỉnh Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên trở thành Trung tâm kết nối nông sản xuất khẩu do tỉnh Quảng Ninh quản lý, doanh nghiệp tư nhân xã hội hóa đầu tư.
Chúng tôi đã làm việc với Bộ Công thương, đã trình Thủ tướng Chính phủ, sau Quảng Ninh sẽ là tỉnh Lạng Sơn. Tại Trung tâm này, phía bạn có thể đưa bộ phận thông quan, kiểm dịch sang, nghĩa là kiểm một lần bên này rồi xe chạy suốt, có thể đi sâu vào nội địa tùy theo mối quan hệ của thương nhân hai bên. Nếu có trường hợp ùn ứ, chúng ta đóng gói, sơ chế, tạm trữ được một thời gian để tránh nông sản nằm ở container vì rủi ro rất nhiều. Khi xảy ra dịch bệnh thì đó là một "vùng xanh" để chứng tỏ nông sản của chúng ta bảo đảm tiêu chuẩn quy định phòng dịch của phía bạn.
Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế đặc thù cho thành phố Cần Thơ trong đó có xây dựng Trung tâm kết nối nông sản ở Cần Thơ cho các vùng lân cận của Đồng bằng sông Cửu Long. Chúng tôi đã trình Thủ tướng Chính phủ chủ trương hình thành Trung tâm này ở Cần Thơ. Sau này chúng tôi cũng định hướng xin chủ trương của Chính phủ để xây dựng một Trung tâm như vậy ở khu vực Tây Nguyên. Đây là hai vùng xuất khẩu nông sản chiếm tỷ trọng cao của cả nước và xuất khẩu sang Trung Quốc.
Mặc dù có trung tâm này rồi nhưng quan trọng nhất là tổ chức lại sản xuất, tổ chức lại hệ sinh ngành hàng, để đáp ứng nhu cầu chuẩn hóa từng loại thị trường như thị trường Trung Quốc, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản…, thị trường trong nước. Kể cả đến một ngày nào đó, tại thị trường trong nước, người tiêu dùng trong nước không còn dễ tính nữa. Vì vậy, câu chuyện này phải thay đổi rất nhiều.
Sắp tới Bộ Nông nghiệp và PTNT dự thảo đề án về xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc sau khi tham khảo ý kiến của các cơ quan ngoại giao và thương vụ Việt Nam bên Trung Quốc. Chúng tôi sẽ lấy ý kiến của Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao, các Hiệp hội ngành hàng. Chúng tôi cũng xây dựng Đề án riêng cho thị trường EU. Việc cần làm là liên minh để xuất khẩu vì EU là thị trường tiềm năng rất lớn với 27 quốc gia. Chúng ta phải đi riêng từng nhóm thị trường. Từng nhóm thị trường đó phải củng cố Liên minh hiệp hội xuất khẩu từng thị trường để chia sẻ thông tin.
Tôi được biết anh em bên Trung Quốc có nói, hằng ngày khi chợ đầu mối Bắc Kinh mở cửa thì một giờ sau nông dân Thái Lan nắm bắt được giá cả, thị trường. Còn chúng ta hơi chậm hơn trong vấn đề thông tin đến doanh nghiệp và các hợp tác xã.
Bản thân không phải chúng ta "một mình một chợ" mà phải cạnh tranh với các nước xuất khẩu cùng một mặt hàng nông sản sang thị trường Trung Quốc. Bản thân Trung Quốc cũng trồng được những loại nông sản nhập của chúng ta.
Sự tự bằng lòng và hài lòng của chúng ta quá lớn mà chưa thấy được rủi ro. Sắp tới Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành liên quan sẽ cùng nhau ngồi lại phân tích câu chuyện thị trường khi chúng ta không phải "một mình một chợ" và độ khó khăn phức tạp càng cao hơn.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…