Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 8 tháng 4 năm 2022 | 20:3

Nhiều giải pháp phát triển logistics ở Sơn La

Ngày 8/4, UBND tỉnh Sơn La phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức Hội nghị định hướng phát triển logistics trong tiêu thụ nông sản tỉnh Sơn La. Tại đây, nhiều giải pháp để phát triển logistics đã được đưa ra.

Dịch vụ logistics chưa phát triển

Hiện nay, Sơn La là một trong những trung tâm phát triển nông nghiệp mạnh của cả nước, nhưng các dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh chưa phát triển, chủ yếu là các hoạt động vận tải, chuyển phát hàng hóa đơn lẻ hoặc dịch vụ thuê kho, bãi. Toàn tỉnh hiện mới có 6 chi nhánh, đại lý của doanh nghiệp bưu chính, chuyển phát còn lại được chuyển phát theo hình thức ký gửi hàng đối với hệ thống xe khách; có 30 kho lạnh, với dung tích dưới 250 m³/kho, 12 container lạnh, 600 lò sấy hơi; 25 cơ sở được cấp mã đóng gói quả tươi xuất khẩu… Các dịch vụ hỗ trợ bảo quản, đóng gói, thủ tục hải quan, giao nhận, phân tích và kiểm định chất lượng hiện chưa có doanh nghiệp đầu tư kinh doanh.

Chia sẻ tại Hội nghị, ông Lộc Mậu Triển, Giám đốc Cty CP nông nghiệp Chiềng Sung, cho biết, dịch vụ logistics là một hoạt động thương mại, đóng một vai trò quan trọng và có ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, tại Sơn La, các hoạt động về logistics còn bị hạn chế bởi nhiều vấn đề, do đó, gây phát sinh chi phí cho doanh nghiệp.

 Toàn cảnh hội nghị.

 

Ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), nhận định, Sơn La có số lượng và quy mô doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics còn hạn chế; chưa có các doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ logistics chuyên nghiệp theo chuỗi liên hoàn, khép kín từ khâu đóng gói, vận chuyển, tập kết, bốc dỡ hàng hóa, làm thủ tục thông quan, lưu kho... nên hàng nông sản tươi số lượng lớn của tỉnh đa số phải thuê các doanh nghiệp logistics chuyên nghiệp từ các thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, TP.Hồ Chí Minh.

Ông Khoa nhấn mạnh, Sơn La chưa có trung tâm logistics, hệ thống kho mát, kho lạnh, để sơ chế, chế biến đóng gói hàng hóa cuất nhập khẩu. Nhân sự cung cấp cho hoạt động logistics trên địa bàn còn thiếu cả về số lượng và chất lượng. Trên địa bàn có Trường Đại học Tây Bắc nhưng cũng chưa có chuyên ngành đào tạo về logistics.

Thành lập trung tâm logistics

Với thực trạng của Sơn La, VLA đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động, phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh: Triển khai xây dựng và thực hiện Kế hoạch hành động nâng cao năng lực và phát triển dịch vụ logistics đến năm 2025. Nâng cấp kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ cho phát triển dịch vụ logistic. Trong đó, hoàn thiện kết cấu hạ tầng logistics, đảm bảo tính đồng bộ của hạ tầng giao thông và dịch vụ vận tải với mục tiêu phát triển ngành dịch vụ logistics. Rà soát, điều chỉnh quy hoạch, cơ cấu sản xuất địa phương gắn với phát triển hạ tầng và dịch vụ logistics, gắn kết quy hoạch về trung tâm logistics, cảng cạn, trong một tổng thể thống nhất có sự liên kết vùng với các tỉnh lân cận như Điện Biên, Hoà Bình, Phú Thọ, Lai Châu.

Ông Đào Trọng Khoa đề xuất Sơn La thành lập trung tâm logistics nhằm mục đích tập trung hàng xuất khẩu và phân phối hàng nhập khẩu. Tỉnh cần xây dựng một mạng lưới phân phối giữa chủ hàng, công ty giao nhận, hệ thống chi nhánh, nơi phân phối cuối cùng. Qua đó, Sơn La kỳ vọng trở thành trung tâm cốt lõi nội vùng, cùng với các địa phương khác trong khu vực Tây Bắc hình thành cực phát triển, là cầu nối với các vùng kinh tế năng động, phấn đấu trở thành trung tâm logistics nông sản của vùng Tây Bắc trong tương  lai.

Khuyến khích đầu tư kho bãi, đặc biệt là kho mát để bảo quản hàng nông sản, ICD, các trung tâm sơ chế, đóng gói và bảo quản nông sản, các trung tâm sấy, chiếu xạ, khử trùng, các điểm tập kết xe tải, container, các thiết bị nâng hạ xếp dỡ container. Đầu tư trang thiết bị, soi chiếu xạ, kiểm tra, đo lường và kiểm định phương tiện phục vụ hoạt động logistics.

Nâng cao năng lực các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics. Trong đó, hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại, cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp logistics của địa phương tham gia các sự kiện, triển lãm, hội thảo logistics tại trong và ngoài nước. Khuyến khích, từng bước tích hợp sâu dịch vụ logistics với các doanh nghiệp sản xuất trong khu công nghiệp để tạo thành chuỗi lưu thông hàng hóa linh hoạt, rút ngắn thời gian, chi phí giao nhận nguyên vật liệu và sản phẩm.

Phó Chủ tịch VLA cũng đề cập tới giải pháp phát triền nguồn nhân lực chuyên môn cao để phát triển dịch vụ logistics. Chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ và tối ưu khả năng truy xuất.

 Sơn La đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản tiêu biểu.

 

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất - nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, muốn thu hút vốn đầu tư xây dựng hạ tầng logistics đòi hỏi phải có những chính sách phù hợp và hiệu quả hơn trong bối cảnh khoa học công nghệ càng ngày phát triển. Điều này rất cần nhận thức đúng và rõ từ cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh cũng như của doanh nghiệp.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Lê Hồng Minh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sơn La đề nghị các sở, ngành, UBND các huyện thành phố tiếp tục tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện Kế hoạch số 172/KH-UBND ngày 19/7/2019 của UBND tỉnh về nâng cao năng lực cung ứng và chất lượng dịch vụ Logistics trên địa bàn tỉnh Sơn La; triển khai thu hút đầu tư phát triển các dự án về logistics để kết nối với cửa khẩu Chiềng Khương, Lóng Sập, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, vùng nguyên liệu tập trung.

Nghiên cứu ban hành chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư hạ tầng logistics trên địa bàn tỉnh; rà soát hệ thống quy hoạch hạ tầng giao thông theo hướng tăng tính kết nối, đồng bộ của hạ tầng giao thông, dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, đường thủy nội địa; phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, sân bay Nà Sản, nâng cấp các tuyến đường tới khu vực cửa khẩu, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các vùng sản xuất nông nghiệp chính của tỉnh.

Năm 2021, giá trị hàng hoá tham gia xuất khẩu của Sơn La đạt trên 161,2 triệu USD, tăng 43,9% so với năm 2020, trong đó trên 150 triệu USD giá trị hàng hoá nông sản thực phẩm, tăng 45,1% (giá trị hàng hóa nông sản quả tươi đạt trên 24 triệu USD, hàng hóa nông sản chế biến đạt trên 126 triệu USD).

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
Top