Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 19 tháng 3 năm 2024  
Thứ hai, ngày 23 tháng 3 năm 2020 | 8:29

Nhiều nông dân Trà Vinh “sống khỏe” trước hạn mặn

Nhờ có hệ thống thủy lợi Nam Măng Thít được đầu tư hoàn chỉnh nên nhiều hộ nông dân Trà Vinh vẫn "sống khỏe" trước hạn mặn uy hiếp cả vùng ĐBSCL.

Trong khi nhiều tỉnh, thành vùng ĐBSCL công bố tình huống hạn mặn khẩn cấp, thì tình hình ở Trà Vinh ít nghiêm trọng hơn, vì có hệ thống thủy lợi Nam Măng Thít được đầu tư hoàn chỉnh. Đặc biệt có nhiều hộ nông dân vẫn “sống khỏe” trước hạn mặn uy hiếp cả vùng ĐBSCL.

Trong khi nhiều hộ nông dân trên địa bàn đang gặp khó khăn vì lúa bị thiệt hại, rau màu cho năng suất kém, thì hàng trăm hộ dân ở ấp Nang Nơn, xã Kim Hòa, huyện Cầu Ngang lại rất phấn khởi vì lúa được mùa lẫn giá. Có được kết quả này là do địa phương chú trọng điều chỉnh khung thời vụ để tương thích với điều kiện tự nhiên, trong khi nông dân nghiêm túc thực hiện theo khuyến cáo.

nhieu nong dan tra vinh

Xuống giống theo khuyến cáo lúa vẫn cho năng suất cao.

Ông Huỳnh Quang Sĩ, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Hòa cho biết, ấp Nang Nơn là địa phương chuyên canh 3 vụ lúa trong năm, nên vụ đông xuân thường xuống giống trễ, do khoảng thời gian cách vụ sau khi đã thu hoạch vụ thu đông thường kéo dài gần cả tháng. Nhưng năm nay thì khác, sau khi ngành nông nghiệp có khuyến cáo về diễn biến hạn mặn, bà con nơi đây chủ động giống sớm hơn, đồng thời tăng cường nạo vét kênh thủy lợi nội đồng nên tránh được mặn.

“Cơ cấu lại thời vụ, vụ hai, bà con xuống giống sớm, vụ ba bà con xuống giống trước 1 tháng. Do đó nước còn ngọt, lúa phát triển tốt. Theo đánh giá sơ bộ năng suất bình quân đạt từ 5-6 tấn” - ông Huỳnh Quang Sĩ chia sẻ.

nhieu nong dan tra vinh

Vườn mít thái của ông Nguyễn Văn Thôi.

Còn hộ ông Nguyễn Văn Thôi ở xã Huyền Hội, huyện Càng Long, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, năm 2017 ông chuyển gần 8 công đất lúa thường cho thu nhập bấp bênh khi mặn xâm nhập sang trồng mít thái. Đến nay vườn mít của ông đã cho thu hoạch.

Với giá 35.000đồng/kg mít tại vườn hiện nay, cứ sau nửa tháng ông thu về từ 20 - 30 triệu đồng tiền bán mít. Ước thu nhập sẽ cao hơn khi cây mít cho trái đồng đều.

Ông Thôi chia sẻ, trồng mít không lo hạn mặn, thời điểm độ mặn tăng lên thì đóng kín không cho nước vào, khi độ mặn hạ xuống dưới 1-2 phần ngàn thì cho vào, vì mít có thể cắt nước cả tháng.

 nhieu nong dan tra vinh
Hệ thống bơm tưới mít chủ động.

“Nếu độ mặn như bây giờ thì tưới vẫn bình thường, còn trường hợp mặn hơn thì cắt nước không sao cả vì mít có thể không tưới cả tháng trời. Nước ngọt mình đã trữ sẵn từ trước, 1 ngày tưới 1 lần. Nếu chưa cho trái thì ngưng cũng không sao, cây này chịu hạn tốt hơn cây khác” - ông Thôi cho biết.

Theo báo cáo của ngành nông nghiệp Trà Vinh, vụ đông xuân năm nay toàn tỉnh xuống giống hơn 60.000 ha. Trong số này, hơn 9.000 ha bị thiệt hại do mặn xâm nhập, tức chiếm 13% diện tích. Diện tích thiệt hại này chưa bằng 1/4 so với vụ đông xuân năm 2016. Có được kết quả này, là do nhận định được tình hình mặn sẽ xuất hiện sớm và gay gắt trong mùa khô này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đẩy nhanh tiến độ thực hiện 3 cống Tân Dinh, Bông Bót và Vũng Liêm.

nhieu nong dan tra vinh

Cống ngăn mặn Bông Bót - Trà Vinh.

Theo đó, các công trình này hoàn thành và đưa vào vận hành sớm hơn so với kế hoạch; kịp thời khép kín hệ thống thủy lợi Nam Măng Thít, khống chế được tình hình xâm nhập mặn, điều tiết nước ngọt phục vụ nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

Ông Phạm Minh Truyền, Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh cho biết thêm: “Hệ thống thủy lợi Nam Măng Thít làm rất tốt công tác ngăn mặn trữ ngọt. Tuy nhiên nếu hạn mặn kéo dài, các hệ thống cống đóng tuyệt đối 24/24 thì trong nội đồng thiếu nước rất trầm trọng.

Do đó, ngành nông nghiệp sẽ tham mưu Tỉnh ủy, Uỷ ban tỉnh xây dựng các cống điều tiết nước, các trạm bơm thành tiểu vùng cụ thể để tiếp nước khi cần thiết. Kinh phí dự kiến trên 1.000 tỷ đồng, nên phải nhờ Trung ương hỗ trợ”.

Trong bối cảnh nhiều tỉnh, thành ĐBSCL đã, đang và sẽ còn chịu nhiều tác động bất lợi của hạn mặn, nếu nông dân luôn thực hiện nghiêm túc những khuyến cáo, kế hoạch của ngành chức năng, lựa chọn những cây trồng, vật nuôi phù hợp chắc chắn sẽ hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại kinh tế do yếu tố bất lợi gây ra, góp phần hướng tới sản xuất nông nghiệp bền vững./.

 

 

Sa Oanh
Ý kiến bạn đọc
Top