Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ năm, ngày 24 tháng 1 năm 2019 | 14:31

Nhiều nông sản của Tuyên Quang chiếm lĩnh thị trường

Tuyên Quang đã hình thành nhiều vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa cho năng suất và thu nhập cao như: cam sành trên 8.000ha, chè hơn 8.500ha….

Đó là một vài trong nhiều kết quả mà tỉnh đạt được sau 3 thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, giai đoạn 2015-2020.

 

tr13.jpg
Sau 5 năm tái cơ cấu, Tuyên Quang đã hình thành nhiều vùng chuyên canh, sản xuất theo hướng hàng hóa cho năng suất, giá trị cao.

 

Để hiểu rõ hơn về kết quả này, phóng viên Báo Kinh tế nông thôn có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Tuyên Quang.

Xin chúc mừng ông vừa được Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang bổ nhiệm làm Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT. Thưa ông, khi thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Tuyên Quang đã gặp thuận lợi, khó khăn gì?

Tuyên Quang có nhiều điều kiện để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp như: diện tích đất nông nghiệp lớn, khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi cho phát triển cây trồng, vật nuôi. Xác định nông nghiệp có vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế, do vậy, tỉnh luôn đặc biệt quan tâm đến phát triển nông nghiệp, chỉ đạo toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc.

Tuy nhiên, khi bắt tay thực hiện đề án,  Tuyên Quang đã gặp một số khó khăn như: quy mô sản xuất manh mún, nhỏ lẻ; năng suất, chất lượng, thu nhập còn thấp; liên doanh, liên kết giữa sản xuất với tiêu thụ chưa nhiều, thiếu bền vững…

Trước những khó khăn nói trên, tỉnh Tuyên Quang, trực tiếp là Sở Nông nghiệp và PTNT, đã từng bước tháo gỡ như thế nào , thưa ông?

Tỉnh xác định tái cơ cấu ngành nông nghiệp phải dưới sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, sự quản lý của Nhà nước; phát huy vai trò của doanh nghiệp, HTX và nông dân sản xuất. Thể hiện bằng các giải pháp đồng bộ sau:

Trước tiên, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội; xác định ngành hàng, xây dựng chính sách, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư hiệu quả.

Hai là, thực hiện quy hoạch, quản lý, sử dụng hợp lý đất đai, cơ cấu lại các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa; tập trung chuyển đổi những cây trồng, vật nuôi hiệu quả thấp sang sản xuất hàng hóa có hiệu quả cao; phát huy lợi thế của địa phương.

Ba là, tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, chế biến nông sản, nhất là ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông tin để nâng cao năng suất, hiệu quả, làm tăng giá trị, tăng sức cạnh tranh cho nông sản.

Bốn là, đổi mới và nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất, quản lý trong nông nghiệp, nông thôn như: HTX, trang trại; sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp gắn với liên kết phát triển vùng nguyên liệu; kiện toàn, nâng cao năng lực của bộ máy ngành nông nghiệp, nhất là các đơn vị sự nghiệp, hệ thống khuyến nông toàn tỉnh.

Năm là, tăng cường xây dựng, quảng bá, bảo vệ thương hiệu, xúc tiến thương mại, quản lý chất lượng, nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm, ưu tiên các sản phẩm chủ lực, đặc sản của tỉnh.

 

tr13a.jpg

Sáu là, xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, tăng cường thu hút đầu tư phát triển nông, lâm, thủy sản; tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa tập trung, HTX, trang trại, đổi mới công nghệ, liên kết sản xuất và xúc tiến thương mại nông sản.

Xin ông cho biết, kết quả sau 5 năm Tuyên Quang thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp?

Sau 5 năm thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, Tuyên Quang đã đạt được những kết quả quan trọng như: Điều chỉnh các quy hoạch của ngành trên cơ sở phát huy lợi thế của địa phương và nhu cầu thị trường để tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa.

Thực hiện điều chỉnh cơ cấu, nâng cao hiệu quả đầu tư công, ban hành chính sách cho tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với phát triển nông nghiệp hàng hóa. Tỉnh ban hành 07 chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp hàng hóa, bước đầu đã giải quyết khó khăn về nguồn vốn mở rộng đầu tư. Từ năm 2013-2018, tổng vốn đầu tư phát triển trên 8.838 tỷ đồng, trong đó, vốn đầu tư cho nông nghiệp là 1.653,6 tỷ đồng;

Đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất gắn với hoạt động xúc tiến thương mại, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, tăng cường thu hút hợp tác đầu tư.

Tuyên Quang có nhiều sản phẩm nông sản có thương hiệu đang từng bước chiếm lĩnh thị trường tiêu thụ như: Cam sành Hàm Yên lọt top 10 trái cây ngon nhất Việt Nam, “Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam” năm 2015; Chè Bát Tiên Mỹ Bằng, mật ong Tuyên Quang được “Tôn vinh sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu năm 2017”…

Môi trường kinh doanh được cải thiện. Tuyên Quang mời gọi, thu hút 24 dự án phát triển sản xuất, chế biến nông sản, với tổng số vốn trên 5.766 tỷ đồng. Một số nhà đầu tư lớn như: Công ty cổ phần Tập đoàn TH đầu tư trang trại 20.000 con bò sữa và Nhà máy sữa công nghệ cao 300 tấn SP/ngày; Công ty cổ phần Tập đoàn DABACO Việt Nam đầu tư tổ hợp sản xuất giống, quy mô 3.200 lợn nái bố mẹ, 20.000 lợn thương phẩm, 20.000 lợn hậu bị, 46.112 con giống/năm...

Tỉnh đã phê duyệt phương án chuyển đổi, sắp xếp thành công ty TNHH hai thành viên cho 04/05 công ty, cổ phần hóa 01 công ty. Chỉ đạo thực hiện củng cố các HTX nông, lâm nghiệp, phát triển mạnh các loại hình kinh tế trang trại. Đến nay, toàn tỉnh có 211 HTX, trong đó có 54 HTX có hợp đồng liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm; có 712 trang trại, tăng 617 trang trại so với năm 2013.

Cơ cấu lại sản phẩm ngành hàng, đẩy mạnh khoa học công nghệ nâng cao giá trị gia tăng cho cây trồng, vật nuôi mà tỉnh có lợi thế.

Đã hình thành các vùng chuyên canh sản xuất theo hướng hàng hóa cho năng suất, thu nhập cao với trên 8.000ha cam, doanh thu bình quân đạt 150 triệu đồng/ha; trên 8.500ha chè, nhiều diện tích cho năng suất trên 18 tấn/ha, doanh thu hơn 90 triệu đồng/ha; trên 10.000ha mía nguyên liệu, nhiều diện tích đạt trên 100 tấn/ha, doanh thu trên 90 triệu đồng/ha; trên 4.300ha lạc tập trung, doanh thu trên 60 triệu đồng/ha.

Chăn nuôi, thủy sản phát triển theo hướng tăng quy mô trang trại, gia trại bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm. Sản lượng cá đặc sản nuôi bằng lồng trên sông, hồ thủy điện tăng kỷ lục, mang lại giá trị cao.

Diện tích trồng rừng hàng năm đạt trên 11.000ha, diện tích rừng trồng sản xuất hiện có 150.000ha, năng suất gỗ trên 90m3/ha; sản lượng khai thác gỗ rừng trồng trên 840.000m3.

Có 20.000ha rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế (FSC), đủ điều kiện xuất khẩu; thu hút đầu tư 03 nhà máy chế biến lâm sản (sau khi hoàn thành, toàn tỉnh có 8 Nhà máy chế biến gỗ, công suất khoảng 1,5 triệu m3/năm), trong đó có 02 nhà máy lớn nhất cả nước là Nhà máy giấy công suất 130.000 tấn/năm, hiện đang đầu tư thêm 01 dây chuyền bột giấy công suất 150.000 tấn/năm; Tổ hợp chế biến gỗ xuất khẩu công suất 150.000 m3/năm của Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang. Phấn đấu đến năm 2025, Tuyên Quang trở thành trung tâm chế biến gỗ lớn của cả nước gắn với phát triển vùng nguyên liệu bền vững.

Thưa ông, mục tiêu, kế hoạch của Tuyên Quang trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp thời gian tới là gì?

Giai đoạn 2018-2020, tỉnh tiếp tục phát triển các sản phẩm chủ lực theo hướng hàng hóa gắn với xây dựng xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, tạo sự ổn định và phát triển bền vững.

Tập trung thực hiện các chỉ tiêu đạt thấp, đảm bảo đến năm 2020 đạt mục tiêu đề ra, phấn đấu giá trị sản xuất ngành nông, lâm, thủy sản tăng bình quân 4-5%/năm; tốc độ tăng giá trị tăng thêm ngành nông, lâm, thủy sản đạt trên 3%/năm; cơ cấu: Nông nghiệp chiếm trên 84%, lâm nghiệp chiếm trên 12% và thủy sản chiếm khoảng 3%; có trên 30% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Tiếp tục đầu tư nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh các ngành hàng chủ lực, tập trung phát triển thành vùng hàng hóa lớn gắn với liên kết chế biến, tiêu thụ, xây dựng chuỗi giá trị. Cơ cấu vùng sản xuất hàng hóa, trong đó phát triển bền vững vùng cam tập trung trên 5.500ha, 15.500ha mía nguyên liệu, 5.000ha lạc, hàng năm trồng trên 10.000ha rừng tập trung; vùng chuyên canh cây bưởi, lúa chất lượng cao, chuối, hồng không hạt.

Mở rộng sản xuất nông nghiệp theo quy trình sản xuất tiên tiến, thân thiện với môi trường, đạt các tiêu chuẩn được công nhận, tiêu chuẩn xuất khẩu. Đến năm 2020 có 700ha cam trồng theo quy trình VietGAP; 1.400ha chè VietGAP; 1.000ha chè Shan tuyết; 22.000ha rừng FSC; có ít nhất 01 sản phẩm được sản xuất theo hướng hữu cơ.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và đổi mới công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng, phát triển thương hiệu các sản phẩm chủ lực và đặc sản trên địa bàn tỉnh. Ưu tiên ứng dụng công nghệ cao, công nghệ nuôi cấy mô, sinh sản nhân tạo trong khâu giống.

Tiếp tục có các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh gắn với thực hiện quảng bá, xúc tiến thương mại nông nghiệp hiệu quả. Rà soát chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, phát triển thương hiệu, chỉ dẫn địa lý gắn với phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Trân trọng cảm ơn ông!  Chúc ngành nông nghiệp Tuyên Quang một năm mới bội thu!

 

 

Hoàng Văn (Thực hiện)
Ý kiến bạn đọc
Top