Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 21 tháng 6 năm 2021 | 17:10

NN ĐBSH: Phát triển chăn nuôi theo hướng tuần hoàn

Chăn nuôi tuần hoàn là hướng đi bền vững trong định hướng phát triển chăn nuôi được các cấp, ngành chuyên môn và người dân áp dụng, góp phần thực hiện thành công tái cơ cấu lĩnh vực chăn nuôi.

 img2894result_202106168635.JPGChăn nuôi theo hướng tuần hoàn ở xã Việt Hòa (Khoái Châu, Hưng Yên).

 

Hưng Yên: Nhân rộng mô hình chăn nuôi theo hướng tuần hoàn

Nông nghiệp tuần hoàn nói chung và chăn nuôi tuần hoàn nói riêng là hoạt động sản xuất không chất thải, không phế phẩm; ứng dụng kỹ thuật truyền thống và những tiến bộ khoa học để xử lý phụ phẩm, chất thải trong quá trình sản xuất thành giá trị hữu ích, tái sử dụng trong nông nghiệp, góp phần bảo vệ và tái sinh môi trường. Đây là hướng phát triển bền vững chăn nuôi được nhiều địa phương áp dụng.

Trang trại tổng hợp của gia đình anh Phan Giang Đông, xã Việt Hòa (Khoái Châu) rộng trên 3 ha. Khu vực chuồng trại chăn nuôi, ao thả cá và trồng cây ăn quả được bố trí hợp lý, thuận tiện sử dụng phụ phẩm của trồng trọt để nuôi gà, cá, sử dụng chất thải của chăn nuôi để cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng. Anh Đông cho biết: “Đối với khu vực nuôi lợn, gia đình tôi đầu tư xây dựng chuồng nuôi kín. Nền chuồng được thiết kế thành 2 phần, trong đó, ½ diện tích nền chuồng phía sau thấp hơn ½ diện tích nền chuồng phía trước từ 35-40cm với độ dốc từ 1-2 độ; phía cuối chuồng được đặt ống thoát nối với hầm biogas để xử lý. Gia đình tôi tận dụng trên 200m rãnh nước để xử lý chất thải sau hầm biogas, giúp loại bỏ mùi, giảm nồng độ các chất gây ô nhiễm môi trường. Chất thải chăn nuôi sau khi được xử lý sẽ dùng để tưới dưỡng cho diện tích cây ăn quả, rau màu. Qua 2 năm áp dụng sản xuất theo hướng tuần hoàn, đàn vật nuôi của gia đình tôi phát triển khỏe mạnh, đất đai màu mỡ, giảm chi phí trong quá trình sản xuất, môi trường sản xuất được bảo đảm”.

Đồng chí Nguyễn Văn Đạt, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Khoái Châu cho biết: Toàn huyện hiện có trên 100 nghìn con lợn, khoảng 1,4 triệu con gia cầm và trên 3 nghìn con trâu, bò. Để đồng thời giải quyết vấn đề kinh tế và môi trường trong chăn nuôi, thời gian qua, huyện đã hướng dẫn các chủ trang trại áp dụng khoa học, công nghệ trong chăn nuôi, xây dựng nhiều mô hình, giải pháp phát triển chăn nuôi theo hướng tuần hoàn, bền vững như: Áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, xử lý chất thải chăn nuôi; sử dụng phụ phẩm nông nghiệp như: Trấu, mùn cưa, rơm, rạ, vỏ lạc… làm đệm lót sinh học; chất thải của chu trình chăn nuôi được sử dụng làm phân bón hữu cơ cho cây trồng, nuôi thủy sản…

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT, tổng đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh hiện đạt trên 10,2 triệu con, trong đó, có trên 465 nghìn con lợn, khoảng 37 nghìn con trâu, bò và trên 9,7 triệu con gia cầm. Toàn tỉnh hiện có 585 trang trại chăn nuôi, 27 hợp tác xã chăn nuôi. Với mục tiêu hướng đến phát triển chăn nuôi bền vững, thân thiện môi trường, sử dụng chất thải, phế phẩm, phụ phẩm… làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình sản xuất khác thông qua việc áp dụng công nghệ sinh học, công nghệ hóa lý, biện pháp kỹ thuật, thời gian qua, tỉnh đã chỉ đạo ngành chuyên môn, các địa phương khuyến khích người dân, doanh nghiệp tích cực tham gia phát triển kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp nói chung và lĩnh vực chăn nuôi nói riêng. Các địa phương quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung, xa khu dân cư, tạo điều kiện cho người dân đầu tư chăn nuôi khép kín, quy mô lớn, xây dựng hệ thống xử lý chất thải, chứa chất thải để sử dụng trong nông nghiệp. Cùng với đó, ý thức và tư duy chăn nuôi của người dân chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang đầu tư chăn nuôi khép kín, quan tâm xây dựng hệ thống xử lý nước thải, chất thải, áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn dịch bệnh…

Giai đoạn 2015 - 2020, toàn tỉnh đã hỗ trợ các hộ chăn nuôi xây dựng 1 nghìn công trình xử lý chất thải bằng bể biogas, hỗ trợ đệm lót sinh học để xử lý chất thải, hỗ trợ 25 máy ép phân, 96 bể trước và sau biogas. Đến nay, tỷ lệ trang trại đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng tuần hoàn, quan tâm xây dựng hầm biogas, công trình sau biogas chiếm khoảng 30%. Đồng chí Nguyễn Thị Hoa, Phó Trưởng phòng chăn nuôi (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết: Phát triển chăn nuôi theo hướng tuần hoàn trên địa bàn tỉnh đã khẳng định được hiệu quả cao trên các lĩnh vực như: Kinh tế, môi trường, xã hội. Quá trình chăn nuôi theo chu trình khép kín, tuần hoàn giúp chất thải được xử lý và dùng làm nguyên liệu cho trồng trọt, nuôi thủy sản; tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao, giảm tối đa sự lãng phí, thất thoát trong sản xuất và lượng chất thải ra môi trường.

Tuy nhiên, việc nhân rộng mô hình chăn nuôi theo hướng tuần hoàn trên địa bàn tỉnh còn gặp một số khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu là diện tích đất nông nghiệp ở một số địa phương bị thu hẹp để ưu tiên phát triển đô thị, không quy hoạch được khu chăn nuôi tập trung xa khu dân cư; phương thức chăn nuôi tuần hoàn hiện mới chỉ áp dụng cho các mô hình trang trại tổng hợp. Các trang trại chăn nuôi tập trung hiện phải liên kết với các hợp tác xã, người dân chuyên canh sản xuất rau màu để sử dụng hợp lý chất thải chăn nuôi…

Thời gian tới, để thúc đẩy phát triển chăn nuôi theo hướng tuần hoàn, bảo vệ và tái tạo môi trường sinh thái trong nông nghiệp, ngành chuyên môn và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh chuyển giao khoa học – kỹ thuật trong chăn nuôi; xây dựng và triển khai các dự án, mô hình theo hướng ứng dụng công nghệ cao, an toàn sinh học. Hoàn thiện và phát triển các mô hình chăn nuôi theo hướng tuần hoàn, quay vòng tuần hoàn trả lại hữu cơ cho đất, thúc đẩy sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả cơ chế, chính sách của Nhà nước để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, đồng thời đề xuất chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển kinh tế tuần hoàn cho cả nông hộ và doanh nghiệp tham gia tái chế chất thải, phụ phẩm nông nghiệp…

 

ga.jpg
Một hộ chăn nuôi gà mang lại hiệu quả kinh tế cao tại xã Tiên Phương (huyện Chương Mỹ). Ảnh: Nhật Nam

 

Hà Nội: Tập trung phát triển các sản phẩm chăn nuôi đặc sản, chất lượng cao

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg ngày 4/9/2014 về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015-2020. Triển khai quyết định này, các tỉnh, thành phố đã hỗ trợ cho các nông hộ 832,474 tỷ đồng, trong đó tập trung hỗ trợ về mua gia súc, gia cầm; đệm lót sinh học, xử lý chất thải...

Thông tin về việc thực hiện quyết định này trên địa bàn Hà Nội, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết, thành phố đã thực hiện các chính sách về giống (hỗ trợ 100% chi phí thụ tinh nhân tạo), trang thiết bị chuyên ngành, xử lý chất thải, hỗ trợ lãi suất vay vốn khôi phục phát triển chăn nuôi. Các chính sách hỗ trợ đã giúp nâng cao năng suất, chất lượng đàn vật nuôi. Đặc biệt, nhờ cơ chế hỗ trợ về giống mà chất lượng đàn bò thịt BBB của Hà Nội tăng đáng kể, đem lại thu nhập tăng thêm cho người chăn nuôi khoảng 2.000 tỷ đồng.

Theo ông Ngô Văn Sinh ở xã Đông Lỗ (huyện Ứng Hòa), nhờ sự hỗ trợ của các cấp về đào tạo khoa học kỹ thuật, các hộ dân đã xây dựng chuồng trại theo mô hình mới, làm đệm lót sinh học, tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi, vừa giảm bớt chi phí trong sản xuất, vừa bảo đảm an toàn dịch bệnh.

Còn ông Nguyễn Hưng Thỉnh ở xã Thọ Lộc (huyện Phúc Thọ) cũng khẳng định, được hỗ trợ về chế phẩm sinh học và xây dựng hầm biogas, trang trại của gia đình ông đã nuôi 200 lợn thịt theo hướng an toàn sinh học, nhờ đó đã kiểm soát được bệnh Dịch tả lợn châu Phi, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Dù có chuyển biến tích cực, nhưng chăn nuôi theo hình thức nông hộ hiện vẫn bộc lộ nhiều hạn chế như: Việc xử lý chất thải chưa triệt để, diện tích chuồng trại nhỏ nên khó áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học… Về vấn đề này, theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa Đặng Thị Tươi, việc thực hiện Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg vẫn còn nhiều khó khăn do giá sản phẩm chăn nuôi trên thị trường không ổn định, dịch bệnh thường xuyên xảy ra nên hộ nông dân hạn chế đầu tư xây mới các công trình khí sinh học.

Để tháo gỡ những khó khăn nêu trên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho rằng, các địa phương cần ưu tiên hỗ trợ các hộ chăn nuôi bảo đảm điều kiện về chuồng trại; đồng thời yêu cầu xây dựng hầm biogas, đệm lót sinh học… để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Hà Nội đề xuất Bộ NN&PTNT tham mưu với Chính phủ có chính sách hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi tiếp cận nguồn vốn tín dụng để mở rộng đầu tư chăn nuôi an toàn sinh học; hỗ trợ di dời chăn nuôi ra khỏi khu dân cư phù hợp với Luật Chăn nuôi...

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhận định, trong giai đoạn 2021-2025, dư địa phát triển của ngành chăn nuôi còn rất lớn, bên cạnh việc đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng công nghiệp, trang trại, ngành Nông nghiệp tiếp tục tham mưu Chính phủ có những chính sách hỗ trợ cho chăn nuôi theo hình thức nông hộ theo tiêu chí quy định của Luật Chăn nuôi về mua con giống, xử lý chất thải, chế phẩm sinh học... Cùng với đó, hỗ trợ xây dựng và phát triển sản phẩm chăn nuôi quốc gia, chăn nuôi hữu cơ; đẩy mạnh xúc tiến thương mại và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi. Tuy nhiên, các địa phương cần tập trung phát triển các sản phẩm chăn nuôi đặc sản, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường nội địa và xuất khẩu.

Hà Nam: Người chăn nuôi cần cẩn trọng cả trong quá trình tái đàn và chăm sóc

Tìm hiểu tại chợ đầu mối gia súc, gia cầm Hà Nam thuộc địa bàn xã Bối Cầu (Bình Lục), giá lợn hơi duy trì ở mức bình quân dưới 70 nghìn đồng/kg từ một tháng trở lại đây và là thấp nhất trong khoảng hơn một năm nay. Lượng lợn đưa về bán tại chợ hằng ngày khoảng 1.000 con tăng từ 300 - 400 con so với giai đoạn cuối năm 2020, đầu năm 2021. Trong đó, số lợn thịt được nuôi trong tỉnh chiếm trên 70%. Tuy nhiên, lượng giao dịch không nhiều, chủ yếu bán cho thương lái trong tỉnh và một vài tỉnh lân cận.

 

gia-lon-hoi-xuat-chuong-xuong-thap-nguoi-chan-nuoi-56-0.jpg
Kiểm tra nguồn nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi tại Công ty cổ phần công nghệ sinh học Tân Việt, thị trấn Bình Mỹ (Bình Lục).

 

Ông Nguyễn Văn Chinh, quản lý chợ đầu mối gia súc, gia cầm Hà Nam cho biết: Do tác động từ dịch Covid-19 nên khách hàng tại nhiều tỉnh, thành phố rất hạn chế về chợ mua lợn thịt như trước đây. Vì thế, mỗi ngày số lợn còn tồn đọng tại các ô chuồng trong chợ lên đến trên 300 con.

Thực tế, giá lợn hơi xuất chuồng giảm xuống thời gian qua đang ảnh hưởng không nhỏ đến người chăn nuôi trong điều kiện chi phí sản xuất đều tăng. Giá lợn giống hiện nay vẫn duy trì ở mức 2,8 - 3 triệu đồng/con có trọng lượng 7 kg. Giá thức ăn chăn nuôi trong vòng một năm qua tăng 5 lần, mỗi con lợn thịt có trọng lượng 100 kg riêng chi phí thức ăn đã ở mức 3 triệu đồng, tăng khoảng 500 nghìn đồng... Như vậy, chi phí để nuôi 1 con lợn thịt có trọng lượng 100kg cộng cả tiền giống, thức ăn, thuốc thú y đã lên đến hơn 6 triệu đồng. Với những hộ chăn nuôi không tự chủ động được con giống phải nhập từ bên ngoài gần như hòa vốn, nếu rủi ro hao hụt trong quá trình nuôi rất dễ dẫn đến thua lỗ.

Theo người chăn nuôi: Tỷ lệ hao hụt mỗi lứa lợn thường ở mức  3 - 5%. Với giá lợn hơi xuất chuồng xuống thấp như hiện nay chăn nuôi nhỏ lẻ khoảng 10 - 20 con/lứa sẽ không có lãi, khả năng thua lỗ rất lớn.

Trước tình hình giá lợn hơi xuất chuồng giảm ảnh hưởng đến hiệu quả chăn nuôi của người dân, ngành nông nghiệp đã có khuyến cáo và hướng dẫn đến người dân. Theo đó, người chăn nuôi, nhất là các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ cần cân nhắc khi tái đàn. Nguồn con giống nhập về nuôi bảo đảm nguồn gốc, xuất xứ, sạch bệnh. Trong quá trình nuôi, áp dụng tốt biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, nhất là tiêm đầy đủ các loại vắc - xin và vệ sinh, khử trùng tiêu độc chuồng trại thường xuyên phòng, chống dịch bệnh. Như vậy mới hạn chế tối đa được rủi ro hao hụt trong quá trình chăn nuôi.

Theo ông Đỗ Mạnh Hà, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – Thú y (Sở NN & PTNT), trong điều kiện giá lợn hơi xuất chuồng xuống thấp và dịch bệnh vẫn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh, người chăn nuôi cần cẩn trọng cả trong quá trình tái đàn và chăm sóc, hạn chế thấp nhất rủi ro.

Chăn nuôi lợn của tỉnh vẫn được xác định là hướng đi chính góp phần thúc đẩy phát triển và nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp. Do vậy, việc duy trì sản xuất hiệu quả đàn lợn trong điều kiện giá lợn hơi xuất chuồng xuống thấp giúp bảo đảm phát triển giai đoạn tiếp theo./.

 

Thanh Tâm (T/h)
Ý kiến bạn đọc
  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Nỗ lực Dần Thàng

    Nỗ lực Dần Thàng

    Chỉ vài ba năm trở về trước, xã Dần Thàng (Văn Bàn, Lào Cai) còn là một địa danh ẩn sâu trong những tán rừng, được bao bọc bởi nhiều dãy núi, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Dao. Quyết tâm XD NTM đã khiến Dần Thàng “chuyển động”, mạnh mẽ nhất là phong trào phát triển kinh tế.

  • Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu, bền vững, từng bước hiện đại đang được Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Quảng Trị triển khai có hiệu quả.

  • Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Để "đặt chân" sâu hơn vào thị trường quốc tế đòi hỏi sản phẩm OCOP cần phải khắc phục hạn chế và sản xuất cái thị trường cần thay vì cái mình có, định vị thị trường và mở kênh bán hàng…

Top