Sau thời gian đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu nông sản, đã có nhiều sản phẩm nông nghiệp chinh phục được người tiêu dùng trong và ngoài nước, mang lại giá trị cao cho nông dân. Thương hiệu chính là “chìa khóa” mở cánh cửa cho nông sản.
Hà Nội: Thương hiệu cho nông sản: “Chìa khóa” mở cửa thị trường
Việc xây dựng thương hiệu vẫn là câu chuyện dài với nông nghiệp Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.
Giải pháp nào để tháo những “nút thắt” trong việc xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị nông sản Thủ đô?
Đánh giá về hiệu quả của việc xây dựng thương hiệu nông sản, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại nhận định, hiện nay, Hà Nội đã xây dựng được hơn 40 nhãn hiệu nông sản, được bảo hộ thương hiệu. Trong đó nhiều loại đặc sản mang hương vị riêng, được người tiêu dùng ưa chuộng như: Cam Canh, bưởi Diễn, tương Cự Đà, gà đồi Ba Vì, vịt cỏ Vân Đình, bưởi tôm vàng Đan Phượng, nếp cái hoa vàng Đông Anh... Từ việc tạo dựng thương hiệu, giá trị nông sản của Hà Nội tăng 20-25% so với khi chưa có thương hiệu và mang lại hiệu quả cao về kinh tế cho người sản xuất.
Để nâng cao vị thế của nông sản Hà Nội ở thị trường trong nước và xuất khẩu ra thế giới, nhiều giải pháp đã được đưa ra như: Hỗ trợ người dân về quy trình sản xuất an toàn nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng cao; thúc đẩy liên kết “4 nhà” để tham gia chặt chẽ, hiệu quả vào lộ trình xây dựng thương hiệu nông sản; tập trung phát triển một số mặt hàng nông sản chủ lực để hình thành vùng nguyên liệu ổn định…
Về vấn đề này, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hà Nội Lê Trọng Khuê cho biết: Nhằm hỗ trợ hội viên nông dân xây dựng thương hiệu nông sản, Hội Nông dân thành phố đã yêu cầu các cấp hội hằng năm phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng từ 1 đến 2 thương hiệu sản phẩm nông nghiệp truyền thống và mô hình chuyên canh sản xuất hàng hóa chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.
Liên quan đến những giải pháp căn cơ cho việc xây dựng thương hiệu nông sản Hà Nội, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ tiết lộ, Sở đã và đang xây dựng, lồng ghép nhiều mô hình sản xuất an toàn, hữu cơ làm tiền đề cho việc xây dựng thương hiệu nông sản.
Mặt khác, các sở, ngành của thành phố sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng hóa, xử lý nghiêm các trường hợp gian lận thương mại, nhãn mác bao bì sản phẩm, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh giữa các sản phẩm nông nghiệp, bảo vệ người tiêu dùng và người sản xuất. Với các địa phương, nên chủ động lựa chọn nông sản có thế mạnh để xây dựng thương hiệu, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất.
Từ những vấn đề nêu trên, có thể thấy, việc phát triển, xây dựng thương hiệu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, và như nhiều người vẫn nói, việc này chính là "mạ vàng" cho nông sản.
Để làm được điều đó, bên cạnh những chính sách hỗ trợ của thành phố, huyện, người nông dân cần thay đổi tư duy, thay vì “ăn xổi ở thì”, cần giữ chữ “tín”, “làm thật” để “ăn thật”, chú trọng vào việc nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu nông sản để từ đó nâng cao giá trị sản phẩm. Đây chính là “chìa khóa” mở ra cánh cửa thị trường, để nông sản Thủ đô chinh phục người tiêu dùng trong nước và thế giới.
Hải Dương: Thêm 13 vùng sản xuất lúa tập trung
Vụ mùa năm nay, toàn tỉnh xây dựng được 83 vùng sản xuất lúa tập trung (SXLTT) có quy mô từ 30 ha/vùng trở lên với tổng diện tích gần 2.700 ha, tăng 13 vùng so với vụ trước.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vụ mùa năm nay, toàn tỉnh xây dựng được 83 vùng sản xuất lúa tập trung (SXLTT) có quy mô từ 30 ha/vùng trở lên với tổng diện tích gần 2.700 ha, tăng 13 vùng so với vụ trước. Các địa phương có nhiều vùng SXLTT là Bình Giang (17 vùng), Thanh Miện (13 vùng), Tứ Kỳ (10 vùng), Nam Sách (9 vùng)... Vùng SXLTT gieo cấy các giống lúa chất lượng cao như Bắc thơm số 7 kháng bạc lá, Thiên ưu 8, DQ 11... và được bao tiêu tối thiểu 50% sản lượng.
Các vùng SXLTT được tỉnh hỗ trợ lần đầu 2,5 triệu đồng/ha và hỗ trợ duy trì 1,5 triệu đồng/ha chi phí mua giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
Thanh Hóa: Nhiều địa phương tái phát bệnh dịch tả lợn Châu Phi
Sau một thời gian được kiểm soát, gần đây, bệnh dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) đã tái phát tại nhiều địa phương trong tỉnh, diễn biến của bệnh dịch ngày càng phức tạp.
Theo số liệu cập nhật của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa, chỉ tính riêng từ ngày 13 đến ngày 19-9, đã có huyện Bá Thước và thị xã Bỉm Sơn tái phát dịch. Đối với đơn vị cấp xã, có 87 xã tái phát dịch. Trong đó, có 32 xã, thuộc 15 huyện, thị xã, thành phố mới tái dịch.
Ngoài ra, trong tuần qua, còn có 11 xã, thuộc 8 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh phát sinh ổ dịch mới. Lũy kế tính đến 16h ngày 19-9-2019, trên địa bàn tỉnh, bệnh DTLCP đã xảy ra tại 14.187 hộ của 1.648 thôn, 432/635 xã của 27 huyện, thị xã, thành phố; buộc phải tiêu hủy 105.439 con lợn, trọng lượng hơn 7.510 tấn.
Như vậy, tính đến hết ngày 19-9, trên địa bàn tỉnh có 1.215 thôn, 262 xã của 22 huyện đang còn dịch bệnh DTLCP chưa qua 30 ngày.
Hiện, các sở ngành có liên quan và các địa phương đang tích cực phối hợp, tăng cường thực hiện các giải pháp nhằm đối phó với diễn biến phức tạp của bệnh dịch, như: Tiếp tục thực hiện tiêu độc khử trùng tại các điểm có dịch theo quy định; tăng cường công tác kiểm soát bệnh dịch tại các trạm chốt, trạm kiểm soát; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, thiết bị vật tư và cơ số thuốc để thực hiện công tác phòng, chống bệnh dịch; tăng cường thực hiện lấy mẫu giám sát đối với lợn sống nhập lậu, điểm thu gom buôn bán lợn sống và một số trang trại chăn nuôi lợn./.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…