Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 2 tháng 8 năm 2019 | 15:25

NN ĐBSH: Mùa "nhãn đắng" khi nhiều hộ trồng mất trắng

Mùa nhãn năm 2019, nhiều nhà vườn tại “thủ phủ” nhãn lồng tỉnh Hưng Yên đã mất trắng cả vườn, sản lượng chung tụt giảm quá nửa so với năm trước.

Hưng Yên: Nhiều hộ trồng mất trắng, đẩy giá nhãn cao

Vào thời điểm cuối tháng 7 hàng năm, trên dọc những con đường của huyện Khoái Châu - vựa nhãn lồng của tỉnh Hưng Yên, hình ảnh thường bắt gặp là những rặng nhãn sai trĩu quả, thương lái các nơi đổ xô về xem và đặt hàng. Nhưng năm nay, câu chuyện đã khác. Vẫn còn đó những rặng nhãn hàng chục năm tuổi nhưng chỉ lác đác một số cây đậu quả và cũng rất thưa thớt. Mùa nhãn này người dân Hưng Yên mất mùa.

 

4.jpg
Ảnh minh họa.

 
Vườn nhãn rộng hơn 3 mẫu (trên 10.000 m2) của gia đình ông Nguyễn Văn Lập ở thôn An Cảnh, xã Hàm Tử (Khoái Châu, Hưng Yên) chỉ có ít cây đậu quả và năng xuất cũng không cao. Số nhãn thu hoạch dự tính sẽ chỉ khoảng 2 tấn. Dù giá nhãn năm nay có cao hơn các năm trước nhưng tiền thuê công thợ, tiền phun thuốc… gia đình ông Lập vẫn lỗ.

Với gần 70 gốc nhãn trên 20 năm tuổi của gia đình ông Nguyễn Văn Du ở xã Đông Kết (Khoái Châu, Hưng Yên) năm nay không đậu quả, mất trắng vườn. Ông Du cho biết, vườn nhãn năm nay khoảng tháng 3 vẫn còn được gần một nửa số lượng cây đậu quả nhưng sau một trận mưa thì rụng hết, vụ nhãn này coi như xong.

Một số ít hộ trồng nhãn ở Hưng Yên năm nay giữ được nhãn, dù sản lượng chỉ bằng 1/3 năm trước nhưng với giá nhãn tăng cao thu nhập sẽ không giảm so với năm 2018.

“Năm ngoái, sản lượng vườn được 20 tấn gia đình thu về được trên 250 triệu đồng, năm nay sản lượng dự tính chỉ còn 7 tấn nhưng giá nhãn cao nên thu nhập của gia đình cũng sẽ không giảm so với năm 2018” - ông Nguyễn Văn Yêm tại xã Hàm Tử nói.
Ông Nguyễn Thanh Quyết, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp, huyện Khoái Châu cho biết, năm 2018 giá nhãn đại trà trung bình đạt từ 12.000 - 15.000 đồng/kg, thì năm nay giá nhãn đầu vụ tại vườn 40.000 - 45.000 đồng/kg, vào chính vụ giá có thể giảm 35.000 - 40.000 đồng/kg nhưng vẫn gấp 3 giá nhãn năm ngoái.

Tình trạng mất trắng vườn là cục bộ ở một số nơi trong huyện Khoái Châu, tính chung toàn huyện dự báo sản lượng nhãn năm 2019 được khoảng 9.000 tấn (năm 2018 là 30.000 tấn). Nhãn lồng năm nay được giá nên giá trị thu từ nhãn năm nay huyện Khoái Châu vẫn gần bằng mức của năm trước.

Nguyên nhân mất mùa nhãn ông Quyết cho biết, do thời tiết có diễn biến bất thường vào Tết Nguyên đán khi cây nhãn bắt đầu phân hoá hoa thì trời nắng nóng, tháng 5 có những đợt nắng nóng… điều này đã khiến nhãn năm nay mất mùa.

“Với người trồng nhãn thì canh tác, chăm sóc cây chỉ chiếm 20% còn lại được hay mất mùa 80% phụ thuộc vào thời tiết. Năm nay diễn biến thời tiết quá bất thường khi đầu hè hoa còn nở, nhãn có những vườn giữ được quả đậu rồi nhưng sau đó lại rụng” - ông Quyết nói.

Toàn tỉnh Hưng Yên có hơn 3.820 ha trồng nhãn (huyện Khoái Châu chiếm khoảng 50%) năm 2018 sản lượng đạt trên 48.000 tấn. Năm nay, dù giá nhãn có cao nhưng sản lượng chỉ còn 1/3. Với một số nhà vườn giữ được nhãn, thu nhập sẽ không tụt giảm nhưng với những nơi bị mất trắng thì năm nay là mùa “nhãn đắng”

Hải Dương: Giá nhãn tăng gấp đôi

Theo Phòng Kinh tế TP. Chí Linh, giá nhãn đầu vụ năm nay tại thành phố đạt từ 30.000- 40.000 đồng/kg, cao gấp đôi so với năm trước.

 

1.jpg
Giá nhãn ở TP Chí Linh năm nay cao gấp đôi năm ngoái. (Ảnh: PV)

 

Nguyên nhân do sản lượng nhãn giảm, chỉ đạt khoảng 500 tấn, bằng 25% sản lượng vụ trước. Hiện nông dân đã thu hoạch xong nhãn sớm và đang thu nhãn muộn. Khoảng 1 tháng nữa sẽ hết mùa nhãn.

TP Chí Linh có 750ha trồng nhãn, tập trung ở các xã, phường Hoàng Tân, Hoàng Tiến, Hoàng Hoa Thám, Bắc An, Bến Tắm. Thành phố vẫn duy trì 20ha nhãn VietGAP ở các phường Hoàng Tân, Hoàng Tiến.

Bắc Ninh: Phấn đấu giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt 8.473 tỷ đồng

Tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản của tỉnh 6 tháng đầu năm 2019 ước đạt 4.676,4 tỷ đồng (giá so sánh năm 2010), đạt 52,2% kế hoạch, giảm 8,9% so với cùng kỳ năm 2018. Chương trình xây dựng Nông thôn mới được quan tâm triển khai, số tiêu chí đạt chuẩn Nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đạt 18,85 tiêu chí/xã, tăng 0,18 tiêu chí/xã so với cuối năm 2018. Toàn tỉnh hình thành 263 vùng sản xuất lúa hàng hóa quy mô từ 5ha trở lên.

 

3.jpg
Ảnh minh họa. 

Mục tiêu năm 2019, toàn tỉnh phấn đấu giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt 8.473 tỷ đồng (giá so sánh năm 2010). Đến cuối năm, toàn tỉnh có 96/97 xã, có thêm 2 huyện đạt chuẩn Nông thôn mới.

Để hoàn thành mục tiêu trên, ngành Nông nghiệp đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp, trong đó trọng tâm: Chỉ đạo chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, tạo điều kiện cho lúa mùa sinh trưởng, phát triển thuận lợi, đạt năng suất, sản lượng cao. Áp dụng và triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng ổn định diện tích, thâm canh tăng năng suất. Tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các xã, huyện lập hồ sơ đạt chuẩn NTM theo kế hoạch.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Thành chia sẻ khó khăn do bệnh dịch tả lợn Châu Phi gây ra đã ảnh hưởng đến tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản. Đồng thời chỉ ra những nhiệm vụ, giải pháp ngành Nông nghiệp, các địa phương cần tập trung triển khai trong thời gian tới: Tiếp tục Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của ngành. Hướng dẫn nông dân chăm sóc lúa và rau mầu vụ mùa để lúa sau cấy đẻ nhánh sớm, tập trung và sinh trưởng phát triển thuận lợi. Quan tâm chỉ đạo tái cơ cấu ngành chăn nuôi, tập trung phát triển chăn nuôi đại gia súc; phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, ngoài khu dân cư.

Thanh Hóa: Hơn 200ha ngô bị nhiễm sâu keo mùa thu

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh hiện có 210,8 ha ngô vụ thu mùa bị nhiễm sâu keo mùa thu. Trong đó, 127,8 ha nhiễm nhẹ, 57 ha nhiễm mức trung bình và 26 ha nhiễm nặng.

 

2.jpg
Diện tích ngô bị nhiễm sâu keo mùa thu tại xã Cẩm Phong (Cẩm Thủy).

Đây là loại sâu mới có mức độ phát triển nhanh, tỷ lệ gây hại lớn. Vì vậy, để đối phó với đối tượng sâu keo trên cây ngô, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp với chính quyền các địa phương rà soát, nắm rõ diện tích trồng ngô, phân bố, giai đoạn sinh trưởng và các giống chủ lực sử dụng vào gieo trồng để làm cơ sở xây dựng phương án phòng, chống phù hợp cho từng địa phương.

Ngành nông nghiệp cũng đề nghị các huyện, thị xã, thành phố và bà con nông dân tiếp tục theo dõi diễn biến của sâu, kiểm tra thăm đồng để có biện pháp phòng, trừ kịp thời. Khi phun trừ sử dụng tạm thời các loại thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ theo danh mục của Cục Bảo vệ thực vật, như: Bacillus thurigensis, Spinetoram, Indoxacard và Lufenuron. Lưu ý, các loại thuốc này chỉ sử dụng phòng trừ sâu keo mùa thu trong thời gian tối đa đến ngày 31/12/2019./.

 

Thanh Tâm (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

  • Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Hai bên thống nhất sẽ cùng nghiên cứu, tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ngành ngân hàng nói riêng và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cuba nói chung.

  • Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.

Top